Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xốp tủy thận là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh xốp tủy thận

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xốp tủy thận (còn được gọi là bệnh Cacchi-Ricci) là một dị tật bẩm sinh, trong đó những thay đổi xảy ra ở các bể thận hoặc các ống nhỏ bên trong thận của thai nhi. Xốp tủy thận ảnh hưởng đến khoảng một người trên 5.000 người ở Hoa Kỳ. Thận xốp tủy có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai quả thận ở trẻ. Các triệu chứng của thận xốp tủy thường không xuất hiện cho đến những năm thiếu niên hoặc 20 tuổi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Xốp tủy thận là gì?

Thận là một phần của hệ thống tiết niệu. Tủy là phần giữa của mỗi quả thận. Tủy thận chứa các ống nhỏ thu gom chất thải nước tiểu mà thận lọc ra khỏi máu của bạn. Các ống rỗng đổ vào các ống góp và những ống dẫn này đổ vào trung tâm của bể thận. Nước tiểu đi từ thận đến bàng quang qua niệu quản và ra bên ngoài cơ thể qua niệu đạo.

Bệnh xốp tủy thận hay còn gọi là bệnh Cacchi-Ricci (Medullary sponge kidney - MSK) là một rối loạn bẩm sinh, có nghĩa là nó đã có từ khi trẻ sinh ra. Tình trạng này gây ra các u nang nhỏ chứa đầy chất lỏng hình thành trong tủy thận của bạn. 

Trong thận xốp tủy, các ống góp phát triển thành nang và trở nên giãn ra hoặc to ra. Điều này làm cho mô trông giống như bọt biển. MSK xảy ra khi các u nang hay túi nhỏ hình thành trên các ống nhỏ trong thận hoặc ống góp. Những nang này có thể làm giảm lượng nước tiểu được lọc ra. Xốp tủy thận thường ảnh hưởng đến cả hai quả thận nhưng cũng có thể chỉ xảy ra ở một quả thận mà thôi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của xốp tủy thận

MSK thường là một rối loạn lành tính không có bất kỳ triệu chứng nào, nhưng nó có thể dẫn đến các vấn đề khác, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) và sỏi thận, do dòng nước tiểu bị chặn lại không thể thải ra ngoài. Trong nhiều trường hợp, MSK không gây ra các triệu chứng hoặc vấn đề nghiêm trọng, khi nó xuất hiện thì nó thường xảy ra ở tuổi trưởng thành. 

UTI và sỏi thận có nhiều dấu hiệu và triệu chứng giống nhau như:

  • Đi tiểu nóng rát hoặc đau đớn;
  • Đau ở lưng, bụng dưới hoặc háng;
  • Nước tiểu đục, sẫm màu hoặc có máu;
  • Nước tiểu có mùi hôi;
  • Sốt và ớn lạnh.

Những triệu chứng này phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của sự tắc nghẽn đường tiết niệu. Suy thận xảy ra ở khoảng 10% ở những người bị MSK.

Tác động của xốp tủy thận đối với sức khỏe

Các triệu chứng của bệnh sẽ gây có chịu cho người mắc khi đi tiểu, thậm chí bệnh có thể gây suy giảm chức năng thận trong tương lai.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh xốp tủy thận

xốp tủy thận có thể có các biến chứng sau:

  • Sỏi thận;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI);
  • Bệnh thận mãn tính.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ khó chịu nào về đường tiểu, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ.

Xốp tủy thận là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh xốp tủy thận 5
Hãy đến khám bác sĩ ngay khi nước tiểu của bạn thay đổi

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến xốp tủy thận

Các nhà khoa học không hiểu đầy đủ nguyên nhân gây ra xốp tủy thận hoặc tại sao u nang hình thành trong ống thận trong quá trình phát triển của thai nhi. Mặc dù xốp tủy thận có mặt khi sinh, nhưng nguyên nhân di truyền cũng chưa được chứng minh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh xốp tủy thận?

