Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tăng tiết mồ hôi: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tăng tiết mồ hôi là một tình trạng thường gặp với tỷ lệ lưu hành cao ở độ tuổi từ 25 đến 64 tuổi. Ước tính tỷ lệ mắc chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát và thứ phát dao động khoảng 13,9% ở Nhật Bản, 18,4% ở Thượng Hải - Trung Quốc, 16,3% ở Đức và 2,8% ở Mỹ. Tăng tiết mồ hôi ảnh hưởng đến sức khỏe và suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tăng tiết mồ hôi là gì?

Tiết mồ hôi là quá trình sinh lý cần thiết của cơ thể để duy trì nhiệt độ bình thường. Ngoài ra, khi tiết mồ hôi một lượng nhỏ độc tố, chất nhờn và bụi bẩn cũng được đẩy ra qua lỗ chân lông.

Tăng tiết mồ hôi là một rối loạn cơ thể đặc trưng bởi tình trạng đổ mồ hôi quá mức cần thiết, không liên quan đến nhiệt độ môi trường hoặc sự vận động của cơ thể. Tăng tiết mồ hôi thường hoạt động mạnh ở những vị trí như bàn tay, bàn chân, nách và háng do những vùng này tập trung tương đối nhiều tuyến mồ hôi. 

Phân loại tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi có thể được phân loại dựa trên vị trí hoặc nguyên nhân. 

Dựa vào vị trí:

  • Tăng tiết mồ hôi khu trú: Tăng tiết mồ hôi cục bộ tại một vị trí như lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân hoặc nách,...
  • Tăng tiết mồ hôi toàn thân: Tăng tiết mồ hôi ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Dựa vào nguyên nhân:

  • Tăng tiết mồ hôi nguyên phát (vô căn).
  • Tăng tiết mồ hôi thứ phát.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng tiết mồ hôi

Triệu chứng chính của chứng tăng tiết mồ hôi là đổ mồ hôi nhiều quá mức. Khi bị tăng tiết mồ hôi, bạn có thể cảm thấy:

  • Độ ẩm và dính nhớp trên da;
  • Quần áo ẩm ướt, dính nhớp và có mùi hôi;
  • Đổ nhiều mồ hôi từ trán, má hoặc da đầu.

Theo thời gian, chứng tăng tiết mồ hôi có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn như sau:

  • Ngứa da và viêm da khi mồ hôi gây kích ứng da;
  • Mùi cơ thể khó chịu, xảy ra khi vi khuẩn trên da phát triển trong mồ hôi và tuyến bã trên da;
  • Da nứt nẻ hoặc bong tróc ở bàn chân, gót chân.

Các vị trí thường có tình trạng tăng tiết mồ hôi mà bạn cần lưu ý như nách, lòng bàn tay và bàn chân, trán, má và da đầu, bộ phận sinh dục,... Trong đó, vị trí phổ biến nhất là lòng bàn tay.

tang-tiet-mo-hoi-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc 2.png
Tăng tiết mồ hôi gây mùi cơ thể khó chịu

Tác động của tăng tiết mồ hôi đến sức khỏe

Những người có tình trạng tăng tiết mồ hôi có thể gặp phải một số vấn đề sau:

  • Kích ứng và viêm nhiễm da với các tác nhân như nấm hoặc vi khuẩn;
  • Thay đổi kết cấu da, nền da trở nên xanh xao, đổi màu, nứt hoặc có nếp nhăn;
  • Da sần sùi, hoặc da mềm nhão, ẩm ướt bất thường;
  • Cảm thấy lo lắng khi quần áo thường xuyên bị ố màu và có mùi hôi;
  • Tránh tiếp xúc gần với những người xung quanh;
  • Tách bản thân khỏi xã hội, đôi khi dẫn đến trầm cảm;
  • Xu hướng lựa chọn nghề nghiệp ít có cơ hội tiếp xúc hoặc tương tác với người khác;
  • Dành nhiều thời gian mỗi ngày để xử lý mồ hôi, mùi cơ thể như thay và giặt giũ quần áo, lau người, luôn mang khăn ăn hoặc khăn giấy để kê bàn tay, mặc quần áo tối màu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh cần được đưa đến cấp cứu ngay lập tức nếu tình trạng đổ mồ hôi nhiều kèm theo chóng mặt, đau thắt ngực lan đến cổ họng, vai, cánh tay hoặc da lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Nếu tình trạng tăng tiết mồ hôi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn hãy đến khám và được bác sĩ tư vấn về phương pháp điều trị:

