Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Herpes hậu môn là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Herpes hậu môn xảy ra khi người bệnh nhiễm virus herpes ảnh hưởng đến vùng hậu môn. Bệnh do virus herpes có thể gây ra mụn nước và vết loét quanh miệng, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Nhiễm herpes không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Người bệnh herpes hậu môn có thể cảm thấy các mụn nước hoặc vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn của họ. Vì các triệu chứng của herpes hậu môn với bệnh trĩ hoặc giang mai tương tự nhau nên có thể bị nhầm lẫn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Herpes hậu môn là gì?

Khi đề cập đến herpes, hầu hết mọi người đều nghĩ đến bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra sự xuất hiện các vết loét và đau ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, herpes cũng có thể ảnh hưởng đến hậu môn, dẫn đến herpes hậu môn.

Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn là do virus herpes simplex (HSV) gây ra. Herpes hậu môn thường lây truyền bằng hình thức quan hệ tình dục qua đường hậu môn, nhưng trong một số trường hợp, cũng có thể lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết những người nhiễm HSV sẽ không xuất hiện các triệu chứng (hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ) nhưng vẫn có thể lây truyền virus sang người khác mà không hề hay biết.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của herpes hậu môn

Herpes hậu môn có thể gây ra sự xuất hiện các mụn nước nhỏ, chảy nước ở bên trong và xung quanh hậu môn, sau đó vỡ thành vết loét hở gây đau đớn. Các vết loét rỉ nước sau đó sẽ nhanh chóng đóng vảy và bắt đầu quá trình lành vết thương.

Trong đợt bùng phát ban đầu, các mụn nước có thể xuất hiện trước các triệu chứng giống cúm, bao gồm nhức đầu, sốt, đau cơ, mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết ở bẹn. Những đợt bùng phát tiếp theo có xu hướng ít nghiêm trọng hơn lần đầu tiên.

Vị trí

Đúng như tên gọi của nó, herpes hậu môn ảnh hưởng đến vùng xung quanh hậu môn và trực tràng. Giống như tất cả các loại virus herpes, HSV-1 và HSV-2 tồn tại trong cơ thể bằng cách xâm nhập vào các tế bào thần kinh gần tủy sống. Trong thời gian tiềm ẩn kéo dài, virus sẽ nằm im, hệ thống miễn dịch không thể phát hiện được. Khi virus hoạt động trở lại, nó sẽ len lỏi theo đường dẫn truyền của các tế bào thần kinh đến bề mặt da. Việc tái hoạt động lại của virus được khu trú ở vị trí nhiễm trùng ban đầu trừ khi virus được truyền sang bộ phận khác của cơ thể.

Kích cỡ

Những mụn nước do herpes hậu môn thường nhỏ, kích thước chỉ 1 – 3 mm (dưới 1/8 inch). Các mụn nước đôi khi có thể tụ thành vết phồng rộp lớn hơn và cuối cùng bùng phát thành vết loét đỏ da, viêm.

Vẻ bề ngoài

Các mụn nước có đầu nhỏ chứa đầy dịch, sẽ tự vỡ ra hoặc khi bị cọ xát, gãi. Hậu quả là vết loét da có những đặc điểm đặc trưng, ​​bao gồm:

  • Một vết loét lõm (hình bát) có độ sâu và kích thước đồng đều;
  • Trung tâm rỉ dịch, đỏ;
  • Đường viền "đục lỗ" với bờ hơi nhô lên;
  • Mài màu trắng hoặc hơi vàng.

Cảm giác

Đau là đặc điểm chung của bệnh herpes hậu môn. Cơn đau bắt nguồn từ tổn thương viêm các dây thần kinh khi virus hoạt động trở lại. Cơn đau do herpes hậu môn có thể nghiêm trọng, đặc biệt là khi đi tiêu hoặc căng thẳng. Sự va chạm do đi đại tiện hoặc lau hậu môn đôi khi có thể gây đau đớn dữ dội. Trong một số trường hợp, cơn đau theo đường dẫn truyền thần kinh sẽ lan ra ngoài vị trí vết loét hậu môn đến một hoặc cả hai bên xương cụt.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các vết loét do herpes đều gây đau. Một số người chỉ có cảm giác bỏng rát hoặc ngứa nhẹ. Những người khác có thể mô tả cảm giác như kim châm.

