Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh thận đái tháo đường là gì? Cách phòng ngừa và điều trị bệnh thận đái tháo đường

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh thận đái tháo đường là tên gọi được đặt cho tổn thương thận do bệnh đái tháo đường gây nên. Bệnh thận đái tháo đường tiến triển chậm, do đó, việc điều trị sớm, bạn có thể làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh thận đái tháo đường là gì?

Bệnh thận đái tháo đường là một loại bệnh thận xảy ra ở những người mắc đái tháo đường. Nó gây ảnh hưởng đến những người mắc đái tháo đường cả típ 1 và típ 2. Tỷ lệ suy thận ở người bệnh đái tháo đường típ 1 là khoảng 40%, và tỷ lệ này ở những người bệnh đái tháo đường típ 2 là khoảng 20 đến 30%.

Bệnh thận đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng thận hư ở người lớn. Đồng thời, nó cũng là nguyên nhân chính của bệnh thận giai đoạn cuối ở các nước phát triển bao gồm cả Hoa Kỳ.

Một thống kê khác cho thấy, gần ⅕ người bệnh đái tháo đường sẽ cần điều trị bệnh thận do đái tháo đường, đây là một con số đáng lo ngại. Tuy nhiên, có rất nhiều điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ phát triển bệnh, đồng thời nếu được phát hiện và điều trị sớm, có thể làm chậm lại diễn tiến của bệnh thận đái tháo đường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường

Trong giai đoạn đầu của bệnh thận đái tháo đường thường không gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Bạn có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bạn ở giai đoạn cuối của bệnh thận mạn. Đây là lý do vì sao việc xét nghiệm kiểm tra bệnh thận hằng năm là rất quan trọng, vì phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm diễn tiến bệnh. Các triệu chứng của bệnh thận mạn giai đoạn cuối có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Cảm giác không khỏe;
  • Ăn mất ngon;
  • Đau đầu;
  • Ngứa và khô da;
  • Buồn nôn hay nôn;
  • Phù tay và phù chân.
Bệnh thận đái tháo đường là gì? Cách phòng ngừa và điều trị bệnh thận đái tháo đường 4
Phù tay, chân là một dấu hiệu của bệnh thận đái tháo đường

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thận đái tháo đường

Có năm giai đoạn của bệnh thận, giai đoạn 1 là nhẹ nhất với chức năng thận có thể được phục hồi bằng điều trị. Giai đoạn 5 là dạng suy thận nghiêm trọng nhất. Ở giai đoạn 5, thận không còn hoạt động nữa và bạn sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh thận đái tháo đường có thể gây tổn thương thận đến giai đoạn cuối là phải lọc máu hoặc ghép thận.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Điều quan trọng là phát hiện sớm bệnh thận đái tháo đường. Do đó, nếu bạn mắc đái tháo đường, hãy đến gặp bác sĩ để được khám, xét nghiệm định kỳ để đánh giá bệnh thận đái tháo đường cũng như các biến chứng khác của đái tháo đường.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh thận đái tháo đường

Một trong những công việc chính của thận là lọc máu. Chúng loại bỏ các chất lỏng dư thừa và chất thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Mỗi quả thận có khoảng một triệu nephron, đây là một cấu trúc nhỏ giúp lọc chất thải từ máu. Bệnh đái tháo đường có thể làm cho các nephron dày lên và tạo sẹo, khiến chúng giảm khả năng lọc và loại bỏ chất thải. Điều này xảy ra khiến rò rỉ một loại protein là albumin từ máu vào nước tiểu. Albumin có thể được đo để giúp chẩn đoán và xác định sự tiến triển của bệnh thận đái tháo đường.

