Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hẹp động mạch cảnh là gì? Những vấn đề cần biết về hẹp động mạch cảnh

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hẹp động mạch cảnh thường do mảng xơ vữa gây ra. Sự tắc nghẽn này làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý tim mạch khác. Bệnh động mạch cảnh thường phát triển chậm. Dấu hiệu đầu tiên của tình trạng này có thể là đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Điều trị bệnh động mạch cảnh thường bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc và đôi khi là phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hẹp động mạch cảnh là gì?

Động mạch cảnh là hệ thống động mạch chính nuôi dưỡng não bộ. Động mạch cảnh gồm hai nhánh động mạch cảnh trái và động mạch cảnh phải xuất phát từ cung động mạch chủ, chạy dọc hai bên cổ lên nuôi hai bán cầu não hai bên, với nhiều nhánh thông nối với nhau.

Sự tích tụ các chất béo trong lòng mạch hình thành mảng bám, khi các mảng xơ vữa này bám ở trong lòng động mạch cảnh gây ra tình trạng hẹp động mạch cảnh. Mảng bám là sự lắng đọng các LDL cholesterol vào tế bào nội mô mạch máu làm các tế bào này chứa đầy các chất béo và phát triển to lên. Quá trình này được gọi là quá trình hình thành mảng xơ vữa.

Động mạch cảnh có các mảng xơ vữa sẽ thu hẹp lại. Sự tắc nghẽn trong động mạch cảnh khiến oxy và chất dinh dưỡng khó đến não, sự thiếu hụt oxy đột ngột ở não sẽ làm não bộ tổn thương gây nên các cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp động mạch cảnh

Ở giai đoạn đầu, bệnh động mạch cảnh thường không có triệu chứng. Do ở giai đoạn đầu, các mảng xơ vữa chưa làm tắt hoàn toàn lòng động mạch cảnh, đồng thời ở người có hai hệ thống động mạch cảnh và chúng có rất nhiều nhánh thông nối với nhau ở não. Tình trạng này có thể không ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe người mắc cho đến khi sự tắc nghẽn nghiêm trọng xảy ra ở cả hai động mạch cảnh hai bên và làm giảm lượng máu đến não gây đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA).

Các triệu chứng của đột quỵ hoặc TIA bao gồm:

  • Đột ngột bị tê hoặc yếu ở mặt hoặc tay chân, thường ở một bên cơ thể.
  • Đột ngột gặp khó khăn khi nói và hiểu lời nói.
  • Đột nhiên khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt.
  • Đột ngột chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
  • Đột ngột đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân.
Hẹp động mạch cảnh là gì? Những vấn đề cần biết về hẹp động mạch cảnh 4
Chóng mặt hay yếu liệt nửa người là dấu hiệu của bệnh lý hẹp động mạch cảnh

Tác động của hẹp động mạch cảnh đối với sức khỏe

Đa phần khi các mảng xơ vữa chưa gây tắc hẹp nghiêm trọng động động mạch cảnh thì không gây khó chịu gì cho người mắc bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hẹp động mạch cảnh

Bệnh hẹp động mạch do xơ vữa mạch cảnh là nguyên nhân của khoảng 10% đến 15% số ca đột quỵ. Đột quỵ là một cấp cứu y tế có thể gây tổn thương não, yếu cơ và có thể tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hẹp động mạch cảnh

Hẹp động mạch cảnh là hậu quả của bệnh xơ vữa động mạch trên toàn cơ thể. Vì vậy, bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khiến bệnh nhân bị xơ vữa động mạch tiến triển đều có thể là nguyên nhân hẹp động mạch cảnh dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ và/hoặc các triệu chứng thiếu máu não thoáng qua. 

Xơ vữa động mạch gây ra hầu hết trường hợp hẹp động mạch cảnh. Trong tình trạng này, chất béo tích tụ dọc theo lớp bên trong của động mạch tạo thành mảng bám. Các mảng xơ vữa làm thu hẹp các động mạch và làm giảm lưu lượng máu đến não.

