Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U nang tuyến Bartholin: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U nang và áp xe tuyến Bartholin là một loại bệnh phụ khoa phổ biến ở vùng âm hộ. Khoảng 2% phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi sinh sản, từng có u nang tuyến Bartholin một lần trong đời. Bài viết này cung cấp các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị cho bệnh lý này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Vị trí và vai trò của tuyến Bartholin

Tuyến Bartholin được mô tả lần đầu tiên bởi nhà giải phẫu học Casper Bartholin vào thế kỷ XVII. Đây là hai tuyến đối xứng nhau, có kích thước cỡ hạt đậu đỏ, nằm phía sau dưới của môi lớn, cạnh bên của lối vào âm đạo. Lỗ tuyến có hình bầu dục, kích thước từ 0,5 - 1 cm, chiều dài ống tuyến vào khoảng 1,5 - 2 cm với đường kính ống khoảng 0,5 mm. Ống tuyến có một lỗ thông vào âm đạo và một lỗ thông ra âm hộ.

Tuyến Bartholin được cấu tạo bởi các tế bào trụ tiết nhầy, với chức năng tạo ra chất nhờn bôi trơn khi quan hệ tình dục, cũng như giữ ẩm cho âm đạo và âm hộ.

U nang tuyến Bartholin là gì?

U nang tuyến Bartholin hay viêm tuyến Bartholin xảy ra khi ống tuyến này bị tắc nghẽn và ứ đọng chất nhờn bên trong, hình thành một nang với thành mỏng, sưng nề, không đau, kích thước bằng hạt đậu lăng hoặc to hơn. Nếu chất nhờn ứ đọng bên trong nang bị nhiễm trùng, u nang sẽ tiến triển thành áp xe tuyến Bartholin.

Theo tạp chí British Medical Journal, tại Hoa Kỳ có khoảng 2% phái nữ tìm đến các cơ sở y tế khám bệnh phụ khoa có tình trạng u nang tuyến Bartholin.

Triệu chứng

Triệu chứng của u nang tuyến Bartholin

Nếu u nang tuyến Bartholin nhỏ và không nhiễm trùng, có thể không có triệu chứng đáng kể nào. Nếu u phát triển đến một kích thước nhất định, trong lúc vệ sinh vùng âm hộ bạn có thể nhận thấy một khối u ở dưới môi lớn gần cửa âm đạo.

Nếu u nang tuyến Bartholin có tình trạng nhiễm trùng do ứ đọng, người bệnh có thể có các triệu chứng sau đây:

  • Sờ thấy khối u, mật độ mềm, thành mỏng, cạnh bên cửa âm đạo, đau nhói khi chạm vào.
  • Cảm giác ma sát và đau vùng âm hộ khi đi lại hoặc khi ngồi.
  • Đau khi quan hệ tình dục, sau khi quan hệ vùng khối u sưng to và đau hơn.
  • Sốt.
  • Khối u sưng, nóng, đỏ, có dịch mủ đục chảy ra.
  • Tuyến Bartholin sưng đau kích thích niệu đạo và bàng quang nên dễ rối loạn tiểu tiện.
  • Sau giai đoạn viêm cấp, tuyến Bartholin có thể bị nang hóa hoặc chuyển qua viêm mạn. Lúc này, khối u sẽ có mật độ cứng chắc, sờ không đau.
U nang tuyến Bartholin 2
Đau vùng âm hộ khi ngồi

Biến chứng của u nang tuyến Bartholin

U nang tuyến Bartholin thường không gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nang tuyến bị bít tắc lâu ngày tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nên áp xe tuyến Bartholin. Áp xe tuyến Bartholin có một số triệu chứng đặc trưng mà bạn cần lưu ý để đến khám bác sĩ chuyên khoa như sau:

  • Vị trí u nang sưng to hơn so với những ngày trước.
  • Vùng u nang nói riêng và môi lớn nói chung khi sờ thấy nóng, đau hơn.
  • Đau hơn khi quan hệ tình dục.
  • Sốt cao.
  • Vỡ khối áp xe và rò rỉ dịch mủ đục hôi.
  • Nhiễm trùng tại chỗ diễn tiến sang nhiễm trùng huyết và có nguy cơ tử vong.
  • Bệnh dễ tái phát.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u nang tuyến Bartholin

