Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm phổi do Metapneumovirus là gì? Những vấn đề cần biết về viêm phổi do Metapneumovirus

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Kể từ khi được mô tả lần đầu vào năm 2001, Metapneumovirus đã được phân lập từ đường hô hấp của hầu hết mọi người, ở mọi lứa tuổi. Trên thực tế các nghiên cứu tiền cứu và các nghiên cứu bệnh chứng về dịch tễ học và các biểu hiện lâm sàng liên quan đến Metapneumovirus còn hạn chế. Mặc dù thế các triệu chứng bệnh do Metapneumovirus gây ra được cho là tương tự với các biểu hiện của virus hợp bào hô hấp ở người. Hầu hết các bệnh trên đường hô hấp do virus này xảy ra nghiêm trọng hơn ở trẻ sơ sinh, người già và người có hệ miễn dịch hoạt động kém chất lượng. Metapneumovirus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhưng đôi khi nó cũng gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi, bùng phát cơn hen hoặc làm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và có thể làm các bệnh này trở nên trầm trọng hơn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm phổi do Metapneumovirus là gì?

Viêm phổi do Metapneumovirus là tình trạng nhu mô phổi bị viêm nhiễm (bao gồm viêm phế nang, túi - ống phế nang, tổ chức liên kết và viêm tiểu phế quản tận cùng) do virus Metapneumovirus gây ra.

Metapneumovirus có thể gây bệnh hô hấp trên và dưới ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Người mắc bệnh có thể ho hoặc thở khò khè, sổ mũi hoặc đau họng. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ, tuy nhiên ở trẻ nhỏ, người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn. Hệ miễn dịch khỏe mạnh bảo vệ bạn khỏi lần nhiễm đầu tiên và sau đó có nhiều khả năng mắc các triệu chứng nhẹ nhàng hơn giống như cảm lạnh nếu bạn bị nhiễm một chủng Metapneumovirus khác. Trong lần đầu tiên nhiễm Metapneumovirus người mắc bệnh có nhiều khả năng mắc bệnh trầm trọng hơn, đó là lý do tại sao trẻ nhỏ thường mắc bệnh nghiêm trọng hơn người lớn.

Triệu chứng

Những triệu chứng của viêm phổi do Metapneumovirus

Các triệu chứng liên quan đến Metapneumovirus thường là ho, sốt, nghẹt mũi và khó thở. Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm Metapneumovirus ở đường hô hấp trên có thể tiến triển thành viêm phế quản hoặc viêm phổi và tương tự như các loại virus khác gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Thời gian ủ bệnh ước tính là từ 3 đến 6 ngày và thời gian mắc bệnh trung bình có thể khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng nhưng cũng tương tự như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác do virus gây ra. Hầu hết bệnh nhân nhiễm Metapneumovirus đều có triệu chứng nhẹ ở đường hô hấp trên tương tự như cảm lạnh:

  • Sốt.
  • Lạnh run.
  • Ho.
  • Ngạt mũi.
  • Thở rên hoặc khò khè.
  • Nôn mửa.
  • Đau ngực.
  • Giảm hoạt động.
  • Chán ăn (trẻ lớn) hoặc bú kém (trẻ nhỏ) có thể dẫn đến mất nước.
  • Khó thở, gồm phập phồng cánh mũi, thở bụng và co kéo gian sườn.
  • Đau bụng, thường xảy ra khi trẻ ho nhiều hoặc thở gắng sức.
  • Thở nhanh (nhiều trường hợp đây là triệu chứng duy nhất).
  • Xanh hoặc tái ở môi hoặc móng ở trường hợp bệnh nặng.
Viêm phổi do Metapneumovirus là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm phổi do Metapneumovirus 1
Ho khan, khò khè, khó thở là một trong các triệu chứng báo hiệu viêm phổi do virus

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể bị thở khò khè, khó thở và lên cơn hen suyễn. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới thứ phát có thể xảy ra sau khi nhiễm Metapneumovirus như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi bội nhiễm.

Tác động của viêm phổi do Metapneumovirus đối với sức khỏe

Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng cá nhân mà sự ảnh hưởng của virus có thể nhẹ như cảm lạnh thông thường hay nặng hơn như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi,... Khi có bội nhiễm bệnh lý có xu hướng phức tạp hơn.

