Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhồi máu phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhồi máu phổi là do sự tắc nghẽn ở mạch máu phổi. Điều này sau đó dẫn đến thiếu máu cục bộ và có thể xuất huyết hoặc hoại tử mô của mô phổi. Nhồi máu phổi là bệnh lý tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, cần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến tính mạng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhồi máu phổi là gì?

Nhồi máu phổi là do sự tắc nghẽn ở mạch máu phổi. Điều này sau đó dẫn đến thiếu máu cục bộ và có thể xuất huyết hoặc hoại tử mô phổi. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân dẫn đến nhồi máu phổi thường là do thuyên tắc phổi.

Tùy thuộc vào kích thước và vị trí, triệu chứng sẽ khác nhau ở mỗi người, từ nhẹ đến rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, bất kể triệu chứng của nó là gì, khi nhồi máu phổi xảy ra, điều đó luôn có nghĩa là có một vấn đề y tế nghiêm trọng và cần được đánh giá và điều trị tích cực.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu phổi

Các triệu chứng bao gồm:

  • Ho ra máu;
  • Khó thở;
  • Sốt;
  • Đau ngực;
  • Choáng váng;
  • Ngất xỉu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của nhồi máu phổi, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nhồi máu phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Cần đến gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu của bệnh

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu phổi

Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu phổi là thuyên tắc phổi.

Một số nguyên nhân hiếm gặp khác có thể gây ra nhồi máu phổi. Chúng bao gồm ung thư, các bệnh tự miễn dịch như lupus, các bệnh nhiễm trùng khác nhau, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh phổi thâm nhiễm như bệnh amyloidosis.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhồi máu phổi?

Bạn có nguy cơ cao hơn nếu bạn hoặc bất kỳ người thân ruột thịt nào của bạn, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em, đã từng mắc thuyên tắc huyết khối động mạch hoặc tĩnh mạch trong quá khứ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhồi máu phổi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển chứng nhồi máu phổi, bao gồm:

  • Bệnh tim: Bệnh tim mạch, đặc biệt là suy tim, làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.
  • Bệnh ung thư: Một số bệnh ung thư - đặc biệt là ung thư não, buồng trứng, tuyến tụy, ruột già, dạ dày, phổi, thận và ung thư di căn có thể tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Hóa trị cũng làm tăng thêm nguy cơ.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hình thành cục máu đông. Vì lý do này, thuốc ngăn ngừa cục máu đông có thể được dùng trước và sau cuộc phẫu thuật lớn, chẳng hạn như thay khớp.
  • Bệnh lý huyết học: Một số rối loạn huyết học khiến máu dễ bị đông máu hơn.
  • Bệnh COVID-19: Những người có các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 có nguy cơ cao bị tắc mạch phổi.
  • Bất động kéo dài: Nằm trên giường trong thời gian dài sau phẫu thuật, gãy xương chân, chấn thương hoặc bất kỳ căn bệnh nghiêm trọng nào đều khiến bạn có nguy cơ bị đông máu. Khi chân bạn bất động trong thời gian dài, dòng máu chảy qua tĩnh mạch sẽ chậm lại và máu có thể đọng lại ở chân dẫn đến có thể hình thành cục máu đông.
  • Hút thuốc lá: Việc sử dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ đông máu ở một số người, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ khác.
  • Thừa cân béo phì: Cân nặng quá mức làm tăng nguy cơ đông máu.
  • Bổ sung estrogen: Estrogen trong thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone có thể làm tăng các yếu tố đông máu trong máu.
  • Thai kỳ: Trọng lượng của em bé đè lên tĩnh mạch ở xương chậu có thể làm chậm máu quay trở lại tim. Các cục máu đông có thể hình thành khi máu chảy chậm hoặc đọng lại.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm nhồi máu phổi

Nhồi máu phổi có thể khó chẩn đoán, đặc biệt nếu bạn mắc bệnh tim hoặc phổi tiềm ẩn. Vì lý do đó, bác sĩ có thể sẽ hỏi bệnh, khám tim phổi và yêu cầu các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.

Bác sĩ có thể chỉ định các các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm D-dimer: Mức độ cao D-dimer có thể gợi ý khả năng đông máu tăng lên, mặc dù nhiều yếu tố khác có thể gây ra mức độ D-dimer cao.
  • Xét nghiệm đông máu: Là các xét nghiệm đo TQ, TCK, tiểu cầu giúp chẩn đoán nguyên nhân đông máu là ngoại sinh hay nội sinh.
  • X-quang ngực: Mặc dù Chụp X-quang không thể chẩn đoán nhồi máu phổi và thậm chí có thể bình thường khi có nhồi máu phổi, nhưng chúng có thể loại trừ các tình trạng khác có triệu chứng tương tự.
  • Chụp động mạch phổi: Xét nghiệm này cung cấp một hình ảnh rõ ràng về lưu lượng máu trong động mạch phổi của bạn. Đó là cách chính xác nhất để chẩn đoán nhồi máu phổi. Nhưng vì nó đòi hỏi kỹ năng cao để thực hiện và tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng nên nó thường được thực hiện khi các xét nghiệm khác không đưa ra chẩn đoán xác định.
  • Chụp MRI: MRI thường chỉ được thực hiện ở những người đang mang thai để tránh bức xạ cho em bé và ở những người có thận có thể bị tổn hại do thuốc cản quang được sử dụng trong các xét nghiệm khác. Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm này để xác nhận chẩn đoán nhồi máu phổi.
Nhồi máu phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Chụp động mạch phổi có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh nhồi máu phổi

Điều trị nhồi máu phổi

Nội khoa

Việc điều trị nhồi máu phổi bao gồm chăm sóc hỗ trợ và kiểm soát tình trạng cơ bản gây ra nhồi máu phổi.

