Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phù bạch huyết cánh tay là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Phù bạch huyết là hiện tượng sưng tấy ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể, xảy ra khi có điều gì đó ảnh hưởng đến hệ bạch huyết. Phù bạch huyết cánh tay là di chứng sau điều trị ung thư vú. Tình trạng này có thể xuất hiện trên bệnh nhân có nạo hạch vùng nách, và nguy cơ tăng cao trên các bệnh nhân có thêm hóa trị hoặc xạ trị vùng nách. Phù bạch huyết cánh tay không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng cần kiểm tra thăm khám, điều trị sớm giúp giảm triệu chứng bệnh và ngăn chặn các biến chứng về sau.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Phù bạch huyết cánh tay là gì?

Phù bạch huyết cánh tay là tình trạng sưng tấy do tích tụ quá nhiều dịch bạch huyết, dẫn đến tình trạng cánh tay bị sưng, phù to. Tình trạng sưng tấy này có thể gây cảm giác đau đớn và hạn chế khả năng di chuyển các chi làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt.

Phù bạch huyết cánh tay là di chứng ở những người sau điều trị ung thư vú (chiếm khoảng 5 - 10%).Thời gian phù bạch huyết xuất hiện phụ thuộc vào nguyên nhân có thể vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài sau khi điều trị ung thư. 

Việc tuân thủ điều trị sớm có thể giúp kiểm soát triệu chứng và tăng khả năng chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, do phù bạch huyết là tình trạng mãn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn nên việc quản lý và điều trị cần được theo dõi của bác sĩ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của phù bạch huyết cánh tay

Dấu hiệu và triệu chứng của phù bạch huyết cánh tay có thể bao gồm:

  • Sưng phù ở cánh tay hoặc toàn bộ bàn tay và cánh tay so với bên còn lại.
  • Cảm giác nặng, căng, hoặc khó di chuyển cánh tay.
  • Da trên cánh tay có thể trở nên nhám, cứng, căng tê, và có thể xuất hiện vết sẹo.
  • Do tích tụ chất lỏng, cân nặng của bạn có thể tăng lên.
  • Hạn chế chế khả năng di chuyển vận động vùng cánh tay, cẳng tay.
  • Vùng cánh tay có cảm giác nóng rát hoặc ngứa mẩn đỏ dễ bị lở loét và nhiễm trùng.

Biến chứng có thể gặp khi phù bạch huyết cánh tay

Phù bạch huyết cánh tay có thể gặp một số biến chứng và vấn đề liên quan, bao gồm:

  • Nhiễm trùng: Các vùng da sưng phù và bị tổn thương trong phù bạch huyết cánh tay có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.
  • Viêm loét da: Sự sưng và tích tụ chất dịch lỏng có thể gây áp lực lên da, gây viêm loét và các vấn đề da liên quan.
  • Tăng nguy cơ suy tim: Phù bạch huyết kéo dài có thể gây áp lực quá mức lên hệ thống tim mạch, dẫn đến suy tim.
  • Chất lượng cuộc sống: Sưng và biến dạng của cánh tay có thể gây mất tự tin, lo lắng và ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Tăng nguy cơ ung thư: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phù bạch huyết cánh tay kéo dài có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư tái phát hoặc mới trong cánh tay.

Để giảm nguy cơ biến chứng phù bạch huyết cánh tay, cần tuân thủ theo phác đồ điều trị và thường xuyên thăm khám kiểm tra sức khỏe với bác sĩ.

Phù bạch huyết cánh tay 3.jpg
Cảm giác nặng, căng, hoặc khó di chuyển cánh tay

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm da đỏ, sưng tấy hoặc ấm và sốt hoặc có các triệu chứng trên nặng lên. Hãy lập tức đến bác sĩ thăm khám và được chẩn đoán điều trị kịp thời, giúp kiểm soát tình trạng bệnh và làm giảm nhẹ các triệu chứng, đồng thời tránh các diễn tiến xấu nguy hại đến sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây phù bạch huyết cánh tay

Nguyên nhân xuất phát do dịch bạch huyết không thể lưu thông bình thường. Bao gồm hai nguyên nhân chính gây phù bạch huyết:

  • Phù bạch huyết nguyên phát: Do gen ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ bạch huyết, như bệnh Milroy và bệnh Meige. Nó có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
  • Phù bạch huyết thứ phát: Do bởi một bệnh khác ảnh hưởng như nhiễm trùng, ký sinh trùng (liên cầu khuẩn, giun) hay tổn thương từ chấn thương của việc điều trị xạ trị ung thư, đặc biệt là ung thư vú.
Phù bạch huyết cánh tay 7.jpg
Bệnh nhân chuẩn bị xạ trị ung thư vú

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phù bạch huyết cánh tay?

