Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng viêm cầu thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng viêm cầu thận, hay hội chứng viêm thận (nephritic syndrome) là một hội chứng lâm sàng được biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau. Trong hội chứng này, người bệnh bị viêm cầu thận, dẫn đến giảm độ lọc cầu thận, tiểu đạm dưới ngưỡng thận hư, phù, tăng huyết áp và tiểu máu kèm trụ hồng cầu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng viêm cầu thận là gì?

Hội chứng viêm cầu thận hay hội chứng viêm thận (nephritic syndrome) là một hội chứng lâm sàng với nhiều biểu hiện khác nhau. Trong hội chứng này, người bệnh bị viêm cầu thận dẫn đến giảm độ lọc cầu thận, tiểu đạm dưới ngưỡng thận hư, phù, tăng huyết áp và tiểu máu.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến hội chứng viêm cầu thận, có thể do bệnh thận nguyên phát hay biểu hiện lâm sàng của các bệnh lý rối loạn hệ thống khác. Việc chẩn đoán nguyên nhân để điều trị kịp thời là rất quan trọng, để có thể hạn chế các tổn thương vĩnh viễn trên thận.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng viêm cầu thận

Các triệu chứng kinh điển của hội chứng viêm cầu thận bao gồm:

  • Phù quanh mắt hay phù chân.
  • Tiểu máu với nước tiểu màu đỏ hoặc màu cola.
  • Tiểu đạm dưới ngưỡng thận hư (dưới 3,5g/ngày) và có thể có bọt ở nước tiểu nếu hàm lượng protein cao.
  • Tăng huyết áp hoặc huyết áp kiểm soát kém ở người trước đó kiểm soát huyết áp tốt.
  • Suy thận đặc trưng bởi thiểu niệu (giảm lượng nước tiểu) và tăng nitơ huyết vì giảm mức lọc cầu thận.

Các triệu chứng lâm sàng có thể diễn tiến khác nhau, có thể biểu hiện và diễn tiến mạn tính hoặc bệnh tự giới hạn cấp tính.

hoi-chung-viem-cau-than 4.png
Tiểu máu với nước tiểu màu hồng hoặc màu cola là một triệu chứng của hội chứng viêm cầu thận

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng viêm cầu thận

Hội chứng viêm cầu thận có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến chức năng thận và dẫn đến các biến chứng sau:

  • Tổn thương cầu thận cấp và tiến triển thành viêm cầu thận tiến triển nhanh.
  • Tăng huyết áp không thể kiểm soát;
  • Tăng nitơ máu;
  • Tăng kali máu;
  • Tăng phosphat máu;
  • Giảm canxi máu;
  • Suy tim;
  • Bệnh não do tăng huyết áp biểu hiện dưới dạng co giật và thay đổi ý thức.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn xuất hiện bất cứ triệu chứng nào của hội chứng viêm cầu thận, hãy đến gặp bác sĩ để được theo dõi và điều trị phù hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng viêm cầu thận

Hội chứng viêm thận hay hội chứng viêm cầu thận là biểu hiện phổ biến của hầu hết các tình trạng viêm cầu thận. Các nguyên nhân có thể bao gồm viêm cầu thận tăng sinh cấp tính (có liên quan đến nhiễm trùng và hậu nhiễm trùng), viêm cầu thận liềm (crescentic glomerulonephritis) và viêm cầu thận lupus tăng sinh (proliferative lupus glomerulonephritis).

Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến của hội chứng viêm cầu thận cấp tính điển hình là viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng. Hội chứng viêm cầu thận khởi phát đột ngột xảy ra từ 7 đến 10 ngày sau khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn, hoặc sau 2 - 3 tuần sau khi bị nhiễm trùng da. Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất có liên quan là liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A. Chỉ có một số chủng vi khuẩn có khả năng gây bệnh thận. Hơn 90% người bệnh có biểu hiện nhiễm liên cầu trùng loại 12, 4, và 1.

hoi-chung-viem-cau-than 5.png
Hội chứng viêm cầu thận cấp điển hình có thể gặp trong viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng

Một dạng viêm cầu thận tương tự (có liên quan đến nhiễm trùng) có thể xảy ra, ví dụ như nhiễm trùng do vi khuẩn (não mô cầu, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng do tụ cầu và viêm phổi do phế cầu), nhiễm virus (chủ yếu là viêm gan virus B, virus C, quai bị, nhiễm HIV, varicella và EBV), nhiễm ký sinh trùng (như sốt rét và bệnh toxoplasma).

