Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn lo âu lan tỏa là gì? Khi sự lo lắng vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn lo âu lan tỏa đặc trưng bởi sự lo lắng và lo âu quá mức về một số hoạt động hay sự kiện diễn ra hàng ngày trong thời gian từ 6 tháng trở lên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được biết rõ, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn lâm sàng. Điều trị bao gồm can thiệp hành vi, trị liệu tâm lý, trị liệu bằng thuốc hoặc kết hợp nhiều phương pháp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn lo âu lan tỏa là gì?

Nếu bạn có xu hướng lo lắng nhiều, ngay cả khi không có lý do gì, bạn có thể mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized anxiety disorder - GAD).

Thỉnh thoảng, lo lắng là một phần bình thường của cuộc sống. Nhiều người có thể lo lắng về các vấn đề như sức khỏe, tiền bạc hoặc các vấn đề về gia đình. Không giống như việc thỉnh thoảng lo lắng, rối loạn lo âu lan tỏa thường liên quan đến cảm giác lo lắng và sợ hãi dai dẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Những người mắc rối loạn lo âu lan tỏa thường xuyên sống chung với cảm giác lo âu hoặc vô cùng lo lắng, ngay cả khi có rất ít hoặc không có lý do gì, tình trạng này có thể kéo dài dai dẳng trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn lo âu lan tỏa

Các triệu chứng và dấu hiệu khi mắc rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:

  • Lo lắng quá mức về mọi việc hàng ngày.
  • Gặp khó khăn trong việc kiểm soát những lo lắng hoặc cảm giác bồn chồn.
  • Biết bản thân đang lo lắng quá mức cần thiết.
  • Cảm giác bồn chồn và khó thư giãn.
  • Dễ giật mình, khó ngủ hoặc mất ngủ.
  • Dễ mệt mỏi hoặc luôn cảm thấy mệt mỏi.
  • Bị đau đầu, đau cơ, đau bụng hoặc đau không rõ nguyên nhân.
  • Run hoặc co giật.
  • Khó nuốt.
  • Cảm thấy cáu kỉnh hoặc bực mình.
  • Đổ mồ hôi nhiều, cảm giác lâng lâng hoặc khó thở.
  • Phải đi vệ sinh thường xuyên.

Trẻ em và thiếu niên mắc GAD thường lo lắng quá mức về:

  • Thành tích trong hoạt động thể thao hay trong lớp học.
  • Lo lắng về thảm họa, chẳng hạn như động đất hoặc chiến tranh.
  • Sức khỏe của người khác như các thành viên trong gia đình.
Rối loạn lo âu lan tỏa là gì? Khi sự lo lắng vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn 4
Trẻ em mắc rối loạn lo âu lan tỏa thường lo lắng quá mức về thành tích học tập

Người lớn mắc GAD thường rất lo lắng về các vấn đề hàng ngày như:

  • Công việc, hiệu suất hay tình trạng an ninh;
  • Sức khỏe;
  • Tài chính;
  • Sức khỏe và hạnh phúc của thành viên khác trong gia đình;
  • Trễ giờ;
  • Công việc nhà và các trách nhiệm gia đình.

Cả người lớn và trẻ em mắc rối loạn lo âu lan tỏa đều có thể gặp các triệu chứng thực thể như đau, mệt mỏi hay khó thở, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Các triệu chứng có thể dao động theo thời gian và thường nặng hơn khi căng thẳng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của bạn, chẳng hạn như:

  • Trầm cảm, đây là tình trạng thường xảy ra kèm với GAD.
  • Các vấn đề về rối loạn giấc ngủ.
  • Lạm dụng ma túy hoặc lạm dụng rượu.
  • Gặp vấn đề về tiêu hóa.
  • Cách ly xã hội.
  • Thách thức trong công việc hoặc học tập.
  • Suy giảm chất lượng cuộc sống.
  • Nghĩ đến hoặc cố gắng tự tử.

