Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn nhân cách loại phân liệt: Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn nhân cách loại phân liệt là một trình trạng sức khỏe tâm thần được biểu hiện bằng cảm giác khó chịu dữ dội liên tục trong các mối quan hệ và tương tác xã hội. Những người mắc rối loạn này có những suy nghĩ, lời nói và hành vi bất thường, cản trở khả năng hình thành và duy trì các mối quan hệ của họ. Điều trị hiện nay bao gồm sử dụng thuốc chống loạn thần và liệu pháp tâm lý nhằm cải thiện các triệu chứng bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn nhân cách loại phân liệt là gì?

Rối loạn nhân cách loại phân liệt là một tình trạng tâm thần được biểu hiện bằng cảm giác khó chịu dữ dội với các mối quan hệ thân thiết và tương tác trong xã hội. Nếu bạn mắc rối loạn này, bạn có thể có những quan điểm lệch lạc, mê tín và những hành vi bất thường. Từ đó sẽ gây cản trở các mối quan hệ của bạn trong cuộc sống.

Rối loạn nhân cách loại phân liệt là một trong những bệnh thuộc nhóm rối loạn nhân cách nhóm A (Cluster A). Nhóm này liên quan đến suy nghĩ hoặc hành vi bất thường, có phần lập dị. Những người mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt thường có hành vi bất thường, lời nói kỳ quặc và có niềm tin vào những điều ma thuật. Nếu bạn mắc bệnh, bạn sẽ không thể nhận ra được những hành vi của mình là bất thường hoặc có vấn đề.

Rối loạn nhân cách loại phân liệt tương đối hiếm, ước tính có khoảng 3 đến 5 phần trăm số người Hoa Kỳ mắc bệnh này. Một số người mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt sẽ phát triển thành bệnh tâm thần phân liệt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách loại phân liệt

Nếu bạn mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt, bạn sẽ thường xuyên trải qua cảm giác khó chịu và đau khổ tột cùng trong các tình huống xã hội. Bạn có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc hình thành và duy trì các mối quan hệ thân thiết, một phần do cách hiểu sai lệch về các tương tác xã hội cũng như các hành vi xã hội kỳ quặc.

Các dấu hiệu của rối loạn nhân cách loại phân liệt gồm:

  • Có tình trạng lo âu xã hội mạnh mẽ và các mối quan hệ xã hội kém.
  • Rất khó chịu với sự tiếp xúc thân mật.
  • Không có bạn bè thân thiết ngoại trừ người thân thế hệ 1 (gồm cha mẹ, anh chị em ruột).
  • Có những hành vi và phong cách đặc biệt.
  • Có những suy nghĩ và lời nói kỳ quặc, như sử dụng các cụm từ cụ thể hoặc quá mức trừu tượng hoặc sử dụng từ ngữ theo những cách khác thường.
  • Có những nhận thức khác thường như nhầm lẫn tiếng ồn với giọng nói.
  • Có niềm tin vào phép thuật, chẳng hạn như nghĩ rằng mình có sức mạnh đặc biệt.
  • Giải thích không chính xác các tình huống hoặc sự kiện thông thường là có ý nghĩa đặc biệt.
  • Hoang tưởng và nghi ngờ ý định của người khác.
  • Gặp khó khăn trong việc phản ứng phù hợp với các tín hiệu như duy trì giao tiếp bằng mắt.
  • Thiếu động lực và đạt kết quả thấp trong học tập và công việc.

Những người mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt thường không nhận thức về suy nghĩ và hành vi của họ tác động đến người xung quanh như thế nào.

