Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư nướu răng là gì? Những điều cần biết về ung thư nướu răng

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư nướu răng (ung thư nướu) là một bệnh hiếm gặp, là một loại trong tất cả các bệnh ung thư ở miệng. Bệnh chiếm chưa đến 10% tổng số trường hợp ung thư miệng ở Châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng ở Nhật Bản bệnh chỉ đứng thứ hai sau ung thư lưỡi. Độ tuổi mắc bệnh trung bình từ khoảng 60 đến 70 tuổi và có thể thấp hơn ở các nước đang phát triển. Triển vọng của người mắc bệnh ung thư nướu sẽ tốt hơn nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư nướu răng là gì?

Ung thư nướu là một loại ung thư xảy ra trong khoang miệng và được phân loại vào nhóm các ung thư vùng đầu cổ, bệnh khởi đầu khi các tế bào ở nướu răng hàm trên hoặc hàm dưới tăng sinh ngoài tầm kiểm soát và hình thành các tổn thương hoặc khối u.

Ung thư nướu thường dễ bị nhầm với bệnh viêm nướu. Bệnh thường xuất hiện dưới dạng một vết sưng nhỏ hoặc vết loét không lành có màu đỏ hoặc trắng ở nướu răng và có thể chảy máu. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư nướu răng

Ung thư nướu ban đầu thường không có triệu chứng, người bệnh có thể phát hiện một khối sưng hoặc vết loét không lành ở nướu răng của mình. Trong giai đoạn đầu của bệnh, những khối u này thường giống với tổn thương của bệnh viêm nha chu, do đó có thể dẫn đến chẩn đoán bệnh chậm trễ.

Các triệu chứng có thể gặp của ung thư nướu bao gồm:

  • Một khối u ở nướu răng và không biến mất;
  • Vết loét ở nướu răng, có thể có màu trắng, nhợt, đỏ, sẫm hoặc đổi màu và không lành trong vòng 14 ngày;
  • Chảy máu nướu răng;
  • Nứt nướu;
  • Khó ăn;
  • Răng giả không còn vừa vặn;
  • Đau;
  • Nổi hạch ở vùng cổ;
  • Nướu răng sưng lên;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ung thư nướu răng

Ung thư nướu nếu không được điều trị có thể xuất hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng. Người bệnh có thể làm giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng bằng cách tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Một số biến chứng có thể xảy ra của ung thư nướu bao gồm:

  • Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị điều trị ung thư;
  • Giảm hoặc mất khả năng ăn uống, nói chuyện;
  • Mất răng;
  • Ung thư tái phát sau điều trị;
  • Ung thư di căn gần hoặc xa đến các cơ quan khác của cơ thể;
  • Thay đổi hành vi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra ung thư nướu răng

Tương tự như các loại ung thư khác, nguyên nhân chính xác của ung thư nướu vẫn chưa được tìm ra. Nhưng một số nghiên cứu kết luận rằng dạng ung thư này chủ yếu xảy ra do những thay đổi trong vật liệu di truyền (gen) của các tế bào nướu khiến chúng bắt đầu phát triển và phân chia bất thường mà không bị chết theo chương trình. Điều này dẫn đến sự gia tăng số lượng của các tế bào bất thường từ đó hình thành khối u.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư nướu răng

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ mắc phải ung thư nướu. Tuy nhiên, không phải tất cả những ai có yếu tố nguy cơ đều bị ung thư nướu:

  • Nam trên 40 tuổi;
  • Nhiễm HPV.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư nướu răng

Dưới đây là một số yếu tố làm răng nguy cơ mắc bệnh ung thư nướu răng:

  • Nghiện rượu;
  • Bị kích ứng miệng mạn tính;
  • Có chế độ ăn ít rau củ quả và trái cây;
  • Vệ sinh răng miệng kém;
  • Hút thuốc lá hoặc sử dụng các chế phẩm thuốc lá khác.
Ung thư nướu răng là gì? Những điều cần biết về Ung thư nướu răng 4
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh ung thư nướu răng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư nướu răng

Có nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán bệnh ung thư nướu răng: Thăm khám lâm sàng, chụp X quang răng Panorama, chụp X quang ortopantomogramma (OPG), xạ hình xương, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp ghi hình cắt lớp positron (PET – CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI), chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm (FNAC) và sinh thiết. Chụp CT – scan đã trở thành kỹ thuật hình ảnh tiêu chuẩn nhằm để phân loại khối u ác tính ở vùng đầu cổ, mặc dù không có phương pháp kiểm tra đơn lẻ nào có thể đánh giá chính xác được sự xâm lấn xương của khối u.

Phương pháp điều trị ung thư nướu răng hiệu quả

Cũng giống như các dạng ung thư biểu mô khác, phương pháp điều trị ung thư nướu tùy thuộc vào loại, vị trí, giai đoạn ung thư cụ thể và tình trạng của người bệnh. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:

