Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Co thắt thực quản là gì? Nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Co thắt thực quản là tình trạng thực quản của bạn co bóp đột ngột và bất thường dẫn tới đau đớn và ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn. Co thắt thực quản thường hiếm gặp, nhưng chúng có thể xảy ra với tần suất ở một số người. Điều này có thể gây cản trở khả năng ăn uống. Khi co thắt thực quản xảy ra thường xuyên, bạn cần phải điều trị. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng co thắt thực quản và điều trị như thế nào? Chúng ta có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Co thắt thực quản là gì? 

Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hóa có vai trò vận chuyển thức ăn, thức uống tới từ hầu tới dạ dày. Thực quản dài khoảng 25 - 30 cm, thành ống được cấu tạo bằng cơ trơn và cơ vân.

Co thắt thực quản là tình trạng những cơn co thắt bất thường, làm cản trở quá trình đẩy thức ăn từ hầu xuống dạ dày. Cơn đau co thắt thực quản có thể làm gián đoạn cuộc sống của người bệnh, nhưng một số phương pháp điều trị và biện pháp khắc phục có thể giúp giảm các triệu chứng.

Dựa vào vị trí, co thắt thực quản có 2 loại là co thắt thực quản trên và co thắt thực quản dưới. Ngoài ra, một cách phân loại khác được sử dụng phổ biến hơn là co thắt thực quản lan tỏa và co thắt thực quản cục bộ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của co thắt thực quản

Những triệu chứng của co thắt thực quản thường không quá đặc trưng nên bạn có thể nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Một số dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang bị co thắt thực quản là:

  • Khó nuốt, đau khi nuốt;
  • Đau ngực dữ dội, bạn sẽ bị nhầm lẫn với một cơn đau tim;
  • Cảm giác có một thứ gì đang mắc vào cổ họng hoặc ngực của bạn;
  • Ợ nóng;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Thức ăn hoặc chất lỏng bị trào ngược vào miệng bạn;
  • Trường hợp nặng có thể làm bạn bị hôi miệng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh co thắt thực quản

Co thắt thực quản có thể tự hết đi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra liên tục mà không can thiệp kịp thời có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến co thắt thực quản

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây co thắt thực quản. Có thể do sự tổn thương của hệ thần kinh điều khiển hoạt động của thực quản. Một số điều kiện và yếu tố có thể tạo ra co thắt thực quản bao gồm:

  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD);
  • Thực quản bị nhiễm trùng nhưng không được điều trị;
  • Sử dụng thực phẩm quá nóng hoặc lạnh;
  • Một vài phương pháp điều trị ung thư, như phẫu thuật thực quản hoặc bức xạ ngực, đầu hay cổ;
  • Lo lắng và trầm cảm;
  • Tiền sử gia đình có người bị co thắt thực quản.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) co thắt thực quản?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị co thắt thực quản. Tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Phụ nữ;
  • Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) co thắt thực quản

Các yếu tố làm tăng nguy cơ co thắt thực quản: 

  • Trào ngược dạ dày thực quản;
  • Ăn uống thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh;
  • Tiền sử gia đình có người bị co thắt thực quản;
  • Stress, trầm cảm lo âu;
  • Mắc bệnh ợ nóng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán co thắt thực quản

Nếu bạn thấy một số dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị co thắt thực quản. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng đang gặp phải, kiểm tra thăm khám lâm sàng. 

Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác xem bạn có bị co thắt thực quản không bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Nội soi thực quản: Sử dụng ống nội soi dài, linh hoạt có đèn để kiểm tra thực quản của bạn.
  • Chụp X-quang cản quang với barium: Bác sĩ sẽ cho bạn uống barium trước khi chụp X-quang. Barium bao phủ lớp niêm mạc của thực quản và có thể nhìn thấy trên X-quang. Điều này cho phép bác sĩ xem các bất thường của thực quản.
  • Áp kế thực quản: Bác sĩ sẽ dùng một ống mỏng thông qua miệng hoặc mũi tới thực quản để đo các cơn co thắt khi bạn uống nước.
  • Theo dõi pH thực quản: Bác sĩ sẽ đo pH trong thực quản để xác định bạn có bị trào ngược acid không.
  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ trong thực quản để tiến hành xét nghiệm để kiểm tra xem có khối u nào không.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị co thắt thực quản hiệu quả

Thông thường, những cơn co thắt thực quản thường sẽ tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cơn co thắt thực quản xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng tới khả năng ăn uống cũng như chất lượng sống của bạn, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên điều trị. Điều trị co thắt thực quản sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh hoặc triệu chứng.

  • Nếu nguyên nhân gây co thắt thực quản liên quan tới ợ nóng, trào ngược dạ dày thực quản bác sĩ có thể kê thuốc ức chế bơm proton (PPI): Lansoprazole,... 
  • Stress, trầm cảm là nguyên nhân gây ra co thắt thực quản thì bác sĩ sẽ chỉ định Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Imipramine, amitriptylin, trazodone.
  • Thuốc giãn cơ vòng: Nhóm thuốc nitrate hoặc thuộc chẹn kênh canxi như Dicyclomine, nifedipine, diltiazem,... làm giảm áp lực trong lòng thực quản. Thường được sử dụng khi người bệnh mất khả năng giãn cơ vòng.
  • Phẫu thuật: Đây là lựa chọn nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ sẽ cắt cơ ở phần dưới thực quản để làm các cơn co thắt của thực quản yếu hơn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của co thắt thực quản

Chế độ dinh dưỡng

  • Uống nhiều nước;
  • Bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thức ăn giàu protein;
  • Tránh thực phẩm quá cay, nóng hoặc quá lạnh;
  • Tránh những thực phẩm có tính acid như cam, chanh, bưởi.

Chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa co thắt thực quản hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng;
  • Bỏ thuốc lá hoặc tránh khói thuốc lá;
  • Không uống rượu, đặc biệt là rượu vang đỏ;
  • Ăn chậm, nhai kỹ thức ăn;
  • Duy trì lối sống tích cực, tránh căng thẳng, áp lực, stress;
  • Duy trì cân nặng vừa phải, giảm cân khi cần thiết;
  • Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, hạn chế thực phẩm quá cay, nóng hoặc quá lạnh;
  • Không nên ăn quá no trước khi đi ngủ.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-is-esophageal-spasm

  2. https://www.healthline.com/health/esophageal-spasm#treatment

  3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/321656#treatment

Các bệnh liên quan

  1. Viêm động mạch chủ

  2. Ghép tim

  3. Bướu sợi tuyến Birads 4

  4. U trung biểu mô

  5. Bệnh phổi mô bào Langerhans

  6. Ung thư vú tái phát

  7. Xơ phổi vô căn

  8. Cơ tim phì đại

  9. Trào ngược dạ dày

  10. Ung thư tim