Long Châu

Bệnh não gan là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi được chẩn đoán mắc bệnh não gan, một trong những câu hỏi phổ biến mà bệnh nhân thường đặt ra là triệu chứng, nguyên nhân và những cách điều trị bệnh não gan. Điều này là có cơ sở vì ai cũng lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh não gan là gì?

Bệnh não gan còn được gọi là hôn mê gan, là một tình trạng nghiêm trọng gây ra sự rối loạn ý thức, hành vi và hôn mê do chức năng gan bị ảnh hưởng. Bệnh này xuất phát từ sự rối loạn trong quá trình trao đổi chất của hệ thống thần kinh trung ương, khi các độc tố không được gan chuyển hóa và loại bỏ do suy chức năng gan. Bệnh não gan cũng là một biểu hiện của sự suy yếu gan đặc biệt nghiêm trọng.

Có ba loại bệnh não gan theo phân loại bệnh:

  • Loại A do suy gan cấp tính (không có bệnh gan mạn tính tiềm ẩn).
  • Loại B xảy ra ở một số người có shunt nối hai tĩnh mạch bên trong gan mà không có bệnh gan tiềm ẩn.
  • Loại C là kết quả của bệnh gan mạn tính và sẹo (xơ gan).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh não gan

Bệnh não gan còn được phân loại dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng:

  • Độ 1: Nhẹ, bệnh nhân có thể nói ngọng, khó ngủ hoặc khó tập trung.
  • Độ 2: Trung bình, bệnh nhân có cảm giác uể oải, thay đổi về tính cách, hành động, nhầm lẫn, hay quên.
  • Độ 3: Nặng, tiến triển bệnh trầm trọng hơn như lú lẫn, nói lắp, không nhận thức được xung quanh.
  • Độ 4: Hôn mê.

Những người mắc bệnh não gan bị suy giảm chức năng não. Các triệu chứng bao gồm:

  • Lo lắng hoặc khó chịu;
  • Suy giảm nhận thức (lú lẫn về suy nghĩ hoặc phán đoán);
  • Khó tập trung;
  • Thay đổi tâm trạng hoặc tính cách;
  • Co giật cơ;
  • Giảm sự tỉnh táo;
  • Vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ;
  • Nói lắp, lú lẫn.

Một số thay đổi về thể chất cũng có thể bắt đầu xuất hiện như:

  • Hơi thở có mùi;
  • Yếu liệt chi, đặc biệt là yếu sức cơ tay;
  • Rung cơ.
Bệnh não gan là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh não gan 1
Hơi thở có mùi có thể liên quan đến bệnh não gan

Biến chứng của bệnh não gan

Bệnh não gan cần được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống, đặc biệt là không uống rượu. Nếu nguyên nhân gây bệnh não gan không được điều trị, chức năng gan sẽ xấu đi và độc tố tiếp tục tích tụ. Một số người mắc bệnh não gan tiến triển sẽ mất ý thức và hôn mê ở gan, từ đó dẫn đến tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đi khám bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đầu tiên của bệnh não gan. Bệnh não gan không được điều trị có thể trở nên trầm trọng hơn và làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như hôn mê, tử vong. Nếu đã mắc bệnh gan, nên theo dõi tình trạng táo bón vì táo bón làm tăng nguy cơ chậm đào thải độc khỏi cơ thể. Những người mắc bệnh gan giai đoạn cuối (còn gọi là suy gan) có thể cần cân nhắc việc ghép gan.

Nguyên nhân

Bệnh não gan có nguyên nhân được chia thành hai loại: Nguyên nhân ngoại sinh và nguyên nhân nội sinh. Dưới đây là một số nguyên nhân chi tiết:

Nguyên nhân ngoại sinh

Các nguyên nhân ngoại sinh như sau:

  • Dinh dưỡng không cân đối: Việc tiếp nhận quá nhiều protein qua tĩnh mạch trong thời gian dài hoặc quá trình truyền đạm quá mức có thể góp phần vào bệnh não gan.
  • Xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng: Xuất huyết tiêu hóa cấp tính hoặc mạn tính có thể gây tổn thương gan.
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu mạnh: Việc sử dụng thuốc lợi tiểu mạnh có thể gây mất nước và hạ kali trong máu, gây ảnh hưởng đến gan.
  • Sử dụng thuốc gây hại cho gan: Một số loại thuốc như tetracycline, thuốc chống lao, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng viêm không steroid có thể gây tổn thương gan.
  • Ngộ độc rượu: Việc tiêu thụ rượu quá mức và thường xuyên có thể gây tổn thương gan.

Nguyên nhân nội sinh

Các nguyên nhân nội sinh như sau:

  • Viêm gan cấp hoặc viêm gan nhiễm độc: Các trạng thái viêm gan nghiêm trọng, viêm gan do nhiễm độc, ung thư gan hoặc xơ gan giai đoạn cuối có thể gây tổn thương gan nặng và lan rộng.
  • Viêm gan do siêu vi (viêm gan B, viêm gan C), viêm gan tự miễn hoặc hội chứng Reye: Các bệnh lý này gây hủy hoại tế bào gan.
  • Sử dụng thuốc an thần và thuốc giảm đau trong trường hợp xơ gan: Việc sử dụng thuốc này có thể tác động tiêu cực đến gan.
  • Suy gan nặng: Suy gan nặng hoặc cản trở dòng máu từ mạch cửa vào gan có thể gây rối loạn chuyển hóa và tổng hợp chất độc trong não.
Bệnh não gan là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh não gan 2
Người mắc bệnh thận cũng có thể mắc bệnh não gan

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh não gan?