Ở một số ít bệnh nhân, đặc biệt là phụ nữ trẻ, hẹp động mạch cảnh có thể do chứng loạn sản sợi cơ (FMD). Loạn sản sợi cơ là một quá trình không viêm, không xơ vữa động mạch, thường ảnh hưởng đến động mạch cảnh và động mạch thận, mặc dù nó có thể xảy ra ở những nơi khác trong các mạch cỡ trung bình. Loạn sản sợi cơ thường xảy ra ở động mạch cảnh trong giữa và xa, đôi khi kéo dài vào vùng nội sọ. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hẹp động mạch cảnh?

Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch cảnh bao gồm:

  • Tiền sử gia đình bị đột quỵ.
  • Mắc các bệnh: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường.
  • Tuổi lớn.
  • Giới nam.
  • Hút thuốc, sử dụng rượu hoặc các chất kích thích.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hẹp động mạch cảnh

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp động mạch cảnh bao gồm:

  • Huyết áp cao: Sự gia tăng áp lực lên thành động mạch có thể làm chúng yếu đi và dễ bị tổn thương hơn.
  • Sử dụng thuốc lá: Chất Nicotine có trong khói thuốc lá có thể gây kích ứng lớp lót bên trong động mạch làm chúng dễ tổn thương hơn. Hút thuốc cũng làm tăng nhịp tim và huyết áp.
  • Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường làm giảm khả năng xử lý chất béo, tạo ra nguy cơ cao huyết áp và xơ vữa động mạch.
  • Nồng độ mỡ trong máu cao: Hàm lượng cholesterol cao hình thành các mảng xơ vữa dễ dàng và nhanh chóng hơn.
  • Tiền căn gia đình: Khi có người thân bị xơ vữa động mạch hoặc bệnh động mạch vành, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
  • Tuổi: Động mạch trở nên giảm tính đàn hồi và dễ bị tổn thương dần theo tuổi tác.
  • Béo phì: Cân nặng quá mức làm tăng nguy cơ cao huyết áp, xơ vữa động mạch và tiểu đường, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Lối sống tĩnh tại: Lối sống tĩnh tại làm bạn dễ béo phì, giảm sức bền mạch máu và dễ mắc các bệnh lý tim mạch hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hẹp động mạch cảnh

Để chẩn đoán bệnh hẹp động mạch cảnh do xơ vữa, các bác sĩ sẽ khai thác các yếu tố nguy cơ và triệu chứng bạn gặp phải và thực hiện một số cận lâm sàng chẩn đoán vị trí và mức độ tắc hẹp. Các cận lâm sàng có thể được thực hiện bao gồm:

  • Chụp động mạch não: Dựng hình các mạch máu trong não của bạn để tìm vị trí hẹp.
  • Chụp CT mạch máu (CTA): Sử dụng chất cản quang và một loạt tia X để hiển thị hình ảnh chi tiết của mạch máu, tìm vị trí và mức độ hẹp.
  • Chụp mạch MR (MRA): Sử dụng từ trường để hiển thị hình ảnh rõ ràng về tắc nghẽn động mạch cảnh.
  • Siêu âm động mạch cảnh: Kiểm tra xem lượng máu chảy qua chỗ hẹp động mạch cảnh như thế nào.
Hẹp động mạch cảnh là gì? Những vấn đề cần biết về hẹp động mạch cảnh 5
Chụp CT mạch máu giúp nhìn rõ vị trí hẹp mạch máu

Phương pháp điều trị hẹp động mạch cảnh hiệu quả

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự tắt nghẽn, cũng như sức khỏe chung của bạn. Bước đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật mạch máu của bạn có thể đề nghị dùng thuốc và thay đổi lối sống để điều trị các bệnh lý kèm theo như bệnh lý tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh rối loạn lipid máu.