MSK được coi là một chứng rối loạn hiếm gặp. Xốp tủy thận ảnh hưởng đến mọi chủng tộc và vùng địa lý. Nguy cơ chính xác không được biết và phần lớn các trường hợp mắc bệnh không có tiền căn gia đình mắc bệnh lý này. Phụ nữ bị ảnh hưởng bởi MSK thường xuyên hơn nam giới.

Xốp tủy thận là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh xốp tủy thận 5
Phụ nữ bị ảnh hưởng bởi xốp tủy thận nhiều hơn nam giới

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh xốp tủy thận

Chưa ghi nhận các yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh xốp tủy thận.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xốp tủy thận

Các bác sĩ chẩn đoán xốp tủy thận dựa trên:

  • Tiền căn gia đình và bản thân;
  • Một bài kiểm tra thể chất;
  • Hình ảnh học và các xét nghiệm khác.

Tiền căn bản thân và gia đình

Lấy tiền sử bệnh của bản thân và gia đình có thể giúp chẩn đoán xốp tủy thận. Các bác sĩ sẽ nghi ngờ xốp tủy thận khi một người bị nhiễm trùng tiểu hoặc sỏi thận lặp đi lặp lại.

Khám sức khỏe

Không có dấu hiệu thực thể nào thường xuất hiện ở bệnh nhân bị xốp tủy thận, ngoại trừ có máu trong nước tiểu. Các bác sĩ thường xác nhận chẩn đoán xốp tủy thận bằng các hình ảnh học.

Hình ảnh học

Hình ảnh học là thuật ngữ y tế cho các cận lâm sàng khác nhau để xem xương, mô và các cơ quan bên trong cơ thể. Các bác sĩ thường chọn một hoặc nhiều hơn ba kỹ thuật hình ảnh để chẩn đoán thận xốp tủy:

  • Chụp X-quang tiết niệu bằng đường tĩnh mạch;
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT);
  • Siêu âm bụng;
  • X-quang bụng.

Chụp X quang tiết niệu bằng đường tĩnh mạch: Kỹ thuật viên chụp X-quang thực hiện quy trình này tại bệnh viện. Trong phương pháp chụp bể thận tĩnh mạch, các bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc nhuộm đặc biệt được gọi là chất cản quang vào tĩnh mạch. Chất cản quang đi khắp cơ thể đến thận. Thận bài tiết chất cản quang vào nước tiểu, làm cho nước tiểu có thể nhìn thấy trên tia X. Các nang niệu quản hay sỏi cũng sẽ được nhìn thấy rõ trên phim.

Chụp cắt lớp vi tính: Đối với chụp CT, chuyên gia y tế có thể cho bệnh nhân uống dung dịch và tiêm chất cản quang. Hình ảnh được hiển thị thành các lát cắt giúp nhìn thấy rõ các nang thận và các bất thường khác.

Siêu âm: Siêu âm sử dụng một thiết bị được gọi là đầu dò giúp phát đi và nhận lại các sóng đồng thời hiển thị hình ảnh thu được trên màn hình máy tính. Siêu âm có thể cho thấy sỏi thận và sự lắng đọng canxi trong thận.

Xốp tủy thận là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh xốp tủy thận 6
Hình ảnh học góp phần to lớn trong chẩn đoán xốp tủy thận

Sau khi chẩn đoán được xác nhận, bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi thận của bạn để biết những thay đổi trong nang thận hoặc dấu hiệu của sỏi thận tái phát và nhiễm trùng đường tiết niệu.

Phương pháp điều trị xốp tủy thận

Các nhà khoa học chưa phát hiện ra cách đảo ngược xốp tủy thận. Khi bác sĩ chắc chắn rằng một người có bệnh xốp tủy thận, việc điều trị sẽ tập trung vào:

  • Chữa UTI hiện có;
  • Loại bỏ sỏi thận.

