Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chảy dịch tai là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chảy dịch tai có thể là chảy ráy tai hoặc nước đọng lại trong tai, tuy nhiên cũng có thể dấu hiệu của bệnh lý về tai hoặc do chấn thương tai gây ra. Nhiều nguyên nhân có thể gây ra chảy dịch tai bất thường như viêm tai giữa, dị vật trong tai. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có tình trạng sốt, giảm thính lực hay chóng mặt và tai bạn sưng đỏ. Điều trị chủ yếu tập trung vào điều trị triệu chứng và nguyên nhân gây chảy dịch.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chảy dịch tai là gì?

Tai là một trong những hệ thống giác quan của chúng ta, nằm ở hai bên hộp sọ với chức năng nghe và duy trì thăng bằng của cơ thể. Cấu tạo của tai gồm hai phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong.

  • Tai ngoài: Gồm vành tai, ống tai ngoài và màng nhĩ giúp thu nhận và dẫn âm thanh đến tai giữa.
  • Tai giữa: Gồm hòm nhĩ, xương con, cơ xương con giúp khuếch đại sóng âm thanh và truyền tiếp vào tai trong.
  • Tai trong: Gồm tiền đình, ống bán khuyên, ốc tai, soan nang, cầu nang, ốc tai giúp cung cấp thông tin thính giác và thông tin về chuyển động của cơ thể trong môi trường.

Những dịch bình thường có thể chảy ra từ tai gồm ráy tai và dịch trong:

  • Ráy tai là một loại dịch tiết bình thường mà tai tiết ra. Nó có thể có màu vàng hoặc màu nâu, trong và được tiết ra nhằm mục đích giữ tai sạch, bảo vệ tai khỏi các tác nhân gây viêm. Ráy tai thường chảy ra do được trộn với nước khi bạn tắm hay bơi.
  • Dịch trong thường là nước đọng lại trong tai, thường xuất hiện sau khi bạn đi bơi hoặc tắm.

Chảy dịch tai có thể là sinh lý như ráy tai hoặc nước đọng lại khi tắm hay bơi, hoặc có thể do bệnh lý hay tổn thương ở tai gây ra. Nó có thể là dịch nhầy, mủ hoặc máu, kèm theo một số triệu chứng khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chảy dịch tai

Chảy máu tai

Có thể xuất hiện do một vết thương nhỏ hoặc vết xước ở ống tai. Hoặc do thủng màng nhĩ do viêm tai giữa gây tăng áp lực lên màng nhĩ, tiếng động lớn, nhét vật lạ vào trong tai, thay đổi áp suất đột ngột, chấn thương. Nếu màng nhĩ bị thủng sẽ gây ra các triệu chứng kèm theo như:

  • Đau tai sau đó giảm đau đột ngột;
  • Ù tai;
  • Mất thính lực.

Chảy dịch mủ hoặc chất dịch đục

Đây là dấu hiệu nhiễm trùng tại ống tai hoặc tai giữa, tình trạng này cũng có gây thủng màng nhĩ trong khoảng 10% các trường hợp. Khi màng nhĩ bị thủng cũng có thể gây chảy dịch mủ. Nếu bạn có nhiễm trùng tai, bạn có thể biểu hiện thêm các triệu chứng:

  • Đau tai;
  • Sốt;
  • Buồn nôn.

Biến chứng có thể gặp khi bị chảy dịch tai

Chảy dịch tai có thể là sinh lý bình thường hoặc dấu hiệu của một bệnh lý. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và tuân thủ điều trị tốt. Việc phòng ngừa tiến triển và tái phát là rất quan trọng. Biến chứng của chảy dịch tai sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng chảy dịch bất thường này.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị nếu bạn có bất kỳ triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

  • Khi bạn thấy tai chảy ra dịch màu trắng, vàng hoặc có máu, có hoặc không có tình trạng sốt kéo dài hơn 5 ngày.
  • Đau tai dữ dội, tai bị sưng hoặc đỏ hoặc giảm hay mất thính lực.
  • Chấn thương ở tai gây chảy dịch.
  • Chảy dịch tai kèm với sốt hoặc đau đầu.
Chảy dịch tai là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa 4
Đau tai là dấu hiệu bạn cần đi khám ngay

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến chảy dịch tai

Bình thường, dịch tiết ra từ tai là ráy tai hoặc dịch trong thoát ra, đây là sinh lý tự nhiên. Một số tình trạng khác có thể gây chảy dịch bất thường ở tai gồm nhiễm trùng hoặc chấn thương.

Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là nguyên nhân phổ biến khiến tai của bạn chảy mủ. Viêm tai giữa xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào tai giữa. Tai giữa nằm phía sau màng nhĩ, có tác dụng hỗ trợ cho chức năng thính giác.

Viêm tai giữa có thể khiến dịch tích tụ ở phía sau màng nhĩ. Nếu dịch tích tụ quá nhiều sẽ tăng nguy cơ thủng màng nhĩ, gây chảy dịch tai.

Chấn thương

Chấn thương ống tai như khi bạn ở trên máy bay hoặc khi đi lặn có thể gây tổn thương tai, thủng màng nhĩ dẫn đến chảy dịch tai. Chấn thương tai do âm thanh chỉ khi tiếng ồn cực lớn. Điều này cũng có thể khiến màng nhĩ bị thủng. Tuy nhiên trường hợp này không phổ biến.

Viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài hay còn gọi là bệnh tai của người bơi lội (Swimmer's ear) là tình trạng viêm tai ngoài thường gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước trong thời gian dài. Bệnh xảy ra do ống tai ngoài tiếp xúc với nước quá lâu làm phá vỡ lớp da ở ống tai, khiến vi khuẩn hoặc nấm dễ xâm nhập gây viêm.

Chảy dịch tai là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa 5
Viêm tai ngoài là một trong những nguyên nhân gây chảy dịch tai

Viêm tai ngoài không chỉ xảy ra ở những người bơi lội, nó có thể xảy ra trên những người có tổn thương ở da ống tai ngoài như bệnh chàm hoặc khi bạn nhét vật lạ vào trong tai. Bất kỳ tổn thương nào ở ống tai ngoài cũng có thể khiến tai dễ bị viêm hơn bình thường.

Nguyên nhân khác

Một nguyên nhân ít phổ biến hơn khiến tai chảy mủ là viêm tai ngoài ác tính, một biến chứng của tai khi bơi lội gây tổn thương sụn và xương ở đáy hộp sọ. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc chảy dịch tai?

Những người dưới đây dễ bị chảy dịch tai:

  • Viêm tai giữa thường tái phát;
  • Trẻ em hoặc những người có rối loạn về nhận thức có thể nhét vật lạ vào trong tai gây trầy xước;
  • Tiếp viên hàng không;
  • Vận động viên bơi lội.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chảy dịch tai

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chảy dịch tai là:

  • Tuổi: Trẻ em có nguy cơ mắc viêm tai giữa cao, do đó dễ bị chảy dịch tai.
  • Những người thường xuyên đi bơi hoặc vận động viên bơi lội thường xuyên ở dưới nước trong thời gian dài.
  • Những người làm việc trên máy bay hoặc lặn với bình dưỡng khí.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chảy dịch tai

Khi bạn có tình trạng chảy dịch tai, bác sĩ khám và chỉ định một số cận lâm sàng nhằm xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này. Khám đánh giá thính giác hoặc sử dụng rung âm thoa để kiểm tra thính lực.

Kính soi tai là một loại kính hiển vi có đèn chiếu sáng để nhìn được vào bên trong tai của bạn nhằm đánh giá màng nhĩ, dịch bên trong tai nhằm định hướng cơ bản nguyên nhân gây ra chảy dịch.

Bác sĩ cũng có thể sử dụng đèn soi khí nén nhằm tạo ra một luồng không khí để đánh giá sự di chuyển của màng nhĩ trước áp lực. Việc này cho thấy liệu có sự tích tụ dịch sau màng nhĩ hay không.

Đo nhĩ lượng đồ là xét nghiệm giúp bác sĩ đánh giá phản ứng của tai giữa với những mức độ áp suất khác nhau.

Đôi khi bạn có thể cần đến CT hoặc MRI để hỗ trợ chẩn đoán.

Chảy dịch tai là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa 6
Bác sĩ dùng kính soi tai để quan sát tình trạng chảy dịch ở tai

Phương pháp điều trị chảy dịch tai hiệu quả

Việc lựa chọn phương pháp điều trị chảy dịch tai sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong một số trường hợp bạn không cần điều trị gì vẫn có thể khỏi bệnh.

Viêm tai có thể tự hết sau một hoặc hai tuần sau khi bạn bắt đầu có triệu chứng mà không cần điều trị. Thuốc kháng sinh nhỏ tai tại chỗ hoặc đường uống có thể được bác sĩ kê đơn khi bạn có dấu hiệu nhiễm trùng. Thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen hay chườm ấm tai có thể được kê để giảm tình trạng đau gây khó chịu cho bạn.