Herpes hậu môn là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa herpes hậu môn 4
Herpes hậu môn có thể gây ra các cơn đau đớn dữ dội

Thời điểm bùng phát

Thường không có lý do nào giải thích tại sao quá trình kích hoạt HSV-2 trở lại hoặc tại sao một số người lại dễ bị kích hoạt lại hơn những người khác. Như đã nói, có những nguyên nhân phổ biến khiến herpes tái phát, bao gồm bệnh tật, căng thẳng và mệt mỏi. Kinh nguyệt cũng có thể gây bùng phát bệnh.

Khoảng 50% số người bị herpes hậu môn tái phát sẽ có các dấu hiệu cảnh báo sớm về đợt bùng phát, được gọi là triệu chứng tiền triệu. Những triệu chứng này có thể bắt đầu vài giờ hoặc vài ngày trước khi mụn nước ở hậu môn xuất hiện, thường kèm theo ngứa, ngứa ran hoặc đau ở mông, chân hoặc hông. Đôi khi mọi người sẽ nhầm lẫn các triệu chứng tiền triệu của bệnh herpes hậu môn với bệnh đau thần kinh tọa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh herpes hậu môn hoặc bộ phận sinh dục.

Bác sĩ sẽ khám sức khỏe và có thể đề nghị xét nghiệm bổ sung để xác định xem bạn có mắc bất kỳ bệnh lý lây truyền qua đường tình dục nào khác hay không.

Để bảo vệ bản thân và bạn tình khỏi bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn nên đi xét nghiệm thường xuyên từ các cơ sở y tế. Điều này rất quan trọng vì nhiều trường hợp bệnh herpes không có triệu chứng và bạn có thể bị nhiễm hoặc lây lan virus mà không hề hay biết.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến herpes hậu môn

Virus herpes simplex gây ra tất cả các loại herpes. Đây là một loại virus truyền nhiễm, có nghĩa là mọi người có thể nhiễm nó khi tiếp xúc vật lý với nhau. Quan hệ tình dục thường là con đường lây truyền herpes sinh dục và herpes hậu môn. Vì vậy, chúng được coi là thuộc nhóm bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Có hai loại virus herpes:

  • Virus herpes simplex loại 1 (HSV-1), chủ yếu ảnh hưởng đến miệng;
  • Virus herpes simplex loại 2 (HSV-2), chủ yếu ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục và hậu môn.

HSV-2 gây ra hầu hết các trường hợp herpes hậu môn ở người. Virus lây lan qua quan hệ tình dục với người bị nhiễm trùng.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng 417 triệu người, hay 11% số người trong độ tuổi 15–49 trên toàn thế giới bị nhiễm HSV-2.

Herpes hậu môn là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa herpes hậu môn 5
Virus herpes simplex là nguyên nhân gây ra herpes hậu môn

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải herpes hậu môn?

Phụ nữ có nguy cơ mắc herpes hậu môn cao hơn nam giới. Quan hệ tình dục với người bị nhiễm trùng là cách lây lan herpes hậu môn. Do đó, mọi người có thể bị herpes hậu môn khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người bị nhiễm virus này. Tiếp xúc trực tiếp qua miệng hoặc da khiến virus lây truyền dễ dàng qua:

  • Vết loét mụn nước hoặc bong vảy;
  • Nước bọt;
  • Dịch tiết sinh dục.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải herpes hậu môn

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải herpes hậu môn có thể kể đến như:

  • Quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp bảo vệ.
  • Người có nhiều bạn tình.
  • Quan hệ tình dục với người lạ, không biết rõ tiền sử.
  • Đang mắc hoặc từng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc nhiễm trùng máu khác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán herpes hậu môn

Các triệu chứng của herpes hậu môn tương tự như triệu chứng của một số bệnh khác, bao gồm bệnh trĩ và giang mai. Bác sĩ có thể xác định bệnh bằng mắt hoặc khám thực thể.

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để tìm virus herpes.

Nếu không, họ có thể lấy mẫu xét nghiệm khuếch đại axit nucleic hoặc NAAT. Các xét nghiệm mới này nhanh, chính xác và có thể cho biết một người có bị nhiễm HSV-1 hay HSV-2 hay không.

Phương pháp điều trị herpes hậu môn hiệu quả

Vì herpes hậu môn là một bệnh nhiễm trùng do virus nên việc điều trị thường bằng thuốc kháng virus. Những loại thuốc này chống lại hoạt động của virus trong cơ thể và giúp giảm hoặc kiểm soát các triệu chứng.

Thuốc kháng virus cũng làm giảm thời gian nhiễm trùng và nguy cơ virus lây truyền sang bạn tình.