Chữa nhiễm trùng đường tiết niệu hiện tại

Để điều trị UTI, các bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc gọi là kháng sinh diệt vi khuẩn. Việc lựa chọn thuốc và thời gian điều trị tùy thuộc vào tiền sử bệnh của người đó và loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Loại bỏ sỏi thận

Việc điều trị sỏi thận thường phụ thuộc vào kích thước và cấu tạo của chúng, cũng như liệu chúng có gây đau hoặc cản trở đường tiết niệu hay không. Sỏi thận có thể được điều trị bởi bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ tiết niệu.

Những viên sỏi nhỏ thường đi qua đường tiết niệu mà không cần điều trị. Tuy nhiên, người đó có thể cần dùng thuốc giảm đau và nên uống nhiều nước để giúp viên sỏi được thải ra ngoài dễ dàng hơn. Kiểm soát cơn đau bằng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch phụ thuộc vào mức độ đau của người mắc bệnh. Mọi người có thể cần truyền dịch nếu họ bị mất nước do nôn mửa hoặc không thể uống được.

Người có sỏi lớn hơn, hoặc sỏi chặn dòng nước tiểu và gây đau nhiều, có thể cần điều trị khẩn cấp hơn, chẳng hạn như:

  • Tán sỏi bằng sóng xung kích: Máy tán sỏi phá vỡ sỏi thận thành những mảnh nhỏ hơn để dễ dàng đi qua đường tiết niệu thông qua việc đi tiểu. Bệnh nhân có thể cần gây tê tại chỗ hoặc toàn thân.
  • Soi niệu quản: Máy soi niệu quản được sử dụng để tìm và lấy sỏi bằng một giỏ nhỏ hoặc phá vỡ sỏi bằng năng lượng lazer.
  • Tán sỏi thận qua da: Trong quy trình này, một dây mỏng, được gọi là máy soi thận, được sử dụng để xác định vị trí và loại bỏ sỏi. Một ống soi được đưa trực tiếp vào thận thông qua một vết rạch nhỏ ở lưng và tiến hành tán sỏi.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xốp tủy thận

Chế độ sinh hoạt: Sau khi được điều trị, bạn có thể được tư vấn về các cách ngăn ngừa sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu trong tương lai như đi khám sức khỏe định kỳ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu tốt hơn và nước tiểu loãng hơn có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi. Một người nên uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày.
  • Giảm lượng natri, chủ yếu là từ muối, có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận. Chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng bài tiết canxi vào nước tiểu và do đó làm tăng khả năng hình thành sỏi thận chứa canxi.
  • Thực phẩm giàu protein động vật làm tăng khả năng hình thành sỏi axit uric và sỏi canxi. Hạn chế thực phẩm giàu protein như thịt, trứng và cá có thể giúp bạn tránh sỏi thận.
  • Những người có nhiều khả năng phát triển sỏi canxi oxalat nên bổ sung 1.000 - 12000 miligam canxi trong chế độ ăn uống mỗi ngày. Canxi trong đường tiêu hóa liên kết với oxalat từ thức ăn và giữ cho nó không đi vào máu và đường tiết niệu nên không thể hình thành sỏi.
Xốp tủy thận là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh xốp tủy thận 7
Uống đủ nước mỗi ngày có lợi cho sức khỏe của bạn

Phương pháp phòng ngừa xốp tủy thận hiệu quả

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách ngăn ngừa tủy xốp thận. Tuy nhiên, các bác sĩ của bạn có thể đề nghị dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống để ngăn ngừa UTI và sỏi thận trong tương lai.

Nguồn tham khảo
  1. Medullary Sponge Kidney: https://www.msdmanuals.com/home/kidney-and-urinary-tract-disorders/cystic-kidney-disorders/medullary-sponge-kidney
  2. What is medullary sponge kidney?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/medullary-sponge-kidney
  3. Medullary Sponge Kidney: https://emedicine.medscape.com/article/242886-overview
  4. Medullary Sponge Kidney: https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/children/medullary-sponge-kidney
  5. Medullary Sponge Kidney: https://www.kidney.org/atoz/content/medullary-sponge-kidney

Các bệnh liên quan