Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư vú ở nam là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và những phương pháp điều trị ung thư vú ở nam

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư vú ở nam là một dạng ung thư hiếm gặp, bệnh xuất hiện khi các tế bào ác tính phát triển trong mô vú. Mặc dù ung thư vú thường được coi là căn bệnh ảnh hưởng đến phụ nữ, nhưng ung thư vú cũng có thể xảy ra ở nam giới. Ung thư vú ở nam có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ở giai đoạn đầu có cơ hội chữa khỏi cao. Điều trị thường bao gồm phẫu thuật để loại bỏ các mô vú, hóa trị và xạ trị, có thể được lựa chọn dựa trên tình trạng cụ thể của từng người bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư vú ở nam là gì?

Ung thư vú ở nam là bệnh mà các tế bào ác tính hình thành trong các mô của vú. Ung thư vú ở nam có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở nam giới từ 60 đến 70 tuổi. Ung thư vú ở nam chiếm ít hơn 1% trong tất cả các trường hợp ung thư vú.

Các loại ung thư vú sau đây được tìm thấy ở nam giới:

  • Ung thư biểu mô ống xâm nhập: Ung thư đã lan rộng ra ngoài các tế bào lót ống dẫn trong vú. Đây là loại ung thư vú thường gặp nhất ở nam giới.
  • Ung thư biểu mô ống tại chỗ: Các tế bào bất thường được tìm thấy trong lớp lót của ống dẫn, còn được gọi là ung thư biểu mô nội ống.
  • Ung thư vú dạng viêm: Một loại ung thư trong đó vú có biểu hiện đỏ, sưng và sờ cảm giác ấm nóng.
  • Bệnh Paget núm vú: Khối u phát triển từ các ống dẫn sữa bên dưới núm vú lên trên bề mặt núm vú.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú ở nam

Các triệu chứng thường gặp nhất của ung thư vú ở nam là:

  • Một cục hoặc khối sưng ở vú;
  • Đỏ hoặc da bong tróc ở vú;
  • Kích ứng hoặc lõm da ở vú;
  • Tiết dịch từ núm vú;
  • Núm vú bị tụt vào trong hoặc bị đau.

Những triệu chứng này không đặc hiệu và cũng có thể gặp ở các bệnh khác mà không phải là ung thư vú.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên gây khó chịu kéo dài và khiến bạn lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ để được tầm soát và tư vấn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư vú ở nam

Hiện nay nguyên nhân gây ung thư vú ở nam vẫn chưa được biết rõ. Các nghiên cứu cho rằng ung thư vú ở nam xảy ra khi một số tế bào mô vú phân chia nhanh chóng mà không chết đi theo chương trình. Các tế bào tích tụ tạo thành một khối u có thể di căn sang mô lân cận, đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú ở nam, như:

  • Tuổi: Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú gia tăng theo tuổi. Hầu hết những người bệnh ung thư vú được phát hiện sau 50 tuổi.
  • Đột biến gen: Những thay đổi di truyền (đột biến) ở một số gen, chẳng hạn như BRCA1 và BRCA2, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú: Nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn nếu có người thân trong gia đình bị ung thư vú.
  • Điều trị xạ trị: Đàn ông từng xạ trị vùng ngực có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
  • Điều trị liệu pháp hormone: Các loại thuốc có chứa estrogen ngoại sinh, trước đây thường được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở nam.
  • Hội chứng Klinefelter: Hội chứng Klinefelter là một bệnh di truyền hiếm gặp trong đó nam giới có thêm một nhiễm sắc thể X.
  • Một số tác động đến tinh hoàn: Viêm, chấn thương hoặc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
  • Bệnh gan: Xơ gan có thể làm rối loạn nội tiết tố như giảm nồng độ androgen và tăng nồng độ estrogen, làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Thừa cân béo phì: Nam giới lớn tuổi kèm thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người có cân nặng bình thường.
Ung thư vú ở nam là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và những phương pháp điều trị ung thư vú ở nam 4
Nguy cơ mắc ung thư vú ở nam tăng dần theo tuổi