Nguyên nhân gây ra u nang tuyến Bartholin chủ yếu là sự tắc nghẽn và ứ đọng chất nhờn được tế bào tuyến tiết ra. Sự tắc nghẽn và ứ đọng dẫn đến khả năng nhiễm vi khuẩn, hình thành nên áp xe tuyến Bartholin. Một số tác nhân gây nhiễm khuẩn u nang tuyến Bartholin cũng tương tự các tác nhân của bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm:

  • Neisseria gonorrhoeae, hay còn gọi là vi khuẩn lậu cầu, gây bệnh lậu;
  • Chlamydia trachomatis, gây bệnh Chlamydia;
  • Escherichia coli;
  • Streptococcus pneumoniae;
  • Haemophilus influenzae;

Mặc dù u nang tuyến Bartholin không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên khi phân lập vi khuẩn trong u nang tuyến Bartholin, các nhà khoa học cho thấy rằng Neisseria gonorrhoeae là một trong những tác nhân phổ biến nhất.

U nang tuyến Bartholin 3
Neisseria gonorrhoeae

Nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u nang tuyến Bartholin

Một số yếu tố được cho rằng làm tăng khả năng phát triển u nang tuyến Bartholin bao gồm:

  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi;
  • Đang có hoạt động tình dục;
  • Phụ nữ có thai;
  • Đã từng mắc u nang tuyến Bartholin hoặc áp xe tuyến Bartholin;
  • Từng chấn thương hoặc phẫu thuật vùng âm hộ hoặc âm đạo.
  • Hẹp ống tuyến Bartholin bẩm sinh.
U nang tuyến Bartholin 4
Phụ nữ có thai có nguy cơ mắc u nang tuyến Bartholin

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán u nang tuyến Bartholin

Để chẩn đoán xác định u tuyến Bartholin, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào các triệu chứng cơ năng và khám thực thể. Khám phụ khoa giúp bác sĩ quan sát vị trí tổn thương, kích thước khối u và đánh giá nhiễm trùng. Nếu người bệnh đã có tình trạng áp xe nang tuyến Bartholin, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dịch mủ để xác định loại vi khuẩn và có chiến lược điều trị phù hợp.

Các xét nghiệm chẩn đoán u nang tuyến Bartholin

Bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm cận lâm sàng như sau:

  • Tổng phân tích nước tiểu và công thức máu;
  • Xét nghiệm tế bào và vi trùng học dịch tiết từ âm đạo hoặc cổ tử cung;
  • Xét nghiệm tế bào và vi trùng học dịch mủ từ ổ áp xe tuyến Bartholin;
  • Tầm soát ung thư cổ tử cung với phương pháp PAP Smear, ung thư biểu mô tuyến Bartholin hoặc ung thư khác ở âm hộ đối với phụ nữ trên 40 tuổi hoặc đã mãn kinh.
U nang tuyến Bartholin 5
Tầm soát ung thư cổ tử cung với phương pháp PAP Smear

Phương pháp điều trị u nang tuyến Bartholin hiệu quả

Nếu u nang tuyến Bartholin nhỏ và không có triệu chứng, bạn có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chú ý theo dõi, nếu khối u có thay đổi về kích thước hoặc gây khó chịu, cần tái khám ngay.

Các biện pháp điều trị bảo tồn tại nhà bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không kê toa: Các loại thuốc giảm đau như acetaminophen và ibuprofen không cần bác sĩ kê toa có thể giúp bạn giảm đau và giảm cảm giác khó chịu.
  • Tắm nước ấm hoặc chườm ấm: Giúp vùng âm hộ trở nên dễ chịu hơn, u nang có thể giảm viêm nhẹ và bớt sưng đau.