Chăm sóc hỗ trợ bao gồm duy trì lượng oxy trong máu đầy đủ bằng cách cung cấp oxy và kiểm soát cơn đau để giúp thở dễ chịu hơn. Nếu không thể duy trì đủ lượng oxy trong máu bằng cách cung cấp oxy bằng ống thông mũi hoặc mặt nạ, bệnh nhân có thể cần phải đặt nội khí quản và đặt máy thở.

Các phương pháp điều trị khác phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Trong hầu hết các trường hợp, nhồi máu phổi là do thuyên tắc phổi. Việc điều trị thuyên tắc phổi bao gồm, ngoài việc chăm sóc hỗ trợ, sử dụng thuốc chống đông máu, thường là heparin tiêm tĩnh mạch, sau vài ngày có thể dùng thuốc chống đông máu đường uống.

Trong trường hợp thuyên tắc phổi lớn và dường như gây ra nhồi máu phổi lớn, hoặc đặc biệt nếu lưu lượng máu đến phổi bị tổn hại đến mức cung lượng tim giảm, có thể cần phải sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để cố gắng làm tan cục máu đông đang cản trở lưu lượng máu.

Nhồi máu phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống đông máu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông

Ngoại khoa

Nếu tình hình nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng mà không đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ có thể cần phải thực hiện phẫu thuật hoặc đặt ống thông để loại bỏ cục máu đông gây tắc nghẽn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của nhồi máu phổi

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ.
  • Tự theo dõi các triệu chứng, nếu có bất kỳ triệu chứng mới hoặc nặng lên của các triệu chứng cũ cần liên hệ ngay với bác sĩ.
  • Hoạt động thể lực thường xuyên, tránh bất động kéo dài.
  • Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
  • Không hút thuốc lá.
  • Không uống rượu bia.
  • Mang vớ áp lực khi có bất động kéo dài hoặc mắc bệnh lý suy van tĩnh mạch.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế dinh dưỡng cụ thể nào giúp ngăn ngừa bệnh nhồi máu phổi. Tuy nhiên, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết có thể duy trì sức khỏe của bạn. Bạn nên đến gặp chuyên gia tư vấn dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng của bản thân.

Phòng ngừa nhồi máu phổi

Việc phòng ngừa nhồi máu phổi là ngăn chặn các nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, đặc biệt là thuyên tắc phổi. Các cách để ngăn ngừa thuyên tắc phổi bao gồm:

  • Hoạt động thể chất thường xuyên: Nếu bạn không thể đi lại xung quanh, hãy di chuyển tay, chân và bàn chân trong vài phút mỗi ngày.
  • Uống nhiều nước nhưng hạn chế rượu và caffeine.
  • Không hút thuốc lá.
  • Tránh bắt chéo chân.
  • Không mặc quần áo bó sát.
  • Đạt được cân nặng phù hợp với sức khỏe của bạn.
Nhồi máu phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 8
Ngưng hút thuốc lá giúp giảm nguy cơ mắc nhồi máu phổi

Các câu hỏi thường gặp về nhồi máu phổi

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhồi máu phổi là gì?

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhồi máu phổi là do thuyên tắc phổi.

Vớ áp lực để làm gì?

Vớ áp lực giúp nén ép đều vào chân, giúp tĩnh mạch và cơ chân lưu thông máu hiệu quả hơn. Đây là một phương pháp an toàn, đơn giản và ít tốn kém để giữ cho máu không bị ứ đọng ở chân trong và sau phẫu thuật.

Tác dụng phụ khi điều trị nhồi máu phổi là gì?

Chảy máu là một tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc điều trị nhồi máu phổi. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn liều thuốc chống đông máu hoặc thuốc tan huyết khối phù hợp với tình trạng của bạn. Bạn phải nằm lại tại bệnh viện để bác sĩ theo dõi tình trạng của bạn.

Bao lâu sau khi điều trị tôi sẽ cảm thấy tốt hơn?

Nhồi máu phổi là tình trạng mô phổi bị chết đi do cục máu đông tắc lòng mạch máu, làm máu và oxy không đến nuôi các mô phổi. Vì lý do đó mà điều trị chỉ giúp tổn thương chết mô phổi không lan rộng hoặc giữ an toàn tính mạng cho bạn và các mô phổi khi đã chết đi thì sẽ không hồi phục lại được như bình thường. 

Nguồn tham khảo
  1. Overview of Pulmonary Infarction: https://www.verywellhealth.com/pulmonary-infarction-overview-1746149
  2. Pulmonary Infarction: https://emedicine.medscape.com/article/908045-overview
  3. Pulmonary Infarction: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537189/
  4. Pulmonary Infarction: https://radiopaedia.org/articles/pulmonary-infarction-1
  5. Pulmonary Embolism: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17400-pulmonary-embolism

Các bệnh liên quan

  1. Suy hô hấp mạn

  2. Xơ phổi

  3. Bệnh phổi mô bào Langerhans

  4. Viêm phổi do nấm

  5. Bụi phổi

  6. Chấn thương khí quản

  7. Bụi phổi bông

  8. Suy hô hấp cấp

  9. Tràn khí màng phổi

  10. Ngộ độc Carbon Monoxide