  • Đổ mồ hôi làm gián đoạn các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bạn;
  • Đổ mồ hôi gây khó chịu, ảnh hưởng về cảm xúc hoặc khiến bạn cách ly với xã hội;
  • Đột nhiên tăng tiết mồ hôi nhiều hơn bình thường mà không do môi trường hay căng thẳng;
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm mà không có lý do rõ ràng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tăng tiết mồ hôi

Tuyến mồ hôi hoạt động quá mức gây ra chứng tăng tiết mồ hôi. Đổ mồ hôi là một cơ chế tự làm mát của cơ thể. Hệ thống thần kinh sẽ tự động kích hoạt tuyến mồ hôi hoạt động khi nhiệt độ cơ thể tăng. Nếu bạn mắc chứng tăng tiết mồ hôi, tuyến mồ hôi của bạn sẽ kích hoạt và tiết mồ hôi thường xuyên hơn dù bạn không vận động hoặc lo lắng. Các nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi được liệt kê như sau.

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát là do các tín hiệu thần kinh chịu trách nhiệm chỉ huy việc tiết mồ hôi trở nên hoạt động quá mức. Tình trạng sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu bạn đang căng thẳng hoặc lo lắng. 

Bạn có thể có nguy cơ mắc tình trạng này nếu trong gia đình có thành viên cũng có tình trạng tương tự. Nghiên cứu chỉ ra rằng đột biến gen di truyền hoặc thay đổi DNA của bạn cũng có thể gây ra chứng tăng tiết mồ hôi.

tang-tiet-mo-hoi-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc 3.png
Tăng tiết mồ hôi ở lòng bàn tay

Tăng tiết mồ hôi thứ phát

Người bệnh có tình trạng tăng tiết mồ hôi thứ phát do các nguyên nhân từ bệnh lý hoặc thuốc. Với nhóm nguyên nhân này, bạn thường tăng tiết mồ hôi toàn cơ thể hoặc một vùng cơ thể thay vì các vị trí nhỏ như nách, bàn tay, mặt. Người bệnh cũng có thể có tình trạng đổ mồ hôi trộm (đổ mồ hôi trong lúc ngủ).

Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là đổ mồ hôi, có thể kể đến như:

  • Albuterol;
  • Bupropion;
  • Hydrocodon;
  • Insulin;
  • Levothyroxine;
  • Lisinopril;
  • Naproxen;
  • Omeprazole;
  • Sertraline.

Một số bệnh lý: Chứng tăng tiết mồ hôi toàn cơ thể có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như:

  • Bệnh to đầu chi;
  • Nhiễm trùng (bệnh lao);
  • Rối loạn lo âu;
  • Ung thư;
  • Đái tháo đường;
  • Bệnh lý tim mạch;
  • Bệnh cường giáp;
  • Thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh;
  • Béo phì;
  • Bệnh Parkinson;
  • Nghiện rượu hoặc các chất gây nghiện khác.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tăng tiết mồ hôi?

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải tăng tiết mồ hôi như:

  • Những người thường xuyên lo lắng, căng thẳng hay hồi hộp;
  • Có thành viên trong gia đình mắc tình trạng tăng tiết mồ hôi;
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý như: Viêm khớp, bệnh căng thẳng thần kinh, chấn thương tủy sống hay các rối loạn hệ máu;
  • Người đang sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ tăng tiết mồ hôi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tăng tiết mồ hôi

Một yếu tố nguy cơ có thể khiến bạn tăng tiết mồ hôi:

  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Thường xuyên căng thẳng hoặc có các rối loạn lo âu, trầm cảm;
  • Tiêu thụ các chất có thể gây nghiện như caffeine, rượu, heroine,...
  • Người mắc các bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh lý tuyến giáp và các bệnh lý khác là nguyên nhân thứ phát của tăng tiết mồ hôi.
tang-tiet-mo-hoi-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc 4.png
Béo phì là một yếu tố nguy cơ gây tăng tiết mồ hôi

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tăng tiết mồ hôi

Phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ tiến hành chẩn đoán xác định tình trạng tăng tiết mồ hôi sau khi hỏi bệnh sử và tiền căn cá nhân và tiền căn gia đình của bạn. Nếu bạn bị đổ mồ hôi quá nhiều ở nách, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mặt, đầu hoặc toàn thân trong ít nhất sáu tháng và có ít nhất 2/6 tiêu chí sau thì sẽ được chẩn đoán là tăng tiết mồ hôi:

  • Đổ mồ hôi đối xứng hai bên;
  • Đổ mồ hôi nhiều ít nhất 1 lần mỗi tuần;
  • Khởi phát dưới 25 tuổi;
  • Ảnh hưởng đến các hoạt động mỗi ngày;
  • Thành viên trong gia đình có bệnh tương tự;
  • Không đổ mồ hôi trộm (đổ mồ hôi ban đêm) hoặc chỉ đổ mồ hôi trộm ít.

Ngoài ra, để đánh giá mức độ tăng tiết mồ hôi ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, các bác sĩ thường sử dụng hai thang điểm là Thang đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh - HDSS (Hyperhidrosis disease severity scale) và Thang đánh giá chất lượng cuộc sống - DLQI (Dermatology Life Quality Index).

Các xét nghiệm chẩn đoán

Bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán như xét nghiệm máu như kiểm tra chức năng tuyến giáp, định lượng glucose máu, xét nghiệm nước tiểu,...

Một phương pháp trên lâm sàng thường được sử dụng để đánh giá tăng tiết mồ hôi là test Minor. Các bước tiến hành như sau:

  • Bôi dung dịch iod lên vùng da thường xuyên tiết mồ hôi quá mức;
  • Sau khoảng 2 - 5 phút, khi dung dịch iod đã khô, bác sĩ tiến hành rắc tinh bột lên vùng da đó;
  • Nếu vùng da ấy tăng tiết mồ hôi thì ngay lập tức hoặc sau vài phút sẽ chuyển sang màu đen hoặc xám.
tang-tiet-mo-hoi-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc 5.png
Test Minor

Phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi hiệu quả

Hướng điều trị tình trạng tăng tiết mồ hôi khác nhau tùy thuộc vào vùng cơ thể đang có tình trạng này. Bác sĩ chuyên gia sẽ đưa ra các chiến lược điều trị phù hợp giúp bạn kiểm soát được mồ hôi.

Thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi

Một số thuốc giúp giảm các triệu chứng của tăng tiết mồ hôi. Cụ thể là:

  • Thuốc kháng cholinergic (glycopyrrolate và oxybutynin);
  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Thuốc chẹn beta;
  • Khăn lau có chứa thuốc (glycopyrronium tosylate);
  • Gel nhôm clorua.

Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về tác dụng phụ của thuốc mà họ kê đơn cho bạn trước khi dùng.

Phương pháp điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi

Nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện khi điều trị với thuốc, bác sĩ có thể đề xuất các liệu pháp chuyên biệt hơn như:

  • Điện di ion;
  • Tiêm độc tố botulinum;
  • Liệu pháp vi sóng phân hủy nhiệt tuyến mồ hôi.
tang-tiet-mo-hoi-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc 6.png
Máy điện di ion điều trị tăng tiết mồ hôi

Phẫu thuật điều trị tăng tiết mồ hôi

Phẫu thuật có khả năng mang lại lợi ích lâu dài cho tình trạng tăng tiết mồ hôi không đáp ứng với các liệu pháp khác.

