Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm dạ dày cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc dạ dày bị viêm, khi tình trạng này phát triển một cách đột ngột, được gọi là viêm dạ dày cấp tính. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến viêm dạ dày cấp khác nhau như do thuốc, rượu bia, nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hay nấm và các nguyên nhân khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm dạ dày cấp là gì?

Viêm dạ dày cấp là tình trạng viêm hay sưng tấy đột ngột ở niêm mạc dạ dày, gây ra cơn đau dữ dội và dai dẳng. Tuy nhiên, đau có thể là tạm thời và xuất hiện từng đợt.

Viêm dạ dày cấp tính xuất hiện đột ngột có thể do chấn thương, vi khuẩn, virus, sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hay thức ăn cay. Tình trạng viêm có thể liên quan đến toàn bộ dạ dày hoặc một vùng dạ dày. Viêm dạ dày cấp tính có thể chia làm hai loại:

  • Viêm dạ dày cấp tính không ăn mòn (thường do Helicobacter pylori gây ra).
  • Viêm dạ dày cấp tính có ăn mòn bề mặt.

Không có sự tương quan giữa tình trạng viêm dạ dày trên mô học và sự hiện diện của các triệu chứng. Trên thực tế, hầu hết người bệnh có bằng chứng mô học của viêm dạ dày cấp tính đều không có triệu chứng. Thường là chẩn đoán tình cờ phát hiện qua nội soi. Ở người bệnh viêm dạ dày cấp tính có triệu chứng, phổ biến nhất là cảm giác khó chịu ở thượng vị (vùng bụng trên).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày cấp

Người bệnh thường than phiền nhất với triệu chứng khó chịu hay đau thượng vị.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

Đôi khi đau bụng cấp tính có thể là một triệu chứng biểu hiện như trong trường hợp viêm dạ dày hoại tử (phlegmonous gastritis), trong đó, đau bụng dữ dội kèm theo buồn nôn và nôn ra dịch mủ trong dạ dày. Có thể kèm theo sốt và ớn lạnh.

Các triệu chứng của viêm dạ dày cấp tính có thể không tương đương với chẩn đoán trên mô bệnh học. Ví dụ như người bệnh có kết quả mô bệnh học là viêm dạ dày trong khi có thể không có triệu chứng nào.

vddc4.png
Buồn nôn hay nôn là một trong số các triệu chứng của viêm dạ dày cấp

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm dạ dày cấp

Các biến chứng của viêm dạ dày cấp có thể bao gồm:

  • Chảy máu hoặc ăn mòn bề mặt, hoặc loét niêm mạc dạ dày.
  • Tắc nghẽn đường ra dạ dày do phù nề, hạn chế vận chuyển thức ăn từ dạ dày đến ruột non.
  • Nôn mửa dẫn đến mất nước, có thể rối loạn điện giải hoặc suy thận.

Khi gặp các biến chứng của xuất huyết tiêu hóa, biểu hiện có thể gồm nôn ra máu, đi tiêu phân đen dính như bã cà phê, mệt mỏi, chóng mặt, vã mồ hôi.

Nếu không được điều trị, viêm dạ dày cấp tính có thể tiến triển thành viêm dạ dày mạn tính, có thể tiến triển đến viêm teo dạ dày mạn tính. Bên cạnh đó, có thể dẫn đến tình trạng loạn sản dạ dày hay ung thư dạ dày.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị nếu bạn gặp các triệu chứng của viêm dạ dày cấp. Đồng thời, nếu gặp các biểu hiện của biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, hãy đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, tránh tình trạng mất máu cấp có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm khác.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày cấp

Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày cấp bao gồm:

  • Thuốc: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ví dụ như aspirin, ibuprofen, naproxen. Các loại thuốc khác như cocain, sắt, colchicine, kayexalate, thuốc hóa trị liệu và thuốc miễn dịch trong điều trị ung thư. Các thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh Covid-19 như lopinavir-ritonavir liên quan đến viêm dạ dày cấp tính.
  • Đồ uống có cồn mạnh: Như rượu whisky, rượu vodka và rượu gin.
  • Nhiễm vi khuẩn: H.pylori là tác nhân thường xuyên gặp nhất trong viêm dạ dày cấp tính. Các tác nhân hiếm gặp hơn như H.heilmannii, streptococci, staphylococci, Proteus, Clostridium, E.coli, vi khuẩn lao, vi khuẩn giang mai.
  • Nhiễm virus: Ví dụ như cytomegalovirus.
  • Nhiễm nấm: Như bệnh nấm candida, bệnh histoplasmosis, bệnh phycomycosis.
  • Nhiễm ký sinh trùng: Ví dụ như bệnh Anisakiasis.
  • Thiếu máu cục bộ: Tổn thương xảy ra do lượng máu cung cấp cho dạ dày giảm.
  • Các nguyên nhân khác như: Căng thẳng cấp tính (sốc), tiếp xúc bức xạ, dị ứng và ngộ độc thực phẩm, chấn thương trực tiếp. Sự trào ngược mật từ ruột non đến dạ dày có thể gây viêm dạ dày cấp.
vddc5.png
Thuốc chống viêm không steroid là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày cấp

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm dạ dày cấp?

Các nghiên cứu dịch tễ học phản ánh tỷ lệ mắc viêm dạ dày cấp tính khá phổ biến. Tại Mỹ, con số này chiếm khoảng 1,8 đến 2,1 triệu lượt khám mỗi năm. 

