Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp ngón chân là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp ngón chân

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi nhắc đến bệnh viêm khớp, bạn có thể nghĩ viêm khớp thường tấn công các khớp ở bàn tay, đầu gối,… Nhưng thực ra nó có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, bao gồm cả ngón chân. Viêm khớp thường tấn công ngón chân cái, nhưng các ngón chân khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây viêm khớp ngón chân và cách điều trị sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe của mình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp ngón chân là gì?

Viêm khớp ngón chân là tình trạng viêm tại các khớp ngón chân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm khớp ngón chân nhưng cơ chế chính vẫn là các yếu tố viêm tại khớp làm tổn thương khớp và các cấu trúc xung quanh như cơ, dây chằng,... gây đau.

Triệu chứng

Những triệu chứng của viêm khớp ngón chân

Các dấu hiệu cần nghĩ đến viêm khớp ngón chân là:

Đau các khớp ngón chân: Đau rất có thể là triệu chứng đáng chú ý đầu tiên của viêm khớp. Mức độ đau có thể không liên quan đến mức độ nặng của bệnh mà tùy thuộc vào sức chịu đựng của mọi người. Đau là một trong những triệu chứng phổ biến và gây giảm chất lượng sống của bạn.

Cứng khớp buổi sáng: Theo thời gian, viêm khớp làm mòn sụn, viêm các mô và làm tổn thương bao hoạt dịch. Các rối loạn này làm các khớp khó vận động linh hoạt hơn.

Sưng các khớp ngón chân: Trong viêm khớp ngón chân, các ngón chân bị viêm có thể sưng, có màu đỏ và ấm nóng khi chạm vào. Nguyên nhân là do sự tích tụ của một lượng nhỏ chất lỏng có thể khiến các ngón chân có cảm giác "đầy" hoặc khó cử động. Bên cạnh đó, tình trạng viêm làm cho các mạch máu mở rộng để đưa nhiều máu hơn đến các khu vực bị ảnh hưởng, khiến chúng ấm khi chạm vào và có màu đỏ.

Biến dạng khớp liên đốt: Khi sụn mòn đi và xương cọ sát vào xương, cơ thể sẽ cố gắng tạo ra nhiều xương hơn để có thể ổn định khớp, nhưng nó sẽ làm khớp to hơn, biến dạng hoặc lệch trục dẫn đến sự biến dạng các khớp ngón chân hay cả bàn chân.

Lạo xạo khi cử động: Tiếng lạo xạo được hình thành bởi sự thoái hóa của sụn đệm giữa hai xương. Khi lớp sụn đó mòn đi, các xương cọ xát vào nhau, giảm sự trơn tru trong cử động.

Triệu chứng toàn thân: Người bệnh viêm khớp ngón chân có thể xuất hiện tình trạng sốt nhẹ, mệt mỏi,... là những triệu chứng chung của toàn thân khi cơ thể có bệnh lý viêm.

Tác động của viêm khớp ngón chân đối với sức khỏe

Viêm khớp ngón chân làm người mắc bệnh đau đớn, khó khăn trong đi lại, sinh hoạt,... Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, người mắc bệnh có thể bị biến dạng và mất vận động hoàn toàn khớp ngón chân.

Viêm khớp ngón chân là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp ngón chân 4
Viêm khớp ngón chân khiến người mắc đau đớn

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm khớp ngón chân

Biến dạng khớp là một biến chứng thường gặp trong bệnh viêm khớp ngón chân. Nguyên nhân biến dạng khớp là do sự phì đại xương, tổn thương các thành phần xung quanh. Các xương bị tổn thương cũng có thể hình thành cầu nối dẫn đến dính xương và mất cử động tại các khớp ngón chân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn đang có bất kỳ triệu chứng nào của viêm khớp ngón chân để được chẩn đoán và điều trị sớm. Có các phương pháp điều trị đơn giản và hiệu quả giúp bạn dễ chịu hơn và duy trì tốt các hoạt động thường ngày.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm khớp ngón chân

Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp ngón chân khác nhau. Trong số đó, có thể kể đến một số nguyên nhân sau:

Thoái hóa khớp

Nó phát triển khi sụn tạo thành lớp đệm giữa các xương khớp bị mòn do thời gian hoặc chấn thương (chẳng hạn như bị vấp ngón chân). Viêm xương ngón chân do thoái hóa thường gặp ở ngón cái.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm mãn tính, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công, gây viêm và đau khớp. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp nhỏ của bàn chân trước, mặc dù nó có thể ảnh hưởng đến các khớp khác, chẳng hạn như đầu gối, khuỷu tay, hông và cổ. Khoảng 90% những người bị bệnh này sẽ có vấn đề về chân.