Việc tìm kiếm lời khuyên hay sự giúp đỡ kịp thời cho rối loạn lo âu lan tỏa có thể ngăn ngừa các vấn đề này.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn cho rằng mình đang gặp các triệu chứng của rối loạn lo âu lan tỏa, hoặc bạn bị lo âu thường xuyên, cảm giác ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ y tế. Các bác sĩ cũng như chuyên gia có thể đưa ra lời khuyên và phương pháp điều trị để giúp bạn kiểm soát tình trạng rối loạn lo âu của mình.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu lan tỏa

Nguyên nhân chính xác dẫn đến rối loạn lo âu lan tỏa vẫn chưa được hiểu đầy đủ, có thể có sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

Nguy cơ mắc rối loạn lo âu lan tỏa có thể xảy ra trong gia đình. Một số bộ phận của não và các quá trình sinh học đóng vai trò quan trọng trong sự sợ hãi và lo lắng. Bằng cách tìm hiểu về cách hoạt động của não và cơ thể ở những người bị rối loạn lo âu, các nhà nghiên cứu có thể phát triển các phương pháp điều trị tốt hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra các nguyên nhân bên ngoài dẫn đến rối loạn lo âu lan tỏa như trải qua một chấn thương hay sang chấn tâm lý (traumatic) hay sống trong môi trường căng thẳng, có thể khiến bạn có nguy cơ mắc GAD cao hơn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc rối loạn lo âu lan tỏa?

Rối loạn lo âu lan tỏa thường phát triển chậm. Ai cũng có thể mắc rối loạn lo âu lan tỏa, nhưng thường bắt đầu vào tuổi 30, tuy nhiên GAD cũng có thể xảy ra từ thời thơ ấu. Rối loạn lo âu lan tỏa phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu lan tỏa

Các yếu tố nguy cơ của rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm cả yếu tố môi trường và di truyền, chẳng hạn như:

  • Tiền sử gia đình có lo âu.
  • Tiếp xúc gần đây hoặc tiếp xúc kéo dài với các tình huống căng thẳng, bao gồm cả bệnh tật cá nhân hoặc gia đình.
  • Sử dụng quá nhiều caffeine hay thuốc lá có thể làm cho tình trạng lo lắng trở nên tệ hơn.
  • Lạm dụng hoặc bị bắt nạt thời thơ ấu.
  • Một số tình trạng sức khỏe nhất định như các vấn đề về tuyến giáp hay rối loạn nhịp tim.
Rối loạn lo âu lan tỏa là gì? Khi sự lo lắng vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn 5
Sử dụng thuốc lá và cà phê khiến tình trạng lo âu trở nên tồi tệ hơn

Một số bằng chứng cho thấy những người mắc rối loạn lo âu lan tỏa có thể gặp phải sự kích hoạt nhất định ở vùng não liên quan khi họ gặp phải những tình huống có thể gây lo lắng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa

Bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần của bạn có thể chẩn đoán tình trạng rối loạn lo âu lan tỏa dựa trên các triệu chứng của bạn. Bác sĩ có thể xác định xem các triệu chứng này có phải liên quan đến một vấn đề khác hay không.

Theo tiêu chuẩn DSM-5, bạn sẽ được chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa nếu các triệu chứng lo lắng quá mức khó kiểm soát kéo dài trong ít nhất 6 tháng.

Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa là một chẩn đoán lâm sàng, tuy nhiên, các bác sĩ cần loại trừ nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng lo âu của bạn. Do đó, các xét nghiệm cũng có thể được thực hiện như:

  • Xét nghiệm máu bao gồm kiểm tra bệnh lý tuyến giáp;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Chụp X-quang bụng hoặc nội soi thực quản dạ dày tá tràng để kiểm tra GERD (Trào ngược dạ dày thực quản);
  • Chụp X-quang và nghiệm pháp gắng sức để kiểm tra tình trạng của tim.

Phương pháp điều trị rối loạn lo âu lan tỏa

Sau khi được chẩn đoán và thảo luận về tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị cho bạn bao gồm:

  • Tâm lý trị liệu: Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là một loại trị liệu tâm lý thường được sử dụng để điều trị GAD, giúp cho bạn bớt lo lắng hơn. CBT đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và là tiêu chuẩn vàng cho liệu pháp tâm lý.
  • Thuốc: Các loại thuốc chống trầm cảm chẳng hạn như SSRI và SNRI hay thuốc chống lo âu như benzodiazepine có thể được sử dụng để điều trị GAD. Cả liệu pháp tâm lý và thuốc đều cần một khoảng thời gian để có thể phát huy tác dụng. Bạn cần sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Thay đổi lối sống: Việc thực hành một lối sống lành mạnh, tham gia các đội nhóm hỗ trợ cũng giúp ích trong việc điều trị rối loạn lo âu lan tỏa.
Rối loạn lo âu lan tỏa là gì? Khi sự lo lắng vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn 6
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là tiêu chuẩn vàng cho liệu pháp tâm lý

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn lo âu lan tỏa

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên nếu có thể;
  • Ngủ đủ giấc;
  • Ngưng hút thuốc lá;
  • Tập yoga và thiền;
  • Nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy, vợ hoặc chồng hay các thành viên trong gia đình về những nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn.

