Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U sao bào là gì? Phân loại và cách điều trị u sao bào

Ngày 25/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U sao bào hay còn gọi là u tế bào hình sao (Astrocytoma), bắt nguồn từ tế bào hình sao, đây là một trong những loại u não phổ biến. Chúng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh tật và tử vong ở cả người trẻ và người già. Để tránh tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao liên quan đến u sao bào, điều quan trọng là cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U sao bào là gì?

U sao bào hay u tế bào hình sao (Astrocytoma), bắt nguồn từ một loại tế bào thần kinh đệm trong não có hình dạng ngôi sao. Đây là loại u thần kinh đệm phổ biến, thường ảnh hưởng đến não và đôi khi là tủy sống. Trong số các khối u não, u thần kinh đệm chiếm đến 60%, là nguyên nhân phổ biến gây tử vong và bệnh tật ở cả người trẻ và người già.

U sao bào được phân loại theo cấp độ của chúng. Ở độ 1, u phát triển chậm và lành tính, độ 2 có thể tiến triển thành ác tính. U sao bào độ 3 và độ 4 phát triển nhanh hơn và ác tính, nghĩa là ung thư. Phân loại u sao bào theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bao gồm:

  • WHO độ I: U sao bào lông (Pilocytic Astrocytomas).
  • WHO độ II: U sao bào lan tỏa mức độ thấp (Low-grade Diffuse Astrocytomas).
  • WHO độ III: U sao bào mất biệt hóa (Anaplastic Astrocytomas).
  • WHO độ IV: U sao bào ác tính độ IV (Glioblastoma - U nguyên bào thần kinh đệm).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u sao bào

Các triệu chứng của u sao bào có thể khác nhau tùy theo kích thước và vị trí khối u. Các triệu chứng chung có thể gặp bao gồm:

  • Nhức đầu (thường là vào sáng sớm);
  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Khó khăn trong việc nhận thức;
  • Thay đổi tính cách;
  • Rối loạn dáng đi.

Các triệu chứng khu trú bao gồm:

  • Co giật;
  • Mất ngôn ngữ;
  • Khiếm khuyết thị trường.

Khiếm khuyết thị giác thường không được người bệnh chú ý và có thể được bộc lộ khi nó dẫn đến hậu quả như tai nạn giao thông.

Động kinh cũng có thể là một triệu chứng của u sao bào, nó xảy ra ở 90% người bệnh mắc u sao bào độ II.

Biến chứng có thể gặp khi mắc u sao bào

U sao bào là nguyên nhân phổ biến gây bệnh tật và tử vong ở cả người trẻ và người già. Tiên lượng của u sao bào sẽ khác nhau tùy thuộc vào phân loại của chúng:

  • Độ 1 (u sao bào lông) thời gian sống còn trên 10 năm.
  • Độ 2 (u sao bào lan tỏa mức độ thấp), thời gian hơn 5 năm.
  • Độ 3 (u sao bào mất biệt hóa), khoảng 2 đến 5 năm.
  • Độ 4 (u nguyên bào thần kinh đệm), khoảng 1 năm.
usb4.png
Phân loại u sao bào theo Tổ chức Y tế Thế giới

Việc phát hiện và điều trị sớm có thể cải thiện được tiên lượng của người bệnh. Tuy nhiên, các can thiệp phẫu thuật thần kinh luôn có thêm nguy cơ biến chứng do phẫu thuật. Các biến chứng của hóa trị và xạ trị cũng được thấy, nhưng hiện nay, các loại thuốc hiệu quả đã được phát minh để quản lý thích hợp các biến chứng này.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn mắc phải các triệu chứng hay dấu hiệu của u sao bào.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u sao bào

Không có nguyên nhân cơ bản nào được xác định đối với phần lớn các khối u não nguyên phát, yếu tố nguy cơ duy nhất được xác định là tiếp xúc với bức xạ ion hóa.

