Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Nội tiết - chuyển hóa/
  4. Suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin

Tuyến thượng thận sản xuất các hormone quan trọng mà cơ thể bạn sử dụng cho một số chức năng cơ bản nhất. Khi các tuyến này không sản xuất đủ các hormone đó, bạn sẽ gặp phải tình trạng gọi là suy tuyến thượng thận. Đây là là một rối loạn hiếm gặp và thường khó được chẩn đoán sớm. Do đó việc nhận biết các triệu chứng sớm của suy tuyến thượng thận là rất quan trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là gì?

Suy tuyến thượng thận là một rối loạn xảy ra khi các tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone cần thiết. Các tuyến thượng thận nằm ngay trên thận. Suy tuyến thượng thận có thể là nguyên phát, thứ phát hoặc tam phát. Suy tuyến thượng thận nguyên phát thường được gọi là bệnh Addison.

  • Bệnh Addison: Bệnh Addison xảy ra khi các tuyến thượng thận bị tổn thương và không thể sản xuất đủ hormone cortisol, và đôi khi là hormone aldosterone.
  • Suy tuyến thượng thận thứ phát: Suy tuyến thượng thận thứ phát là do bệnh từ tuyến yên. Tuyến yên sản xuất hormone adrenocorticotropin (ACTH), hormone này có vai trò thông báo cho các tuyến thượng thận sản xuất cortisol. Nếu tuyến yên không sản xuất đủ ACTH, các tuyến thượng thận sẽ không sản xuất đủ cortisol. Theo thời gian, các tuyến thượng thận có thể teo đi và ngừng hoạt động.
  • Suy tuyến thượng thận tam phát: Suy tuyến thượng thận tam phát xuất phát từ vùng hạ đồi. Vùng hạ đồi sản xuất hormone corticotropin-releasing hormone (CRH), hormone này có vai trò thông báo cho tuyến yên sản xuất ACTH. Khi vùng hạ đồi không sản xuất đủ CRH, tuyến yên sẽ không sản xuất đủ ACTH. Kết quả là, các tuyến thượng thận không sản xuất đủ cortisol.

Suy tuyến thượng thận có thể ảnh hưởng đến khả năng của cơ thể trong việc phản ứng với căng thẳng và duy trì các chức năng sống thiết yếu khác.Hầu hết những người bị thiếu hụt hormone tuyến thượng thận có thể sống một cuộc sống bình thường và năng động.

Triệu chứng suy tuyến thượng thận

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tuyến thượng thận

Các triệu chứng phổ biến nhất của suy tuyến thượng thận là

  • Mệt mỏi mãn tính hoặc kéo dài;
  • Yếu cơ;
  • Mất cảm giác thèm ăn;
  • Giảm cân;
  • Đau bụng.

Các triệu chứng khác của suy tuyến thượng thận có thể bao gồm

  • Buồn nôn;
  • Nôn mửa;
  • Tiêu chảy;
  • Huyết áp thấp, giảm nhiều hơn khi bạn đứng dậy, gây chóng mặt hoặc ngất;
  • Cáu kỉnh và trầm cảm;
  • Đau khớp;
  • Thèm đồ ăn mặn;
  • Hạ đường huyết, hoặc lượng đường trong máu thấp;
  • Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt;
  • Mất hứng thú với tình dục.

Suy tuyến thượng thận nguyên phát cũng có thể gây sạm da. Sự sạm da này dễ thấy nhất ở các vết sẹo, nếp gấp da, các điểm tỳ đè như khuỷu tay, đầu gối, đốt ngón tay và ngón chân, môi, và niêm mạc như niêm mạc má.

Vì các triệu chứng của suy tuyến thượng thận xuất hiện chậm theo thời gian nên chúng có thể bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác. Đôi khi các triệu chứng xuất hiện lần đầu tiên trong cơn suy tuyến thượng thận cấp.

Suy tuyến thượng thận có tác động như thế nào với cơ thể? 1.png
Mất cảm giác thèm ăn là triệu chứng thường gặp của suy tuyến thượng thận

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh suy tuyến thượng thận

Biến chứng nghiêm trọng nhất của suy tuyến thượng thận được gọi là cơn suy tuyến thượng thận cấp. Nếu không được điều trị ngay, cơn suy tuyến thượng thận cấp có thể gây tử vong. Cơ thể bạn cần nhiều cortisol hơn bình thường trong thời gian cơ thể bị stress bởi bệnh, chấn thương nghiêm trọng hoặc phẫu thuật gây ra. Việc thiếu cortisol nghiêm trọng vào những thời điểm này có thể gây ra huyết áp thấp, đường huyết thấp, natri máu thấp và kali máu cao đe dọa tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có một trong những triệu chứng của cơn suy tuyến thượng thận cấp:

  • Yếu cơ nặng.
  • Đau dữ dội, đột ngột ở lưng dưới, bụng hoặc chân.
  • Cảm thấy bồn chồn, bối rối, sợ hãi.
  • Nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến mất nước.
  • Huyết áp thấp.
  • Mất ý thức.

