Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tắc mật thường gặp ở đối tượng nào và các biện pháp phòng ngừa là gì?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tắc mật là tình trạng một hay nhiều ống dẫn mật bị tắc nghẽn, dẫn đến làm tăng nồng độ bilirubin và gây ra một số triệu chứng khác. Phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng mắc bệnh ở nam giới, đặc biệt là những người có bệnh gan, béo phì… Nếu không tiến hành điều trị phù hợp, tắc mật có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tắc mật là gì? 

Mật là dịch tiết ngoại tiết của tế bào gan và được sản xuất liên tục để hỗ trợ quá trình tiêu hóa chất béo. 50% lượng mật được tạo ra được đổ trực tiếp từ gan vào tá tràng thông qua hệ thống ống dẫn mật, sau đó thoát vào ống mật chủ. 50% mật còn lại được dự trữ bên trong túi mật. 

Tắc mật là sự tắc nghẽn ở bất kỳ vị trí nào của ống dẫn mật khi mang mật từ gan đến túi mật hoặc từ túi mật đến ruột non, khiến mật tích tụ lại trong gan.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Tắc mật

Các triệu chứng thường gặp của tắc mật:

Bilirubin tích tụ trong máu và sau đó lắng đọng ở da gây ra vàng da.

Nước tiểu sẫm màu, phân nhạt.

Đau bụng phía trên bên phải.

Sốt, mệt mỏi.

Ngứa.

Buồn nôn, nôn.

Giảm cân, giảm ngon miệng.

Tác động của Tắc mật đối với sức khỏe 

Ngoài việc gây đau, tắc mật còn có ảnh hưởng xấu đến chức năng gan và quá trình hấp thu các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K). Bên cạnh đó, tắc mật còn gây ngứa, khó chịu và làm tăng nồng độ bilirubin dẫn đến vàng da.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Tắc mật

Sau khoảng 1 tháng tắc mật nghiêm trọng, bắt đầu gây tổn thương tế bào gan. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến xơ gan mật thứ phát hoặc viêm túi mật.

Ứ mật dai dẳng do bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể gây ra bệnh u vàng xanthomatosis ở da, xương và dây thần kinh ngoại vi do sự lắng đọng cholesterol.

Bệnh nhân bị tắc mật sau phẫu thuật đường mật khả năng bị suy thận cấp tính có thể do muối mật, sắc tố, nội độc tố hoặc chất trung gian gây viêm gây độc cho thận. Những bệnh nhân cao tuổi bị vàng da nặng có nguy cơ cao suy thận sau mổ.

Hơn nữa, khi bị tắc mật, ứ mật, muối mật không đến được ruột dẫn đến tình trạng kém hấp thu chất béo kèm theo tăng tiết mỡ gây suy dinh dưỡng. Ngoài ra, các vitamin A, D, E, K tan trong chất béo không được hấp thu gây thiếu hụt vitamin. Ở bệnh nhân có rối loạn đông máu (PT kéo dài), các biến chứng này có thể phức tạp hơn. 

Nếu không được điều trị hợp lý, còn có thể xảy ra các biến chứng như nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Tắc mật

Tắc mật thường do 2 nguyên nhân chính là trong gan và ngoài gan.

Nguyên nhân trong gan:

  • Nhiễm trùng và xơ gan mật.

  • Viêm gan.

  • Dùng các thuốc gây tổn thương trực tiếp tế bào gan và cản trở chuyển hóa (steroid đồng hóa và chlorpromazine gây ra tình trạng ứ mật, lợi tiểu thiazid làm tăng nhẹ nguy cơ bị sỏi mật, amoxicillin/acid clavulanic có thể gây ứ mật cấp tính).

Nguyên nhân ngoài gan:

  • Nguyên nhân nội sinh: Bệnh sỏi mật (là nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc mật), u, teo đường mật, nhiễm ký sinh trùng, viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (PSC), bệnh đường mật liên quan đến AIDS, bệnh lao mật, hẹp đường mật, nang đường mật gây tắc mật chức năng.

  • Nguyên nhân ngoại sinh: Sự chèn ép bên ngoài ống dẫn mật do khối u, viêm tụy (cấp tính và mạn tính), nang giả tụy, tổn thương sau phẫu thuật cắt túi mật, hậu quả của tăng áp lực tĩnh mạch cửa, sỏi đường mật dẫn đến căng túi mật sau đó.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Tắc mật?

Người bị sỏi mật hoặc có tiền sử gia đình bị sỏi mật, viêm tụy mạn tính hoặc ung thư tuyến tụy.

Người có bệnh về gan mật, tổn thương tế bào gan.

Người bị các khối u gần ống dẫn mật, các tổn thương ống dẫn mật.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Tắc mật

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Tắc mật, bao gồm:

  • Người gốc Tây Ban Nha và Bắc Âu có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật cao hơn người Châu Á và Châu Phi. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tắc mật.

