Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp tay là gì? Nguyên nhân và cách điều trị viêm khớp tay hiệu quả

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp tay là tình trạng viêm thường xảy ra tại vị trí ngón tay cái, đốt ngón tay, khớp thứ hai và khớp trên cùng của ngón tay. Viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến là những bệnh phổ biến dẫn đến viêm khớp tay. Phương pháp điều trị viêm khớp tay thường là dùng thuốc, nặng hơn có thể phẫu thuật gân khớp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp tay là gì?

Viêm khớp tay là tình trạng viêm và đau ở các khớp tay, thường ảnh hưởng đến chức năng và dẻo dai của tay. Khi có viêm xảy ra, sụn bị phá vỡ, các đầu xương lộ ra, cọ xát vào nhau và mòn đi dẫn đến cảm giác đau nhói. Viêm khớp tay gây đau và sưng, cứng khớp và biến dạng.

Bốn vị trí trên tay dễ bị viêm khớp tay tấn công là:

  • Gốc ngón tay cái, nơi ngón tay cái nối liền với cổ tay;
  • Các đốt ngón tay;
  • Các khớp giữa của ngón tay;
  • Khớp trên cùng của ngón tay gần móng tay nhất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp tay

Các triệu chứng ban đầu bao gồm:

  • Đau khớp âm ỉ hoặc nóng rát, xuất hiện vài giờ hoặc một ngày sau khi hoạt động tay nhiều hơn.
  • Đau và cứng khớp vào buổi sáng ở bàn tay.
  • Sưng khớp ở tay.
  • Cơn đau có thể thay đổi từ đau âm ỉ sang đau nhói.
  • Đau nhiều gây mất ngủ vào ban đêm.
  • Đau ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thường ngày, cần phải đổi tư thế tay liên tục.
  • Các mô xung quanh khớp bị ảnh hưởng, có thể trở nên đỏ và mềm khi chạm vào.
  • Cảm giác lạo xạo hoặc lách cách khi uốn các ngón tay.
  • Các ngón tay không thể mở và nắm chặt hoàn toàn.
  • Các nốt xương nhỏ hình thành trên khớp giữa của ngón tay (gọi là nốt Bouchard) hoặc ở các khớp trên cùng của ngón tay (gọi là nốt Heberden).
  • Các khớp ngón tay trở nên to, biến dạng và uốn cong bất thường, khiến bàn tay yếu đi và ít có khả năng hoàn thành các công việc hàng ngày.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp tay

Một số bệnh có thể dẫn đến viêm khớp tay như:

Viêm xương khớp hoặc viêm khớp thoái hóa: Là bệnh viêm khớp phổ biến nhất. Bệnh này làm cho sụn khớp bị phá hủy và mòn đi. Sau đó, các đầu xương cọ xát với nhau mà không được bảo vệ, gây đau, cứng khớp và mất khả năng cử động theo thời gian. Viêm xương khớp thường ảnh hưởng nhất đến cổ tay, khớp ở gốc ngón tay cái, khớp giữa và khớp trên cùng (gần móng tay) của các ngón tay. Bệnh kéo dài có thể gây ra các cục xương hình thành ở các khớp ngón tay.

Viêm khớp dạng thấp: Là một bệnh viêm mạn tính làm cho niêm mạc khớp sưng lên, gây đau, cứng khớp và mất chức năng. Đó là một bệnh tự miễn (tức là hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công các mô khỏe mạnh của chính nó thay vì tấn công các vật thể lạ trong cơ thể). Tình trạng viêm phá hủy sụn ở cuối xương và sau đó ăn mòn xương. Các khớp mất đi hình dạng và khả năng liên kết khi gân và dây chằng xung quanh xương yếu đi và giãn ra. Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ ở cổ tay, bàn tay và ngón tay, thường ảnh hưởng đến các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể.

