Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn sàn chậu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Người mắc rối loạn sàn chậu, hay còn gọi là rối loạn chức năng sàn chậu (Pelvic floor dysfunction) sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cơ sàn chậu. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc đi tiêu, các vấn đề về tiết niệu, đau thắt lưng và nhiều vấn đề y tế khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn sàn chậu là gì?

Rối loạn sàn chậu, hay rối loạn chức năng sàn chậu (Pelvic Floor Dysfunction) đề cập đến một loạt các triệu chứng và thay đổi về mặt giải phẫu liên quan đến chức năng bất thường của nhóm cơ sàn chậu.

Nhóm cơ sàn chậu bao gồm các cơ, dây chằng ở vùng xương chậu của bạn. Sàn chậu hoạt động như một chiếc dây đeo hỗ trợ các cơ quan nằm trong vùng chậu của bạn, bao gồm:

  • Bàng quang;
  • Trực tràng;
  • Tử cung hay tuyến tiền liệt.

Việc co lại và thư giãn các cơ này cho phép bạn kiểm soát nhu động ruột, đi tiểu và đặc biệt là quan hệ tình dục ở nữ giới.

Rối loạn sàn chậu là khi bạn gặp phải tình trạng rối loạn chức năng tương ứng với hoạt động tăng lên (tăng trương lực) hay giảm xuống (giảm trương lực) hoặc sự phối hợp không phù hợp của các cơ sàn chậu.

Nếu không được điều trị, rối loạn chức năng sàn chậu có thể dẫn đến khó chịu, tổn thương đại tràng lâu dài hoặc dẫn đến nhiễm trùng. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn sàn chậu

Có một số triệu chứng liên quan đến rối loạn chức năng sàn chậu. Nếu bạn được chẩn đoán rối loạn sàn chậu, bạn có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng trong nhóm các tình trạng sau đây.

Tiết niệu

Các rối loạn đường tiết niệu bao gồm:

  • Tiểu khó: Tiểu rắt, tiểu chậm.
  • Sa bàng quang: Bàng quang phồng lên hoặc thoát vị vào âm đạo (phía trước).
  • Sa niệu đạo: Niệu đạo bị sa, phình vào phía âm đạo (phía trước)
  • Tiểu không tự chủ: Tình trạng rò rỉ nước tiểu không tự chủ.

Phụ khoa

Phụ nữ gặp nhiều vấn đề liên quan khi gặp tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu, bao gồm các rối loạn liên quan đến quan hệ tình dục:

  • Chứng khó giao hợp: Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục.
  • Sa tử cung: Thoát vị tử cung qua âm đạo ra ngoài.
  • Sa âm đạo: Thoát vị đỉnh âm đạo ra ngoài âm đạo.
  • Thoát vị âm đạo (Enterocele): Ruột phình ra hoặc thoát vị vào âm đạo.
  • Thoát vị thành trực tràng (Rectocele): Trực tràng phồng lên hoặc thoát vị vào âm đạo (phía sau).

Đại trực tràng

Bạn có thể gặp các vấn đề về rối loạn đại tiện hoặc sa trực tràng, ví dụ như:

  • Táo bón: Co bóp nghịch thường hoặc giãn cơ sàn chậu không đủ khi bạn cố gắng đi đại tiện.
  • Đại tiện không tự chủ: Sự rò rỉ phân không chủ ý (không liên quan đến rối loạn cơ vòng).
  • Sa trực tràng: Lồng trực tràng ngoài rìa hậu môn hoặc gần hậu môn.

Khác

Các triệu chứng chung khác gồm:

  • Đau vùng chậu: Đau vùng xương chậu kéo dài hơn ba đến sáu tháng, không liên quan đến các tình trạng xác định khác.
  • Co thắt cơ nâng: Một thuật ngữ khác để chỉ chứng đau vùng chậu mãn tính liên quan đến cơ cơ nâng hậu môn.
  • Proctalgia fugax: Thuật ngữ chỉ cơn đau co cứng thoáng qua liên quan đến cơ nâng hậu môn.
  • Sa sàn chậu: Đáy chậu phồng lên bên dưới lối ra xương chậu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc rối loạn sàn chậu

Đối với các tình trạng rối loạn sàn chậu khác nhau, biến chứng lớn nhất là thất bại trong điều trị với các triệu chứng dai dẳng như tiểu không tự chủ. 

Cách điều trị bao gồm thay đổi lối sống, vật lý trị liệu và phản hồi sinh học, không ghi nhận biến chứng rủi ro nào nghiêm trọng.

