Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn phân ly là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị rối loạn phân ly

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn phân ly là một loạt các tình trạng có thể gây ra các vấn đề về thể chất và tâm lý. Ở một số người, rối loạn phân ly chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, có thể xảy ra sau một sự kiện đau buồn trong cuộc đời và tự khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, một số người người bệnh lại có thể diễn tiến kéo dài.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn phân ly là gì?

Rối loạn phân ly là tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan đến việc mất kết nối giữa suy nghĩ, trí nhớ, cảm xúc, môi trường xung quanh, hành vi và nhận thức. Những tình trạng này bao gồm việc trốn chạy khỏi thực tế theo những cách không mong muốn và không lành mạnh. Điều này gây ra các vấn đề trong việc quản lý cuộc sống hàng ngày.

Rối loạn phân ly thường xuất hiện như một phản ứng trước các sự việc gây sốc, buồn hoặc đau đớn và giúp đẩy lùi những ký ức khó khăn. Các triệu chứng phụ thuộc một phần vào loại rối loạn phân ly và có thể từ mất trí nhớ đến mất kết nối nhận dạng. Các tình trạng căng thẳng có thể làm nặng thêm triệu chứng của rối loạn phân ly trong một thời gian, khiến chúng dễ được phát hiện hơn.

Điều trị rối loạn phân ly có thể bao gồm liệu pháp tâm lý và thuốc. Điều trị rối loạn phân ly có thể khó khăn nhưng nhiều người bệnh học được những cách đối phó mới cho tình trạng này và cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn phân ly

Các triệu chứng của rối loạn phân ly tuỳ thuộc vào phân loại, triệu chứng có thể bao gồm:

  • Cảm thấy bản thân mất kết nối với thế giới xung quanh;
  • Quên một số khoảng thời gian, sự kiện và thông tin cá nhân nhất định;
  • Cảm thấy không chắc chắn về danh tính của chính bạn;
  • Cảm thấy ít hoặc không có đau đớn về thể xác;
  • Nghĩ rằng mọi người, vạn vật xung quanh đều bị bóp méo, không có thật.

Một số người bệnh rối loạn phân ly bị cơn co giật. Những triệu chứng này có thể thay đổi từ ngất đến một phản ứng giống như trong bệnh động kinh.

Rối loạn phân ly là cách tâm trí đối phó với quá nhiều căng thẳng.

Các giai đoạn của rối loạn phân ly có thể diễn tiến trong thời gian tương đối ngắn (giờ hoặc ngày) hoặc lâu hơn nhiều (tuần hoặc tháng).

Nhiều người bệnh mắc rối loạn phân ly có quá khứ đã gặp phải một sự kiện đau thương nào đó. Sự phân ly có thể xảy ra như một cách để đối phó với nó.

Rối loạn phân ly là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị rối loạn phân ly 4.png
Cảm thấy bản thân mất kết nối với môi trường xung quanh có thể là triệu chứng của bệnh rối loạn phân ly

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đôi khi các triệu chứng rối loạn phân ly xảy ra trong cơn khủng hoảng với hành vi nghiêm trọng hoặc bốc đồng. Những người có các triệu chứng này cần được chăm sóc khẩn cấp hơn và cần được chăm sóc tại khoa cấp cứu tại bệnh viện nếu được đánh giá là đáng lo ngại về tính an toàn.

Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng ít khẩn cấp hơn và nghi ngờ là rối loạn phân ly, hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn phân ly

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra rối loạn phân ly, bao gồm quá khứ đã trải qua một sự kiện đau thương nào đó. Người bệnh mắc rối loạn phân ly có thể đã từng bị lạm dụng về thể chất, tình dục hoặc tinh thần trong thời thơ ấu. Một số người sau khi trải qua chiến tranh, bắt cóc hoặc thậm chí là một phương pháp y tế xâm lấn.

Xa lánh thực tế là một cơ chế phòng vệ bình thường giúp con người đối phó trong thời gian đau thương. Đó là một hình thức phủ nhận, như thể “điều này không xảy ra với tôi”. Nó trở thành vấn đề khi môi trường không còn đau thương nữa nhưng người bệnh vẫn hành động và sống như nó vẫn còn tồn tại và chưa được xử lý.

Rối loạn phân ly là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị rối loạn phân ly 5.png
Quá khứ từng bị bạo lực có thể là nguyên nhân gây ra rối loạn phân ly

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn phân ly?

Mọi người ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh, chủng tộc, dân tộc và kinh tế xã hội đều có thể mắc bệnh rối loạn phân ly. Giới tính nữ thường được chẩn đoán hơn.