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư vú ở nam

Các xét nghiệm và thăm khám sau đây có thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư vú ở nam:

Thăm khám lâm sàng và hỏi tiền căn bệnh: Khám cơ thể để kiểm tra sức khỏe tổng quát, chẳng hạn như khối u hoặc các bất thường khác. Tiền căn thói quen sức khỏe của người bệnh, các bệnh đã mắc và phương pháp điều trị trong quá khứ cũng được quan tâm.

Khám vú: Bác sĩ sẽ cẩn thận sờ nắn ngực và vùng dưới cánh tay để tìm khối u hoặc các bất thường khác.

Chụp nhũ ảnh: Chụp X quang vú.

Siêu âm vú: Để quan sát mô, cơ, hạch hoặc khối u vùng vú.

MRI (chụp cộng hưởng từ): Được sử dụng để phát hiện các khối u trong vú. MRI có thể giúp xác định kích thước và vị trí của khối u, giúp bác sĩ đưa ra quyết định chẩn đoán và điều trị chính xác hơn.

Sinh hoá máu: Một xét nghiệm trong đó mẫu máu được kiểm tra để đo lượng các chất nhất định được các cơ quan và mô trong cơ thể thải vào máu. Lượng bất thường (cao hơn hoặc thấp hơn bình thường) của một chất có thể là dấu hiệu của bệnh.

Sinh thiết: Lấy một mẫu mô sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh có thể xem chúng dưới kính hiển vi để kiểm tra các dấu hiệu ung thư. Có bốn loại sinh thiết để chẩn đoán ung thư vú:

  • Sinh thiết cắt bỏ: Phẫu thuật loại bỏ toàn bộ một khối mô.
  • Sinh thiết một phần: Việc loại bỏ một phần của khối u hoặc một mẫu mô.
  • Sinh thiết lõi kim: Lấy mẫu mô bằng kim lớn.
  • Sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ (FNA): Lấy mẫu mô bằng kim mỏng.
Ung thư vú ở nam là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và những phương pháp điều trị ung thư vú ở nam 5
Khám vú giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư vú ở nam

Phương pháp điều trị ung thư vú ở nam hiệu quả

Phương pháp điều trị ung thư vú cho nam và nữ nói chung là giống nhau, chẳng hạn như:

  • Phẫu thuật: Phương pháp điều trị điển hình là phẫu thuật cắt bỏ vú, toàn bộ vú sẽ bị cắt bỏ. Phẫu thuật bảo tồn vú là loại mà chỉ cắt loại bỏ khối u (không phải toàn bộ vú) đôi khi sẽ được thực hiện, dựa trên đánh giá của bác sĩ.
  • Xạ trị: Người bệnh có thể được điều trị bằng phóng xạ sau phẫu thuật. Nó có thể giúp tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào mà phẫu thuật đã bỏ sót. Nếu như ung thư không thể phẫu thuật, xạ trị cũng có thể là phương pháp điều trị chính.
  • Hóa trị: Với phương pháp điều trị này, người bệnh sẽ được dùng thuốc (bằng đường uống hoặc tiêm truyền) để tấn công các tế bào ung thư. Người bệnh có thể được hóa trị sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát. Đối với ung thư tiến triển hoặc ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, hóa trị có thể là phương pháp điều trị chính.
  • Liệu pháp hormone: Một số loại ung thư vú phát triển dựa trên hormone. Liệu pháp này giúp ngăn chặn tác dụng của các hormone này, ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Phương pháp điều trị này thường hoạt động tốt hơn ở nam giới so với phụ nữ vì khoảng 90% bệnh ung thư vú ở nam giới là dương tính với thụ thể hormone.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Liệu pháp này tấn công tế bào ung thư ở cấp độ phân tử, nhằm điều trị nhắm vào gen đột biến.