Vòng nâng bị bỏ quên có nguy cơ bị xói mòn, kẹt hoặc rò rỉ. Kích thích dây thần kinh cùng khá an toàn, biến chứng nhỏ là trật dây thần kinh và nhiễm trùng.

Phẫu thuật mang lại các mối lo ngại như nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương các cấu trúc nội tạng lân cận.

rlsc4.jpg
Biến chứng lớn nhất của rối loạn sàn chậu là thất bại trong điều trị dẫn đến tiểu không tự chủ

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp bất cứ vấn đề nào liên quan đến tình trạng đi tiểu, đại tiện, đau vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục, nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán tình trạng của mình. Tham khảo phần triệu chứng của rối loạn sàn chậu để có thể nhận biết các triệu chứng và đến gặp bác sĩ kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn sàn chậu

Nguyên nhân chính xác của rối loạn sàn chậu vẫn chưa được hiểu rõ. Không có sự kiện hay yếu tố cụ thể nào được xác định là nguyên nhân gây ra rối loạn sàn chậu. Tuy nhiên, nhiều yếu tố đã được thảo luận như:

  • Các triệu chứng tăng trương lực liên quan đến khó khăn khi đi tiểu và đi đại tiện (liên quan đến việc học kỹ thuật đại tiện kém).
  • Tránh đi tiểu hoặc đại tiện liên quan đến lối sống.
  • Rối loạn đại tiện từ thời thơ ấu.
  • Chấn thương do phẫu thuật hoặc sản khoa.
  • Lạm dụng tình dục có liên quan đến chứng đau vùng chậu mãn tính.
  • Bất thường về tư thế, dáng đi, bất đối xứng của xương gây đau cơ vùng chậu.
  • Các bệnh như thoái hóa thần kinh cơ, tổn thương thần kinh cột sống, chấn thương lưng dưới, hoặc phẫu thuật có thể góp phần dẫn đến rối loạn sàn chậu.
  • Khó giao hợp do viêm teo âm đạo.

Một số bệnh lý khác như hội chứng ruột kích thích, lạc nội mạc tử cung, viêm bàng quang.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc rối loạn sàn chậu?

Vì các triệu chứng và tính trạng của rối loạn sàn chậu trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nên việc xác định tỷ lệ mắc chung cũng như các yếu tố dịch tễ là rất khó khăn. 

Các thống kê hiện tại thường liên quan đến nữ giới. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng tiểu không tự chủ do căng thẳng, sa cơ quan vùng chậu xảy ra ở khoảng một nửa số phụ nữ đã sinh con, thường liên quan đến chấn thương cơ sàn chậu khi sinh.

Một số nhóm phụ nữ nhất định, như phụ nữ da trắng hoặc Latin có nguy cơ cao hơn với một số dạng rối loạn sàn chậu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn sàn chậu

Mặc dù nguyên nhân chưa xác định, một số yếu tố được xem là có thể góp phần làm cấu trúc của cơ sàn chậu bị suy yếu, bao gồm:

  • Tuổi;
  • Béo phì;
  • Thiếu tập thể dục;
  • Bệnh lý mạn tính như đái tháo đường;
  • Các vấn đề sức khỏe kéo dài gây tăng áp lực ổ bụng và vùng chậu, ví dụ như nâng vật nặng hay ho mãn tính do hút thuốc lá;
  • Các vấn đề liên quan đến thai kỳ như mang thai, sinh con, sinh mổ, sinh nhiều lần, sử dụng dụng cụ hỗ trợ sinh, chấn thương khi sinh;
  • Phẫu thuật tử cung;
  • Gen ảnh hưởng đến sức mạnh của cơ, xương và mô liên kết của phụ nữ, có thể liên quan đến tình trạng mô cơ vùng sàn chậu yếu hơn.
rlsc5.jpg
Béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn sàn chậu

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn sàn chậu

Điều quan trọng là bạn không nên tự chẩn đoán triệu chứng của mình, vì nó chỉ khiến các tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, quan sát triệu chứng của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng kỹ lưỡng, bao gồm khám cơ sàn chậu, khám bằng mỏ vịt (ở phụ nữ), khám hậu môn trực tràng.

Các xét nghiệm có thể được thực hiện bao gồm:

  • Niệu động học;
  • Nội soi bàng quang;
  • Đo áp lực hậu môn trực tràng;
  • Điện cơ;
  • Siêu âm nội soi;
  • Chụp động học sàn chậu (Defecography);
  • Dynamic MRI;
  • Nội soi đại trực tràng;
  • CT scan bụng chậu;
  • MRI xương chậu;
  • Siêu âm vùng chậu.