Đối với viêm dạ dày hay viêm đại tràng tăng bạch cầu ái toan các đối tượng bị ảnh hưởng thường xuyên hơn là phụ nữ. Viêm dạ dày cấp cũng có thể ảnh hưởng ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt phổ biến hơn ở những người trên 60 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm dạ dày cấp

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc viêm dạ dày cấp tính, mặc dù không phải nguyên nhân thực sự gây ra tình trạng này.

Theo một đánh giá vào năm 2023, viêm dạ dày do bệnh tự miễn phổ biến hơn ở người lớn tuổi và phụ nữ. Viêm dạ dày cũng phổ biến hơn ở các nước không phải các nước phương Tây.

Các nhà khoa học cũng tin rằng, phẫu thuật dạ dày trước đây cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm dạ dày.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm dạ dày cấp

Để chẩn đoán viêm dạ dày cấp tính, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử của bạn và của gia đình bạn, thực hiện thăm khám kỹ lưỡng, sau đó đưa ra các xét nghiệm phù hợp. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng: Nội soi giúp bác sĩ quan sát tình trạng niêm mạc dạ dày, đồng thời có thể kết hợp bấm sinh thiết (lấy một mẫu mô) để làm xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm mô bệnh học có thể chẩn đoán tình trạng viêm dạ dày cấp.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ thực hiện xét nghiệm máu có thể giúp kiểm tra tình trạng thiếu máu của bạn, kiểm tra các tình trạng nhiễm khuẩn. Xét nghiệm máu để sàng lọc nhiễm H.pylori và thiếu máu ác tính cũng sẽ được thực hiện.
  • Xét nghiệm phân: Soi phân có thể kiểm tra sự hiện diện của máu trong phân.

Phương pháp điều trị viêm dạ dày cấp

Trong một số trường hợp, viêm dạ dày cấp tính thường tự khỏi mà không cần điều trị, với một chế độ ăn nhạt, người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng.

Tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày cấp mà việc điều trị sẽ khác nhau. Nếu bạn nhiễm H.pylori, phác đồ điều trị tiệt trừ H.pylori sẽ được áp dụng.

Điều trị dùng thuốc bao gồm các loại thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc kháng acid dạ dày, thuốc đối kháng thụ thể H2. Trong trường hợp nhiễm H.pylori, bạn sẽ được sử dụng kháng sinh.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn có thể giúp cải thiện các triệu chứng của viêm dạ dày cấp. Bên cạnh đó, một số thảo dược có thể giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa được báo cáo, có thể hỗ trợ điều trị viêm dạ dày cấp tính như:

  • Một dược;
  • Berberine;
  • Cây du trơn;
  • Cam thảo Âu;
  • Chàm bụi;
  • Đinh hương;
  • Hoàng liên ô rô.

Hãy nói chuyện với bác sĩ y học cổ truyền nếu bạn quan tâm đến việc điều trị bằng thảo dược, điều quan trọng là bạn không nên tự ý sử dụng vì thảo dược có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng.

vddc6.png
Nội soi tiêu hóa trên giúp chẩn đoán viêm dạ dày cấp

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm dạ dày cấp

Chế độ sinh hoạt:

Bạn nên tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ để có thể hạn chế diễn tiến bệnh. Đặc biệt là nếu bạn mắc viêm dạ dày cấp tính do nhiễm H.pylori. Việc điều trị tiệt trừ H.pylori là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng liên quan.

Nếu đã hoàn thành liệu trình điều trị, dù cho bạn thấy mình đã hết triệu chứng, bạn vẫn cần tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra liệu H.pylori đã bị tiêu diệt hay chưa.

Giảm căng thẳng có thể giúp ích trong việc điều trị viêm dạ dày cấp tính.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh viêm dạ dày cấp tính cần được khuyến khích bỏ thuốc lá và cai rượu. Bạn cũng nên biết về các tác động của các loại thuốc và các tác nhân khác có thể ảnh hưởng đến dạ dày trước khi ăn hoặc uống chúng (ví dụ như thuốc NSAID).

Bạn cũng nên hạn chế các thực phẩm cay nóng, chiên xào, các thực phẩm quá nhiều acid hay các loại lactose gây kích thích niêm mạc dạ dày.

Ăn thường xuyên và chia thành các bữa nhỏ. Chế độ ăn với thực phẩm ít acid tự nhiên, ít chất béo và ít chất xơ có thể được dung nạp tốt nhất.

Phương pháp phòng ngừa viêm dạ dày cấp hiệu quả

Bạn có thể giảm nguy cơ phát triển viêm dạ dày cấp tính bằng một số bước đơn giản như:

  • Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên và trước bữa ăn.
  • Nấu chín kỹ thức ăn.
  • Tránh uống rượu hoặc hạn chế uống rượu.
  • Tránh dùng NSAID hoặc không sử dụng thường xuyên, hãy sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
vddc7.png
Tránh các thực phẩm cay nóng và nhiều acid nếu nó gây ra các triệu chứng khó chịu ở bụng
Nguồn tham khảo
  1. Acute Gastritis: https://www.healthline.com/health/gastritis-acute
  2. Acute Gastritis: https://emedicine.https://emedicine.medscape.com/article/175909-overviewmedscape.com/article/175909-overview
  3. What Is Gastritis?: https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-gastritis
  4. Gastritis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544250/
  5. What to know about acute gastritis: https://www.medicalnewstoday.com/articles/acute-gastritis 

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh nang gan

  2. Suy tủy xương

  3. Hạ magie máu

  4. Nang đơn thận

  5. Viêm cầu thận Lupus

  6. Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

  7. U tế bào thần kinh đệm ít nhánh

  8. Teo não

  9. Viêm màng não mủ

  10. Nhau tiền đạo