Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lạc nội mạc trong cơ tử cung (Adenomyosis) hay còn gọi là bệnh tuyến cơ tử cung, là một tình trạng phụ khoa khiến mô nội mạc tử cung phát triển trong cơ tử cung. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng phổ biến như đau bụng kinh và ra kinh nhiều. Lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể được điều trị với thuốc hoặc phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì?

Lạc nội mạc trong cơ tử cung (Adenomyosis) hay còn gọi là bệnh tuyến cơ tử cung, đây là tình trạng phụ khoa khi mô nội mạc tử cung phát triển trong cơ tử cung. Điều này dẫn đến tình trạng tử cung của bạn dày hơn, phì đại, có thể gấp hai hoặc ba lần kích thước thông thường.

Lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể có các biểu hiện khác nhau, tuy nhiên, phổ biến nhất là tình trạng đau bụng kinh, xuất huyết tử cung bất thường như chảy máu kinh nhiều.

Hiện nay, chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể được thực hiện không xâm lấn bằng siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ.

Điều trị lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể gồm điều trị bảo tồn với các liệu pháp nội khoa và xâm lấn tối thiểu. Trong trường hợp phụ nữ không còn mong muốn mang thai, điều trị dứt điểm có thể bằng phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của lạc nội mạc trong cơ tử cung

Các triệu chứng có thể gặp của lạc nội mạc trong cơ tử cung bao gồm:

Một số phụ nữ (khoảng ⅓) không có triệu chứng gì khi mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung.

Lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Đau bụng kinh là một triệu chứng phổ biến của lạc nội mạc trong cơ tử cung

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh lạc nội mạc trong cơ tử cung

Biến chứng khi mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung liên quan đến chảy máu kinh nguyệt quá nhiều, có thể dẫn đến thiếu máu. Tình trạng đau bụng kinh nghiêm trọng cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp các triệu chứng hay dấu hiệu đã kể ở trên, ví dụ như đau bụng kinh hay xuất huyết tử cung bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán tình trạng của mình và được điều trị thích hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến lạc nội mạc trong cơ tử cung

Nguyên nhân của lạc nội mạc trong cơ tử cung vẫn chưa được biết rõ ràng. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số lý thuyết khác nhau.

Lý thuyết được chấp nhận phổ biến nhất đó là sự phá vỡ ranh giới của lớp sâu nhất nội mạc tử cung và lớp cơ tử cung. Quá trình này sẽ dẫn đến tăng sinh nội mạc tử cung không thích hợp vào cơ tử cung, cùng với sự hình thành mạch máu nhỏ sau đó là phì đại cơ trơn tử cung lân cận. Lý thuyết này phù hợp với bằng chứng về tỷ lệ mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung cao hơn sau khi nong, nạo và mổ lấy thai.

Lý thuyết thứ hai đề xuất về cơ chế phôi học, trong đó các tế bào gốc đa năng Mullerian trải qua quá trình biệt hóa không phù hợp, dẫn đến mô nội mạc tử cung lạc chỗ. Lý thuyết này được hỗ trợ từ bằng chứng liên quan đến tình trạng các dấu hiệu di truyền cụ thể.

Lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Quá trình biệt hóa không phù hợp của các tế bào gốc có thể liên quan đến lạc nội mạc trong cơ tử cung

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải lạc nội mạc trong cơ tử cung?

Mặc dù bất kỳ phụ nữ nào cũng có nguy cơ mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung. Tuy nhiên về mặt kinh điển, lạc nội mạc trong cơ tử cung được mô tả là bệnh của phụ nữ tiền mãn kinh, sinh con nhiều lần ở độ tuổi từ ba mươi đến bốn mươi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lạc nội mạc trong cơ tử cung

Các yếu tố nguy cơ của lạc nội mạc trong cơ tử cung bao gồm các tình trạng dẫn đến tăng phơi nhiễm với estrogen:

  • Tăng số lần sinh con;
  • Có kinh sớm;
  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn;
  • Chỉ số khối cơ thể tăng cao;
  • Sử dụng thuốc tránh thai đường uống;
  • Sử dụng tamoxifen.

Bên cạnh đó, phẫu thuật tử cung trước đó bao gồm nong và nạo, mổ lấy thai, cắt bỏ u xơ cũng làm tăng nguy cơ mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung.

Lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Phẫu thuật tử cung trước đó là một yếu tố nguy cơ của lạc nội mạc trong cơ tử cung

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tử cung

Chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tử cung rất khó vì thông thường nhiều bệnh phụ khoa có chung các dấu hiệu và triệu chứng. Việc chẩn đoán chỉ dựa trên lâm sàng thường không nhạy và không đặc hiệu. Quan trọng hơn, có tới 33% người bệnh mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung hoàn toàn không có triệu chứng. Do đó, bên cạnh hỏi bệnh sử và khám lâm sàng, để chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tử cung, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu hữu ích trong việc đánh giá biến chứng thiếu máu, đồng thời có thể loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác.
  • Siêu âm: Siêu âm qua ngả âm đạo là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp, được ưa chuộng đối với bệnh lạc nội mạc trong cơ tử cung.
  • Chụp cộng hưởng từ: MRI được dùng để chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tử cung với độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Điều trị lạc nội mạc trong cơ tử cung