Bằng chứng về liên quan đến các yếu tố khác như tiếp xúc với điện từ (điện thoại di động), chấn thương hoặc các yếu tố rủi ro nghề nghiệp vẫn chưa được chứng minh. Một số ít người bệnh có tiền sử gia đình mắc bệnh u não.

Trẻ em được chiếu xạ dự phòng bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL) có thể có nguy cơ phát triển khối u ác tính ở hệ thần kinh trung ương gấp 22 lần trong vòng khoảng 5 đến 10 năm.

Người ta cũng chứng minh rằng, xạ trị u tuyến yên có nguy cơ phát triển u thần kinh đệm cao hơn 16 lần.

Bên cạnh đó, có một tính nhạy cảm di truyền đối với sự phát triển u thần kinh đệm, ví dụ trong các bệnh như hội chứng Turcot, p53 đột biến (Li-Fraumeni) và hội chứng NF1. Trong số các u sao bào mức độ thấp, khoảng 66% có đột biến p53.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc u sao bào?

Về tổng thể, u tế bào hình sao là u hệ thần kinh trung ương phổ biến nhất ở trẻ em, chiếm khoảng 40% các khối u hệ thần kinh trung ương ở trẻ. Hầu hết các trường hợp xảy ra ở độ tuổi từ 5 đến 9 tuổi. Những khối u có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong não hoặc tủy sống, nhưng phổ biến nhất là ở tiểu não.

Các đối tượng mắc cụ thể sẽ khác nhau đối với từng loại u sao bào khác nhau. Ví dụ như:

  • U sao bào độ 1 thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên (độ tuổi 20).
  • U sao bào độ 2 thường ảnh hưởng ở nhóm tuổi 30 đến 40.
  • U sao bào độ 3 có độ tuổi trung bình mắc ở khoảng 40.
  • U sao bào độ 4 thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u sao bào

Như đã đề cập ở trên, các yếu tố nguy cơ xác định được bao gồm tiếp xúc với bức xạ và di truyền, bao gồm:

  • Xạ trị: Trẻ em được chiếu xạ để dự phòng bệnh bạch cầu cấp dòng lympho làm tăng nguy cơ phát triển khối u hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như u sao bào.
  • Hội chứng Li-Fraumeni: Tình trạng này xảy ra khi có thay đổi trong gen TP53 của bạn. Những người mắc hội chứng Li-Fraumeni có 90% nguy cơ mắc một hoặc nhiều loại ung thư trong đời, có thể bao gồm u sao bào.
  • Bệnh u xơ thần kinh loại 1 (NF1): Đây là tình trạng gây gia tăng bất thường trong sự phát triển của tế bào do đột biến gen ngăn chặn phát triển khối u. Những người mắc bệnh NF1 có thể phát triển u sao bào khởi phát sớm, u thần kinh ngoại biên và các đốm trên da.
  • Hội chứng Turcot: Tình trạng xảy ra khi có đột biến ở một số gen ngăn chặn sự phát triển của khối u. Hội chứng Turcot thường liên quan đến sự phát triển polyp trong đường ruột và một hay nhiều khối u não hoặc tủy sống, chẳng hạn như u sao bào. 
usb5.jpg
Các tình trạng di truyền có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc u sao bào, ví dụ như hội chứng Li-Fraumeni

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u sao bào

Các triệu chứng của u sao bào có thể tương tự như các tình trạng thần kinh khác. Để chẩn đoán bệnh, ngoài việc hỏi bệnh sử, tiền căn và khám thần kinh, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh học để chẩn đoán. 

Trong đó chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não là xét nghiệm hình ảnh tốt nhất để chẩn đoán u sao bào. Nếu không thể chụp MRI (ví dụ như có máy tạo nhịp hay cấy ghép khớp), chụp cắt lớp vi tính (CT scan) là lựa chọn tốt tiếp theo.

usb6.jpg
MRI sọ não là xét nghiệm hình ảnh học tốt nhất để chẩn đoán u sao bào

Nếu có bất thường trong hình ảnh học, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết hoặc cắt bỏ khối u để chẩn đoán xác định.