Những người từng bị lạm dụng thể chất và/hoặc tình dục khi còn nhỏ có nguy cơ mắc chứng rối loạn nhận dạng phân ly (Dissociative identity disorder) cao nhất. Khoảng 90% số người mắc rối loạn nhận dạng phân ly ở Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu đã từng bị lạm dụng và bỏ rơi khi còn nhỏ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn phân ly

Bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn phân ly cao nhất nếu bạn bị lạm dụng thể chất, tình dục hoặc cảm xúc lâu dài trong thời thơ ấu.

Các sự kiện gây sốc, đau buồn hoặc đau đớn khác cũng có thể gây ra rối loạn phân ly. Chúng có thể bao gồm chiến tranh, thiên tai, bắt cóc, tra tấn, các phương pháp y tế phức tạp ở giai đoạn đầu đời hoặc các sự kiện khác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn phân ly

Bác sĩ có thể thăm khám toàn diện cho bạn và thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các triệu chứng mà bạn mắc phải là do một bệnh lý thực thể nào đó.

Các bác sĩ thăm khám ban đầu có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được đánh giá đầy đủ. Chuyên gia thực hiện đánh giá của bạn phải có hiểu biết tốt về rối loạn phân ly.

Việc đánh giá có thể bao gồm các câu hỏi về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và các triệu chứng của bạn. Điều quan trọng là bạn phải thành thật trả lời về các triệu chứng của mình để có thể nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết.

Điều trị rối loạn phân ly

Nhiều người bệnh rối loạn phân ly có thể hồi phục hoàn toàn nhờ điều trị và hỗ trợ.

Trị liệu bằng lời nói (Talking therapies)

Các liệu pháp trị liệu bằng cách nói chuyện thường được khuyên dùng cho bệnh rối loạn phân ly.

Mục đích của các liệu pháp này như tư vấn hoặc trị liệu tâm lý là giúp bạn đối phó với nguyên nhân cơ bản gây ra các triệu chứng của mình, đồng thời học và thực hành các kỹ năng để kiểm soát giai đoạn cảm thấy mất kết nối.

Giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt (Eye movement desensitisation and reprocessing)

Giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt là một phương pháp điều trị tâm lý có thể giúp giảm các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder). Nó đôi khi được sử dụng để điều trị rối loạn phân ly.

Các loại thuốc

Không có loại thuốc cụ thể nào để điều trị bệnh rối loạn phân ly, nhưng các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm có thể được kê đơn để điều trị các tình trạng liên quan như trầm cảm, lo lắng và hoảng loạn.

Rối loạn phân ly là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị rối loạn phân ly 6.png
Trị liệu bằng lời nói là một trong những phương pháp điều trị rối loạn phân ly

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của rối loạn phân ly

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt có thể hỗ trợ người bệnh rối loạn phân ly trong việc quản lý triệu chứng và tăng cường trạng thái tâm lý và cảm giác an toàn. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ sinh hoạt cho người bệnh rối loạn phân ly:

  • Hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý: Hãy tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý chuyên về rối loạn phân ly. Họ có thể giúp bạn hiểu và quản lý triệu chứng, cung cấp các kỹ thuật tự giúp và phương pháp cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Thiết lập một lịch trình ổn định: Tạo ra một lịch trình hàng ngày ổn định và có nguyên tắc. Điều này giúp tạo ra sự an toàn và dự đoán, giảm bớt sự bất ổn và lo âu.
  • Quản lý stress: Hãy tìm hiểu và sử dụng các kỹ thuật quản lý stress như tập thở, yoga, thiền,... Điều này giúp giảm căng thẳng và tăng cường khả năng chịu đựng.
  • Hỗ trợ xã hội: Xây dựng và duy trì mối quan hệ xã hội lành mạnh. Gia đình, bạn bè hoặc nhóm hỗ trợ cùng cung cấp sự ủng hộ và hiểu biết, giúp bạn cảm thấy an toàn và kết nối với thế giới xung quanh.
  • Chăm sóc sức khỏe toàn diện: Đảm bảo có một lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc. Điều này có thể giúp cải thiện tình trạng tâm lý và cơ thể.
  • Học cách tự chăm sóc: Hãy học cách chăm sóc bản thân và làm những điều mà bạn thích. Điều này có thể bao gồm việc tham gia vào các hoạt động thú vị, như đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh, hoặc tham gia các khóa học sáng tạo.
  • Tránh chất gây nghiện: Hạn chế tiếp xúc và sử dụng các chất gây nghiện như rượu, ma túy hoặc thuốc lá. Những chất này có thể làm gia tăng cảm giác rối loạn và gây hại cho sức khỏe tổng quát.
  • Tuân thủ kế hoạch điều trị: Nếu bạn đang được điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp, hãy tuân thủ kế hoạch điều trị được đề ra bởi bác sĩ. Điều này đảm bảo bạn nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc cần thiết để quản lý rối loạn phân ly.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng không có một quy tắc cụ thể cho người bệnh rối loạn phân ly, nhưng có một số gợi ýchung mà bạn có thể áp dụng để hỗ trợ sức khỏe toàn diện.