Bệnh gout

Đối với nhiều người, đau và sưng ở ngón chân cái, đặc biệt là ở khớp nối ngón chân với bàn chân, là triệu chứng đầu tiên của bệnh gout

Bệnh gout là một loại viêm khớp xảy ra do nồng độ axit uric trong máu tăng cao tích tụ trong các khớp và làm nặng thêm các khớp, gây viêm. Các cơn gout có thể ảnh hưởng đến các khớp khác ngoài ngón chân cái, bao gồm mắt cá chân, bàn chân, đầu gối hoặc khuỷu tay. 

Các cục axit uric, được gọi là tophi gout, có thể nhìn thấy bên dưới da quanh ngón chân, mắt cá chân và các khớp khác sau khi bạn bị gout trong nhiều năm hoặc nếu bạn bị gout nặng không được kiểm soát tốt. Tình trạng này có liên quan đến di truyền và rối loạn thận, nhưng chế độ ăn uống, sử dụng rượu và béo phì là những yếu tố nguy cơ góp phần.

Viêm khớp ngón chân là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp ngón chân 5
Thoái hóa khớp và gout là hai nguyên nhân thường gặp gây viêm khớp ngón chân

Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm khớp có liên quan đến bệnh vảy nến, một bệnh da tự miễn gây phát ban đỏ, có vảy trên da. Nó được đặc trưng bởi đau, cứng và sưng ở khớp. Những người bị viêm khớp vảy nến có thể nhận thấy đau, cứng và sưng ở các ngón chân. Ngoài ra, người bị viêm khớp vảy nến còn gặp vấn đề với móng chân của họ, chẳng hạn như rỗ và vỡ vụn, cũng như sưng ngón tay và ngón chân.

Viêm khớp nhiễm trùng

Loại viêm khớp này thường gây đau đớn và khó khăn khi sử dụng khớp bị ảnh hưởng. Viêm khớp nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào máu từ một vùng khác của cơ thể, thường định cư ở một khớp. Nhiễm vi khuẩn do chấn thương hoặc vết thương do phẫu thuật cũng có thể gây viêm khớp nhiễm trùng bằng cách đưa vi trùng trực tiếp đến khớp. 

Cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi cử động và xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ hoặc vài ngày. Nó có thể bao gồm khớp bị sưng, đỏ và ấm kèm theo sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, yếu và không thể cử động khớp bị ảnh hưởng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp ngón chân?

Những đối tượng có nguy cơ viêm khớp ngón chân có thể kể đến như sau:

  • Tăng tuổi;
  • Thừa cân;
  • Tiền sử gia đình bị viêm khớp;
  • Phụ nữ mang giày cao gót, chật trong phần lớn cuộc đời cũng có thể có nguy cơ bị viêm khớp ngón chân.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp ngón chân

Một số yếu tố nguy cơ sau liên quan đến viêm khớp ngón chân bao gồm:

Chấn thương: Các hoạt động lặp đi lặp lại và chấn thương cấp tính có thể gây tổn thương khớp và dẫn đến viêm khớp.

Hút thuốc: Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.

Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây tổn thương khớp ngón chân như viêm khớp dạng thấp, gout,...

Tuổi tác: Những người có tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ viêm khớp ngón chân.

Giới tính: Một số loại viêm khớp phổ biến ở phụ nữ như lupus ban đỏ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp ngón chân

Nếu gặp các triệu chứng của bệnh viêm khớp ngón chân, bạn có thể đến gặp bác sĩ. Quá trình chẩn đoán có thể sẽ bao gồm:

Khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng: Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có thể mắc một số loại viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp vảy nến, họ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu viêm (chẳng hạn như protein phản ứng C hoặc tốc độ lắng hồng cầu) cũng như kháng thể (chẳng hạn như yếu tố dạng thấp). Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có thể mắc bệnh gout, họ có thể cho bạn xét nghiệm máu để tìm nồng độ axit uric tăng cao và rút dịch khớp để tìm tinh thể axit uric.

Chụp X-quang: Để quan sát cấu trúc xương của ngón chân, đánh giá tình trạng mất sụn và hình dung các biến dạng xương. Có thể bạn sẽ được chụp X-quang khi đang đứng để làm rõ trọng lượng cơ thể ảnh hưởng đến các cấu trúc ở bàn chân của bạn như thế nào. Mặc dù hiếm khi cần thiết, nhưng trong một số trường hợp, hình ảnh tiên tiến như chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng.

Chọc hút khớp: Trong đó chất lỏng trong khớp được lấy để kiểm tra nhiễm trùng hoặc tinh thể axit uric. Kết quả có thể loại trừ các tình trạng bệnh lý khác hoặc các dạng viêm khớp khác.

Phương pháp điều trị viêm khớp ngón chân hiệu quả

Có rất nhiều phương pháp điều trị viêm khớp ngón chân khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh. Cụ thể như sau:

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có thể tăng phạm vi chuyển động mà không gây đau đớn và tăng cường cơ bắp ở bàn chân để giảm áp lực lên khớp bị đau. Những bài tập này làm giảm cứng khớp và tăng khả năng cử động các khớp của bạn thông qua toàn bộ phạm vi chuyển động của chúng.