Các nhóm nguy cơ cao mắc bệnh não gan bao gồm những đối tượng sau:

  • Người mất nước hoặc mất cân bằng điện giải: Tình trạng mất nước hoặc mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể có thể tăng nguy cơ bị bệnh não gan.
  • Tiêu thụ quá nhiều chất đạm và protein: Việc ăn quá nhiều chất đạm và protein có thể góp phần vào nguy cơ phát triển bệnh não gan.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Xuất huyết trong hệ tiêu hóa có thể tạo điều kiện cho tổn thương gan và gây nguy cơ mắc bệnh não gan.
  • Nhiễm trùng gan: Nhiễm trùng gan có thể gây tổn thương gan và tăng nguy cơ bị bệnh não gan.
  • Bệnh lý thận: Các vấn đề về thận có thể góp phần vào nguy cơ mắc bệnh não gan.
  • Thiếu hụt oxy máu: Tình trạng hạ oxy máu có thể gây tổn thương gan và tăng nguy cơ bị bệnh não gan.
  • Sử dụng thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: Việc sử dụng các loại thuốc như barbiturat hoặc thuốc an thần benzodiazepine có thể tăng nguy cơ mắc bệnh não gan.
  • Người bị xơ gan: Người bị xơ gan có nguy cơ cao mắc bệnh não gan do tổn thương gan và rối loạn chuyển hóa chất độc trong cơ thể.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh não gan

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc A, bao gồm:

  • Nghiện rượu;
  • Tiền sử viêm gan B, C;
  • Xuất huyết dạ dày;
  • Bệnh động kinh;
  • Đái tháo đường;
  • Hạ natri máu;
  • Suy thận;
  • Tăng bilirubin máu;
  • Hạ kali máu;
  • Sự kiềm hóa chuyển hóa;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Giảm thể tích máu.
Bệnh não gan là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh não gan 3
Nghiện rượu là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh não gan

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh não gan

Chẩn đoán bệnh não gan dựa trên:

  • Tiền sử bệnh;
  • Triệu chứng bệnh;
  • Các xét nghiệm (men gan, ure máu, chỉ số viêm…) và chẩn đoán hình ảnh (MRI, CT, điện não đồ).

Phương pháp điều trị bệnh não gan hiệu quả

Các phương pháp điều trị bệnh não gan tùy thuộc vào một số yếu tố bao gồm:

  • Nguyên nhân gây bệnh;
  • Các triệu chứng bệnh;
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh não gan;
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh gan;
  • Tuổi và tình trạng sức khỏe hiện tại;
  • Bệnh não gan có thể gây xuất huyết, do đó dự phòng xuất huyết;
  • Đánh giá chức năng thận;
  • Ngừng sử dụng một số loại thuốc làm suy giảm chức năng hệ thần kinh trung ương và có thể gây ra bệnh não gan.

Bước đầu tiên là xác định và điều trị các yếu tố thúc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh như nhiễm trùng, xuất huyết đường tiêu hóa, một số loại thuốc hoặc rối loạn chức năng thận.

Việc điều trị nhằm mục đích giảm mức độ amoniac và các chất độc khác trong máu. Những chất độc này thường phát sinh từ hệ tiêu hóa nên các liệu pháp điều trị sẽ hướng đến loại bỏ hoặc giảm sản xuất chất độc trong đường tiêu hóa. 

Hai loại thuốc được sử dụng là lactulose và thuốc kháng sinh:

  • Lactulose: Đây là một loại đường tổng hợp, có cơ chế tác động bằng cách hút nước từ cơ thể vào đại tràng, làm mềm phân nên đi tiêu nhiều hơn. Điều này giúp giảm bớt sự hấp thụ chất độc trong ruột, kích thích nhu động ruột giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
  • Thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn tạo ra độc tố từ thức ăn trong hệ tiêu hóa. Thuốc kháng sinh như rifaximin được dùng trong điều trị bệnh não gan.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh não gan

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng.
  • Nếu ăn nhiều thịt, cơ thể có thể tạo ra quá nhiều amoniac, do đó cân nhắc giảm lượng thịt nạp vào nhưng vẫn cần nạp đủ protein từ các nguồn khác, có thể uống sữa. Ngoài ra, nên ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn mỗi ngày.
  • Có thể tăng lượng rau xanh để giúp nhuận trường, hạn chế tình trạng táo bón.
Bệnh não gan là gì? 8 Nguyên nhân và cách điều trị bệnh não gan
Người bệnh não gan nên hạn chế ăn nhiều thịt đỏ

Phương pháp phòng ngừa bệnh não gan hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh uống rượu vì rượu có thể làm tổn thương tế bào gan.
  • Tránh các loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh, chẳng hạn như thuốc ngủ và thuốc chống trầm cảm. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết.
  • Ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng, tập thể dục và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Tuân thủ điều trị bệnh gan.
  • Tái khám định kỳ, đặc biệt là khám chức năng gan.
  • Tiêm phòng viêm gan.
Nguồn tham khảo
  1. Treating Hepatic Encephalopathy: https://liverfoundation.org/liver-diseases/complications-of-liver-disease/hepatic-encephalopathy/treating-hepatic-encephalopathy
  2. Hepatic Encephalopathy: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21220-hepatic-encephalopathy
  3. Hepatic Encephalopathy: https://emedicine.medscape.com/article/186101-overview
  4. Hepatic Encephalopathy: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430869/
  5. Hepatic Encephalopathy: https://www.healthline.com/health/hepatic-encephalopathy-2

Các bệnh liên quan

  1. Liệt mặt

  2. Ngủ ngáy

  3. Suy giảm trí nhớ

  4. Alzheimer

  5. U màng ống nội tủy

  6. Viêm màng não vô khuẩn

  7. Thoái hóa chất trắng

  8. Bệnh thần kinh đái tháo đường

  9. Bệnh TK ngoại biên

  10. Chán ăn