  • Ung thư túi mật phổ biến hơn ở Trung và Nam Mỹ, Trung và Đông Âu, tiểu lục địa phía bắc Ấn Độ, Đông Á. Đây là một trong những nguyên nhân gây tắc mật.

  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị sỏi mật cao hơn nhiều so với nam giới.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Tắc mật

Bác sĩ sẽ quan sát các dấu hiệu vàng da ở bệnh nhân (mắt, lòng bàn tay). Sau đó, một số phương pháp sau có thể được thực hiện:

  • Đo nồng độ bilirubin trong nước tiểu.

  • Xét nghiệm máu để đo nồng độ transaminase gan (ALP, ALT, GGT) và bilirubin.

  • Xét nghiệm kháng thể kháng ty thể (dấu hiệu của xơ gan mật nguyên phát).

  • Siêu âm, siêu âm nội soi (EUS).

  • Chụp CT.

  • Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP): Nhạy hơn ERCP trong việc phát hiện khối u, chẩn đoán hẹp đường mật và không cần tiêm chất cản quang.

  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).

  • Chụp đường mật qua da (PTC): Có độ chính xác cao trong tìm ra nguyên nhân bên trong đường mật và vị trí của vàng da tắc nghẽn

  • Xét nghiệm lipase trong máu để xem có dấu hiệu tổn thương tụy không.

Phương pháp điều trị Tắc mật hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Dùng thuốc:

  • Acid ursodeoxycholic đường uống (10 mg/kg/ngày) có tác dụng giảm tiết cholesterol ở mật. Tuy nhiên, sỏi mật có thể tái phát trong vòng 5 năm sau khi ngừng thuốc.

  • Nhựa liên kết acid mật: Cholestyramine, colestipol có thể hữu ích trong điều trị triệu chứng ngứa do tắc mật. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vitamin A, D, E, K có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc nên cần bổ sung các vitamin này khi điều trị.

  • Thuốc kháng histamin để điều trị triệu chứng ngứa.

  • Rifampin được đề xuất để hỗ trợ điều trị chứng ứ mật do làm giảm hệ vi khuẩn đường ruột, làm chậm quá trình chuyển thành muối mật thứ cấp và có thể làm giảm nồng độ bilirubin huyết thanh, ALP và giảm triệu chứng ngứa.

  • Điều trị các bệnh nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng) nếu có.

Can thiệp ngoại khoa tùy thuộc vào nguyên nhân gây tắc mật:

  • Đặt ống thông mũi mật (ENBD) an toàn hơn stent nội soi qua đường mật (EBS).

  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Ngoài việc chẩn đoán, kỹ thuật này còn được sử dụng để loại bỏ sỏi mật, đặt stent và dẫn lưu.

  • Phẫu thuật cắt bỏ túi mật trong trường hợp có sỏi mật.

  • Cắt bỏ nang đường mật (nếu có).

  • Với tắc mật do viêm tụy mạn: Dẫn lưu ống tụy và nối mật – ruột.

  • Liệu pháp quang động (PDT) đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị giảm nhẹ khối u ác tính đường mật tiến triển, đặc biệt khi sử dụng cùng với thủ thuật đặt stent đường mật.

  • Đặt stent đường mật qua nội soi với stent kim loại tự giãn (SEMS) là phương pháp đầu tay điều trị tắc nghẽn đường mật ác tính không thể cắt bỏ và tắc nghẽn đường mật xa.

  • Ghép gan có thể được xem xét ở những bệnh nhân bệnh gan giai đoạn cuối (ESLD), viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (PSC), ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), xơ gan mật thứ phát (SBC) và tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Tắc mật

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Tập thể dục thường xuyên (30 phút/ngày x 5 ngày/tuần).

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế ăn chất béo bão hòa và tăng cường ăn nhiều chất xơ.

  • Bổ sung thêm các loại rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.

Phương pháp phòng ngừa Tắc mật hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giảm cân từ từ ở các bệnh nhân béo phì do đối tượng này có nguy cơ cao bị hình thành sỏi mật – một trong các nguyên nhân chính gây nên tắc mật.

  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, ít dầu mỡ, ít chất béo bão hòa, ít đường.

  • Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ sỏi mật.

  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng hormone tránh thai có estrogen nếu bạn đang bị sỏi mật hoặc tiền sử gia đình bị sỏi mật.

Nguồn tham khảo
  1. https://medlineplus.gov/ency/article/000263.htm
  2. https://emedicine.medscape.com/article/187001-overview
  3. https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-is-a-biliary-obstruction
  4. https://www.healthline.com/health/bile-duct-obstruction

Các bệnh liên quan

  1. Viêm dạ dày ruột do vi-rút

  2. Viêm gan D

  3. Thiếu máu cục bộ đường mật

  4. Sán lá ruột

  5. Viêm gan B

  6. Hẹp môn vị phì đại

  7. Đầy hơi

  8. Ung thư đại tràng giai đoạn I

  9. Chán ăn

  10. Ngứa hậu môn