Chế độ dinh dưỡng: Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng cũng giúp ích trong việc hạn chế triệu chứng của rối loạn lo âu lan tỏa. Bạn cũng nên tránh các chất kích thích, chẳng hạn như cà phê, thuốc giảm cân hay thuốc có chứa caffeine.

Bạn cũng nên lưu ý về việc sử dụng rượu nếu đang mắc GAD. Uống rượu có thể khiến bạn cảm thấy bớt lo lắng gần như ngay lập tức. Đây cũng là lý do tại sao những người mắc rối loạn lo âu có thể chuyển sang uống rượu để cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng bạn cần nhớ đó là rượu có thể có tác động tiêu cực đến tâm trạng của bạn. 

Trong vòng vài giờ sau khi uống rượu, hoặc vào ngày hôm sau, bạn sẽ cảm thấy khó chịu hay trầm cảm hơn. Rượu cũng có thể tương tác với các loại thuốc đang sử dụng để điều trị GAD, một số trường hợp có thể gây tử vong. Do đó, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ nếu bạn gặp vấn đề về sử dụng hay lạm dụng rượu.

Phương pháp phòng ngừa rối loạn lo âu lan tỏa hiệu quả

Nếu bạn gặp cảm giác lo âu hoặc trầm cảm, sẽ có lợi cho bạn nếu như bạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ sớm. Những lời khuyên hữu ích có thể giúp bạn ngăn ngừa hoặc giúp phát hiện và điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng của tình trạng rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:

  • Tìm hiểu về tình trạng lo âu.
  • Hiểu về cách thức hoạt động của các loại thuốc.
  • Theo lời khuyên của bác sĩ về việc điều trị và theo dõi bệnh.
  • Trao đổi và làm việc với nhân viên tư vấn.
  • Ngưng sử dụng caffeine và các chất kích thích khác.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ cho bất kỳ tình trạng sức khỏe thể chất nào khiến bạn thấy lo lắng.
  • Quản lý căng thẳng thông qua ngủ và tập thể dục thường xuyên.
  • Thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội.
Rối loạn lo âu lan tỏa là gì? Khi sự lo lắng vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn 7
Một số thay đổi trong lối sống và hành vi có thể giúp bạn cải thiện tình trạng lo âu

Bạn cũng có thể tham gia các nhóm đi bộ, nhóm tập thể thao, đội nhóm tổ chức từ thiện để có thể cải thiện nếu gặp khó khăn trong việc thiết lập sự tương tác xã hội.

Nguồn tham khảo
  • Generalized Anxiety Disorder: https://www.msdmanuals.com/professional/psychiatric-disorders/anxiety-and-stressor-related-disorders/generalized-anxiety-disorder
  • Generalized Anxiety Disorder (GAD): https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/generalized-anxiety-disorder
  • Overview - Generalised anxiety disorder in adults: https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/generalised-anxiety-disorder/overview/
  • Generalized Anxiety Disorder: When Worry Gets Out of Control: https://www.nimh.nih.gov/health/publications/generalized-anxiety-disorder-gad
  • Generalized Anxiety Disorder (GAD): https://adaa.org/understanding-anxiety/generalized-anxiety-disorder-gad
  • An Overview of Generalized Anxiety Disorder: https://www.healthline.com/health/anxiety/generalized-anxiety-disorder

Các bệnh liên quan

  1. Parkinson thứ phát

  2. viêm não tự miễn

  3. Mất trí nhớ

  4. Đau đầu vận mạch

  5. Rối loạn dạng cơ thể

  6. Thiếu 1 phần não

  7. Viêm não dạng u hạt do amip

  8. liệt dây hồi quy

  9. Ái kỷ

  10. Dị cảm