Rối loạn nhân cách loại phân liệt: Triệu chứng và cách điều trị 4
Người mắc thường có suy nghĩ lệch lạc, khác thường so với những người xung quanh

Biến chứng có thể gặp khi mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt

Những người mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt dễ bị lo âu và trầm cảm hơn. Họ cũng có các kỹ năng xã hội kém và thiếu các mối quan hệ xã hội. Nếu không được điều trị, những người mắc rối loạn nhân cách này có thể trở nên khó chịu hơn trong các tình huống xã hội, điều này dẫn đến sự cô lập cho người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nêu trên, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc nhà tâm lý học để được chẩn đoán chính xác.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách loại phân liệt

Rối loạn nhân cách loại phân liệt hiện nay vẫn chưa được hiểu rõ. Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh. Gen của bạn có thể đóng một vai trò trong việc xuất hiện rối loạn này. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người có người thân mắc tâm thần phân liệt sẽ dễ xuất hiện tình trạng rối loạn nhân cách và thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành sớm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn nhân cách loại phân liệt?

Hầu hết các rối loạn nhân cách bao gồm cả rối loạn nhân cách loại phân liệt thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên khi nhân cách bắt đầu phát triển và trưởng thành. Rối loạn này thường ảnh hưởng nam giới nhiều hơn một chút so với nữ giới.

Rối loạn nhân cách loại phân liệt: Triệu chứng và cách điều trị 5
Rối loạn này thường ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn nhân cách loại phân liệt

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

  • Di truyền: Gia đình có người thân bị tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách loại phân liệt, các rối loạn nhân cách khác.
  • Yếu tố môi trường: Bao gồm các trải nghiệm trong thời thơ ấu có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển bệnh. Bao gồm bị lạm dụng, bị ngó lơ bởi cha mẹ, bị tổn thương, có cha mẹ là người vô cảm…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn nhân cách loại phân liệt

Tính cách của một người sẽ liên tục phát triển từ thời thơ ấu đến thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành. Do đó, nếu bạn chưa đủ 18 tuổi, bác sĩ sẽ không thể chẩn đoán bạn đang bị rối loạn nhân cách loại phân liệt.

Hiện nay, khó có thể chẩn đoán một người mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt vì hầu hết những người này không nghĩ rằng họ bị bệnh và không nghĩ rằng họ cần thay đổi hành vi của mình.

Người bệnh thường tìm đến bác sĩ thường do những bệnh lý khác kèm theo như trầm cảm, lo âu. Tỷ lệ mắc cùng lúc hai tình trạng tâm thần này đặc biệt cao ở những người mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt.

Bác sĩ chuyên ngành tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý học sẽ nghi ngờ bạn mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt thông qua các thông tin do bạn cung cấp về:

  • Các sự kiện trong thời thơ ấu của bạn;
  • Các mối quan hệ xã hội;
  • Tình trạng công việc của bạn;
  • Các trải nghiệm thực tế của bạn.

Những người mắc bệnh này thường không nhận biết được hành vi của họ nên bác sĩ thường sẽ cần nói chuyện với những người thân trong gia đình và bạn bè để thu thập thêm thông tin chi tiết giúp chẩn đoán chính xác hơn.

Rối loạn nhân cách loại phân liệt: Triệu chứng và cách điều trị 6
Bác sĩ chuyên ngành tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý học sẽ là người đưa ra chẩn đoán

Điều trị rối loạn nhân cách loại phân liệt

Liệu pháp tâm lý và thuốc chống loạn thần liều thấp là hai phương pháp điều trị chính cho rối loạn nhân cách loại phân liệt.

Thuốc chống loạn thần

Bác sĩ sẽ kê toa thuốc chống loạn thần liều thấp cho bạn nhằm làm giảm các triệu chứng rối loạn nhận thức, có những lời nói kỳ quặc, trầm cảm, lo âu. Thuốc chống loạn thần có ích nếu bạn có triệu chứng tâm thần phân liệt mức độ vừa, có triệu chứng loạn thần nhẹ, thoáng qua.

Liệu pháp tâm lý

Nhằm giúp bạn xác định và thay đổi những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi bất thường. Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin và hỗ trợ hướng dẫn cho người nhà và người bệnh cách thực hiện.

