Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm niêm mạc dạ dày và những điều cần biết

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm niêm mạc dạ dày còn gọi chung là viêm dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến hiện nay. Có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc cũng có thể kéo dài. Trong một số trường hợp, viêm dạ dày có thể dẫn đến loét và tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, đối với hầu hết các trường hợp, viêm dạ dày không nghiêm trọng và sẽ cải thiện nhanh chóng khi điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm niêm mạc dạ dày là bệnh gì?

Lớp niêm mạc dạ dày chứa đầy các tuyến sản xuất axit dạ dày và các enzym phân hủy thức ăn. Vì axit dạ dày có tính mài mòn nên niêm mạc cũng tiết ra chất nhầy tạo thành hàng rào bảo vệ bao phủ niêm mạc dạ dày.

Trong trường hợp viêm dạ dày, lớp chất nhầy này bị tổn thương, tạo điều kiện cho axit dạ dày tiếp cận và kích thích lớp niêm mạc gây sưng tấy hay đỏ. Lớp niêm mạc dạ dày cũng có thể bị mòn do viêm (viêm dạ dày ăn mòn).

Viêm niêm mạc dạ dày có thể chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn (viêm dạ dày cấp tính) hoặc có thể kéo dài hàng tháng đến nhiều năm (viêm dạ dày mãn tính).

Viêm dạ dày cấp tính

Là tính trạng viêm đột ngột ở niêm mạc dạ dày. Trên nội soi thấy niêm mạc dạ dày đỏ hoặc có những vết xước nhỏ, nông, nặng hơn thì thấy những vết loét trợt hay xuất huyết.

Viêm dạ dày mãn tính

Là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày, viêm dai dẳng nhưng ở mức độ thấp. Niêm mạc dạ dày mỏng đi do các tế bào bình thường bị phá huỷ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm niêm mạc dạ dày

Viêm niêm mạc dạ dày cấp tính

Thường gây đau dạ dày cấp tính, kèm khó chịu hoặc đau vùng thượng vị, một số triệu chứng khác như:

  • Ợ hơi và nấc;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Đầy hơi, chướng bụng;
  • Chán ăn hoặc cảm thấy no khi vừa mới ăn.

Nếu viêm niêm mạc dạ dày có loét trợt hoặc loét có thể thấy:

Viêm niêm mạc dạ dày mãn tính

Trong đa số các trường hợp, viêm niêm mạc dạ dày mãn tính thường không có triệu chứng. Khi niêm mạc bị tổn thương nặng và lâu dài, dạ dày sẽ mất đi khả năng sản xuất axit gây rối loạn tiêu hoá. 

Ngoài ra khả năng tiết ra yếu tố nội tại cần thiết cho sự hấp thụ vitamin B12 cũng mất đi dẫn đến tình trạng thiếu máu ác tính biểu hiện:

  • Sự mệt mỏi;
  • Thiếu máu;
  • Các triệu chứng ở tứ chi như tê hoặc ngứa ran.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm niêm mạc dạ dày

Nếu viêm niêm mạc dạ dày trong một thời gian dài không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng:

Viêm dạ dày ăn mòn và biến chứng loét

Viêm dạ dày ăn mòn có thể tiến triển thành bệnh loét dạ dày tá tràng. Các vết loét gây ra xuất huyết đường tiêu hoá lâu dần dẫn đến thiếu máu.

Loét cũng có thể gây ra sẹo, mô sẹo trong dạ dày có thể làm thu hẹp môn vị.

Vết loét cũng có thể làm thủng đường tiêu hoá dẫn đến vi khuẩn từ dạ dày thoát ra khoang bụng gây viêm phúc mạc. Viêm phúc mạc có thể dẫn đến biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng huyết.

Viêm dạ dày không ăn mòn, teo và dị sản

Viêm dạ dày không ăn mòn gây ra các biến chứng chậm hơn. Nhưng sau thời gian dài, nó khiến niêm mạc dạ dày teo đi và mất một số chức năng ảnh hưởng đến sự tiêu hoá và hấp thụ một số chất dinh dưỡng như sắt, axit folic và vitamin B12.