Đối với bệnh tai của người bơi lội, bác sĩ sẽ điều trị nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan. Kháng sinh nhỏ tai được sử dụng trong vòng một tuần hoặc nếu nặng hơn sẽ cần đến kháng sinh đường uống.

Hầu hết các trường hợp chấn thương tai có thể tự hồi phục mà không cần điều trị. Nếu bạn bị thủng màng nhĩ mà không lành tự nhiên được, bác sĩ có thể sử dụng một miếng dán giấy nhằm bịt kín màng nhĩ trong thời gian đợi màng nhĩ của bạn lành lại. Nếu miếng dán không có tác dụng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để sửa chữa màng nhĩ bằng cách ghép một mảnh mô từ một bộ phận khác của cơ thể bạn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chảy dịch tai

Chế độ sinh hoạt:

  • Giữ vệ sinh vùng tai.
  • Rửa tay sạch trước khi chạm vào tai của bạn.
  • Lau khô tai sau khi tắm, nghiêng đầu sang mỗi bên sau khi tắm hoặc bơi xong để nước còn đọng lại trong tai chảy ra.
  • Hạn chế bơi lội hoặc sử dụng nút bịt tai khi đang có tình trạng chảy dịch.
  • Không nhét vật lạ gây tổn thương thêm cho tai.
  • Không đến những nơi có tiếng ồn lớn, giảm tần suất tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn trong thời gian dài cho tai.
  • Không đi máy bay hoặc đến những nơi có áp suất cao hoặc đi lặn với bình dưỡng khí.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh đường hô hấp.
  • Sử dụng thuốc hoặc dung dịch nhỏ tai để làm sạch tai thường xuyên.
  • Tránh dùng tăm bông ngoáy sâu vào trong tai.
  • Tránh xì mũi mạnh làm tăng áp suất trong tai.
Chảy dịch tai là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa 7
Tránh dùng tăm bông để ngoáy sâu bên trong tai

Chế độ dinh dưỡng: Bạn không cần thay đổi chế độ ăn của mình nếu có tình trạng chảy dịch tai. Tuy nhiên, một chế độ ăn lành mạnh rất tốt cho sức khỏe.

Phương pháp phòng ngừa chảy dịch tai hiệu quả

Để phòng ngừa tình trạng chảy dịch tai, bạn nên:

  • Rửa tay sạch trước khi chạm vào tai của bạn hay người khác.
  • Đối với trẻ sơ sinh, hãy cho trẻ bú sữa mẹ để có kháng thể phòng ngừa nhiễm trùng.
  • Không nhét hoặc để con bạn nhét vật lạ vào trong tai của mình để tránh tổn thương tai hoặc thủng màng nhĩ.
  • Không đến những nơi có tiếng ồn quá lớn hoặc sống trong môi trường có tiếng ồn trong thời gian dài. Sử dụng nút bịt tai nếu bạn phải đến những nơi ồn ào để bảo vệ màng nhĩ.
  • Lau khô tai sau khi tắm, nghiêng đầu sang mỗi bên sau khi tắm hoặc bơi xong để nước còn đọng lại trong tai chảy ra.
  • Sử dụng nút bịt tai khi đi bơi.
  • Có thể sử dụng dung dịch rửa tai để làm sạch.
  • Xì mũi nhẹ nhàng, tránh tăng áp lực cho màng nhĩ.
Nguồn tham khảo
  • Ear Discharge: https://www.msdmanuals.com/home/ear,-nose,-and-throat-disorders/symptoms-of-ear-disorders/ear-discharge
  • What Causes Ear Discharge and How Do I Treat It?: https://www.healthline.com/health/ear-discharge#_noHeaderPrefixedContent
  • What causes ear drainage?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/324651
  • Causes and Treatment for Ear Drainage: https://www.verywellhealth.com/ear-drainage-causes-and-treatment-1191911
  • Fluid from the ear: https://www.healthdirect.gov.au/fluid-from-the-ear#complications

Các bệnh liên quan

  1. Viêm amidan xơ teo

  2. Sưng môi

  3. Viêm tai ngoài ác tính

  4. Viêm tuyến nước bọt

  5. Hẹp ống tai bên ngoài

  6. Vẹo vách ngăn mũi

  7. Viêm họng mạn tính

  8. Ung thư họng

  9. Viêm mũi dị ứng

  10. liệt dây thần kinh khứu giác