Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Một trong những loại ung thư ít người chú ý đến và ít phát hiện bệnh sớm chính là ung thư mũi. Nhà thuốc Long Châu sẽ gửi đến bạn những kiến thức chi tiết nhất về căn bệnh này, từ nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo, biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh qua thông tin dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư mũi là gì?

Ung thư mũi là căn bệnh chỉ tình trạng các tế bào ung thư trong khoang mũi hoặc xoang mũi phát triển quá mức tạo thành khối u. Bệnh này khá nguy hiểm, xảy ra trên mặt gây nên nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân. Đây là loại ung thư phổ biến thứ 3 trong ung thư đầu mặt cổ, gồm 2 loại là ung thư khoang mũi và ung thư các khoang cạnh mũi.

Theo báo cáo thống kê, nam giới ngoài 40 tuổi chiếm tỷ lệ cao mắc bệnh ung thư mũi. Bệnh phát triển ở nhiều dạng khác nhau như khối u ác tính ở xoang hàm trên, ở khoang mũi hoặc ở xoang sàng. Dù khối u nằm ở vị trí nào thì người bệnh cũng cần theo dõi và điều trị tích cực để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Căn cứ vào từng mức độ phát triển của bệnh mà người ta chia ung thư mũi làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Khối u nằm ở lớp trên cùng của tế bào lót trong khoang mũi, không phát triển sâu hơn. Tế bào ung thư không di căn sang hạch bạch huyết lân cận hoặc khu vực khác trong cơ thể.
  • Giai đoạn 2: Khối u phát triển to hơn, chiếm một phần trong khoang mũi hoặc cả khoang mũi. Tế bào ung thư không di căn sang hạch bạch huyết lân cận hoặc khu vực khác trong cơ thể.
  • Giai đoạn 3: Tế bào ung thư xâm lấn vào một bên hoặc đáy ổ mắt, vòm miệng, khoang hàm trên nhưng không di căn sang hạch bạch huyết. Cũng có trường hợp khối u có kích thước không lớn hơn 3cm chưa xâm lấn ra ngoài khoang mũi nhưng tế bào ung thư đã di căn sang hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 4: Ở giai đoạn cuối, khối u phát triển to và di căn sang các cấu trúc ngoài khoang mũi. Việc điều trị trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư mũi

Các triệu chứng của ung thư mũi thường giống như những biểu hiện khi bị viêm mũi thông thường. Vì thế, người bệnh thường chủ quan cho rằng đây là bệnh viêm mũi nên sẽ tự ý mua thuốc về uống. Trong trường hợp các triệu chứng lặp đi lặp lại thường xuyên và không thuyên giảm khi uống thuốc, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám sớm. Để tránh những điều không mong muốn xảy ra, dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo ung thư mũi mà bạn nên biết:

  • Nghẹt mũi, khó thở.
  • Chảy máu mũi, dịch mũi thường xuyên.
  • Dịch mũi có mùi hôi khó chịu.
  • Xuất hiện bệnh lý về mắt như giảm thị lực, đau mí mắt trên hoặc dưới, chảy nước mắt nhiều và liên tục.
  • Suy giảm thính lực, ù tai vì khối u phát triển to lên, chèn ép dây thần kinh thính giác.
  • Khối u lớn dần gây đau đầu liên tục do khối u lớn xâm lấn đến sọ não, mạch máu và dây thần kinh.
  • Bệnh nhân gặp khó khăn khi mở miệng do hạch bạch huyết vùng cổ sưng lên.
Ung thư mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 4
Dấu hiệu ung thư mũi dễ gây nhầm lẫn với viêm mũi thông thường

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trong các biểu hiện trên, chảy máu mũi rất dễ lầm tưởng thành biểu hiện của các bệnh lý thông thường nhưng đây lại có thể là triệu chứng của ung thư. Tóm lại, nếu bạn liên tục bị chảy máu mũi, ban đầu xuất hiện với lượng nhỏ đi kèm chứng đau đầu, máu mũi có mùi bất thường thì bạn nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ung thư mũi

Ung thư mũi là căn bệnh tập trung nhiều ở nam giới tuổi trung niên. Tính đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư mũi. Mặc dù vậy, vẫn có một số yếu tố được cho là dẫn đến bệnh bao gồm:

  • Môi trường làm việc không đảm bảo thông thoáng, vệ sinh.
  • Tiếp xúc nhiều với khói bụi, bụi mịn từ gỗ, da, vải, hóa chất Formaldehyde, crom, niken, cồn, radium...
  • Hút thuốc lá.
  • Nhiễm virus HPV.
  • Gen di truyền.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư mũi?

