Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rò động tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rò động tĩnh mạch (AVF) là những kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch khiến máu chảy không chính xác. Chúng có thể được tạo ra do phẫu thuật cho những người cần được chạy thận. Chúng cũng có thể xảy ra do chấn thương hoặc hình thành trong bụng mẹ trước khi sinh ra.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rò động tĩnh mạch là gì?

Rò động tĩnh mạch ban đầu được mô tả bởi William Hunter vào đầu năm 1757. Nó là những kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch. Rò động tĩnh mạch có thể tồn tại ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể, tùy thuộc vào nguyên nhân. Chúng có thể được chia thành hai nhóm, mắc phải hoặc bẩm sinh. Các lỗ rò mắc phải có thể được chia nhỏ hơn nữa thành các loại được gây ra do phẫu thuật, như trong chạy thận nhân tạo ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, hoặc sau chấn thương.

Do sự chênh lệch áp suất giữa hệ thống động mạch và tĩnh mạch, chúng có thể gây ra những tác động đáng kể lên cơ thể với mức độ nghiêm trọng tùy thuộc vào vị trí của lỗ rò. Một lỗ rò động tĩnh mạch lớn không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy tim, hình thành cục máu đông hoặc xuất huyết.

Rò động tĩnh mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, rò động tĩnh mạch rất phổ biến ở những người cần chạy thận nhân tạo. 68% số người chạy thận nhân tạo có rò động tĩnh mạch.

Điều trị rò động tĩnh mạch bao gồm theo dõi tái khám mỗi 6 tháng, can thiệp nội mạch và đôi khi là phẫu thuật.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rò động tĩnh mạch

Các rò động tĩnh mạch kích thước nhỏ ở chân, tay, phổi, thận hoặc não thường không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Rò động tĩnh mạch kích thước nhỏ thường không cần điều trị ngoài việc theo dõi bởi các bác sĩ. Các rò động tĩnh mạch kích thước lớn có thể gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng.

Các dấu hiệu và triệu chứng của rò động tĩnh mạch có thể bao gồm:

  • Sưng tấy;
  • Thay đổi màu da của bạn (có thể chuyển sang màu tím hoặc đỏ tươi);
  • Tĩnh mạch phồng lên hoặc giãn ra;
  • Khu vực xung quanh lỗ rò có thể cảm thấy ấm hơn so với các vùng da ở xa lỗ rò hơn;
  • Tê và ngứa ran;
  • Chuột rút hoặc đau đớn;
  • Các vết loét hoặc vết loét hở trên da chậm lành hoặc không lành.
Rò động tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Tĩnh mạch phồng lên hoặc giãn ra

Biến chứng có thể gặp phải khi mắc rò động tĩnh mạch

Nếu không được điều trị, rò động tĩnh mạch có thể gây ra nhiều biến chứng. Một số biến chứng có thể nghiêm trọng. Bao gồm:

  • Suy tim: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của rò động tĩnh mạch lớn. Máu chảy qua lỗ rò động tĩnh mạch nhanh hơn so với các mạch máu thông thường. Lưu lượng máu tăng lên làm cho tim làm việc nhiều hơn. Theo thời gian, sự căng thẳng của tim có thể dẫn đến suy tim.
  • Hình thành cục máu đông: Rò động tĩnh mạch có thể hình thành cục máu đông. Các cục máu đông có thể dẫn đến tình trạng gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) có thể đe dọa tính mạng nếu cục máu đông di chuyển đến phổi gây thuyên tắc phổi. Nếu cục máu đông chạy đến não có thể dẫn đến đột quỵ.
  • Bệnh động mạch ngoại biên: Rò động tĩnh mạch có thể chặn lưu lượng máu đến cơ, gây đau chân.
  • Xuất huyết: Rò động tĩnh mạch có thể gây chảy máu dạ dày và ruột.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của rò động tĩnh mạch, hãy hẹn gặp ngay bác sĩ. Việc phát hiện sớm rò động tĩnh mạch có thể giúp điều trị bệnh dễ dàng hơn. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng, bao gồm hình thành cục máu đông hoặc suy tim.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rò động tĩnh mạch

Rò động tĩnh mạch có thể xuất hiện khi mới sinh (bẩm sinh) hoặc có thể xảy ra sau này trong đời (mắc phải). Nguyên nhân gây rò động tĩnh mạch bao gồm:

  • Vết thương xuyên qua da: Lỗ rò động tĩnh mạch có thể là kết quả của vết thương do đạn bắn hoặc vết đâm xảy ra trên một bộ phận của cơ thể nơi tĩnh mạch và động mạch nằm cạnh nhau.
  • Rò động tĩnh mạch bẩm sinh: Ở một số trẻ, động mạch và tĩnh mạch không phát triển bình thường trong bụng mẹ. Không rõ chính xác tại sao điều này xảy ra.
  • Di truyền: Bệnh Osler-Weber-Rendu, còn được gọi là giãn mao mạch xuất huyết di truyền cũng là nguyên nhân gây rò động tĩnh mạch.
  • Phẫu thuật liên quan đến lọc máu: Những người bị suy thận giai đoạn cuối có thể phải phẫu thuật để tạo lỗ rò động tĩnh mạch ở cẳng tay để thực hiện lọc máu dễ dàng hơn.
Rò động tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Một nguyên nhân gây bệnh rò động tĩnh mạch là do lọc máu ở người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc rò động tĩnh mạch