Viêm cầu thận liềm hoặc viêm cầu thận tiến triển nhanh được đặc trưng bởi hội chứng viêm cầu thận với biểu hiện lâm sàng là suy thận cấp đột ngột và nặng. Viêm cầu thận tiến triển nhanh có thể không có nguyên nhân cụ thể, có thể xảy ra là do bệnh qua trung gian kháng thể, do lắng đọng phức hợp miễn dịch (gây ra bởi viêm thận lupus, bệnh thận IgA, viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng…).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc hội chứng viêm cầu thận?

Các đối tượng nguy cơ mắc hội chứng viêm cầu thận sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến hội chứng viêm cầu thận. 

Ví dụ đối với hội chứng viêm cầu thận cấp điển hình gặp trong viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng: Bệnh sẽ thường xảy ra ở trẻ em, độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, các đối tượng trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 40 tuổi chỉ chiếm khoảng 15% và nam thường gặp hơn nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng viêm cầu thận

Hầu như không có yếu tố nguy cơ cụ thể nào của hội chứng viêm cầu thận. Các nguy cơ có thể liên quan đến các bệnh lý nhiễm trùng dẫn đến viêm cầu thận.

Tuy nhiên nhìn chung, hội chứng viêm cầu thận rất ít xảy ra ở người bệnh mắc bệnh thận IgA. Hội chứng viêm cầu thận điển hình có thể gặp ở viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng, các bệnh lý toàn thân cũng có thể dẫn đến hội chứng viêm cầu thận như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, ban xuất huyết Henoch-Schönlein.

Các yếu tố nguy cơ của viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng cũng giống với yếu tố nguy cơ của viêm họng do liên cầu trùng. Bao gồm việc bệnh phổ biến ở trẻ em, đặc biệt trẻ em ở độ tuổi đi học sớm. Và không có yếu tố nguy cơ cụ thể nào được xác định cho viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng.

hoi-chung-viem-cau-than 6.png
Viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng phổ biến ở trẻ em ở độ tuổi đi học

Đối với người bệnh mắc lupus, các nhóm đối tượng dễ mắc viêm thận hơn bao gồm người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha/La Tinh và người Mỹ gốc Á. Viêm cầu thận lupus cũng phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng viêm cầu thận

Phân tích nước tiểu là xét nghiệm đầu tiên để đánh giá hội chứng viêm thận. Các thay đổi trên thông số nước tiểu có thể bao gồm có hồng cầu trong nước tiểu, tiểu protein (dưới ngưỡng thận hư).

Chức năng thận cũng được đánh giá bằng cách đo nồng độ creatinin máu và ure máu. Trong hội chứng viêm thận, sự bài tiết ure và creatinin bị suy giảm. Điều này cuối cùng dẫn đến tăng creatinin máu và giảm độ lọc cầu thận. Cấy máu có thể được thực hiện ở những người bệnh sốt dai dẳng và có dấu hiệu nhiễm trùng.

Sinh thiết thận sẽ cung cấp chính xác nguyên nhân cơ bản của hội chứng viêm thận. Các xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện để loại trừ các bệnh thận do miễn dịch như: ANA, bổ thể C3, bổ thể C4, hiệu giá ASO, ANCA, kháng thể kháng dsDNA, kháng nguyên bề mặt viêm gan B và kháng thể viêm gan C, điện di huyết thanh hay yếu tố thấp khớp.