Nội khoa

Việc điều trị lạc nội mạc trong cơ tử cung cần cân nhắc về mong muốn sinh sản của người bệnh, điều này sẽ quyết định cho các lựa chọn điều trị phù hợp. Các điều trị nội khoa bảo tồn tử cung nhằm giảm triệu chứng đau bụng kinh, chảy máu kinh nguyệt nhiều. Có thể gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các thuốc NSAID giúp giảm đau dựa vào việc ức chế sản xuất prostaglandin (làm co cơ tử cung dẫn đến tình trạng đau bụng kinh).
  • Liệu pháp nội tiết tố thay thế: Các liệu pháp nội tiết tố thay thế được sử dụng bao gồm thuốc tránh thai, dụng cụ tử cung chứa levonorgestrel, danazol và thuốc ức chế aromatase.
Lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Liệu pháp nội tiết tố thay thế là một lựa chọn điều trị giúp giảm các triệu chứng của lạc nội mạc trong cơ tử cung

Ngoại khoa

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung là điều trị dứt điểm lạc nội mạc trong cơ tử cung. Phẫu thuật được chỉ định ở người bệnh không mong muốn duy trì khả năng sinh sản trong tương lai. Bên cạnh đó, còn có các lựa chọn điều trị ít xâm lấn hơn cắt bỏ tử cung cũng có thể được lựa chọn, bao gồm:

  • Thủ thuật X-quang can thiệp;
  • Siêu âm cường độ cao dưới sự hướng dẫn của MRI;
  • Thuyên tắc động mạch tử cung;
  • Cắt bỏ nội mạc tử cung;
  • Cắt bỏ tử cung bán phần.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của lạc nội mạc trong cơ tử cung

Chế độ sinh hoạt:

  • Điều quan trọng để hạn chế diễn tiến của lạc nội mạc trong cơ tử cung là việc tuân thủ điều trị. Các điều trị nội khoa có thể giúp giảm triệu chứng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
  • Bạn nên tự theo dõi các triệu chứng của mình và tái khám đúng hẹn. Vì lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể cùng xuất hiện với các tình trạng bệnh phụ khoa khác, do đó việc tái khám để theo dõi là cần thiết.

Chế độ dinh dưỡng: Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng là quan trọng vì lạc nội mạc tử cung gây rong kinh, có thể dẫn đến thiếu máu. Bạn có thể cần bổ sung thêm sắt, hoặc ăn các thực phẩm giàu sắt, theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phòng ngừa lạc nội mạc trong cơ tử cung

Không rõ nguyên nhân của lạc nội mạc trong cơ tử cung nên hiện không có cách để phòng ngừa tình trạng này.

Các câu hỏi thường gặp về lạc nội mạc trong cơ tử cung

Bị lạc nội mạc trong cơ tử cung có vô sinh không?

Đối với biến chứng vô sinh khi mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung, các dữ liệu hiện tại chưa cho thấy các mối liên quan rõ ràng. Một số tác giả trích dẫn mối liên quan từ 11% đến 12%, tuy nhiên các dữ kiện mâu thuẫn, vô số các yếu tố gây nhiễu còn tồn tại. Do đó, chưa thể xác định lạc nội mạc trong cơ tử cung sẽ gây vô sinh ở phụ nữ.

Tôi có bắt buộc phải cắt bỏ tử cung khi mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung hay không?

Không bắt buộc, hiện tại có rất nhiều lựa chọn điều trị khác nhau cho lạc nội mạc trong cơ tử cung giúp bảo tồn khả năng sinh sản. Bạn hãy nói với bác sĩ về mong muốn điều trị của mình, các lựa chọn điều trị ngoài việc phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể là điều trị thuốc hay các điều trị ít xâm lấn hơn.

Lạc nội mạc trong cơ tử cung và lạc nội mạc tử cung có giống nhau không?

Cả hai tình trạng này đều có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng kinh, chảy máu kinh nguyệt nhiều. Sự khác biệt của lạc nội mạc tử cung và lạc nội mạc trong cơ tử cung là:

  • Lạc nội mạc trong cơ tử cung: Mô nội mạc tử cung phát triển ở trong lớp cơ của tử cung.
  • Lạc nội mạc tử cung: Mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, ở các bộ phận khác như buồng trứng, ống dẫn trứng…

Lạc nội mạc trong cơ tử cung có phải một bệnh lý nguy hiểm không?

Hầu như không có mối nguy hiểm đe dọa tính mạng nào khi mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung, nó có thể gây chảy máu kinh nguyệt nhiều và kéo dài hoặc đau bụng kinh, đau vùng chậu mãn tính.

Tôi cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tử cung?

Siêu âm qua ngả âm đạo là phương tiện chẩn đoán được ưu tiên sử dụng để phát hiện lạc nội mạc trong cơ tử cung. MRI có thể hữu ích trong các trường hợp không rõ ràng.

Nguồn tham khảo
  1. Adenomyosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539868/
  2. Adenomyosis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14167-adenomyosis
  3. Understanding Adenomyosis, a Uterine Condition: https://www.healthline.com/health/adenomyosis
  4. Adenomyosis: https://emedicine.medscape.com/article/2500101-overview
  5. Adenomyosis: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/adenomyosis

Các bệnh liên quan

  1. Sa tử cung sau sinh

  2. Nhau bám thấp

  3. Loạn sản sợi cơ

  4. Polyp tử cung

  5. Xuất huyết tử cung bất thường

  6. Hội chứng buồng trứng đa nang

  7. Rối loạn kinh nguyệt

  8. Lạc nội mạc tử cung

  9. Hội chứng HELLP

  10. Nám nội tiết