Viêm khớp vảy nến: Là một dạng viêm khớp ảnh hưởng đến da (vảy nến) và khớp. Các ngón tay trở nên sưng tấy, dẫn đến cảm giác đau khớp và cứng khớp vào buổi sáng. Trong nhiều trường hợp, nó tương tự như viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, nó có thể chỉ liên quan đến một số ngón tay.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp tay?

Người lớn tuổi dễ bị viêm khớp tay hơn. Viêm xương khớp thường gặp sau 50 tuổi. Viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện lần đầu ở độ tuổi từ 35 đến 50.

Viêm khớp tay là gì? Nguyên nhân và cách điều trị viêm khớp tay hiệu quả 4
Viêm khớp tay thường xảy ra ở người lớn tuổi

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp tay

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp tay, bao gồm:

  • Nữ giới.
  • Người da trắng (ví dụ Châu Âu).
  • Thừa cân, béo phì.
  • Đã từng bị thương ở tay trước đó. Nếu bạn bị trật khớp hoặc gãy bất kỳ khớp nào ở bàn tay hoặc ngón tay, bạn có nhiều khả năng bị viêm khớp.
  • Di truyền, ví dụ bệnh tự miễn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp tay

Chẩn đoán viêm khớp bàn tay bằng cách kiểm tra bàn tay và chụp X-quang. Chụp X-quang cho thấy mất sụn xương và hình thành các gai xương. Xét nghiệm máu tìm yếu tố dạng thấp (bệnh tự miễn) và các dấu hiệu khác có thể giúp xác định xem nguyên nhân có phải là viêm khớp dạng thấp hay không.

Viêm khớp tay là gì? Nguyên nhân và cách điều trị viêm khớp tay hiệu quả 5
Xét nghiệm máu giúp tìm các yếu tố dạng thấp trong bệnh miễn dịch hoặc các chỉ số viêm

Phương pháp điều trị viêm khớp tay hiệu quả

Phương pháp điều trị được chỉ định tùy thuộc vào loại viêm khớp, giai đoạn viêm khớp, số lượng khớp bị ảnh hưởng, tuổi tác bệnh nhân, mức độ hoạt động hàng ngày, bàn tay bị ảnh hưởng (nếu đó là tay thuận) và các điều kiện y tế, chi phí điều trị hiện có.

Mục tiêu điều trị: 

  • Giảm đau khớp và cứng khớp.
  • Cải thiện tính linh hoạt và chức năng của khớp.
  • Làm chậm tiến triển của bệnh (bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh vảy nến).
  • Tăng chất lượng cuộc sống.

Các lựa chọn điều trị bao gồm cố định khớp (nẹp khớp), thuốc, phương pháp không dùng thuốc và phẫu thuật.

Cố định khớp (nẹp khớp)

Cố định khớp hoặc nẹp nhằm hỗ trợ và bảo vệ khớp bị ảnh hưởng, giảm nguy cơ biến dạng, giúp ổn định khớp, giảm căng thẳng và thúc đẩy sự liên kết khớp thích hợp.

Thuốc

Có thể sử dụng thuốc để giảm đau, kháng viêm để giảm tình trạng sưng khớp, ngăn ngừa tổn thương khớp. Có nhiều nhóm thuốc khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại viêm khớp, ví dụ:

  • Paracetamol.
  • Thuốc chống viêm không steroid. Ví dụ như ibuprofen, diclofenac, naproxen, celecoxib. NSAID tại chỗ là phương pháp điều trị tại chỗ đầu tiên được lựa chọn cho viêm xương khớp.
  • Thuốc chống thấp khớp làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp và làm giảm các triệu chứng. Các ví dụ bao gồm methotrexate, hydroxychloroquine, sulfasalazine, leflumonide.
  • Corticoid dùng bằng đường uống, tiêm vào cơ hoặc tiêm tĩnh mạch, những loại thuốc này làm giảm viêm và các triệu chứng khác của viêm khớp dạng thấp. Các ví dụ bao gồm prednisolone, prednisone, triamcinolone và methylprednisolone.
  • Thuốc ức chế miễn dịch. Những chất này làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp và giảm tổn thương cho xương xung quanh khớp. Ví dụ bao gồm azathioprine và cyclosporine.
  • Thuốc nhắm trúng đích có thể làm chậm tổn thương khớp trong viêm khớp dạng thấp. Các ví dụ bao gồm adalimumab, etanercept, infliximab, tofacitinib, tocilizumab, abatacept, rituximab.
  • Steroid đường tiêm. Steroid làm giảm viêm và giảm đau. Steroid thường được sử dụng trong trường hợp thuốc khác không kiểm soát được tình trạng viêm hoặc nếu tình trạng viêm chỉ giới hạn ở một số khớp. Thuốc được tiêm trực tiếp vào khớp bị ảnh hưởng. Vì steroid có thể làm suy yếu gân và dây chằng nên chỉ tiêm lặp lại một vài lần.

