Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thoát vị khe hoành là gì? Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa bệnh

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoát vị khe hoành là bệnh lý xảy ra khi phần trên của dạ dày chèn qua lớp cơ ngăn cách giữa bụng và ngực, gọi là cơ hoành. Thoát vị khe hoành nhỏ thường không gây ra triệu chứng, bạn có thể không nhận biết rằng mình mắc bệnh trừ khi bác sĩ phát hiện ra nó khi vô tình kiểm tra một tình trạng bệnh lý khác. Nhưng thoát vị khe hoành lớn có thể khiến thức ăn và axit trào ngược vào thực quản, dẫn đến chứng ợ chua. Các biện pháp tự chăm sóc hoặc dùng thuốc thường có thể làm giảm các triệu chứng này. Thoát vị khe hoành nhiều có thể phải can thiệp phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thoát vị khe hoành là gì?

Thoát vị khe hoành xảy ra khi phần trên của dạ dày lấn qua lỗ hở ở cơ hoành vào khoang ngực. Cơ hoành là hàng rào cơ ngăn cách khoang bụng với khoang ngực. Thoát vị là khi bất kỳ cơ quan hoặc mô nào đẩy qua một điểm yếu trong hàng rào mô chứa nó. Thoát vị là phổ biến và thoát vị khe hoành là một trong những loại phổ biến nhất.

Thoát vị khe hoành đẩy qua điểm yếu đã tồn tại từ trước ở cơ hoành, lỗ mà thực quản đi qua để thông nối với dạ dày. Căng thẳng và áp lực có thể khiến lỗ này mở rộng ra theo thời gian. Tình trạng này thường phát triển chậm trong nhiều năm.

Có hai loại thoát vị khe hoành chính: Thoát vị khe hoành trượt và thoát vị khe hoành cạnh thực quản. Hầu hết mọi người đều mắc loại thoát vị trượt, thuộc loại 1. Tất cả ba loại còn lại đều là thoát vị cạnh thực quản.

  • Loại 1: Còn được gọi là thoát vị khe hoành trượt, cho đến nay là loại phổ biến nhất, chiếm 95% trong tổng số các trường hợp thoát vị khe hoành. Trong loại này, chỗ thực quản nối với dạ dày (tâm vị) đôi khi trượt lên qua khe hở rồi lại trượt xuống.
  • Loại 2: Loại 2, 3, 4 được gọi là thoát vị khe hoành cạnh thực quản. Cạnh thực quản có nghĩa là vị trí thoát vị ở bên cạnh thực quản. Ở loại 2, phần trên của dạ dày bị đẩy lên dọc theo thực quản, tạo thành một khối phình bên cạnh nó. Đây còn được gọi là thoát vị khe hoành kiểu cuốn.
  • Loại 3: Loại 3 là sự kết hợp của hai loại đầu tiên.
  • Loại 4: Loại 4 hiếm gặp và phức tạp hơn. Trong loại này, khoảng trống cơ hoành đủ rộng để hai cơ quan khác nhau thoát vị qua nó. Thoát vị liên quan đến dạ dày cùng với một cơ quan khác trong bụng, chẳng hạn như ruột, tụy hoặc lách.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thoát vị khe hoành

Nếu bạn chỉ bị thoát vị khe hoành trượt, có thể bạn sẽ không nhận biết được. Không giống như các loại thoát vị khác, bạn không thể nhìn thấy khối phình từ bên ngoài.

Nhiều người mắc bệnh không bao giờ xuất hiện triệu chứng của thoát vị khe hoành. Nhưng khi người bệnh có triệu chứng, các triệu chứng phổ biến nhất có liên quan đến chứng trào ngược axit mạn tính (bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay GERD). Bao gồm:

  • Ợ nóng, cảm giác nóng rát ở ngực, đặc biệt là sau khi ăn,
  • Đau ngực không do tim, đau ngực tái đi tái lại có cảm giác giống như đau thắt ngực nhưng không phải,
  • Khó tiêu, cảm thấy đầy bụng ngay sau khi ăn, kèm theo cảm giác đau tức ở bụng.
  • Ợ và trào ngược; thức ăn, khí và axit trào ngược lên cổ họng.
  • Khó nuốt hoặc cảm giác nuốt nghẹn.
  • Đau họng và khàn giọng do bị kích thích bởi axit.

Không phải tất cả mọi người bị thoát vị khe hoành đều bị trào ngược axit và không phải ai bị trào ngược axit đều bị thoát vị khe hoành. Nhưng nếu gần đây bạn bắt đầu nhận thấy những triệu chứng này thường xuyên hơn thì chúng có thể có liên quan.