Nếu trong gia đình có người mắc bệnh rò động tĩnh mạch thì bạn có nguy cơ cao mắc rò động tĩnh mạch do yếu tố di truyền.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rò động tĩnh mạch

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rò động tĩnh mạch bao gồm:

  • Tuổi cao;
  • Giới tính nữ;
  • Đặt ống thông;
  • Một số loại thuốc, bao gồm một số thuốc chống đông máu và thuốc tiêu sợi huyết;
  • Huyết áp cao;
  • Béo phì.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rò động tĩnh mạch

Bác sĩ có thể chẩn đoán rò động tĩnh mạch bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm khám thực thể bằng cách nhìn và sờ các dấu hiệu trên da, dùng ống nghe để phát hiện âm thổi và chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh.

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán rò động tĩnh mạch bao gồm:

  • Siêu âm doppler: Siêu âm là cách hiệu quả và phổ biến nhất để kiểm tra lỗ rò động tĩnh mạch ở chân hoặc cánh tay. Trong siêu âm doppler, sóng âm được sử dụng để đánh giá tốc độ dòng máu.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Xét nghiệm hình ảnh này có thể cho thấy lưu lượng máu có đi qua các mao mạch hay không. Tiêm thuốc cản quang giúp các mạch máu hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh.
  • Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA): Xét nghiệm này có thể được thực hiện nếu bạn có dấu hiệu của rò động tĩnh mạch sâu dưới da. Giống như MRI, chụp mạch cộng hưởng từ (MRA) sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh các mô mềm của cơ thể. Tiêm thuốc cản quang để giúp các mạch máu hiển thị rõ hơn trên hình ảnh.
Rò động tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 8
Chụp MRA có thể giúp bác sĩ chẩn đoán rò động tĩnh mạch

Phương pháp điều trị rò động tĩnh mạch

Nếu rò động tĩnh mạch kích thước nhỏ và không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, việc theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ là phương pháp điều trị duy nhất cần thiết. Trong một số trường hợp, rò động tĩnh mạch nhỏ có thể tự đóng lại mà không cần điều trị.

Nếu rò động tĩnh mạch kích thước lớn, gây ra nhiều triệu chứng cần phải điều trị, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Nén rò động tĩnh mạch dưới hướng dẫn siêu âm: Đây có thể là một lựa chọn cho rò động tĩnh mạch ở chân có thể dễ dàng nhìn thấy trên siêu âm. Trong phương pháp điều trị này, một đầu dò siêu âm được đẩy xuống lỗ rò trong khoảng 10 phút. Việc nén sẽ phá hủy lưu lượng máu đến các mạch máu bị tổn thương.
  • Thuyên tắc bằng ống thông: Trong thủ tục này, một ống mỏng được đưa vào động mạch gần lỗ rò động tĩnh mạch. Sau đó, một cuộn dây nhỏ hoặc ống đỡ động mạch được đặt tại vị trí lỗ rò để định tuyến lại dòng máu.
  • Phẫu thuật: Các lỗ rò động tĩnh mạch lớn không thể điều trị bằng phương pháp thuyên tắc ống thông có thể phải phẫu thuật. Loại phẫu thuật phụ thuộc vào kích thước và vị trí của rò động tĩnh mạch.
Rò động tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 9
Phẫu thuật điều trị rò động tĩnh mạch

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rò động tĩnh mạch

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 2 lít nước/ngày;
  • Tránh hút thuốc lá;
  • Ngưng uống rượu bia;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Tập dưỡng sinh, yoga, khí công;
  • Cẩn thận trong sinh hoạt và làm việc để tránh các chấn thương xuyên da;
  • Hãy đến gặp ngay bác sĩ nếu có các triệu chứng của rò động tĩnh mạch hay có bất kỳ lo lắng nào trong quá trình điều trị bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp với cơ thể của bạn.

Phương pháp phòng ngừa rò động tĩnh mạch hiệu quả

Mặc dù rò động tĩnh mạch có thể không thể tránh khỏi đối với bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối, nhưng cách tốt nhất để ngăn chặn sự phát triển của rò động tĩnh mạch là tránh những chấn thương hoặc thủ thuật không cần thiết có thể dẫn đến sự hình thành rò động tĩnh mạch. Nguyên nhân rò động tĩnh mạch bẩm sinh chưa được hiểu rõ và do đó chưa tìm ra phương pháp phòng ngừa.

Nguồn tham khảo
  1. Arteriovenous Fistula: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23450-arteriovenous-fistula.
  2. Arteriovenous Fistula: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/arteriovenous-fistula-avf
  3. Arteriovenous Fistula: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/arteriovenous-fistula/symptoms-causes/syc-20369567
  4. Arteriovenous Fistula: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559213/
  5. Arteriovenous Fistula: https://www.uptodate.com/contents/acquired-arteriovenous-fistula-of-the-lower-extremity

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh nến xương

  2. Tim bẩm sinh tím

  3. Hội chứng mông chết

  4. Viêm lưỡi bản đồ

  5. Phù gai thị

  6. Xơ cứng xương

  7. Loạn dưỡng mỡ

  8. Nhiễm Cryptococcus

  9. Động kinh toàn thể

  10. Phù thũng