Biến chứng có thể gặp viêm phổi do Metapneumovirus

Đôi khi Metapneumovirus gây ra các biến chứng nghiêm trọng phải nhập viện như:

Trong số đó đa phần các biến chứng nặng hay gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh lý về tim hoặc hô hấp từ trước. Những bệnh nhân này dễ bị suy hô hấp cấp tính cần hỗ trợ oxy lưu lượng cao, một số bệnh nhân thậm chí còn xấu đi đến mức phải thở máy.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết những người mắc Metapneumovirus có triệu chứng nhẹ sẽ không cần phải đi khám bác sĩ vì bệnh sẽ tự khỏi và chỉ cần chăm sóc và điều trị hỗ trợ các triệu chứng tại nhà là đủ. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn như khó thở, ho dữ dội hoặc thở khò khè,… bạn nên đi khám bác sĩ ngay.

Viêm phổi do Metapneumovirus là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm phổi do Metapneumovirus 2
Hãy gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng báo hiệu bệnh diễn tiến xấu đi

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm phổi do Metapneumovirus

Metapneumovirus là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi Metapneumovirus. Virus này được phát hiện vào năm 2001. Metapneumovirus là một thành viên của chi Metapneumovirus, họ Paramyxoviridae, bộ Mononegavirales. Vật chất di truyền của virus là axit ribonucleic chuỗi đơn (RNA) mã hóa cho 9 protein. Nó là một phần của nhóm vi rút gây ra RSV, bệnh sởi, quai bị và thường gây bệnh hô hấp nhẹ. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, người già và người bị suy giảm miễn dịch có thể gặp các biến chứng nặng, chẳng hạn như viêm phổi và phải nhập viện.

Các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 10% đến 12% trường hợp bệnh về đường hô hấp ở trẻ em là do Metapneumovirus gây ra. Hầu hết các trường hợp đều có triệu chứng nhẹ nhưng khoảng 5% đến 16% trẻ sẽ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi. Metapneumovirus lưu hành bắt đầu vào mùa đông và kéo dài cho đến hết mùa xuân. Metapneumovirus lây lan qua đường hô hấp khi người bệnh ho và hắt hơi hay chảy mũi hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hoặc chạm vào những vật bị nhiễm virus qua bắt tay, ôm, hôn hoặc chạm vào các bề mặt các đồ vật như điện thoại, tay nắm cửa, bàn phím hoặc đồ chơi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm phổi do Metapneumovirus?

Mặc dù ai cũng có thể mắc bệnh nhưng những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác là:

  • Trẻ sơ sinh;
  • Trẻ em dưới 5 tuổi;
  • Lớn hơn 65;

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm phổi do Metapneumovirus

Những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh là:

  • Mắc bệnh hen suyễn và đang sử dụng steroid;
  • Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu do các bệnh như ung thư hoặc HIV/AIDS hoặc những người đã được cấy ghép nội tạng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phổi do Metapneumovirus

Các bác sĩ thường nghi ngờ nhiễm Metapneumovirus ở t trẻ nhỏ bị viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi trong mùa RSV hoặc trong đợt bùng phát của bệnh này hoặc thời gian lưu hành của Metapneumovirus. Các bác sĩ thường chẩn đoán Metapneumovirus dựa trên các triệu chứng và tiền sử bệnh như: Sốt, ho khan, khò khè, khó thở, chảy mũi trong,...

Ngoài ra, một số cận lâm sàng có thể được thực hiện để tìm nguyên nhân và biến chứng của bệnh như:

  • PCR: Các bác sĩ có thể sử dụng que để lấy mẫu dịch nhày từ mũi hoặc cổ họng để kiểm tra tìm virus hoặc các vi khuẩn khác. Đặc biệt khi triệu chứng của bạn nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa trước đó.
  • Hình ảnh học: Đôi khi các bác sĩ có thể thực hiện nội soi phế quản hoặc chụp X-quang ngực, CT ngực để tìm kiếm những thay đổi trong phổi.

Phương pháp điều trị viêm phổi do Metapneumovirus

Chưa có loại thuốc kháng virus nào điều trị Metapneumovirus ở người. Vì Metapneumovirus là virus nên thuốc kháng sinh sẽ không loại bỏ được virus này. Trong trường hợp người bị viêm phổi do Metapneumovirus cũng đồng thời bị nhiễm vi khuẩn (nhiễm trùng thứ phát) thì kháng sinh mới cần được sử dụng.

