Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm xương hàm và những điều cần biết

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm xương hàm là một bệnh lý xảy ra khi có sự bất ổn ở khu vực khớp hàm và các khớp cơ xung quanh. Bệnh này không chỉ gây đau hàm thường xuyên, mà còn làm co thắt các cơ, làm mất cân bằng trong hệ thống xương sọ và xương hàm. Viêm xương hàm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là khi nói chuyện và nhai nuốt thức ăn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm xương hàm là gì?

Xương hàm bao gồm xương hàm trên và xương hàm dưới, thuộc phần xương mặt. Xương hàm trên là một cặp xương đối xứng nằm ở phía trên, có tính chất xốp. Chúng tạo thành các cấu trúc như hốc mắt, hốc mũi, vòm miệng, xoang hàm và nền sọ bằng cách kết hợp với các xương khác. Xương hàm dưới là xương lớn nhất, có đặc điểm thấp và khỏe mạnh hơn và có khả năng di động trong hệ xương mặt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Viêm xương hàm

Các triệu chứng của viêm xương hàm thường bị nhầm lẫn với các vấn đề khác của bệnh lý răng miệng do triệu chứng tương đồng. Do đó quan trọng cần nhận biết rõ các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh này giúp bạn có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời:

  • Đau hàm: Đau nhức hàm là triệu chứng chính của viêm xương hàm. Đau có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên mặt và có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng. Đau thường lan rộng đến trong hàm và xung quanh tai. Cảm giác đau liên tục, thường xuyên và tăng nhiều hơn khi nhai.
  • Sưng tấy: Khu vực xương hàm bị viêm thường có sưng và tấy đỏ. Sưng có thể là khu vực nhỏ hoặc lan rộng trên toàn bộ vùng hàm.
  • Khó khăn trong việc mở hàm: Viêm xương hàm có thể gây ra sự cứng trong việc mở và đóng hàm. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc nhai, nói và thực hiện các hoạt động hàng ngày liên quan đến hàm. Khó khăn hoặc đau khi mở miệng là một dấu hiệu nghiêm trọng.
  • Mỏi cổ và đau nhức tai: Viêm xương hàm có thể lan rộng đến các cơ và mô xung quanh, gây ra mỏi cổ và đau nhức tai.
  • Chóng mặt: Một số người bị viêm xương hàm có thể trải qua cảm giác chóng mặt do ảnh hưởng đến hệ thống cân bằng.
  • Nổi hạch: Trong một số trường hợp, viêm xương hàm có thể gây ra hạch nổi, tức là các khối u nhỏ, trong vùng hàm.
  • Phì đại cơ nhai: Viêm xương hàm có thể gây phì đại cơ nhai, làm cho các cơ trong khu vực hàm trở nên phình to và đau nhức.
Viêm xương hàm và những điều cần biết 1.jpg
Đau hàm là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm xương hàm

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Viêm xương hàm

Bệnh viêm xương hàm không gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng:

  • Giãn khớp: Viêm xương hàm có thể gây ra giãn khớp, làm tăng nguy cơ trật khớp hoặc dính khớp.
  • Viêm tấy lan tỏa vùng sàn miệng: Bệnh viêm xương hàm có thể lan rộng đến vùng dưới hàm sàn miệng, gây sưng và có thể lan sang vùng cổ, ngực. Điều này có thể làm hạn chế sự mở hàm, gây khó nuốt và khó thở.
  • Biến dạng xương hàm: Nếu không được điều trị kịp thời, viêm xương hàm có thể gây hủy hoại và biến dạng cấu trúc xương hàm, có thể dẫn đến sự phá vỡ và biến dạng nghiêm trọng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nêu trên hãy đến khám ngay với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để được chẩn đoán chính xác và điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Viêm xương hàm

Viêm xương hàm có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân thường gặp là do chấn thương xương hàm hoặc các tổn thương ở khớp thái dương hàm.