Các dấu hiệu cảnh báo khác có thể có của thoát vị khe hoành bao gồm:

  • Buồn nôn, do dạ dày bị áp lực và/hoặc trào ngược axit.
  • Khó thở nếu thoát vị gây chèn ép phổi.
  • Nặng tức bụng hoặc đau ở vùng bụng trên hoặc dưới ngực.

Những triệu chứng này có nhiều khả năng xảy ra với loại thoát vị khe hoành cạnh thực quản hơn.

Thoát vị khe hoành là gì? Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa bệnh 4
Thoát vị khe hoành có thể gây triệu chứng khó nuốt

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thoát vị khe hoành

Vấn đề phổ biến nhất mà thoát vị khe hoành gây ra là trào ngược axit mạn tính. Trào ngược axit mạn tính có thể gây tổn thương thực quản theo thời gian, nếu tình trạng nghiêm trọng và thuốc không kiểm soát đủ tốt.

Các biến chứng của trào ngược axit mạn tính có thể bao gồm:

  • Viêm thực quản: Axit vào trong thực quản gây viêm niêm mạc thực quản. Viêm mạn tính có thể gây đau, khó nuốt, loét và thậm chí xuất huyết.
  • Hẹp thực quản: Viêm mạn tính có thể gây sẹo các mô thực quản. Mô sẹo có thể cản trở động tác nuốt và khiến thực quản bị thu hẹp.
  • Barrett thực quản: Viêm mạn tính cuối cùng có thể dẫn đến những thay đổi mô học gọi là thực quản Barrett. Bản thân tình trạng này không có hại nhưng được coi là tiền ung thư.

Hiếm gặp hơn, thoát vị khe hoành có thể gây ra các biến chứng nếu nó bị kẹt hoặc bị chèn ép trong lúc bị thoát vị lên trên cơ hoành. Điều này thường chỉ xảy ra với các loại thoát vị khe hoành ít gặp. Các biến chứng khác của thoát vị khe hoành có thể gặp bao gồm:

  • Tắc đường tiêu hóa: Dạ dày hoặc cơ quan khác có thể bị kẹt hoặc xoắn trong lúc thoát vị, tạo ra tắc nghẽn trong đường tiêu hóa.
  • Viêm dạ dày: Axit bị tồn đọng trong phần thoát vị của dạ dày có thể gây viêm, loét dạ dày và xuất huyết bên trong.
  • Thiếu máu cục bộ: Thoát vị có thể bị kẹt chặt đến mức nó bị cắt đứt nguồn cung cấp máu, dẫn đến tình trạng viêm, đau và cuối cùng là chết mô tế bào.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của thoát vị khe hoành nêu trên xảy ra, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị. Chẩn đoán và điều trị sớm thoát vị khe hoành sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thoát vị khe hoành

Nguyên nhân chính xác của một số trường hợp thoát vị khe hoành vẫn chưa được biết rõ. Ở một số người, chấn thương hoặc các tổn thương khác có thể làm suy yếu mô cơ. Điều này làm cho dạ dày có thể bị đẩy qua cơ hoành.

Một nguyên nhân khác là gây áp lực quá lớn, liên tục lên các cơ xung quanh dạ dày. Có thể xảy ra khi:

  • Ho mạn tính;
  • Nôn mửa nhiều;
  • Rặn khi đại tiện;
  • Nâng vật nặng.

Một số người sinh ra với một khoảng lỗ trống thoát vị lớn bất thường, điều này khiến dạ dày di chuyển qua nó dễ dàng hơn.

Thoát vị khe hoành là gì? Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa bệnh 5
Ho mạn tính có thể là nguyên nhân của thoát vị khe hoành

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải thoát vị khe hoành?

Thoát vị khe hoành xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ, những người thừa cân và những người trên 50 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thoát vị khe hoành

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thoát vị khe hoành chẳng hạn như tăng áp lực trong ổ bụng, như:

  • Béo phì;
  • Mang thai;
  • Táo bón mạn tính;
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Chấn thương, tuổi, tiền căn phẫu thuật trước đó và di truyền cũng có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của thoát vị khe hoành.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoát vị khe hoành

Bác sĩ sẽ tìm thấy hình ảnh thoát vị khe hoành trên xét nghiệm hình ảnh học. Bác sĩ có thể bắt đầu bằng xét nghiệm pH thực quản để xác nhận có axit trong thực quản hay không. Nếu có, họ sẽ theo dõi các xét nghiệm hình ảnh học để tìm hiểu lý do.