Nếu khối u nang phát triển thành áp xe, bác sĩ sẽ đưa ra chiến lược điều trị cho bạn:

  • Điều trị với thuốc kháng sinh đường uống: Các kháng sinh thường được kê toa gồm Bactrim (trimethoprim/ sulfamethoxazole), augmentin (amoxicillin/ acid clavulanic), metronidazole. Kháng sinh có thể được bác sĩ lựa chọn trên kinh nghiệm hoặc dựa vào kháng sinh đồ của việc cấy vi trùng từ dịch mủ ổ áp xe.
  • Dẫn lưu dịch ứ đọng trong u nang hoặc áp xe tuyến Bartholin: Bác sĩ tiến hành chích rạch và đặt dẫn lưu penrose để dịch mủ thoát ra ngoài.
  • Phẫu thuật đặt ống thông vĩnh viễn giúp thoát dịch tuyến Bartholin: Bác sĩ sẽ tiến hành đặt 1 ống thông nhỏ, sau đó bơm bóng cho phồng lên và lưu lại trong ống tuyến Bartholin từ 4 đến 6 tuần. Thủ thuật này sẽ kích thích sự xơ hóa của ống tuyến và mở thông hoàn toàn.
  • Phẫu thuật cắt u nang và mở thông nang: Sau khi cắt nang và dẫn lưu dịch, bác sĩ tiến hành khâu quanh mép nang tạo lỗ mở vĩnh viễn để chất nhờn trong tuyến có thể thoát ra ngoài và ngăn ngừa u nang tái phát.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn tuyến Bartholin với các trường hợp u nang tái phát không đáp ứng với các phương pháp điều trị nêu trên, đây là loại phẫu thuật bóc bỏ hoàn toàn nang tuyến Bartholin. Sau khi bóc bỏ nang, bác sĩ sẽ tiến hành cầm máu và khâu lại vết thương.
U nang tuyến Bartholin 6
Phẫu thuật đặt ống thông tuyến Bartholin

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Phương pháp phòng ngừa u nang tuyến Bartholin hiệu quả

Hiện nay, chưa có các phương pháp để phòng ngừa tình trạng u nang tuyến Bartholin. Khoảng 20% trường hợp u nang tuyến Bartholin hoặc áp xe tuyến Bartholin bị tái phát, đặc biệt trên người bệnh có nhiễm vi trùng lậu.

Phụ nữ có thể chủ động phòng tránh một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh lý này như:

  • Vệ sinh đúng cách vùng âm hộ (từ trước ra sau) để hạn chế nhiễm vi khuẩn từ hậu môn;
  • Vệ sinh âm hộ trước và sau khi quan hệ tình dục;
  • Sử dụng quần lót được giặt sạch và phơi khô kĩ lưỡng;
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp bảo vệ như sử dụng bao cao su;
  • Khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đối với phụ nữ trong độ tuổi quan hệ tình dục và sau mãn kinh.
  • Nếu có bất kỳ phát hiện bất thường nào ở vùng âm hộ hoặc âm đạo, nên đến các cơ sở uy tín để bác sĩ chuyên khoa thăm khám kịp thời.
U nang tuyến Bartholin 7
Quan hệ tình dục an toàn để phòng ngừa u nang tuyến Bartholin hiệu quả
Nguồn tham khảo
  1. OB Anozie, CUO Esike, RO Anozie, et al. Incidence, Presentation and Management of Bartholin’s Gland Cysts/Abscesses: A Four-Year Review in Federal Teaching Hospital, Abakaliki, South-East Nigeria. Open Journal of Obstetrics and Gynecology. 2016;6(5). doi: 10.4236/ojog.2016.65038.
  2. Illingworth B, Stocking K, Showell M, Kirk E, Duffy J. Evaluation of treatments for Bartholin's cyst or abscess: A systematic review. BJOG. 2020;127(6):671-678. doi: 10.1111/1471-0528.16079.
  3. Zhang R, Zhang Z, Xu M, Li W, Sun Y, Dai Y, Yang X, Lin S. Bartholin's gland cyst caused by Sneathia amnii: A case report. BMC Infect Dis. 2023;23(1):333. doi: 10.1186/s12879-023-08302-z.
  4. Bartholin's cyst: https://bestpractice.bmj.com/topics/en-gb/1060
  5. Bartholin's cyst: https://www.nhs.uk/conditions/bartholins-cyst/

Các bệnh liên quan

  1. Giang mai

  2. Viêm vùng chậu

  3. dính buồng tử cung

  4. Vô kinh

  5. Lao hệ tiết niệu-sinh dục

  6. Tinh hoàn lạc chỗ

  7. Đa niệu

  8. Sa tử cung

  9. Trùng roi sinh dục nữ

  10. Loạn sản cổ tử cung