  • Chấn thương xương hàm hoặc khớp thái dương hàm: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm xương hàm. Chấn thương có thể là kết quả của tai nạn, va đập mạnh vào vùng hàm mặt.
  • Biến chứng của mọc răng: Trong quá trình mọc răng, sự di chuyển của xương hàm có thể tạo ra các khe hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm. Đặc biệt, khi răng khôn mọc không đúng vị trí, có thể gây viêm do áp lực và cắn răng không đều.
  • Sâu răng: Nếu sâu răng không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể lan qua lỗ cuống răng và gây viêm xương hàm và mô mềm xung quanh răng. Điều này có thể xảy ra với cả răng sữa và răng vĩnh viễn.
  • Chấn thương hàm mặt: Các vết thương ở vùng hàm mặt, bao gồm cả mô mềm và xương, như vết thương mở, gãy xương, có thể gây viêm xương hàm.
  • Khối u: Nhiễm khuẩn có thể xuất phát từ các khối u lành tính hoặc ác tính, đặc biệt là khối u liên quan đến xương hàm.
  • Nhiễm khuẩn: Bệnh xương hàm viêm có thể là do nhiễm khuẩn qua da, niêm mạc, hoặc nhiễm khuẩn huyết.
  • Lão hóa: Lão hóa xương hàm có thể dẫn đến mài mòn và thoái hóa khớp, gây viêm xương hàm.
  • Các bệnh lý khác: Một số bệnh như sởi, cúm, lao, giang mai cũng có thể gây viêm xương hàm.
Viêm xương hàm và những điều cần biết 2.jpg
Sâu răng không được điều trị tốt là một nguyên nhân có thể gây viêm xương hàm

Ngoài những nguyên nhân đã nêu ở trên, còn có một số thói quen xấu có thể gây ra tình trạng viêm xương hàm, bao gồm:

  • Thói quen nghiến răng: Nghiến răng một cách quá mức hoặc không đúng cách có thể tạo ra áp lực lớn và liên tục lên khớp thái dương hàm, gây căng thẳng và viêm xương hàm.
  • Ăn nhai một bên hoặc ăn thực phẩm cứng: Khi chúng ta ưa thích nhai một bên hoặc tiêu thụ thực phẩm cứng một cách thường xuyên, nó có thể tạo ra một tải lực không đều lên các khớp hàm, gây căng thẳng và viêm xương hàm.
  • Stress: Stress có thể dẫn đến phản xạ co cơ hàm không tự chủ, gây ra thói quen nghiến răng trong giấc ngủ hoặc trong tình trạng căng thẳng. Điều này có thể gây viêm xương hàm và các vấn đề liên quan đến khớp hàm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Viêm xương hàm?

Bệnh viêm xương hàm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào, từ người già đến trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có một số đối tượng có nguy cơ cao hơn mắc bệnh viêm xương hàm, bao gồm:

  • Người có vấn đề về răng miệng: Những người có sự mất cân bằng trong cấu trúc răng miệng, răng khớp hoặc có các vấn đề về răng như mất răng, răng nứt, răng khôn nằm ngang... có nguy cơ cao hơn mắc bệnh viêm xương hàm.
  • Nữ giới ở giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh: Hormone nữ có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của xương hàm, làm tăng nguy cơ viêm xương hàm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Viêm xương hàm

  • Thói quen nghiến răng: Những người có thói quen nghiến răng quá mức hoặc không đúng cách có nguy cơ cao hơn bị viêm xương hàm.
  • Stress: Stress có thể gây ra sự căng thẳng và co cơ trong hàm, dẫn đến thói quen nghiến răng và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương hàm.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm Viêm xương hàm

Bác sĩ sẽ khai thác và đánh giá các triệu chứng xuất hiện ở bạn như sưng tấy, đỏ và đau nhức trong vùng má, răng sâu, tủy hoại tử gây đau nhức hoặc âm ỉ, da thâm đỏ, và có thể có các triệu chứng khác như sốt nhẹ hoặc sốt cao. Dựa trên những triệu chứng này, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh Viêm xương hàm:

  • Chụp X-quang: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để xem xét và đánh giá tình trạng xương hàm. X-quang có thể giúp phát hiện các biến đổi trong cấu trúc xương như sụn khớp, phồng rộp xương, hoặc hủy hoại xương.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số máu, bao gồm bạch cầu, để xác định nếu có dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể.
Viêm xương hàm và những điều cần biết 3.jpg
Chụp X-quang hàm mặt có thể giúp phát hiện các biến đổi bất thường ở vùng xương hàm

Điều trị Viêm xương hàm

Nội khoa

Thuốc có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị và ngăn ngừa viêm xương hàm. Thuốc có tác dụng giảm đau và cải thiện tình trạng sưng ở xương hàm. Ngoài ra, thuốc còn chứa các thành phần có tác dụng kháng viêm và phòng ngừa biến chứng của bệnh. Dưới đây là một số loại thuốc mà bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân:

