Long Châu

Hội chứng QT kéo dài là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng QT kéo dài (Long QT syndrome - LQTS) là sự rối loạn hoạt động điện của tim, có thể gây mất kiểm soát nhịp tim đột ngột hoặc rối loạn nhịp tim. Trong một số trường hợp, hội chứng QT kéo dài là nguyên nhân dẫn tới nhịp tim nhanh bất thường gây ngất đột ngột và đột tử. Vì vậy, bệnh nhân mắc hội chứng QT kéo dài cần được theo dõi và điều trị tích cực nhằm kiểm soát tiến triển bệnh tốt nhất.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng QT kéo dài là gì? 

Hội chứng QT kéo dài là một trong những bệnh lý tim mạch khi hệ thống điện tim trở nên bất thường. Khi xuất hiện hội chứng QT kéo dài, cơ tim cần nhiều thời gian hơn để nạp điện giữa các nhịp đập dẫn đến xáo trộn điện ở tim và thường nhìn thấy trên điện tâm đồ (ECG) qua khoảng thời gian kéo dài giữa sóng Q và T. 

Hội chứng QT kéo dài có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và gây tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài

Những người mắc hội chứng QT kéo dài nhẹ, có thể không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào, chỉ khi kiểm tra điện tâm đồ mới phát hiện thấy bất thường. Nhưng khi triệu chứng xuất hiện, thì có thể bệnh đã ở mức độ nguy hiểm.

Ngất xỉu: Bệnh nhân mắc hội chứng QT kéo dài thường ngất do rối loạn bất thường nhịp tim. Đặc biệt, thường xảy ra khi cảm xúc đột ngột thay đổi: Vui mừng, sợ hãi, giận dữ, hoặc hoạt động thể thao quá sức.

Triệu chứng thường xảy ra trước khi ngất xỉu: Tim đập nhanh, nhịp tim không đều, mờ mắt, người yếu, hoa mắt, chóng mặt,… 

Động kinh: Hội chứng QT kéo dài làm suy giảm hoạt động bơm máu của tim, não là cơ quan chịu ảnh hưởng đầu tiên do nhu cầu dinh dưỡng và oxy rất lớn. Do đó, hội chứng QT kéo dài có thể gây giảm chức năng, tổn thương, hoặc thậm chí hoại tử tế bào não dẫn đến tình trạng co giật, động kinh,…

Rung thất: Tình trạng rối loạn nhịp tim do hội chứng QT kéo dài có thể khiến tâm thất đập quá nhanh, rung và khả năng bơm máu không còn. Rung thất phải được xử lý bằng thiết bị khử rung tim kịp thời, tránh gây những tổn thương nặng không phục hồi cho não và tim.

Tử vong đột ngột: Khi nhịp tim rối loạn do hội chứng QT kéo dài gây ra trở về bình thường, người bệnh chỉ ngất hoặc có những triệu chứng bất thường khác. Tuy nhiên, khi khử rung không kịp thời thực hiện, rối loạn nhịp tim quá mức, bệnh nhân có nguy cơ bị đột tử.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tử vong ở người bệnh lý tim mạch trẻ tuổi hoặc trung niên, thường gặp nhất ở khoảng tuổi 40.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác kèm theo: Đánh trống ngực, thở hổn hển khi ngủ do nhịp tim bất thường, bị co giật.

Trong một số trường hợp, hội chứng QT kéo dài không có bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Tác động của hội chứng QT kéo dài đối với sức khỏe

Hội chứng QT dài thường kéo dài đến suốt đời. Nguy cơ bất thường nhịp tim dẫn đến ngất xỉu hoặc ngừng tim đột ngột có thể giảm bớt nhưng không bao giờ biến mất hoàn toàn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng QT kéo dài

Hội chứng QT kéo dài có thể xảy ra trong thời gian dài và không gây biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, yếu tố kích động là thể chất hoặc căng thẳng tinh thần khiến nhịp tim mất kiểm soát.

Trong một số trường hợp, hội chứng QT kéo dài là nguyên nhân dẫn tới nhịp tim nhanh bất thường gây ngất đột ngột và đột tử. Vì vậy, bệnh nhân mắc hội chứng QT kéo dài cần được theo dõi và điều trị tích cực nhằm kiểm soát tiến triển bệnh tốt nhất.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng QT kéo dài

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng QT kéo dài rất đa dạng:

Nguyên nhân di truyền: Hội chứng QT kéo dài được xác định liên quan đến gen đột biến điều khiển hệ thống điện tim.

Tác dụng không mong muốn của thuốc:

  • Thuốc chống loạn nhịp tim: Quinidine, procainamide, disopyramide, amiodarone và sotalol;
  • Thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần;
  • Thuốc kháng histamin;
  • Thuốc kháng sinh: Erythromycin kết hợp với thuốc chống nấm ketoconazole.

Khiếm khuyết bẩm sinh trong tim: Một số khiếm khuyết di truyền phức tạp trong tim, làm nhịp tim chậm lại khi sử dụng một số loại thuốc và dẫn đến hội chứng QT kéo dài.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng QT kéo dài

Hội chứng QT kéo dài có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào.