Ngoài ra viêm dạ dày lâu dài cũng gây ra dị sản đường ruột có thể phát triển thành ung thư dạ dày.

Viêm niêm mạc dạ dày và những điều cần biết 1
Viêm niêm mạc dạ dày gây nhiều biến chứng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đến gặp bác sĩ khi:

  • Xuất hiện các triệu chứng khó tiêu kéo dài một tuần hoặc lâu hơn và khó chịu hay đau bụng dữ dội.
  • Đang nôn ra máu hoặc có máu trong phân (phân đen và dính giống hắc ín).
  • Các triệu chứng xuất hiện sau khi uống thuốc.
  • Từ 55 tuổi trở lên và đang sụt cân. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày

Viêm niêm mạc dạ dày thường do sự suy yếu hoặc tổn thương của hàng rào bảo vệ thành dạ dày khiến dịch tiêu hoá làm tổn thương và làm viêm niêm mạc dạ dày

Nhiễm trùng

Helicobacter Pylori thường gọi là H.P, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm niêm mạc dạ dày. Nhưng chỉ một số người bị nhiễm trùng phát triển thành viêm dạ dày hay các rối loạn tiêu hoá. Khả năng dễ nhiễm H.P có thể do di truyền hoặc do lối sống và chế độ ăn uống.

Hoá chất

Rượu, các chất kích thích như cocain và một số loại thuốc có thể gây viêm dạ dày cấp và mạn tính tuỳ vào mức độ  và tần suất sử dụng nó, gây ra ăn mòn hoá học niêm mạc dạ dày (Viêm dạ dày ăn mòn). 

Lạm dụng NSAID (thuốc chống viêm không steroid), chẳng hạn như aspirin và ibuprofen, là một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp tính phổ biến nhất. Một số loại thuốc kích thích như cocaine cũng gây ra tình trạng này.

Bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn gây viêm niêm mạc dạ dày mãn tính. Trong bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào của cơ thể gây viêm. Các tế bào này được gọi là tế bào thành tạo ra một loại protein gọi là yếu tố nội tại, giúp hệ tiêu hóa hấp thụ vitamin B12 từ thức ăn. 

Yếu tố này bị phá hủy ở một số người bị viêm dạ dày. Thiếu yếu tố này dẫn đến thiếu vitamin B12, được gọi là thiếu máu ác tính. Loại viêm dạ dày này xảy ra thường xuyên hơn ở những người mắc các bệnh tự miễn dịch khác, ví dụ như bệnh tuyến giáp tự miễn, đái tháo đường.

Stress

Tâm lý bất ổn hay căng thẳng cũng có thể gây viêm niêm mạc dạ dày. Đặc biệt là tình trạng stress sau chấn thương, phẫu thuật lớn hoặc bệnh hiểm nghèo khiến bệnh phát triển nhanh và nghiêm trọng hơn.

Một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gây viêm niêm mạc dạ dày:

  • Viêm niêm mạc đường tiêu hoá;
  • Điều trị ung thư: Hoá trị hay xạ trị;
  • Trào ngược mật.
Viêm niêm mạc dạ dày và những điều cần biết 2
Nhiễm trùng H. Pylori là nguyên nhân thường gặp trong viêm niêm mạc dạ dày

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm niêm mạc dạ dày?

Bất cứ đối tượng hay lứa tuổi nào đều có khả năng mắc viêm niêm mạc dạ dày. Nguy cơ mắc viêm dạ dày mãn tính tương đối phổ biến ở các nước đang phát triển. Kinh tế xã hội thấp và vệ sinh môi trường không đảm bảo là những yếu tố quan trọng trong việc truyền nhiễm H. pylori.