  • Thuốc giảm đau: Các loại thuốc như paracetamol, diclofenac, mobic,... có thể được sử dụng để giảm đau trong viêm xương hàm.
  • Thuốc kháng viêm corticosteroid: Được sử dụng dạng tiêm, thuốc này có thể giúp hạn chế tình trạng đau cơ và viêm khớp.
  • Thuốc giãn cơ: Có thể được sử dụng trong vài ngày hoặc vài tuần để giảm căng thẳng và đau trong cơ hàm.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc như nortriptyline, amitriptyline,... có thể được sử dụng trước khi đi ngủ để giảm đau cho một số bệnh nhân.
  • Botulinum: Loại thuốc này được tiêm vào các cơ hàm nhằm giảm đau do rối loạn khớp thái dương hàm.

Ngoại khoa

Phẫu thuật được coi là phương pháp điều trị cuối cùng được chọn khi các phương pháp khác không đạt hiệu quả. Mục đích của phẫu thuật là sửa chữa hoặc thay thế các phần khớp bị tổn thương nhằm điều trị bệnh.

Điều trị nha khoa bao gồm việc mài điều chỉnh khớp cắn, nhổ răng, phục hình răng bị mất hoặc thay chất trám nếu cần thiết. Khi sử dụng phương pháp này, bệnh nhân có thể phải chịu đựng một số cơn đau nhức và khó chịu.

Chọc rửa khớp nhằm loại bỏ những mảnh vụn hoặc sản phẩm phụ gây viêm trong khớp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của Viêm xương hàm

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ;
  • Xoa bóp vùng cằm 10 - 15 phút mỗi ngày;
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày;
  • Tránh nghiến răng, cắn móng tay, chống cằm;
  • Hạn chế stress, căng thẳng kéo dài, nghỉ ngơi đầy đủ;
  • Tránh hút thuốc: Hút thuốc có thể làm giảm khả năng chữa bệnh. Do đó, việc bỏ hút thuốc có thể được khuyến khích.
Viêm xương hàm và những điều cần biết 4.jpg
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp phòng ngừa bệnh

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm, ưu tiên thức ăn mềm dễ nhai;
  • Hạn chế nhai một bên.

Phương pháp phòng ngừa Viêm xương hàm hiệu quả

Để phòng ngừa các bệnh liên quan đến hệ xương mặt, đặc biệt là bệnh về xương hàm, có một số biện pháp giúp bạn phòng ngừa mắc bệnh:

  • Chọn thức ăn mềm và dễ nhai để không ảnh hưởng xấu đến cơ hàm.
  • Hạn chế thói quen nhai một bên để tránh gây xương hàm bị lệch.
  • Bỏ những thói quen xấu tác động đến xương hàm, như ngủ nghiến răng hoặc nghiến lợi.
  • Dành 10 - 15 phút mỗi ngày để massage và xoa bóp vùng cằm.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi đủ, cân chỉnh thời gian làm việc, tránh căng thẳng thần kinh, lo âu và áp lực.
  • Tuyệt đối không tự ý áp dụng những phương pháp dân gian hoặc mua thuốc theo đơn của người khác, vì điều này có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
  • Lựa chọn địa chỉ bệnh viện hoặc phòng khám nha khoa uy tín để khám răng định kỳ và phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm vùng răng miệng.
Nguồn tham khảo
  1. Jaw bone inflam-mation / Oral surgery:  https://profilance.ch/en/treatments/jawbone-inflammation-oral-surgery/
  2. Jaw Inflammation: https://alpine-biodental.ch/en/treatments/jaw-bone-inflammation-removal/
  3. Chronic Osteomyelitis of the Jaw: Pivotal Role of Microbiological Investigation and Multidisciplinary Management—A Case Report: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9137754/
  4. Osteomyelitis of the Jaw: https://riverside-physicaltherapy.com/symptoms-conditions/osteomyelitis-of-the-jaw
  5. Osteomyelitis: https://www.alfioralsurgery.com/oral-surgery-procedures/osteomyelitis-houston-tx/  
Chủ đề:Viêm xương

Các bệnh liên quan

  1. Viêm lợi

  2. Ung thư nướu răng

  3. Tật không có hàm

  4. Viêm loét miệng

  5. Hôi miệng

  6. Sâu răng

  7. Bạch sản

  8. Mòn răng

  9. Hội chứng mắt mèo

  10. Răng mọc kẹt