Nên nhớ rằng, bất kỳ ai bị ung thư vú hoặc đã điều trị khỏi bệnh đều cần đến bác sĩ kiểm tra định kỳ trong suốt quãng đời còn lại. Chăm sóc y tế thường xuyên là chìa khóa để duy trì sức khỏe.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư vú ở nam

Chế độ sinh hoạt:

Nam giới bị ung thư vú cần phải duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh để giúp cơ thể đối phó với bệnh tốt hơn. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ sinh hoạt cho người bệnh:

  • Tập thể dục: Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Bạn có thể tập những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội.
  • Kiểm soát cân nặng: Nếu bạn bị thừa cân, hãy tập trung vào việc giảm cân bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn. Nếu bạn bị suy dinh dưỡng, hãy tăng cường lượng calo và protein trong chế độ ăn uống của mình.
  • Tránh các chất kích thích: Tránh các chất kích thích như thuốc lá, rượu và các loại thức uống chứa caffeine để giảm nguy cơ ung thư vú tái phát và cải thiện sức khỏe tổng thể.
  • Điều trị theo chỉ định của bác sĩ: Bạn nên tuân thủ đầy đủ các phương pháp điều trị được chỉ định bởi bác sĩ để giúp điều trị bệnh và ngăn ngừa tái phát.
Ung thư vú ở nam là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và những phương pháp điều trị ung thư vú ở nam 6
Kiểm soát cân nặng để nâng cao sức khoẻ tổng thể

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị ung thư vú ở nam. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư vú ở nam:

  • Ăn nhiều rau củ và trái cây: Rau củ và trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp cơ thể đẩy lùi sự phát triển của tế bào ung thư. Hãy ăn nhiều loại rau và hoa quả khác nhau để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Tập trung vào thực phẩm giàu chất dinh dưỡng: Hãy ăn nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt gà, cá, trứng, đậu, hạt và các sản phẩm sữa không béo.
  • Tránh các thực phẩm không lành mạnh: Tránh các thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên, thức ăn nhanh, đồ ngọt và các sản phẩm có chứa nhiều chất béo.
  • Uống đủ nước: Hãy uống đủ nước để giúp cơ thể giải độc và duy trì sức khỏe tốt.
  • Hạn chế sử dụng rượu và thuốc lá: Rượu và thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú tái phát.
  • Tham khảo chuyên gia dinh dưỡng: Hãy tham khảo chuyên gia dinh dưỡng để tìm hiểu thêm về cách lập kế hoạch ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.
Ung thư vú ở nam là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và những phương pháp điều trị ung thư vú ở nam 7
Ăn nhiều rau quả và trái cây giúp cơ thể đẩy lùi sự phát triển của tế bào ung thư

Phương pháp phòng ngừa ung thư vú ở nam hiệu quả

Nếu trong gia đình bạn có thành viên bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, hoặc có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, hãy chia sẻ thông tin này với bác sĩ, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến tư vấn di truyền. Ở nam giới, đột biến gen BRCA1 và BRCA2 có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt cấp độ cao và ung thư tụy.

Nếu xét nghiệm di truyền cho thấy bạn có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, bác sĩ sẽ giải thích bạn nên làm gì để phát hiện ung thư sớm nếu bạn mắc bệnh.

Tất cả nam giới có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú bằng cách kiểm soát cân nặng khỏe mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.cdc.gov/cancer/breast/men/index.htm
  2. https://www.cancer.gov/types/breast/patient/male-breast-treatment-pdq
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/male-breast-cancer/symptoms-causes/syc-20374740#

Các bệnh liên quan

  1. Cơ tim phì đại

  2. Bụi phổi

  3. Ngoại tâm thu thất

  4. Ghép tim

  5. Ung thư vú thể tam âm

  6. Cơ tim hạn chế

  7. Bướu sợi tuyến

  8. Phát ban ở ngực

  9. Bệnh Beryllium

  10. Ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