Long Châu

Viêm tai là gì? Làm thế nào phòng ngừa viêm tai ở trẻ?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tai là tình trạng tai bị viêm nhiễm hoặc chảy dịch, mủ. Bệnh hay gặp ở trẻ em hơn người lớn và thường có thể tự khỏi mà không cần can thiệp, tuy nhiên bệnh có khả năng tái phát nhiều lần. Viêm tai thường rất hiếm khi gây nên biến chứng nhưng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm tai là gì? 

Viêm tai là tình trạng tai ngoài, tai giữa, tai trong bị viêm, nhiễm trùng hoặc tích tụ chất lỏng gây đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân.

Viêm tai có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 bên tai, cấp tính hoặc mạn tính. Thông thường, nhiễm trùng tai kéo dài từ dưới 3 ngày đến 1 tuần.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tai

Các triệu chứng của viêm tai mạn tính thường khó nhận biết hơn viêm cấp tính:

  • Hơi đau hoặc cảm giác khó chịu ở bên trong tai;

  • Cảm giác áp lực dai dẳng bên trong tai;

  • Chảy mủ tai;

  • Giảm hoặc mất thính lực.

Ở trẻ em, có thể có thêm các dấu hiệu sau:

  • Bé thường hay xoa hoặc kéo tai;

  • Sốt;

  • Không nghe hoặc phản ứng với một số âm thanh;

  • Thường xuyên mất thăng bằng;

  • Đau đầu;

  • Quấy khóc hoặc bồn chồn;

  • Chán ăn.

Tác động của viêm tai đối với sức khỏe

Viêm tai thường gây khó chịu ở tai trong, tai giữa hoặc tai ngoài. Viêm tai gây ảnh hưởng phần nào đến thính giác và nếu bị tái lại nhiều lần có thể gây hại đáng kể cho thính lực cũng như các khu vực xung quanh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm tai

Các biến chứng sau viêm tai thường hiếm gặp nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng:

  • Mất thính lực;

  • Thủng màng nhĩ;

  • Viêm xương chũm;

  • Viêm màng não;

  • Chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em, thường xảy ra hơn khi viêm tai giữa mạn tính có dịch.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn, đặc biệt là với trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Chẩn đoán và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm tai

Nhiễm vi khuẩn (Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae…).

Nhiễm virus (virus cúm…).

Tắc nghẽn ống Eustachian do:

  • Dị ứng;

  • Cảm lạnh;

  • Viêm xoang;

  • Chất nhờn dư thừa;

  • Hút thuốc;

  • Thay đổi áp suất không khí;

  • Nhiễm trùng amidan vòm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tai?

Đối tượng có nguy cơ mắc phải viêm tai:

  • Người không giữ vệ sinh tai sạch sẽ.
  • Người sống hoặc làm việc ở nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi.
  • Vận động viên bơi lội.
  • Trẻ em.
  • Người bản địa Alaska.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tai

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tai, bao gồm:

  • Trẻ nhỏ (từ 6 tháng đến 2 tuổi) dễ bị viêm, nhiễm trùng tai do có ống Eustachian ngắn và hẹp.

  • Trẻ sơ sinh bú sữa ngoài cũng có tỷ lệ nhiễm trùng tai cao hơn trẻ bú mẹ.

  • Trẻ mới sinh nhẹ cân.

  • Trẻ đang ở nhà trẻ.

  • Trẻ bị hở hàm ếch.

  • Theo thống kê, nam giới thường bị nhiễm trùng tai hơn nữ giới.

  • Thay đổi độ cao, nhiệt độ và độ ẩm.

  • Thời tiết: Viêm tai phổ biến nhất vào mùa thu, mùa đông hoặc khi có nhiều phấn hoa.

  • Chất lượng không khí: Người ta dễ mắc viêm tai hơn khi tiếp xúc với khói thuốc lá (hút thuốc thụ động hoặc chủ động), nơi có nhiều khói bụi, ô nhiễm.