Bệnh thận đái tháo đường là gì? Cách phòng ngừa và điều trị bệnh thận đái tháo đường 5
Sự hiện diện albumin trong nước tiểu là một dấu hiệu của bệnh thận đái tháo đường

Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định, tuy nhiên, với nồng độ glucose (đường) trong máu cao có thể làm tổn thương thận thông qua nhiều con đường khác nhau và phức tạp, hầu hết liên quan đến việc làm hỏng các mạch máu nhỏ và bộ lọc tại thận. Tăng huyết áp cũng có thể làm quá trình tổn thương thận này xảy ra. Trong đó, tăng huyết áp được cho là góp phần trực tiếp, vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của bệnh thận đái tháo đường.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường?

Tất cả các đối tượng mắc đái tháo đường típ 1 hoặc típ 2 đều có nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường

Bất cứ ai mắc đái tháo đường đều có nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường, tuy nhiên bạn sẽ có nguy cơ cao hơn nếu:

  • Là người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha hoặc người Mỹ gốc Ấn;
  • Có tiền căn gia đình mắc bệnh thận đái tháo đường;
  • Yếu tố di truyền (giảm số lượng cầu thận);
  • Thời gian và mức độ tăng đường huyết;
  • Rối loạn lipid máu;
  • Phát triển bệnh đái tháo đường típ 1 trước 20 tuổi;
  • Hút thuốc lá;
  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Có các biến chứng của bệnh đái tháo đường khác như bệnh về mắt hoặc tổn thương thần kinh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thận đái tháo đường

Nếu bạn mắc đái tháo đường, bác sĩ hầu như sẽ thực hiện các xét nghiệm máu và nước tiểu hằng năm để kiểm tra các dấu hiệu sớm của tổn thương thận. Các xét nghiệm phổ biến bao gồm:

  • Sinh thiết thận: Bác sĩ cũng có thể yêu cầu sinh thiết thận nếu có chỉ định. Đây là một thủ tục phẫu thuật, trong đó, một mẫu mô nhỏ của thận sẽ được lấy ra để quan sát dưới kính hiển vi.
  • Xét nghiệm ACR nước tiểu: Đây là một xét nghiệm nước tiểu đơn giản, được gọi là tỷ lệ albumin/creatinin niệu, nhằm tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy protein đang rò rỉ vào nước tiểu. Đây thường là dấu hiệu sớm của bệnh thận.
  • Xét nghiệm microalbumin nước tiểu: Xét nghiệm microalbumin niệu kiểm tra lượng albumin trong nước tiểu của bạn. Nước tiểu thông thường không chứa albumin, vì vậy sự hiện diện albumin trong nước tiểu là dấu hiệu tổn thương thận.
  • Xét nghiệm BUN máu: Xét nghiệm giúp kiểm tra sự hiện diện của ure nitrogen trong máu. Ure nitrogen hình thành khi protein bị phân hủy, nồng độ cao hơn mức bình thường có thể là dấu hiệu của bệnh thận.
  • Xét nghiệm creatinin máu: Xét nghiệm nhằm đo nồng độ creatinin trong máu của bạn. Trong điều kiện thông thường, thận sẽ loại bỏ creatinin từ máu ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Khi thận bị tổn thương, chúng không thể loại bỏ creatinin khỏi máu một cách chính xác. Nồng độ creatinin trong máu cao có nghĩa là thận của bạn không hoạt động bình thường. Bác sĩ sẽ sử dụng mức creatinin máu của bạn để ước tính độ lọc cầu thận (eGFR), giúp xác định thận của bạn hoạt động tốt hay không.
Bệnh thận đái tháo đường là gì? Cách phòng ngừa và điều trị bệnh thận đái tháo đường 6
Xét nghiệm creatinin máu nhằm đánh giá chức năng của thận

Phương pháp điều trị bệnh thận đái tháo đường

Không có cách chữa khỏi bệnh thận đái tháo đường, nhưng các phương pháp điều trị có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa diễn tiến của bệnh. Phương pháp điều trị có thể bao gồm kiểm soát lượng đường trong máu và mức huyết áp đạt mục tiêu thông qua thuốc và thay đổi lối sống. Bác sĩ có thể đề nghị một chế độ ăn uống đặc biệt cho bạn.