Phương pháp điều trị rối loạn sàn chậu

Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và các yếu tố dẫn đến rối loạn sàn chậu của bạn trước khi đưa ra các kế hoạch điều trị.

Mục đích của việc điều trị là làm giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Việc kết hợp các phương pháp điều trị sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất với một số đối tượng. Bên cạnh việc thay đổi lối sống, các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc: Các thuốc estrogen đặt âm đạo, thuốc kháng cholinergic, thuốc chủ vận Beta3 có thể được sử dụng.
  • Vật lý trị liệu: Xoa bóp, giải phóng căng cơ, vận động khớp, các bài tập sàn chậu có thể giúp hỗ trợ cho người bệnh.
  • Phản hồi sinh học: Một kỹ thuật thần kinh cơ để rèn luyện sự co và giãn sàn chậu thích hợp.
  • Thủ thuật xâm lấn: Tiêm độc tố botulinum A điều trị bàng quang hoạt động quá mức, kích thích thần kinh cùng kiểm soát tình trạng tiêu tiểu không tự chủ, châm cứu giúp giảm đau có thể được sử dụng.
  • Phẫu thuật: Có thể được sử dụng nếu các liệu pháp không phẫu thuật không thể kiểm soát triệu chứng.
rlsc6.jpg
Châm cứu có thể được thực hiện để giúp giảm đau vùng chậu

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn sàn chậu

Chế độ sinh hoạt:

Việc thay đổi thói quen sinh hoạt có thể giúp hỗ trợ điều trị rối loạn sàn chậu, hạn chế diễn tiến của bệnh, bao gồm:

  • Giảm cân: Việc giảm từ 3% đến 5% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm thiểu tình trạng tiểu không tự chủ.
  • Bài tập Kegel (tập cơ sàn chậu): Giúp tăng cường sức mạnh cho cơ sàn chậu.
  • Các bài tập cơ lõi: Tập cơ cốt lõi giúp hỗ trợ và tăng cường cơ sàn chậu.
  • Tuân thủ điều trị: Việc điều trị có thể kéo dài hàng tháng trước khi các triệu chứng bắt đầu cải thiện. Quan trọng nhất là bạn không bỏ cuộc, uống thuốc đầy đủ và tái khám, tập vật lý trị liệu đúng hẹn.
  • Hoạt động nên tránh: Bất kỳ hoạt động nào gây đau hoặc làm tăng căng thẳng ở cơ sàn chậu nên được tránh, ví dụ như nâng tạ hoặc nhảy lặp đi lặp lại.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống cần tránh:

  • Rượu;
  • Caffeine (cola, trà và cà phê);
  • Cam, quýt, cà chua;
  • Đường đậm đặc;
  • Chất tạo ngọt nhân tạo (bao gồm aspartame);
  • Thức ăn cay;
  • Thuốc lá.

Việc tránh các thực phẩm trên có lợi ích liên quan đối với các triệu chứng hậu môn trực tràng, bao gồm cả tiểu không tự chủ.

Phương pháp phòng ngừa rối loạn sàn chậu hiệu quả

Có một số yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác, yếu tố gen, tiền căn gia đình, các bệnh lý mạn tính. Bên cạnh đó, bạn có thể ngăn ngừa rối loạn chức năng sàn chậu bằng cách kiểm soát các yếu tố có thể thay đổi được, bằng việc:

  • Hoạt động thể chất và ăn uống lành mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Giảm cân, ngưng hút thuốc lá, kiểm soát táo bón và đái tháo đường.
  • Tập luyện cơ sàn chậu ở tất cả phụ nữ, phụ nữ trong và sau khi mang thai.
  • Thảo luận về rối loạn chức năng sàn chậu với bác sĩ.
rlsc7.jpg
Tập luyện cơ sàn chậu giúp ngăn ngừa rối loạn chức năng sàn chậu
Nguồn tham khảo
  1. Pelvic Floor Dysfunction: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559246/
  2. Pelvic Floor Dysfunction: https://www.healthline.com/health/pelvic-floor-dysfunction
  3. Pelvic Floor Dysfunction: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14459-pelvic-floor-dysfunction
  4. What to know about pelvic floor dysfunction: https://www.medicalnewstoday.com/articles/327511
  5. What To Know About Pelvic Floor Dysfunction: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-to-know-about-pelvic-floor-dysfunction

Các bệnh liên quan