Metapneumovirus thường tự khỏi nên việc điều trị chủ yếu hướng tới việc làm giảm các triệu chứng như:

  • Thuốc kiểm soát cơn đau và sốt: Chẳng hạn như acetaminophen và ibuprofen,...
  • Thuốc giảm ho.
  • Thuốc long đờm.
  • Bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
  • Uống đủ nước.
Viêm phổi do Metapneumovirus là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm phổi do Metapneumovirus 3
Xông mũi giúp giảm triệu chứng thông thường do virus gây nên

Nếu bệnh nặng, người mắc bệnh có thể phải nhập viện để theo dõi tình trạng sức khỏe nghiêm ngặt hơn và giúp bệnh không diễn tiến nặng hơn. Tại bệnh viện, người bệnh có thể được điều trị bởi:

  • Oxy liệu pháp: Khi tình trạng viêm phổi trở nên nghiêm trọng, quá trình trao đổi khí trở nên khó khăn, người bệnh có thể suy hô hấp và cần thêm oxy thông qua mặt nạ, cannula,…
  • Corticosteroid: Steroid có thể làm giảm viêm và giảm một số triệu chứng khác như khó thở,...

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm phổi do Metapneumovirus

Bạn có thể kiểm soát các triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh của Metapneumovirus tại nhà bằng cách:

  • Uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  • Xong mũi miệng bằng tinh dầu.
  • Khò họng bằng nước muối.
  • Dùng các loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc thông mũi và thuốc giảm ho để giúp giảm các triệu chứng của bạn.
  • Tập luyện thể dục thể thao và ăn uống đầy đủ để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Phương pháp phòng ngừa viêm phổi do Metapneumovirus hiệu quả

Hiện nay chưa có liệu pháp kháng virus đặc hiệu để điều trị Metapneumovirus và cũng chưa có vắc xin phòng ngừa Metapneumovirus. Bạn có thể ngăn ngừa sự lây lan của Metapneumovirus và các loại virus đường hô hấp khác bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

  • Rửa tay: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu bạn không thể sử dụng xà phòng và nước bạn có thể sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.
  • Che mũi và miệng: Khi hắt hơi hoặc ho bạn phải che mũi miệng bằng khuỷu tay chứ không phải tay trần vì bàn tay có thể có sự hiện diện của virus khi bạn chạm vào các đồ vật xung quanh trước đó.
  • Tránh tiếp xúc với người đang nhiễm Metapneumovirus: Tránh tiếp xúc gần người khác khi bạn hoặc người kia đang bị cảm lạnh hoặc các bệnh đường hô hấp do nguyên nhân khác. Hãy cân nhắc việc đeo khẩu trang nếu bạn bị bệnh và không thể tránh tiếp xúc với người khác để bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh.
  • Tránh chạm tay vào mũi, miệng: Thói quen chạm vào mặt, mắt, mũi và miệng khiến bạn dễ mắc các bệnh lây qua đường hô hấp nói chung và bệnh viêm phổi do Metapneumovirus nói riêng.
  • Vệ sinh nhà ở: Thường xuyên làm sạch các bề mặt có thể bị ô nhiễm (chẳng hạn như tay nắm cửa và đồ chơi dùng chung) bằng xà phòng hay nước sát khuẩn làm hạn chế khả năng lây nhiễm của virus Metapneumovirus.
Viêm phổi do Metapneumovirus là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm phổi do Metapneumovirus 4
Đeo khẩu trang giúp phòng bệnh lây truyền qua đường hô hấp
Nguồn tham khảo
  1. Human Metapneumovirus (HMPV): https://www.cdc.gov/ncird/human-metapneumovirus.html
  2. Human Metapneumovirus (hMPV) Symptoms and Diagnosis: https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/human-metapneumovirus-hmpv/symptoms-diagnosis
  3. Human Metapneumovirus (hMPV) Treatment and Recovery: https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/human-metapneumovirus-hmpv/treatment-recovery
  4. Human Metapneumovirus (HMPV): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22443-human-metapneumovirus-hmpv
  5. Human Metapneumovirus: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560910/

Các bệnh liên quan

  1. Cúm A

  2. Giun tim

  3. Viêm màng phổi

  4. Viêm xoang sàng sau

  5. Tăng áp phổi

  6. Viêm tiểu phế quản

  7. Xẹp phổi

  8. Viêm phổi kẽ lympho bào

  9. Khó thở

  10. Nhiễm trùng nấm Aspergillus