  • Hội chứng QT kéo dài do di truyền thường phát hiện ở giai đoạn trẻ em hoặc thanh niên;

  • Hội chứng QT kéo dài thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới;

  • Trẻ em bị điếc bẩm sinh cũng có nguy cơ mắc hội chứng QT kéo dài cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng QT kéo dài

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này, như:

  • Trẻ em, trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi bị ngất, gần chết đuối hoặc tai nạn, co giật không rõ nguyên nhân hoặc có tiền sử ngưng tim có thể dẫn đến tử vong;

  • Gia đình, họ hàng có người mắc hội chứng QT kéo dài;

  • Ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của một số loại thuốc. Đặc biệt, các loại thuốc làm kéo dài khoảng QT;

  • Nồng độ kali, magie, calci máu thấp;

  • Gia đình có người bị đột tử không rõ nguyên nhân;

  • Bị nôn, tiêu chảy quá nhiều hoặc các tình trạng khác làm giảm nồng độ kali hoặc natri máu;

  • Rối loạn ăn uống, chán ăn, rối loạn tuyến giáp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng QT kéo dài

Hội chứng QT kéo dài có thể được xác định:

  • Điện tâm đồ (EKG): Phát hiện và ghi lại hoạt động điện của tim;

  • Xem xét bệnh sử và khám lâm sàng: Bác sĩ có thể hỏi các triệu chứng và loại thuốc đã sử dụng để chẩn đoán và tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh;

  • Kiểm tra kết quả xét nghiệm di truyền: Giúp phát hiện các yếu tố di truyền liên quan hội chứng QT kéo dài.

Phương pháp điều trị hội chứng QT kéo dài

Khi bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng, điều trị hội chứng QT kéo dài có thể không cần thiết, nhưng cần theo dõi và kiểm tra thường xuyên. Ngoài ra, cần tránh các môn thể thao nặng, tập thể dục quá mức và các loại thuốc có nguy cơ gây hội chứng QT kéo dài.

Khi bệnh nhân mắc hội chứng QT kéo dài có triệu chứng rối loạn nhịp tim cần điều trị bằng các phương pháp:

  • Điều trị bằng thuốc: Sử dụng thuốc ức chế beta nhằm khống chế tình trạng rối loạn nhịp tim trong hội chứng QT kéo dài. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc chẹn kênh natri: Mexiletin để làm giảm hoạt động các kênh ion natri.

Điều trị bằng thuốc không thể chữa khỏi hội chứng QT kéo dài, nhưng có thể ngăn ngừa biến chứng và xử lý kịp thời khi rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân được khuyến cáo sử dụng thuốc khi xuất hiện triệu chứng.

  • Sử dụng thiết bị y tế: Máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim (ICD) giúp kiểm soát nhịp tim bất thường.

  • Phẫu thuật: Áp dụng khi bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do hội chứng QT kéo dài.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của hội chứng QT kéo dài

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ;
  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ;
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe;
  • Nếu nồng độ natri hoặc kali trong máu giảm cần phải được điều trị ngay;
  • Thay đổi lối sống: Có tầm quan trọng nhất định trong việc điều trị hội chứng QT kéo dài. Dù dùng thuốc hay phẫu thuật, cũng cần thay đổi một số thói quen không tốt giúp hạn chế tiến triển bệnh;
  • Tránh căng thẳng;
  • Tránh luyện tập thể dục thể thao quá sức, nên tham khảo ý kiến bác sĩ các bài tập thể thao bạn có thể tâp và không thể luyện tập;
  • Giảm tiếng ồn, tiếng động giật mình;
  • Tránh xa tình huống gây xúc cảm mạnh: Phấn khích, tức giận,…

Phương pháp phòng ngừa hội chứng QT kéo dài

  • Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập luyện thể dục thể thao.
  • Hội chứng QT kéo dài có thể di truyền. Do đó, tìm hiểu người thân trong gia đình có ai từng mắc bệnh và đột tử không và báo ngay cho nhân viên y tế về tiền sử gia đình là cần thiết.
  • Đừng gắng sức làm một việc gì đó và luôn chuẩn bị tâm lý để tránh xúc động mạnh. Đây là những yếu tố dẫn đến khởi phát triệu chứng rối loạn nhịp tim.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/long-qt-syndrome/symptoms-causes/syc-20352518

  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/long-qt-syndrome/diagnosis-treatment/drc-20352524

  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17183-long-q-t-syndrome-lqts

  4. https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/arrhythmias-and-conduction-disorders/long-qt-syndrome-and-torsades-de-pointes-ventricular-tachycardia

Các bệnh liên quan

  1. Sốt thấp khớp

  2. Hở van ba lá

  3. Trụy tim

  4. Viêm đa vi mạch

  5. Hở van hai lá

  6. Đường huyết cao

  7. Hạ thân nhiệt

  8. Nhồi máu cơ tim

  9. Cơ tim phì đại

  10. Tim bẩm sinh