Các loại trị liệu tâm lý cho thấy lợi ích trên người mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt:

  • Liệu pháp tâm lý nhóm: Một nhóm người sẽ tập trung lại với nhau để diễn tả và thảo luận về các vấn đề mà họ gặp phải dưới sự giám sát của chuyên viên tâm lý học. Liệu pháp sẽ giúp người mắc rối loạn nhân cách phát triển các kỹ năng xã hội vì nó giúp giải quyết sự lo lắng và lúng túng của người bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn mắc rối loạn nhân cách mức độ nặng điều này có thể gây rối loạn nhóm.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi: Là một loại liệu pháp có cấu trúc và mục tiêu rõ ràng. Nhà trị liệu sẽ giúp bạn xem xét kỹ hơn về suy nghĩ và cảm xúc để hiểu rõ được suy nghĩ đã tác động đến hành vi như thế nào. Đối với người mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt, nhà trị liệu sẽ tập trung vào kiểm tra các trải nghiệm và chú ý đến ranh giới giữa các cá nhân. Phương pháp này có thể giúp người bệnh nhận ra những kiểu suy nghĩ lệch lạc như hoang tưởng có phép thuật.
Rối loạn nhân cách loại phân liệt: Triệu chứng và cách điều trị 7
Liệu pháp nhận thức hành vi giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của rối loạn nhân cách loại phân liệt

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ.
  • Giữ mối quan hệ lành mạnh với bạn bè và gia đình.
  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.
  • Tập thể dục và vận động thường xuyên, vừa sức của mình.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn đủ bữa, đủ dinh dưỡng.
  • Chế độ ăn lành mạnh với nhiều rau củ quả, hạn chế thức ăn chế biến sẵn và dầu mỡ.
  • Uống đủ nước, ưu tiên nước lọc.

Phòng ngừa rối loạn nhân cách loại phân liệt

Rối loạn nhân cách loại phân liệt thường không thể ngăn ngừa được nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp bạn học cách thay đổi những hành vi và suy nghĩ không tốt cho mình.

Các câu hỏi thường gặp về rối loạn nhân cách loại phân liệt

Rối loạn nhân cách loại phân liệt khác gì so với rối loạn nhân cách phân liệt?

Cả hai bệnh này đều là một tình trạng sức khỏe tâm thần bất thường. Rối loạn nhân cách phân liệt thường biểu hiện bằng sự thờ ơ và không quan tâm đến các mối quan hệ xung quanh. Ngược lại rối loạn nhân cách loại phân liệt thường cảm thấy khó chịu với các mối quan hệ này.

Tôi có cần uống thuốc để điều trị bệnh không?

Nếu bạn các triệu chứng rối loạn nhận thức, có những lời nói kỳ quặc, trầm cảm, lo âu, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống loạn thần cho bạn nhằm làm giảm các triệu chứng.

Tôi có thể hết bệnh hay không?

Rối loạn nhân cách loại phân liệt là một bệnh lý mạn tính và không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Để làm giảm triệu chứng của bệnh và học cách kiểm soát hành vi của mình, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Nếu tôi mắc bệnh thì có ảnh hưởng gì đến cuộc sống hàng ngày không?

Những người mắc rối loạn nhân cách loại phân liệt thường khó chịu khi tiếp xúc với người khác, do đó bạn thường sẽ dễ bị cô lập với mọi người.

Bệnh có di truyền cho con tôi hay không?

Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng rối loạn nhân cách loại phân liệt có liên quan đến di truyền trong gia đình. Tuy nhiên không phải toàn bộ trẻ sinh ra bởi cha mẹ mắc bệnh này cũng sẽ mắc bệnh này. Do đó, hãy theo dõi con của mình và nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào hãy đưa con đi khám bác sĩ.

Nguồn tham khảo
  1. Schizotypal Personality Disorder: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23061-schizotypal-personality-disorder
  2. Schizotypal Personality Disorder: https://www.webmd.com/mental-health/schizotypal-personality-disorder
  3. Schizotypal Personality Disorder (STPD): https://www.healthline.com/health/schizotypal-personality-disorder
  4. What Are the Symptoms of Schizotypal Personality Disorder?: https://psychcentral.com/disorders/schizotypal-personality-disorder-symptoms
  5. Schizotypal Personality Disorder: https://www.psychologytoday.com/us/conditions/schizotypal-personality-disorder

Các bệnh liên quan