  • Phẫu thuật: Điều trị phẫu thuật nhằm mục đích tối đa hóa khả năng chữa khỏi và duy trì chất lượng cuộc sống. Phương thức điều trị chính cho ung thư nướu là phẫu thuật cắt bỏ và/hoặc xạ trị, tùy thuộc vào giai đoạn của khối u.
  • Xạ trị: Để tấn công các tế bào ung thư.
  • Hóa trị: Để tấn công các tế bào ung thư.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Trực tiếp tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
  • Liệu pháp miễn dịch: Giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể tự tấn công các tế bào ung thư.
  • Chăm sóc giảm nhẹ: Trong trường hợp ung thư nướu đã tiến triển đến giai đoạn cuối và không đáp ứng với điều trị, mục tiêu điều trị có thể thay đổi. Thay vì mục tiêu chữa hết bệnh như giai đoạn sớm, các bác sĩ sẽ tập trung vào việc giúp cho người bệnh cảm thấy thoải mái và tối ưu hóa chất lượng cuộc sống của họ. Chăm sóc giảm nhẹ liên quan đến việc kiểm soát cơn đau và các triệu chứng khác về mặt y tế, đồng thời hỗ trợ về tâm lý và tinh thần.
Ung thư nướu răng là gì? Những điều cần biết về Ung thư nướu răng 5
Phẫu thuật trong điều trị ung thư nướu răng

Ngoài ra, có những liệu pháp khác có thể giúp ích cho sức khỏe chung của người bệnh và giảm các tác dụng phụ của việc điều trị ung thư. Chúng bao gồm:

  • Thuốc chống buồn nôn nếu có buồn nôn.
  • Các yếu tố tăng trưởng tế bào máu để tăng số lượng bạch cầu nếu số lượng của chúng quá thấp.
  • Truyền máu để thay thế các thành phần tế bào trong máu (chẳng hạn như hồng cầu) bị giảm xuống mức thấp.
  • Tư vấn chế độ ăn uống để giúp duy trì sức khoẻ và tình trạng dinh dưỡng tốt.
  • Trị liệu và vật lý trị liệu để giúp giải quyết các vấn đề về ăn, nuốt hoặc nói.
  • Thuốc giảm đau để tăng sự thoải mái.
  • Phẫu thuật tái tạo để khôi phục các cấu trúc mà trước đó đã bị phẫu thuật cắt bỏ hoặc sửa đổi.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư nướu răng

Chế độ sinh hoạt

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh ung thư nướu có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng khả năng chống chọi với bệnh tật. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ sinh hoạt cho người bệnh ung thư nướu:

  • Hoạt động thể chất: Người bệnh ung thư nướu cần luyện tập thể dục nhẹ nhàng để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và giúp lưu thông tuần hoàn máu. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
  • Quản lý stress và tình trạng tâm thần: Bệnh ung thư nướu có thể gây ra căng thẳng và lo lắng, vì vậy người bệnh cần tìm cách quản lý stress để giảm tác động tiêu cực đến tâm trí và cơ thể. Người bệnh có thể thực hiện các hoạt động thư giãn như yoga, thái cực quyền hoặc tập thở.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: Người bệnh ung thư nướu cần tránh các thói quen xấu như hút thuốc lá và uống rượu bia. Ngoài ra, cũng cần tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp và sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da.
  • Theo dõi sức khỏe: Người bệnh ung thư nướu cần thường xuyên đi khám và kiểm tra sức khỏe để phát hiện và điều trị các vấn đề sức khỏe kịp thời.
Ung thư nướu răng là gì? Những điều cần biết về Ung thư nướu răng 6
Người bệnh ung thư nướu răng cần có một chế độ rèn luyện thể chất để nâng cao sức khoẻ

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cũng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị ung thư nướu. Nhiều phương pháp điều trị ung thư gây khó hoặc đau đớn khi ăn và nuốt, chán ăn và sụt cân là thường gặp. Người bệnh nên được tư vấn chế độ ăn phù hợp cho từng cá thể bởi bác sĩ dinh dưỡng, điều đó có thể giúp bạn lên một kế hoạch thực đơn ăn uống nhẹ nhàng cho miệng và cổ họng, đồng thời cung cấp cho cơ thể bạn đầy đủ lượng calo, vitamin và khoáng chất cần thiết.

Phương pháp phòng ngừa ung thư nướu răng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh ung thư nướu hiệu quả, bạn nên đến bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám răng định kỳ hai lần một năm, đây là một công cụ tầm soát ung thư quan trọng. Những lần thăm khám này giúp bác sĩ có thể phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh ung thư miệng trong giai đoạn sớm nhất. Điều trị kịp thời làm giảm khả năng các tế bào tiền ung trở thành ác tính.

Ung thư nướu răng là gì? Những điều cần biết về Ung thư nướu răng 7
Thường xuyên kiểm tra sức khoẻ răng miệng để phòng ngừa ung thư nướu răng

Bạn cũng có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư nướu bằng cách tránh hút thuốc lá và các sản phẩm tương tự thuốc lá.

Nếu bạn có răng giả, hãy thực hiện các bước sau đây để giúp giảm nguy cơ ung thư nướu:

  • Tháo răng giả khi bạn ngủ.
  • Làm sạch răng giả của bạn một lần mỗi ngày.
  • Mang răng giả của bạn đến bác sĩ răng hàm mặt để kiểm tra thường xuyên.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/oral-cancer 
  2. https://www.netmeds.com/health-library/post/gum-cancer-causes-diagnosis-symptoms-and-treatment
  3. https://www.healthgrades.com/right-care/cancer/gum-cancer

Các bệnh liên quan

  1. Tật không có hàm

  2. Nấm miệng

  3. Tưa miệng

  4. Viêm chân răng

  5. Nghiến răng khi ngủ

  6. Bạch sản

  7. Vỡ xương hốc mắt

  8. U xơ vòm mũi họng

  9. Viêm loét miệng

  10. Sưng nướu