  • Phẫu thuật cắt hạch giao cảm ngực qua nội soi: Đây là một loại phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu cho các tuyến mồ hôi tiết ra. Phẫu thuật này giúp điều trị tăng tiết mồ hôi ở tay.
  • Phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi: Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ tuyến mồ hôi, thường được sử dụng ở nách.

Tác dụng phụ của điều trị

Mỗi loại điều trị đều có thể có tác dụng phụ. Tác dụng phụ của điều trị tăng tiết mồ hôi có thể bao gồm:

  • Kích ứng da, nứt nẻ hoặc phồng rộp da;
  • Thay đổi màu sắc da;
  • Một số biến chứng có thể có của phẫu thuật như: Sẹo, đau hoặc tụ máu tại nơi phẫu thuật, tổn thương thần kinh, nhiễm trùng, tăng tiết mồ hôi bù trừ,...

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tăng tiết mồ hôi

Chế độ sinh hoạt:

Bạn có thể kiểm soát tình trạng tăng tiết mồ hôi tại nhà bằng các phương pháp sau:

  • Sử dụng các sản phẩm chống mồ hôi và khử mùi: Các sản phẩm chống mồ hôi hoạt động bằng cách bịt kín các tuyến mồ hôi để cơ thể bạn ngừng sản xuất mồ hôi. Chất khử mùi tốt nhất cho chứng tăng tiết mồ hôi là sản phẩm làm từ nhôm. Bạn có thể kết hợp các sản phẩm dùng ngoài và thuốc uống được bác sĩ kê toa.
  • Tắm thường xuyên hơn: Việc tắm rửa thường xuyên có thể cải thiện phần nào mùi cơ thể của bạn, tuy nhiên hạn chế việc tắm với xà phòng quá nhiều lần trong ngày có thể làm thay đổi độ ẩm và độ pH trên da bạn.
  • Mặc quần áo thoáng khí: Chọn quần áo thoáng khí và thấm hút tốt hơn, như chất liệu cotton, lụa có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn nếu đổ mồ hôi. Tránh các loại sợi tổng hợp và polyester, chúng có thể giữ nhiệt và khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn.
  • Mang tất hút ẩm tốt và có miếng lót khử mùi hôi.
  • Mang thêm một bộ quần áo dự phòng nếu bạn phải ra ngoài trong thời tiết nắng nóng và nếu bạn có công việc phải gặp đối tác hoặc khách hàng.
tang-tiet-mo-hoi-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc 7.png
Sử dụng các sản phẩm khử mùi

Chế độ dinh dưỡng: 

Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có vị cay, các thuốc uống có cồn, caffeine và các chất gây nghiện để tránh kích thích tiết nhiều mồ hôi.

Nguồn tham khảo
  1. Doolittle J, Walker P, Mills T, Thurston J. Hyperhidrosis: an update on prevalence and severity in the United States. Arch Dermatol Res. 2016;308(10):743-749. doi: 10.1007/s00403-016-1697-9.
  2. Henning MAS, Bouazzi D, Jemec GBE. Treatment of Hyperhidrosis: An Update. Am J Clin Dermatol. 2022;23(5):635-646. doi: 10.1007/s40257-022-00707-x.
  3. Nawrocki S, Cha J. The etiology, diagnosis, and management of hyperhidrosis: A comprehensive review: Etiology and clinical work-up. J Am Acad Dermatol. 2019;81(3):657-666. doi: 10.1016/j.jaad.2018.12.071.
  4. Schick CH. Pathophysiology of Hyperhidrosis. Thorac Surg Clin. 2016;26(4):389-393. doi: 10.1016/j.thorsurg.2016.06.002. 
  5. Excessive sweating Causes: https://www.mayoclinic.org/symptoms/excessive-sweating/basics/causes/sym-20050780

Các bệnh liên quan

  1. Phì đại tuyến tiền liệt

  2. Herpes sinh dục

  3. Mãn dục nam

  4. Rối loạn xuất tinh

  5. Xuất tinh sớm

  6. Viêm túi tinh

  7. Suy giảm Testosterone

  8. Liệt dương

  9. Bệnh Peyronie

  10. Ung thư tinh hoàn