Một số nghiên cứu đã cho thấy, virus HPV gây u nhú trên cơ thể người và virus Epstein Barr (EBV) góp phần gây bệnh ung thư mũi trong một số trường hợp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư mũi

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, thói quen hút thuốc lá được cho là một trong những yếu tố tăng nguy cơ làm phát triển khối u ác tính trong khoang mũi. Thêm vào đó, người thường xuyên tiếp xúc, hít khói thuốc lá thụ động hoặc chủ động cũng rơi vào nhóm nguy cơ cao mắc ung thư mũi.

Bên cạnh đó, những đối tượng phải làm việc trong môi trường tiếp xúc với bụi gỗ, bụi vải thường xuyên, người tiếp xúc với chất hóa học như radium, niken… cũng tăng nguy cơ làm khối u ác tính hình thành và phát triển. 

Nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lý liên quan đến mũi và ung thư mũi, mỗi người cần có ý thức chủ động chăm sóc sức khỏe đường hô hấp. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh.

Ung thư mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 5
Người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị ung thư mũi

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư mũi

Trong trường hợp không được phát hiện và điều trị ung thư mũi sớm, người bệnh sẽ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, ngay khi có những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, bạn hãy nhanh chóng đến bác sĩ để được chỉ định thực hiện các xét nghiệm nhằm chẩn đoán và có hướng xử trí phù hợp.

Bệnh cạnh việc soi chụp ảnh khối u trong mũi, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định người bệnh thực hiện thêm một vài xét nghiệm để có thêm cơ sở chẩn đoán như:

  • Soi mũi họng: Người bệnh được kiểm tra các bất thường của mũi, kiểm tra đồng thời vùng mặt và cổ, khu vực có khối u và nơi các hạch bạch huyết bị sưng.
  • Soi chụp X-quang đầu và cổ: Hình ảnh chụp được sẽ giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ vùng bên trong mũi cũng như các xoang cạnh mũi nhằm định vị chính xác nơi có khối u.
  • Sinh thiết: Bác sĩ lấy một mẫu nhỏ ở các khu vực nghi ngờ bị ung thư để mang đi kiểm tra, tìm kiếm tế bào ung thư.
  • Chụp CT: Hình ảnh chụp được giúp bác sĩ xác định xem tế bào ung thư đã lây lan sang bộ phận nào, có xâm lấn sang cơ quan lân cận hay chưa.
Ung thư mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 6
Chụp X-quang giúp bác sĩ quan sát khối u trong mũi

Phương pháp điều trị ung thư mũi hiệu quả

Mỗi bệnh nhân sẽ có giai đoạn mắc bệnh khác nhau nên việc chẩn đoán ung thư cũng cần bác sĩ thăm khám cẩn thận và đưa ra phác đồ điều trị riêng cho từng trường hợp. Đa phần nếu người bệnh được phát hiện vào giai đoạn sớm của bệnh sẽ được điều trị phẫu thuật nhằm ngăn chặn khối u phát triển hoàn toàn.

Trong trường hợp khối u đã phát triển tăng dần kích thước, chuyển sang giai đoạn di căn đến các cơ quan và khu vực khác thì bác sĩ sẽ xem xét các phương án điều trị khác, đó có thể là sự kết hợp của phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Cụ thể từng phương pháp như sau:

  • Phẫu thuật: Bác sĩ tiến hành loại khối u ra khỏi khoang mũi. Ngày nay, y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ vượt bậc dẫn đến kỹ thuật phẫu thuật cũng được nâng cao. Bằng biện pháp phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ cắt bỏ hoàn toàn khối u và các mô xung quanh trong khoang mũi. Sau phẫu thuật, nếu bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao thì sẽ được điều trị xạ trị.
  • Xạ trị: Dùng tia bức xạ ion chiếu vào nhằm mục đích kiểm soát, tiêu diệt và phá hủy tế bào ung thư. Phương pháp này không làm bệnh nhân bị đau đớn.
  • Hóa trị: Đây là phương pháp điều trị ung thư mũi phổ biến thông qua cách đưa thuốc dược tính rất mạnh vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư nhưng song song với đó thì hóa trị lại gây tổn hại nhiều đến những tế bào khỏe mạnh. Bệnh nhân điều trị bằng hóa trị sẽ gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như rụng tóc, buồn nôn, sức đề kháng kém…
Ung thư mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 7
Xạ trị là một trong các phương pháp điều trị ung thư mũi

Chống chọi với ung thư là một cuộc chiến dài, đòi hỏi cả người bệnh lẫn người nhà bệnh nhân phải có sự kiên cường và can đảm. Bệnh nhân hãy trang bị cho mình một tinh thần vững vàng bởi đây là chìa khóa để nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tính mạng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư mũi

Chế độ sinh hoạt:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ nghiêm khắc lời khuyên của chuyên gia về chế độ sinh hoạt.
  • Duy trì tinh thần lạc quan, tích cực, hạn chế stress.
  • Báo ngay cho bác sĩ nếu có bất thường trong quá trình chữa bệnh.
  • Thăm khám định kỳ đúng hẹn để được theo dõi và có hướng xử trí kịp thời khi có chuyển biến.

Chế độ ăn uống: Ăn uống đủ chất và khoa học. Hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để biết được nên ăn gì và kiêng ăn gì. Nếu chán ăn, có thể chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, không được nhịn ăn.

Phương pháp phòng ngừa ung thư mũi hiệu quả

Ung thư nói chung và ung thư mũi nói riêng là căn bệnh quái ác đối với toàn xã hội. Điều may mắn là chúng ta vẫn có thể bảo vệ bản thân khỏi bệnh ung thư mũi với một số cách như:

  • Không được hút thuốc lá, cai thuốc sớm trước khi quá muộn.
  • Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá dù chủ động hay bị động.
  • Hạn chế ở nơi có khói bụi, hóa chất độc hại, đeo khẩu trang khi đi ra đường.
  • Tạo cho mình thói quen vệ sinh mũi hàng ngày.
  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau lá xanh đậm, trái cây, ngũ cốc, các loại đậu, uống trà xanh...
  • Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, nitrat, thức ăn chứa nhiều muối...
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập thể hình, nhảy aerobic, yoga… Bạn nên tập 4 ngày mỗi tuần để có cơ thể khỏe mạnh và sức đề kháng tốt.
  • Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng, giữ tinh thần luôn trong trạng thái ổn định, tránh căng thẳng mệt mỏi.
  • Định kỳ đi khám sức khỏe, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao nên đi tầm soát ung thư để phát hiện sớm bệnh nhằm có cách xử lý kịp thời trước khi ung thư tiến triển sang giai đoạn nặng hơn.
Ung thư mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 8
Tập thể dục 30 phút mỗi ngày giúp phòng tránh ung thư

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, xảy ra thầm lặng nên bạn hãy chú ý lắng nghe cơ thể để được thăm khám kịp thời.

Nguồn tham khảo
  1. Signs and Symptoms of Nasal and Paranasal Sinus Cancers: https://www.cancer.org/cancer/types/nasal-cavity-and-paranasal-sinus-cancer/detection-diagnosis-staging/signs-symptoms.html 
  2. Nasal Cancer/Sinus Cancer: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/nasal-cancer--sinus-cancer
  3. Paranasal Sinus and Nasal Cavity Cancer Treatment (Adult) (PDQ®)–Patient Version: https://www.cancer.gov/types/head-and-neck/patient/adult/paranasal-sinus-treatment-pdq 
  4. What are the symptoms of nose cancer?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/nose-cancer-symptoms 
  5. Sinus Cancer Symptoms, Treatment, and Outlook: https://www.healthline.com/health/cancer/sinus-cancer-symptoms 

Các bệnh liên quan