Hãy đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân suy tuyến thượng thận

Các loại suy tuyến thượng thận khác nhau có nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân phổ biến nhất của suy tuyến thượng thận nói chung là sự đột ngột ngừng dùng corticosteroid sau khi dùng trong một thời gian dài.

Suy tuyến thượng thận nguyên phát

Suy tuyến thượng thận nguyên phát thường do bệnh tự miễn gây ra. Lúc này hệ thống miễn dịch của bạn tấn công các tế bào và cơ quan của chính cơ thể bạn. Ở các nước phát triển, bệnh tự miễn gây ra 8 hoặc 9 trong số 10 trường hợp mắc suy tuyến thượng thận nguyên phát.

Một số bệnh nhiễm trùng cũng có thể gây ra suy tuyến thượng thận nguyên phát. Bệnh lao có thể gây tổn thương tuyến thượng thận và từng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra suy tuyến thượng thận nguyên phát. Khi phương pháp điều trị được cải thiện qua nhiều năm, bệnh lao đã trở thành nguyên nhân ít phổ biến hơn nhiều. Những người mắc HIV/AIDS, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra suy tuyến thượng thận nguyên phát.

Nguyên nhân ít phổ biến hơn của suy tuyến thượng thận nguyên phát:

  • Ung thư tuyến thượng thận.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận để điều trị các tình trạng bệnh khác.
  • Xuất huyết tuyến thượng thận.
  • Rối loạn di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc hoạt động của tuyến thượng thận.
  • Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng nấm hoặc thuốc gây mê toàn thân.

Suy tuyến thượng thận thứ phát

Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến khả năng sản xuất ACTH của tuyến yên đều có thể gây ra tình trạng suy thượng thận thứ phát. Tuyến yên sản xuất nhiều loại hormone khác nhau, do đó ACTH có thể không phải là hormone duy nhất bị thiếu.

Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận thứ phát bao gồm:

  • Bệnh tự miễn.
  • Khối u tuyến yên hoặc nhiễm trùng.
  • Xuất huyết tuyến yên.
  • Các bệnh di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc hoạt động của tuyến yên.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến yên để điều trị các tình trạng bệnh khác.
  • Chấn thương sọ não.

Suy tuyến thượng thận tam phát

Nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tuyến thượng thận tam phát là đột nhiên ngừng dùng corticosteroid sau khi dùng trong thời gian dài. Nồng độ corticosteroid trong máu cao thời gian dài khiến vùng hạ đồi sản xuất ít CRH hơn. Ít CRH có nghĩa là ít ACTH hơn, từ đó khiến tuyến thượng thận ngừng sản xuất cortisol.

Sau khi bạn ngừng dùng corticosteroid, tuyến thượng thận của bạn có thể chậm hoạt động trở lại. Để tuyến có thời gian bắt đầu sản xuất cortisol trở lại, bác sĩ thường sẽ giảm dần liều dùng trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng.

Suy tuyến thượng thận tam phát cũng có thể xảy ra sau điều trị hội chứng Cushing. Hội chứng Cushing là một rối loạn nội tiết tố do nồng độ cortisol trong máu cao trong thời gian dài. Đôi khi hội chứng Cushing là do khối u ở tuyến yên hoặc tuyến thượng thận tạo ra quá nhiều ACTH hoặc cortisol. Sau khi các khối u được phẫu thuật cắt bỏ, nguồn ACTH hoặc cortisol dư thừa đột nhiên biến mất. Tuyến thượng thận của bạn có thể chậm hoạt động trở lại.

Chia sẻ:

Có thể bạn quan tâm

Nguồn tham khảo

Câu hỏi thường gặp về bệnh suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận có thể điều trị không?

Có, suy tuyến thượng thận thường được điều trị bằng cách liệu pháp hormone thay thế, thường là cortisol. Bác sĩ sẽ xác định liều thuốc phù hợp dựa trên tình trạng của bạn.

Xem thêm thông tin: Suy tuyến thượng thận có chữa được không?

Có cần thay đổi chế độ ăn uống khi bị suy tuyến thượng thận không?

Suy tuyến thượng thận có di truyền không?

Suy tuyến thượng thận có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

Bị suy tuyến thượng thận có cần tránh ánh nắng mặt trời không?

Hỏi đáp (0 bình luận)