Khi các mảng xơ vữa gây tắc hẹp nghiêm trọng trên 90% lòng động mạch, một số biện pháp can thiệp có thể được sử dụng như:

Phẫu thuật

Bạn có thể cần phẫu thuật nếu bệnh động mạch cảnh của bạn nghiêm trọng hoặc đang tiến triển. Các dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng bao gồm có các triệu chứng TIA, từng bị đột quỵ hoặc bị hẹp động mạch cảnh nghiêm trọng ngay cả khi không có triệu chứng nào.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ loại bỏ mảng bám gây tắc hẹp động mạch cảnh của bạn. Thủ tục này được gọi là phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh và có thể được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân, tùy thuộc vào tình huống cụ thể.

Nong mạch và đặt stent

Một thủ thuật xâm lấn tối thiểu hơn mới được phát triển để điều trị bệnh động mạch cảnh là nong mạch và đặt stent. Nong mạch và đặt stent thường được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc gây tê cục bộ. Các bác sĩ phẫu thuật mạch máu sử dụng một ống dài và mỏng đâm vào động mạch đùi và dẫn nó qua các mạch máu đến động mạch cảnh. 

Đồng thời, các cận lâm sàng hình ảnh như siêu âm hay CT mạch cảnh để hiển thị vị trí và chi tiết của mảng bám động mạch cảnh gây tắc nghẽn trong lúc thực hiện tái thông mạch. Tiếp theo, bác sĩ đặt một ống lưới kim loại nhỏ gọi là stent vào động mạch để giữ động mạch mở rộng.

Hẹp động mạch cảnh là gì? Những vấn đề cần biết về hẹp động mạch cảnh 6
Nong mạch và đặt stent giúp tái lưu thông mạch máu bị tắc hẹp

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến hẹp động mạch cảnh

Chế độ sinh hoạt:

  • Dừng hút thuốc: Trong vòng vài năm sau khi bỏ thuốc, nguy cơ đột quỵ của người từng hút thuốc sẽ giống như người không hút thuốc.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân làm tăng các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường và ngưng thở khi ngủ.
  • Luyện tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày có thể làm giảm huyết áp, giảm cholesterol máu, cải thiện sức khỏe tổng thể của mạch máu và tim. Nó cũng giúp bạn giảm cân, kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn.
  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu: Hãy uống rượu trong giới hạn cho phép (không quá 2 đơn vị rượu mỗi ngày đối với nam, 1 đơn vị rượu mỗi ngày đối với nữ, trong đó một đơn vị rượu khoảng 1 lon bia 330ml)
  • Kiểm soát bệnh tật: Kiểm soát các bệnh lý khác như tiểu đường và huyết áp cao giúp bảo vệ động mạch.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: Tập trung vào trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và cá, các loại hạt và các loại đậu. Hạn chế cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
  • Hạn chế muối: Quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp. Các chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn ít hơn 1.500 miligam muối mỗi ngày.
Hẹp động mạch cảnh là gì? Những vấn đề cần biết về hẹp động mạch cảnh 7
Một lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa các bệnh lý mạch máu do xơ vữa

Phương pháp phòng ngừa hẹp động mạch cảnh hiệu quả

Thực hiện tất cả các hoạt động trên ngay khi còn trẻ giúp bạn phòng ngừa bệnh lý do xơ vữa nói chung và bệnh lý hẹp động mạch vành nói riêng một cách hiệu quả.

Nguồn tham khảo
  • Carotid Artery Stenosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK442025/
  • Carotid Artery Stenosis: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/carotid-artery-disease
  • Carotid artery disease: https://www.health.harvard.edu/carotid-artery-disease-overview
  • Carotid Artery Disease: https://medlineplus.gov/carotidarterydisease.html
  • Carotid Artery Disease: Causes, Symptoms, Tests, and Treatment: https://www.webmd.com/heart-disease/carotid-artery-disease-causes-symptoms-tests-and-treatment