Người lớn tuổi cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm niêm mạc dạ dày do niêm mạc dạ dày có xu hướng mỏng đi theo tuổi tác và vì người lớn tuổi có nhiều khả năng bị nhiễm H. pylori hoặc rối loạn tự miễn dịch hơn người trẻ tuổi.

Ngoài ra, những người có chức năng miễn dịch bị tổn hại cũng có nhiều khả năng mắc viêm niêm mạc dạ dày.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm niêm mạc dạ dày

Các yếu tố sau làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm niêm mạc dạ dày:

  • Nhiễm vi khuẩn: Nhiễm trùng do Helicobacter pylori (H. pylori);
  • Hút thuốc lá, uống rượu lâu dài;
  • Chế độ ăn nhiều chất béo, muối;
  • Lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm như NSAID;
  • Thường xuyên căng thẳng hay có trải nghiệm đau thương quá độ;
  • Mắc một số bệnh lý khác: Khi bị rối loạn tự miễn như mắc bệnh Hashimoto và bệnh đái tháo đường tuýp 1, ngoài ra mắc các bệnh như Crohn, HIV/AIDS và nhiễm ký sinh trùng cũng tăng nguy cơ mắc bệnh viêm niêm mạc dạ dày.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm niêm mạc dạ dày

Chẩn đoán viêm niêm mạc dạ dày cần dựa trên bệnh sử, tiền căn, thói quen sinh hoạt và các xét nghiệm cũng rất hữu ích cho việc chẩn đoán, trong đó nội soi và sinh thiết là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và xác định sự phân bố, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của bệnh.

Xét nghiệm hơi thở Helicobacter pylori (H. pylori)

Để kiểm tra xem bạn có bị nhiễm vi khuẩn H. pylori hay không, bạn sẽ uống một viên nang hoặc chất lỏng có chứa urê. Urê là chất phóng xạ an toàn khi ăn vào. Sau đó bạn sẽ thở vào một cái túi giống như quả bóng bay. Nếu nồng độ carbon dioxide tăng lên, điều này có nghĩa là bạn bị nhiễm H. pylori.

Nội soi dạ dày

Dùng một ống mỏng linh hoạt có gắn camera được luồn từ thực quản vào dạ dày để quan sát niêm mạc dạ dày. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng viêm và có thể thực hiện sinh thiết, một thủ thuật trong đó một mẫu mô nhỏ sẽ được lấy ra và sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Ngoài ra có thể cần một số xét nghiệm bổ sung để kiểm tra các biến chứng như:

Xét nghiệm máu

Kiểm tra số lượng hồng cầu trong máu. Trong một số trường hợp viêm dạ dày gây xuất huyết tiêu hoá có thể dẫn đến thiếu máu.

Xét nghiệm phân

Xét nghiệm này kiểm tra xem bạn có vi khuẩn dạ dày có thể gây viêm dạ dày hay không, ngoài ra có thể kiểm tra xem có máu trong phân là dấu hiệu của xuất huyết dạ dày.

Viêm niêm mạc dạ dày và những điều cần biết 3
Phương pháp nội soi dạ dày

Phương pháp điều trị viêm niêm mạc dạ dày

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm dạ dày, triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi tác và sức khỏe của người bệnh.

Trong hầu hết các trường hợp, để giảm lượng axit dạ dày giảm bớt các triệu chứng và chữa lành niêm mạc dạ dày. Một số thuốc sẽ được dùng:

  • Thuốc kháng axit;
  • Thuốc đối kháng H2: Famotidine (Pepcid), Cimetidine (Tagamet) và Nizatidine (Axid);
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Omeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Rabeprazole và Pantoprazole.

Viêm niêm mạc dạ dày liên quan đến H. pylori

Liệu pháp điều trị ba thuốc gồm clarithromycin/thuốc ức chế bơm proton/amoxicillin trong 14 đến 21 ngày được coi là phương pháp điều trị đầu tiên. Clarithromycin được ưu tiên hơn metronidazole vì tỷ lệ tái phát với clarithromycin ít hơn nhiều so với liệu pháp ba thuốc sử dụng metronidazole. 