Các xét nghiệm có thể chẩn đoán thoát vị khe hoành, bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực: Chụp X-quang ngực sử dụng tia X để chụp ảnh tĩnh, đen trắng bên trong khoang ngực, nơi thực quản của bạn nằm.
  • Chụp X-quang thực quản cản quang: Là một loại phim X-quang thực quản đang hoạt động. Nó cho thấy thực quản của bạn khi bạn thực hiện động tác nuốt.
  • Nội soi thực quản - dạ dày: Ống nội soi sẽ đi vào bên trong thực quản và dạ dày của bạn cùng một camera nhỏ ở đầu ống. Nó sẽ chiếu hình ảnh trực tiếp lên màn hình.
  • Đo áp lực thực quản: Phương pháp này sử dụng một ống thông đặt bên trong thực quản của bạn để đo áp lực của cơ. Nó sẽ chuyển đổi dữ liệu này thành biểu đồ.
Thoát vị khe hoành là gì? Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa bệnh 6
Nội soi hỗ trợ chẩn đoán tình trạng thoát vị khe hoành

Phương pháp điều trị thoát vị khe hoành hiệu quả

Bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng bản chất của thoát vị khe hoành, trào ngược và các triệu chứng của bạn để giúp xác định phương pháp điều trị lâu dài tốt nhất cho bạn. Các phương pháp có thể được chọn lựa là:

  • Theo dõi: Nếu chứng thoát vị không làm phiền bạn thì có thể không cần điều trị. Nhưng bác sĩ sẽ vẫn theo dõi bởi vì nó có khả năng lớn hơn theo thời gian.
  • Sử dụng thuốc: Thuốc không thể ngăn chặn chứng trào ngược axit nhưng chúng có thể làm giảm hàm lượng axit trong dạ dày của bạn. Điều này làm cho chứng trào ngược ít gây tổn thương hơn và giảm bớt cơn đau liên quan đến nó.
  • Phẫu thuật: Thực hiện một cuộc phẫu nhỏ có thể chữa khỏi thoát vị khe hoành của bạn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoát vị khe hoành

Chế độ sinh hoạt:

  • Hãy hướng đến chỉ số khối cơ thể (BMI) lành mạnh: Nếu thừa cân góp phần gây ra chứng trào ngược của bạn, việc giảm cân có thể giúp ích.
  • Điều chỉnh tư thế ngủ: Kê cao đầu vào ban đêm và ngủ nghiêng về bên trái có thể giúp ngăn ngừa chứng trào ngược khi ngủ.
  • Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản dưới, khiến nó yếu đi. Nó cũng có thể gây ho mạn tính dẫn đến tăng áp lực ổ bụng.
  • Không đeo thắt lưng chật hoặc mặc quần áo chật: Có thể gây tăng áp lực ổ bụng.
Thoát vị khe hoành là gì? Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa bệnh 7
Người bệnh thoát vị khe hoành nên giảm cân nếu thừa cân

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chia nhỏ bữa ăn: Chia các bữa ăn lớn thành nhiều bữa ăn nhỏ, thay vì ăn nhiều trong một lần. Bữa ăn nhỏ giúp làm giảm thể tích và áp lực tổng thể trong dạ dày của bạn.
  • Ăn ít chất béo: Bữa ăn giàu chất béo kích hoạt nhiều axit dạ dày và enzyme giúp tiêu hóa chúng.
  • Ăn tối sớm hơn: Tránh nằm ngay sau khi ăn để ngăn ngừa tình trạng trào ngược.
  • Hạn chế thực phẩm: Có tính axit (trái cây hoặc nước ép cam quýt), thực phẩm có chứa caffeine và đồ uống có cồn.

Phương pháp phòng ngừa thoát vị khe hoành hiệu quả

Bạn có thể không tránh được hoàn toàn tình trạng thoát vị khe hoành, nhưng bạn có thể phòng ngừa tình trạng thoát vị trở nên nặng hơn bằng cách:

  • Giảm cân nếu bạn thừa cân.
  • Không rặn khi đi tiêu.
  • Nhận trợ giúp khi nâng vật nặng.
  • Tránh mang thắt lưng chặt và thực hiện một số bài tập bụng.
Nguồn tham khảo
  • Hiatal Hernia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562200/
  • Hiatal Hernia: https://www.webmd.com/digestive-disorders/hiatal-hernia
  • Hiatal Hernia: https://www.healthline.com/health/hiatal-hernia
  • Hiatal Hernia: https://medlineplus.gov/hiatalhernia.html
  • Hiatal Hernia: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hernias/hiatal-hernia

Các bệnh liên quan

  1. Sán dây cá

  2. Hội chứng Chilaiditi

  3. Bệnh não gan

  4. Nhiễm ký sinh trùng

  5. Chứng khó nuốt

  6. Sỏi mật

  7. Tắc ruột sơ sinh

  8. Suy gan

  9. Bệnh gan do rượu

  10. Bệnh Crohn