  • Có một chế độ dinh dưỡng cân đối;
  • Chế độ ăn uống đều đặn;
  • Hạn chế các chất kích thích như cafein, thuốc lá và rượu bia;
  • Uống đủ nước;
  • Tạo ra một môi trường ăn uống thoải mái và không áp lực.

Ngoài ra, quan trọng nhất là tư vấn với một chuyên gia dinh dưỡng hoặc một bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để nhận được sự tư vấn cá nhân hóa và hỗ trợ trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu riêng của bạn.

Phòng ngừa rối loạn phân ly

Trẻ em bị lạm dụng về thể chất, tình cảm hoặc tình dục có nguy cơ cao mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như rối loạn phân ly. Nếu căng thẳng hoặc các vấn đề cá nhân khác đang ảnh hưởng đến cách bạn đối xử với con mình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ.

  • Nói chuyện với một người đáng tin cậy như bạn bè, chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc một lãnh đạo trong tôn giáo của bạn.
  • Yêu cầu trợ giúp tìm kiếm các nguồn lực như các nhóm hỗ trợ nuôi dạy con cái và các nhà trị liệu gia đình.
  • Hãy tìm các chương trình giáo dục cộng đồng cung cấp các lớp nuôi dạy con cái cũng có thể giúp bạn học cách nuôi dạy con lành mạnh hơn.

Nếu bạn hoặc con bạn bị ngược đãi hoặc trải qua một sự kiện gây sốc, đau buồn hoặc đau đớn khác, hãy đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần, người có thể giúp bạn hoặc con bạn phục hồi và học các kỹ năng đối phó lành mạnh.

Rối loạn phân ly là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị rối loạn phân ly 7.png
Nói chuyện với những người đáng tin cậy khi bạn gặp các vấn đề gây căng thẳng giúp phòng ngừa rối loạn phân ly

Các câu hỏi thường gặp về rối loạn phân ly

Các loại rối loạn phân ly là gì?

Có 3 loại rối loạn phân ly chính là:

  • Rối loạn giải thể nhân cách (Depersonalization/derealization disorder);
  • Mất trí nhớ phân ly (Dissociative amnesia);
  • Rối loạn nhận dạng phân ly (Dissociative identity disorder).

Rối loạn phân ly có thường gặp không?

Rối loạn phân ly rất hiếm. Khoảng 2% người dân ở Hoa Kỳ mắc phải.

Biến chứng của rối loạn phân ly là gì?

Bệnh rối loạn phân ly làm tăng nguy cơ biến chứng và mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Chúng có thể bao gồm:

  • Trầm cảm và lo âu;
  • Sang chấn tâm lý;
  • Rối loạn giấc ngủ, bao gồm ác mộng, mất ngủ và mộng du;
  • Các triệu chứng thực thể như chóng mặt hoặc co giật không phải do động kinh;
  • Rối loạn ăn uống;
  • Vấn đề với chức năng tình dục;
  • Vấn đề với việc sử dụng rượu và ma túy;
  • Rối loạn nhân cách;
  • Những vấn đề lớn trong các mối quan hệ cá nhân, ở trường và tại nơi làm việc;
  • Tự gây thương tích hoặc hành vi có nguy cơ cao;
  • Ý nghĩ và hành vi tự sát.

Tiên lượng của rối loạn phân ly là gì?

Tiên lượng cho người bệnh rối loạn phân ly là khác nhau.

Với phương pháp điều trị (thường là liệu pháp tâm lý), nhiều người mắc chứng rối loạn phân ly có thể giải quyết các triệu chứng chính của tình trạng này và cải thiện hoạt động hàng ngày của họ.

Đối với một số người mắc rối loạn phân ly, đặc biệt là loại rối loạn nhận dạng phân ly, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

Tìm cách tự tử và tự làm hại bản thân là phổ biến ở những người mắc rối loạn nhận dạng phân ly. Hơn 70% số người mắc rối loạn nhận dạng phân ly cố gắng tìm cách tự tử.

Nguồn tham khảo
  1. Dissociative disorders: https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/dissociative-disorders/
  2. What Is Dissociation?: https://www.verywellmind.com/dissociation-2797292
  3. Dissociative Disorders: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17749-dissociative-disorders
  4. What Is Dissociation?: https://www.webmd.com/mental-health/dissociation-overview
  5. Dissociative disorders: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dissociative-disorders/symptoms-causes/syc-20355215

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn khí sắc

  2. Bệnh Baylisascariasis

  3. Down

  4. Phô dâm

  5. Chậm phát triển tâm thần

  6. Rối loạn lo âu bệnh tật

  7. Thị dâm

  8. Rối loạn nhân cách ái kỷ

  9. Tự kỷ

  10. Nói lắp