Tuy nhiên, metronidazole là lựa chọn được lựa chọn ở những vùng đã biết kháng clarithromycin. Liệu pháp chứa bismuth tăng gấp bốn lần sẽ có ích, đặc biệt nếu sử dụng metronidazole.

Sau hai lần điều trị thất bại, việc nuôi cấy H. pylori và xét nghiệm kháng kháng sinh nên được xem xét.

Viêm niêm mạc dạ dày tự miễn

Cần bổ sung sắt và vitamin B12 bị thiếu hụt (đường tiêm 1000 microgram hoặc đường uống 1000 đến 2000 microgram). Theo dõi nồng độ sắt và folate, đồng thời loại bỏ mọi trường hợp đồng nhiễm H. pylori.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm niêm mạc dạ dày

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của bệnh nên duy trì các thói quen sinh hoạt tốt:

  • Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
  • Tái khám định kỳ và liên hệ với bác sĩ khi gặp những triệu chứng bất thường.
  • Tập thói quen rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh . Điều này có thể giúp bạn không bị nhiễm vi khuẩn H. pylori.
  • Không tự ý dùng thuốc đặc biệt là các thuốc giảm đau, kháng viêm, hạ sốt như NSAID, hoặc aspirin khi không được kê đơn.
  • Ngưng sử dụng các chất kích thích, hút thuốc lá, rượu, bia.
  • Giữ cho tinh thần thoải mái thư giãn, loại bỏ áp lực lo âu tránh để bản thân căng thẳng.
  • Tránh thức khuya.

Chế độ dinh dưỡng:

Thực hiện chế độ ăn lành mạnh như:

  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Ăn chậm nhai kỹ, không đọc sách, sử dụng điện thoại trong lúc ăn.
  • Không ăn hoặc uống những thứ có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày như rượu, caffeine, trà đặc, thức ăn cay, chua.
  • Hạn chế ăn đồ ăn mặn, dầu mỡ, chế độ ăn quá nhiều thịt đỏ và thịt đông lạnh.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây tăng cường hệ miễn dịch, các thực phẩm giàu men vi sinh như sữa chua.
  • Nên ăn các loại thức ăn giúp kiểm soát chứng viêm dạ dày như: Nghệ, gừng, mật ong, các loại đậu, trứng, các loại rau củ ít axit, giàu vitamin như bí đỏ, khoai tây, khoai lang, cải bó xôi… yến mạch, bánh mì nguyên hạt.
  • Chế biến sạch sẽ và nấu chín thức ăn để tránh nhiễm khuẩn.
Viêm niêm mạc dạ dày và những điều cần biết 4
Chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc viêm niêm mạc dạ dày

Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm niêm mạc dạ dày

Để phòng ngừa viêm niêm mạc dạ dày, nên:

  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn H.pylori.
  • Duy trì thói quen ăn chín uống sôi tránh bị nhiễm trùng.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, bia, rượu.
  • Không tuỳ ý sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm NSAID.
  • Giữ cân nặng phù hợp.
  • Hoạt động thể chất đều đặn.
  • Duy trì chế độ ăn phù hợp và chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguồn tham khảo
  1. Liver Cystic Disease: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544250/
  2. Gastritis: https://gutscharity.org.uk/advice-and-information/conditions/gastritis/#section-4
  3. Gastritis: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastritis/symptoms-causes/syc-20355807
  4. Gastritis: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/gastritis
  5. Gastritis: https://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/gastritis

Các bệnh liên quan

  1. Nang cơ năng buồng trứng

  2. Não chấn thương mãn tính

  3. Phù gai thị

  4. U thần kinh nội tiết

  5. Bệnh nến xương

  6. Nghe kém một bên tai

  7. Sán dây bò

  8. Nhiễm khuẩn Listeria

  9. Vỡ mạch máu não

  10. Ung thư vú giai đoạn 4