  • Vùng miền: Người bản địa Alaska có nguy cơ cao bị viêm tai hơn các vùng khác.

  • Đang có bệnh hoặc nhiễm trùng tai gần đây.

  • Vệ sinh tai không sạch.

  • Ở nơi không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tai

Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng tai của bạn thông qua kính soi tai có ống kính phóng đại và đèn các tiêu chí:

  • Bên trong tai có sưng, đỏ không.

  • Có bóng khí hoặc chất lỏng, mủ không.

  • Màng nhĩ có bị phồng lên, xẹp xuống hoặc thủng không.

Xét nghiệm chất lỏng trong tai để xem nguyên nhân có phải do vi khuẩn, virus không.

Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân chụp CT vùng đầu nếu cần.

Xét nghiệm máu có thể cần thiết để kiểm tra chức năng miễn dịch của bệnh nhân.

Đo chuyển động của màng nhĩ (tympanometry).

Đo sự phản xạ bề mặt thính giác (acoustic reflectometry).

Kiểm tra thính lực.

Phương pháp điều trị viêm tai hiệu quả

Dùng thuốc:

  • Thuốc giảm đau: Paracetamol, ibuprofen…

  • Thuốc nhỏ tai giảm đau.

  • Thuốc chống nghẹt mũi: Pseudoephedrine…

  • Thuốc kháng sinh (amoxicillin trong 7 – 10 ngày…) nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn hoặc tình trạng viêm kéo dài.

Bác sĩ có thể cân nhắc việc phẫu thuật nếu tình trạng viêm tai không hết khi điều trị bằng các phương pháp thông thường hoặc nếu bệnh nhân mắc nhiều vấn đề về tai trong một thời gian ngắn.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tai

Chế độ sinh hoạt:

  • Duy trì lối sống tích cực, lạc quan, thoải mái, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường.

  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi nhiều hơn và thăm khám định kỳ. 

  • Tránh nằm nghiêng ở phía tai bị viêm.

  • Đắp miếng vải ấm trên tai bị tổn thương.

  • Tránh để nước vào tai.

  • Vệ sinh tai nhẹ nhàng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

  • Không tự ý cho trẻ uống thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là aspirin (do có thể phát triển hội chứng Reye rất nguy hiểm).

  • Không nghe âm thanh quá lớn hoặc đeo tai nghe khi chưa khỏi hẳn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống bổ sung thêm nước.

  • Tránh ăn thức ăn quá cứng do cơ hàm hoạt động nhiều sẽ gây ảnh hưởng phần nào đến sự hồi phục của loa tai.

  • Tránh các thực phẩm gây kích hoạt phản ứng viêm như thức ăn cay nóng, nếp, hải sản…

  • Bổ sung thêm thực phẩm có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa (omega 3…)

Phương pháp phòng ngừa viêm tai hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:

  • Giữ gìn tốt vệ sinh tay chân và đặc biệt là tai mũi họng.

  • Cho trẻ sơ sinh bú mẹ.

  • Tránh khói thuốc lá và cai thuốc lá nếu bạn đang hút thuốc.

  • Tiêm vaccin cúm và phế cầu định kỳ.

  • Đeo đồ bịt tai khi bơi lội và lau tai thật khô sau khi bơi xong.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/ear-infections
  2. https://www.cdc.gov/antibiotic-use/ear-infection.html
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/symptoms-causes/syc-20351616#:~:text=An%20ear%20infection%20(sometimes%20called,adults%20to%20get%20ear%20infections.
  4. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8613-ear-infection-otitis-media
Chủ đề:Viêm tai

Các bệnh liên quan

  1. Viêm lưỡi gà

  2. Viêm amidan

  3. Ung thư vòm họng giai đoạn II

  4. Sổ mũi

  5. Viêm xoang hàm

  6. Viêm Lưỡi

  7. Viêm tai giữa ứ dịch

  8. Ho

  9. Viêm mũi mãn tính

  10. Chảy máu cam