Nẹp chỉnh hình, miếng lót giày dép

Những loại nẹp chỉnh hình này thường cần được thiết kế tùy chỉnh để phù hợp với giải phẫu cụ thể của bạn. Bên cạnh nẹp chỉnh hình, các miếng lót thường khắc phục các biến dạng, phân bổ lại trọng lượng và điều chỉnh cơ học của bàn chân. Bằng cách cung cấp một đế cứng hơn, miếng lót tùy chỉnh có thể giảm áp lực lên các khớp bị viêm khớp bằng cách kiểm soát mức độ chuyển động xảy ra ở một khớp cụ thể.

Viêm khớp ngón chân là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp ngón chân 6
Giày chỉnh hình giúp giảm áp lực lên các khớp bị viêm

Chườm lạnh hoặc chườm ấm

Đối với tình trạng viêm nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi hoạt động hoặc bạn phải đứng trong một ngày dài, chườm đá có thể ngăn máu lưu thông và giảm sưng tấy, mẩn đỏ. Trước khi hoạt động, việc áp dụng nhiệt có thể làm ấm và nới lỏng các cơ ở bàn chân dưới, cho phép các ngón chân cử động dễ dàng hơn.

Sử dụng các phương pháp y học cổ truyền

Một số nghiên cứu cho thấy rằng nghệ, một loại thảo mộc thuộc họ gừng, có thể có đặc tính chống viêm mạnh giúp giảm đau do viêm khớp.

Sử dụng thuốc Tây

Thuốc uống chống viêm không Steroid (NSAID) có thể giúp giảm sưng và giảm bớt sự khó chịu liên quan đến viêm khớp ngón chân. Những loại thuốc này thường bao gồm các loại thuốc không kê đơn như Advil (Ibuprofen) và Aleve (Naproxen), nhưng đôi khi có thể bao gồm các loại thuốc kê đơn như Celebrex (Celecoxib), Voltaren (Diclofenac) hoặc Nabumetone.

Những loại thuốc này có thể được dùng thường xuyên để ngăn ngừa và kiểm soát cơn đau hoặc chỉ khi viêm khớp bùng phát.

Phẫu thuật khớp ngón chân

Mặc dù hiếm khi cần thiết, nhưng có một số quy trình phẫu thuật để điều trị viêm khớp ở ngón chân. Phẫu thuật loại bỏ các gai xương đã hình thành xung quanh các khớp bị viêm để cải thiện phạm vi chuyển động hay thay thế hoàn toàn khớp nếu không thể cử động hoàn toàn.

Viêm khớp ngón chân là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp ngón chân 7
Phẫu thuật cắt bỏ gai xương trong bệnh lý viêm khớp ngón chân

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp ngón chân

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh mang giày cao gót, giày chật thường xuyên.
  • Tập bài tập tăng cường sự dẻo dai của các khớp ngón chân.

Chế độ dinh dưỡng: Duy trì cân nặng khỏe mạnh giúp giảm căng thẳng cho khớp. Bàn chân là khớp chịu trọng lượng nên béo phì khiến tình trạng viêm khớp trở nên trầm trọng hơn. Giảm số cân thừa có thể dẫn đến ít đau hơn và hoạt động khớp ngón chân tốt hơn. Bạn cần ăn uống lành mạnh vì khả năng tập thể dục của bạn có thể bị hạn chế nếu bạn bị đau nhiều ở ngón chân.

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp ngón chân hiệu quả

Để hạn chế viêm khớp ngón chân xảy ra hay làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mọi người có thể thực hiện các cách sau đây:

Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: Việc duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh có thể là chìa khóa để ngăn ngừa và điều trị bệnh viêm khớp nói chung. Các nghiên cứu cho thấy những người có trọng lượng cơ thể tương đối cao bị viêm khớp ở độ tuổi trẻ hơn dễ bị viêm khớp nặng hơn. Cân nặng tăng thêm sẽ gây áp lực lên các khớp của bạn, dẫn đến hao mòn và cũng có thể gây viêm nhiễm nhiều hơn khắp cơ thể. Đối với người béo phì, chỉ cần giảm 10% trọng lượng cơ thể cũng có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng.

Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên: Tập thể dục vừa phải thường xuyên giúp duy trì chức năng khớp, đồng thời giảm đau, mệt mỏi và giảm cứng khớp. Kiểm soát cân nặng của bạn bằng bài tập thể dục nhịp điệu thường xuyên, ít tác động và không làm tổn thương ngón chân của bạn. Đạp xe trên xe đạp nằm nghiêng hoặc bơi lội là những lựa chọn tốt. Giữ cân nặng của bạn gần với chỉ số khối cơ thể (BMI) lý tưởng là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để kiểm soát cơn đau ngón chân. 

Nguồn tham khảo
  1. https://www.verywellhealth.com/arthritis-in-toes-4584852 
  2. https://creakyjoints.org/living-with-arthritis/symptoms/arthritis-in-toes/ 
  3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/big-toe-arthritis-surgery