Phương pháp điều trị hội chứng viêm cầu thận hiệu quả

Mục đích điều trị hội chứng viêm cầu thận chủ yếu là hỗ trợ, bao gồm:

  • Thuốc hạ áp: Thuốc hạ áp được sử dụng ở những người bị tăng huyết áp, mặc dù đã áp dụng chế độ kiêng muối, hạn chế chất lỏng và dùng thuốc lợi tiểu quai. Trong trường hợp nặng, tăng huyết áp được điều trị với thuốc ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin II, nifedipine.
  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu quai có thể giúp loại bỏ nước và natri dư thừa trong cơ thể. Việc giảm lượng chất lỏng bị giữ trong cơ thể giúp giảm tải cho thận, đẩy nhanh quá trình hồi phục.
  • Corticosteroid: Giúp giảm viêm ở thận và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
  • Thuốc điều hòa miễn dịch: Thuốc ức chế miễn dịch giúp giảm và ngăn chặn các kháng nguyên kích thích. Thuốc hữu ích nhất trong viêm cầu thận tiến triển nhanh. Trong một số nguyên nhân khác, việc sử dụng corticosteroid và thuốc ức chế miễn dịch đang còn gây tranh cãi.
  • Thuốc kháng sinh: Đối với viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng có bằng chứng nhiễm liên cầu thì được dùng penicillin. Erythromycin được ưu tiên cho người bệnh bị dị ứng với penicillin. Điều trị sớm nhiễm liên cầu khuẩn bằng kháng sinh làm giảm mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ mắc viêm cầu thận.
  • Chạy thận: Trong một số trường hợp, bệnh có diễn tiến nghiêm trọng dẫn đến suy giảm chức năng thận quá mức, liệu pháp điều trị thay thế thận có thể được áp dụng. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng viêm cầu thận

Chế độ sinh hoạt: Ngoài việc tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ để hạn chế diễn tiến của bệnh, trong thời gian điều trị, bạn cần nghỉ ngơi tại giường, hạn chế các hoạt động thể chất cho đến khi bệnh ổn định.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn kiêng: Bạn nên ăn một chế độ hạn chế natri và kali. Việc giảm lượng natri và kali giúp giảm tình trạng giữ nước trong cơ thể.
  • Hạn chế chất lỏng: Để giảm tình trạng phù và giảm nguy cơ phát triển phù thì bạn nên hạn chế chất lỏng. Hãy tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ uống nước để có thể có hiệu quả điều trị tốt nhất có thể.
hoi-chung-viem-cau-than 7.png
Hạn chế muối và hạn chế kali để giảm tình trạng giữ nước

Phương pháp phòng ngừa hội chứng viêm cầu thận hiệu quả

Thông thường, bạn không thể ngăn ngừa được hội chứng viêm cầu thận. Bạn có thể giảm được nguy cơ tổn thương thận bằng cách điều trị các bệnh lý (nếu có), ví dụ như điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, viêm gan siêu vi, các tình trạng như viêm họng hoặc các bệnh lý nhiễm trùng khác (nếu có).

Nguồn tham khảo
  1. Glomerulonephritis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560644/
  2. Nephritic Syndrome: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562240/
  3. Overview of Nephritic Syndrome: https://www.msdmanuals.com/professional/genitourinary-disorders/glomerular-disorders/overview-of-nephritic-syndrome
  4. Acute nephritic syndrome: https://medlineplus.gov/ency/article/000495.htm
  5. Nephritic Syndrome: https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/nephritic-syndrome
  6. Lupus and Kidney Disease (Lupus Nephritis): https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/lupus-nephritis
  7. Post-Streptococcal Glomerulonephritis: https://www.cdc.gov/groupastrep/diseases-hcp/post-streptococcal.html

Các bệnh liên quan

  1. Viêm bàng quang kẽ

  2. Hội chứng Liddle

  3. Suy gan mạn

  4. Khó tiêu

  5. Cường lách

  6. Dị ứng thực phẩm

  7. Xơ gan mất bù

  8. Viêm túi thừa đại tràng

  9. Táo bón

  10. Viêm xung huyết hang vị dạ dày