Điều quan trọng là giữ cho huyết áp của bạn được kiểm soát để ngăn chặn bệnh thận trở nên xấu hơn. Bạn có thể được cho dùng thuốc viên chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin để kiểm soát huyết áp. Đồng thời, cả 2 loại thuốc này đều giúp bảo vệ thận khỏi bị tổn thương thêm, đó là lý do vì sao nó cũng được sử dụng cho những người bệnh không bị tăng huyết áp.

Nếu bệnh thận đái tháo đường tiến triển đến giai đoạn cuối, lúc này thận không còn hoạt động được nữa, các điều trị sẽ xâm lấn hơn bao gồm lọc máu hoặc ghép thận. Tin tốt là hiện nay khi các phương pháp điều trị và chẩn đoán sớm tiếp tục được cải thiện, sẽ có ít người phát triển bệnh thận giai đoạn cuối hơn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thận đái tháo đường

Chế độ sinh hoạt:

Có rất nhiều việc bạn có thể làm để giảm nguy cơ diễn tiến của bệnh thận đái tháo đường, bao gồm:

  • Giữ mức đường huyết trong phạm vi mục tiêu bằng cách tuân thủ điều trị.
  • Kiểm soát mức huyết áp và điều trị nếu bạn mắc tăng huyết áp.
  • Nếu bạn hút thuốc, hãy ngừng hút thuốc lá, làm việc với bác sĩ nếu bạn cần một kế hoạch để kiêng thuốc lá.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì.
  • Hãy biến việc tập thể dục thành một thói quen của bạn, bắt đầu từ từ và theo kế hoạch tập luyện của bác sĩ hướng dẫn để đạt được hiệu quả tốt nhất. Tập thể dục có thể giúp bạn duy trì cân nặng và mức huyết áp.
  • Tái khám định kỳ theo lịch để kiểm tra tình trạng bệnh và phát hiện sớm bệnh thận đái tháo đường để kịp thời điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn lên kế hoạch cho một chế độ ăn uống đặc biệt cho thận của bạn. Những chế độ ăn kiêng này hạn chế hơn chế độ ăn kiêng tiêu chuẩn của người bệnh đái tháo đường, chế độ ăn có thể bao gồm các việc sau:

  • Hạn chế ăn đạm;
  • Tiêu thụ chất béo lành mạnh, hạn chế tiêu thụ dầu và acid béo bão hòa.
  • Giảm lượng natri ăn vào từ 11.500 đến 2.000 mg/dL hoặc ít hơn.
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu phốt pho, chẳng hạn như sữa chua, sữa và thịt chế biến.
  • Hạn chế tiêu thụ kali, có thể bao gồm giảm ăn hoặc hạn chế ăn các thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, rau bina.
Bệnh thận đái tháo đường là gì? Cách phòng ngừa và điều trị bệnh thận đái tháo đường 7
Nếu mắc bệnh thận đái tháo đường, bạn có thể được huyên hạn chế các thực phẩm giàu kali
Nguồn tham khảo
  1. Diabetic Nephropathy: https://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/nephropathy
  2. Diabetic Nephropathy: https://www.msdmanuals.com/professional/genitourinary-disorders/glomerular-disorders/diabetic-nephropathy
  3. Diabetic Nephropathy (Kidney Disease): https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/diabetes/diabetic-nephropathy-kidney-disease
  4. Diabetic Nephropathy (Kidney Disease): https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/complications/kidneys_nephropathy
  5. Diabetic Nephropathy: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534200/

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh nang tủy thận

  2. Tổn thương thận cấp

  3. Viêm đường tiết niệu

  4. Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR)

  5. Són tiểu

  6. Đau thận

  7. Nhiễm trùng tiết niệu

  8. Viêm bàng quang kẽ

  9. Tăng acid uric máu

  10. Tiểu rắt, tiểu khó