Những người có can thiệp của bất kì thủ thuật nào làm tổn hại đến mạch bạch huyết đều có nguy cơ gây phù.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phù bạch huyết cánh tay

  • Lớn tuổi, mắc ung thư hoặc trong quá trình điều trị ung thư
  • Phẫu thuật hoặc quá trình điều trị như hóa trị, xạ trị hoặc sử dụng các loại thuốc có thể tăng nguy cơ bị phù bạch huyết.
  • Tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể, như viêm nhiễm vi khuẩn hoặc viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến có thể gây sưng và phù bạch huyết.
  • Các bệnh lý mạch máu như suy tim, suy giảm chức năng tim, suy thận, bệnh tăng huyết áp hoặc các vấn đề liên quan đến mạch máu có thể là nguyên nhân gây phù bạch huyết.
  • Thường xuyên tiếp xúc với các phẩm chất độc hại, chất phóng xạ.
  • Chấn thương hoặc vết thương ở cánh tay, có thể dẫn đến sự tích tụ chất lỏng và gây ra phù bạch huyết.
  • Thừa cân hoặc béo phì có lượng mỡ thừa gây tăng áp lực lên các hạch bạch huyết và mạch máu có thể ảnh hưởng đến việc dẫn lưu bạch huyết.
Phù bạch huyết cánh tay 5.jpg
 Mắc bệnh ung thư vú là nguy cơ gây phù bạch huyết cánh tay

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phù bạch huyết cánh tay

Bác sĩ sẽ thăm khám hỏi bệnh sử về các triệu chứng, thời gian xuất hiện và tiến triển của phù, bất kỳ chấn thương hoặc phẫu thuật gần đây, và các yếu tố nguy cơ khác, đồng thời kết hợp các phương pháp xét nghiệm khác để đánh giá chẩn đoán và điều trị giúp giảm triệu chứng bệnh và ngăn chặn các biến chứng về sau.

  • Kiểm tra tổng quát: Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bị sưng, đo kích thước, màu sắc và nhiệt độ của da, kiểm tra xem có những dấu hiệu viêm nhiễm hay không.
  • Xét nghiệm máu: Giúp đánh giá tình trạng tổng quát của cơ thể, bao gồm đo lượng tế bào hồng cầu, tế bào bạch cầu, tiểu cầu, cũng như đánh giá chức năng gan và thận.
  • Siêu âm Doppler mạch máu: Siêu âm Doppler được sử dụng để xem xét sự lưu thông máu trong các mạch máu của cánh tay, đánh giá chất lượng dòng máu và phát hiện bất thường.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Là phương pháp xem xét vùng bị sưng và loại trừ các nguyên nhân khác gây ra phù bạch huyết.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): phương pháp giúp hiển thị các khu vực bị tắc nghẽn của hệ bạch huyết.
Phù bạch huyết cánh tay 2.jpg
Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bị sưng, đo kích thước,...

Phương pháp điều trị phù bạch huyết cánh tay

Phù bạch huyết hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, không chữa khỏi hoàn toàn thường chủ yếu giúp kiểm soát làm giảm đau, giảm sưng với những phương pháp sau đây:

  • Bài tập: Vận động và tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức có thể giúp tăng cường lưu thông máu và chất lỏng trong cơ thể, giảm sưng và cải thiện khả năng di chuyển của cánh tay.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Việc bổ sung nhiều trái cây và rau quả mỗi ngày sẽ giúp giảm sưng tấy ở cánh tay vì chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm tình trạng phù bạch huyết của bạn trở nên trầm trọng hơn.
  • Quần áo nén: Có thể là tất, tay áo hoặc khăn quấn có áp lực để di chuyển chất lỏng từ các mô để vào lưu thông. Điều này làm giảm sưng tấy và nguy cơ biến chứng phù bạch huyết.
  • Máy bơm khí nén: Là phương pháp gắn máy bơm và căng hơi vào cánh tay giúp chất lỏng di chuyển qua các mạch bạch huyết để nó không tích tụ ở tay, giảm sưng.
  • Băng cánh tay bị tổn thương: Được quấn đúng cách, giúp đẩy chất lỏng bạch huyết về phía thân cơ thể. Người bệnh có thể đeo để giúp ngăn dịch bạch huyết quay trở lại chi bị ảnh hưởng.
  • Mát xa: Thực hiện một số kỹ thuật xoa bóp nhẹ nhàng giúp chất lỏng bạch huyết di chuyển ra khỏi cánh tay, kích thích tuần hoàn và giảm sưng. Nhưng tránh xoa bóp các hệ bạch huyết nếu phù bạch huyết do nhiễm trùng.
  • Điều trị bằng thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc giảm sưng như diuretics (thuốc lợi tiểu) hoặc các loại thuốc khác để kiểm soát phù bạch huyết.
  • Phẫu thuật: Nếu tình trạng phù bạch huyết ngày càng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật. 
Phù bạch huyết cánh tay 1.jpg
Băng cánh tay bị tổn thương ngăn dịch bạch huyết quay trở lại chi bị ảnh hưởng