Phương pháp điều trị u sao bào

Điều trị u sao bào phụ thuộc vào vị trí và mức độ của khối u, ngoài ra còn phụ thuộc vào tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn. Theo nguyên tắc chung, mức độ của khối u càng thấp thì liệu pháp điều trị càng ít chuyên sâu và kết quả càng tốt.

Các lựa chọn điều trị bao gồm can thiệp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, được hướng dẫn một phần theo phân loại của WHO.

Phẫu thuật có thể chữa khỏi hầu hết các u sao bào độ I, nếu khối u được loại bỏ hoàn toàn một cách an toàn. Xạ trị có thể được sử dụng nếu không thể loại bỏ khối u hoàn toàn.

Hiếm khi phẫu thuật có thể chữa khỏi u sao bào độ II, ở người bệnh nguy cơ cao, xạ trị hoặc hóa trị bổ trợ sẽ được sử dụng.

U sao bào độ III và IV không có cách để điều trị khỏi, vì chúng phát triển và lan rộng nhanh chóng. Điều trị bao gồm phẫu thuật cắt bỏ, xạ trị và hóa trị liệu (temozolomide bổ trợ).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u sao bào

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của u sao bào, điều quan trọng là theo dõi, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đồng thời cần:

  • Bỏ hút thuốc lá;
  • Giữ sức khỏe, vận động phù hợp;
  • Khám sức khỏe định kỳ;
  • Tiêm vắc xin HPV;
  • Tránh độc tố và các chất độc khác có trong công việc và các đồ dùng ở nhà.

Bên cạnh đó, khi được chẩn đoán và điều trị, bạn nên tái khám đúng hẹn với bác sĩ (chuyên khoa thần kinh, chuyên khoa ung bướu) để đảm bảo rằng việc điều trị của bạn đã có hiệu quả hoặc vẫn đang tiếp tục hiệu quả với bạn.

usb7.jpg
Tái khám đúng hẹn với bác sĩ để đảm bảo quá trình điều trị của bạn vẫn đang có hiệu quả

Bạn cũng nên theo dõi các triệu chứng của mình, liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu phát hiện các triệu chứng mới hoặc triệu chứng trở nên nặng hơn như:

  • Vấn đề về trí nhớ;
  • Co giật;
  • Nhức đầu hay các vấn đề về thị lực;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.

Chế độ dinh dưỡng:

Ăn uống lành mạnh và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng theo tư vấn từ chuyên gia là cách tốt nhất để duy trì thể trạng cho người bệnh u sao bào.

Phương pháp phòng ngừa u sao bào hiệu quả

Hiện không có cách nào để ngăn ngừa u sao bào một cách hiệu quả. Nếu bạn mắc các tình trạng di truyền khiến bạn có nguy cơ cao mắc u sao bào, hãy tái khám với bác sĩ của bạn thường xuyên, bác sĩ có thể theo dõi các dấu hiệu của u sao bào để phát hiện càng sớm càng tốt.

Nguồn tham khảo
  1. Astrocytoma: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559042/
  2. Anaplastic Astrocytoma: https://www.healthline.com/health/anaplastic-astrocytoma
  3. Astrocytomas: https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/pediatric-cancers/astrocytomas
  4. Astrocytoma: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17863-astrocytoma
  5. What Is Astrocytoma?: https://www.webmd.com/cancer/brain-cancer/what-is-astrocytoma 

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư vú giai đoạn 4

  2. Sán dây lợn

  3. Suy nhược cơ thể

  4. Nóng trong người

  5. Ung thư vòm mũi

  6. U xương sụn

  7. Suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới

  8. Metapneumovirus

  9. Suy tim phải

  10. Viêm lưỡi bản đồ