Người bệnh nên được điều trị càng sớm càng tốt vì điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ lây truyền bệnh sang người khác.

Ví dụ về các loại thuốc kháng virus để điều trị herpes hậu môn như Famvir, Valtrex và Zovirax.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của herpes hậu môn

Khi mắc phải herpes hậu môn, chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng có thể giúp hỗ trợ quá trình phục hồi và giảm nguy cơ tái phát.

Chế độ sinh hoạt:

  • Giữ vùng hậu môn sạch sẽ: Vệ sinh kỹ vùng hậu môn bằng nước ấm và xà phòng nhẹ dịu hàng ngày. Hạn chế sử dụng giấy vệ sinh cứng và các chất tẩy rửa mạnh.
  • Tránh tổn thương vùng hậu môn: Tránh việc cọ xát hay làm tổn thương vùng hậu môn. Hạn chế tác động mạnh vào khu vực này để giảm nguy cơ nhiễm trùng và đau rát.
  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ: Sử dụng gối đặc biệt hoặc vật liệu giảm áp lực khi ngồi để giảm áp lực lên vùng hậu môn.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo cung cấp đủ lượng nước hàng ngày để duy trì sự mềm mại và dễ đi ngoài.
  • Tìm hiểu và hỏi ý kiến bác sĩ: Luôn tuân thủ lời khuyên và chỉ dẫn của bác sĩ chuyên gia về chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp cho trường hợp cụ thể của bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn chế độ dinh dưỡng cân bằng: Tăng cường tiêu thụ rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
  • Tránh thực phẩm kích thích: Hạn chế sử dụng các thực phẩm có chứa chất kích thích như cà phê, rượu, gia vị cay, đồ chiên xào, và thực phẩm chứa nhiều chất béo.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin E, kẽm, và omega-3 từ nguồn thực phẩm như cam, kiwi, hạt hướng dương, cá hồi, và dầu ô liu để tăng cường hệ miễn dịch.

Lưu ý rằng các lời khuyên trên chỉ mang tính chất chung và không thay thế cho tư vấn y tế chuyên nghiệp. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế khi cần.

Herpes hậu môn là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa herpes hậu môn 6
Người bệnh herpes hậu môn nên giữ vùng hậu môn sạch sẽ

Phương pháp phòng ngừa herpes hậu môn hiệu quả

Herpes hậu môn dễ lây lan, nhưng không phải ai nhiễm virus herpes cũng có triệu chứng. Điều này có nghĩa là mọi người có thể nhiễm virus mà không hề hay biết. Cách để giảm nguy cơ mắc bệnh herpes hậu môn, bao gồm:

  • Sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn, chẳng hạn như bao cao su, khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng;
  • Kiểm tra sức khỏe tình dục thường xuyên để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
  • Đảm bảo rằng tất cả các bạn tình đều được kiểm tra sức khỏe tình dục định kỳ.

Nếu bạn tình của bạn bị herpes hậu môn, bạn có thể giảm nguy cơ lây truyền bằng cách sử dụng bao cao su và tránh hoạt động tình dục khi bạn tình của bạn đang có đợt bùng phát hoặc nhiễm trùng đang hoạt động.

Những người đã bị herpes nên dùng thuốc kháng virus được kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ và tham gia tái khám để đảm bảo rằng đã kiểm soát được virus.

Herpes hậu môn là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa herpes hậu môn 7
Sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục giúp phòng ngừa herpes hậu môn
Nguồn tham khảo
  1. Anal Herpes: Symptoms, Treatment, and More: https://www.healthline.com/health/sexually-transmitted-diseases/anal-herpes
  2. What to know about anal herpes: https://www.medicalnewstoday.com/articles/322294
  3. What to Know Before and After an Anal Herpes Diagnosis: https://www.verywellhealth.com/anal-herpes-5525822
  4. ANAL HERPES: SYMPTOMS, TREATMENT, PREVENTION & MORE: https://khealth.com/learn/herpes/anal/
  5. Anal infections caused by herpes simplex virus: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/176017/

Các bệnh liên quan

  1. Herpes sinh dục

  2. sa tinh hoàn

  3. Không có tinh trùng

  4. Chít hẹp cổ tử cung

  5. Viêm âm đạo

  6. Khô âm đạo

  7. U xơ tuyến tiền liệt

  8. Nang âm hộ

  9. Lao hệ tiết niệu-sinh dục

  10. Viêm nội mạc tử cung