Xem thêm: Viêm khớp ngón tay uống thuốc gì và cách điều trị như thế nào?

Phương pháp không dùng thuốc

Phương pháp này bao gồm:

  • Các bài tập để giảm các triệu chứng và cải thiện chức năng.
  • Túi chườm nóng lạnh. Lạnh có thể giúp giảm đau và sưng. Nhiệt có thể giúp giảm sưng. Mỗi lần áp dụng không quá 20 phút.
  • Nghỉ ngơi thường xuyên có thể giúp giảm đau và viêm ở khớp.
  • Ăn uống lành mạnh và kiểm soát lượng đường, cholesterol máu.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân.
  • Cai thuốc lá. Hút thuốc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp.
Viêm khớp tay là gì? Nguyên nhân và cách điều trị viêm khớp tay hiệu quả 6
Có thể chườm lạnh để giảm sưng khớp tay

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc sụn ở đầu xương đã mòn thì có thể nghĩ đến việc phẫu thuật. Có một số cách:

  • Hợp nhất khớp (arthrodesis): Phẫu thuật này sử dụng ốc vít để giữ xương khớp với nhau, khớp ổn định hơn, không đau, nhưng sẽ bị hạn chế về tính linh hoạt và cử động.
  • Thay khớp (tạo hình khớp): Tương tự như các phương pháp thay khớp khác, bác sĩ phẫu thuật sử dụng một bộ phận cấy ghép nhân tạo làm bằng nhựa, sứ, silicone hoặc kim loại để thay thế khớp bị tổn thương.
  • Chuyển gân: Gân nối cơ với xương. Các gân điều khiển các ngón tay gắn vào các cơ ở lòng bàn tay và cẳng tay. Tình trạng viêm liên tục do viêm khớp có thể khiến gân bị đứt.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp tay

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của đội ngũ bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì suy nghĩ, lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với chuyên gia y tế khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Đến thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng, diễn tiến của bệnh nhằm tìm hướng điều trị phù hợp nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan vì tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị. Có thể nói chuyện với bạn bè, chia sẻ với thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
  • Cai thuốc lá.
Viêm khớp tay là gì? Nguyên nhân và cách điều trị viêm khớp tay hiệu quả 7
Người bệnh viêm khớp tay cần có chế độ dinh dưỡng khoa học

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp tay hiệu quả

Viêm khớp không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, bạn có thể theo dõi các triệu chứng viêm khớp khi lớn tuổi và đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy những thay đổi ở khớp. Ăn những thực phẩm bổ dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân sẽ gây thêm áp lực tỳ đè lên các khớp. Hút thuốc làm tăng nguy cơ viêm khớp, do đó nên ngưng thuốc lá.

Xem thêm:

 

Nguồn tham khảo

Các bệnh liên quan

  1. U xương

  2. Thoái hóa khớp cổ chân

  3. Xẹp đốt sống

  4. Viêm sụn sườn

  5. Tật nứt đốt sống

  6. Viêm bao hoạt dịch khớp gối

  7. Cong vẹo cột sống

  8. Viêm cơ nhiễm khuẩn

  9. Co rút Dupuytren

  10. Đứt dây chằng