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến phù bạch huyết cánh tay

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên giúp giảm căng thẳng cho cánh tay và bàn tay bị sưng tấy, tránh tập quá sức.
  • Tránh dùng tay mang vác, xách các vật dụng nặng.
  • Giữ cho làn da khỏi bị cháy nắng, côn trùng cắn, vết cắt và vết trầy xước.
  • Mặc quần áo rộng rãi và thoải mái hoặc trang sức và các phụ kiện khác không quá chật.
  • Mang dụng cụ bảo hộ khi tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
  • Nâng cao cánh tay và bàn tay, hạn chế nằm nghiêng tì đè về phía tay bị sưng phù.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tránh tiếp xúc quá nóng vùng bị sưng phù.
  • Ngủ đủ giấc 7 - 8 tiếng/ngày giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ từ loại hạt đậu, ngũ cốc nguyên hạt… giúp giảm nguy cơ thừa cân, béo phì. Hạn chế ăn thịt đỏ và các sản phẩm thịt đã qua xử lý như xúc xích, thịt ủ muối, thịt hun khói.
  • Việc bổ sung nhiều trái cây và rau quả tươi cung cấp các vitamin mỗi ngày sẽ giúp giảm sưng tấy ở cánh tay.
  • Tránh và hạn chế  sử dụng rượu hoặc gluten có thể dẫn đến sưng tấy ở cánh tay.
  • Uống nước 2 lít mỗi ngày giúp thải chất lỏng ra ngoài.
  • Hạn chế ăn muối và duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên.
Phù bạch huyết cánh tay 8.jpg
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ từ loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt

Phương pháp phòng ngừa phù bạch huyết cánh tay hiệu quả

Để phòng ngừa phù bạch huyết cánh tay, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm thiểu rủi ro hoặc kiểm soát mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân: Rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với vết thương hoặc làm việc với các dụng cụ sắc nhọn.
  • Tránh gây tổn thương cho da: Đeo bảo hộ khi làm việc trong môi trường nguy hiểm, sử dụng đúng cách các dụng cụ sắc nhọn như dao, kéo, kim tránh gây trầy xước.
  • Kiểm soát bệnh lý: Điều trị và kiểm soát các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch,... để giảm nguy cơ phù bạch huyết cánh tay.
  • Tăng cường cường độ và thời gian tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu, tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ phù bạch huyết cánh tay.
  • Kiểm tra thường xuyên sức khỏe: Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả các dấu hiệu của phù bạch huyết cánh tay.
  • Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau, hoa quả, các nguồn thực phẩm giàu chất xơ và giảm tiêu thụ chất béo, muối và đường có thể giúp giảm nguy cơ phù bạch huyết cánh tay.
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất gây viêm nhiễm: Tránh tiếp xúc với các chất gây viêm nhiễm như hóa chất độc hại, thuốc lá, rượu,...
Nguồn tham khảo
  1. Lymphedema of the Arm: https://mydoctor.kaiserpermanente.org/ncal/article/lymphedema-of-the-arm-roseville-radiation-oncology-1537762
  2. Lymphedema: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8353-lymphedema
  3. What Is Lymphedema?: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-lymphedema
  4. Lymphedema: https://www.cdc.gov/cancer/survivors/patients/lymphedema.htm
  5. Treatment-Lymphoedema: https://www.nhs.uk/conditions/lymphoedema/treatment/

Các bệnh liên quan

  1. Trụy tim

  2. Ống phúc tinh mạc

  3. Nhau tiền đạo

  4. Sưng khớp

  5. Trĩ nội

  6. Đau vú

  7. Viêm lưỡi bản đồ

  8. Cúm A H3N2

  9. Viêm bàng quang mạn tính

  10. Loét dạ dày tá tràng