Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tổn thương thận cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tổn thương thận cấp là sự suy giảm đột ngột độ lọc cầu thận và thường có thể hồi phục được. Điều này dẫn đến sự gia tăng nồng độ nitơ urê máu (BUN), creatinin và các chất thải khác thường được thận bài tiết. Ngoài ra, nếu lượng nước tiểu giảm có thể dẫn đến tình trạng ứ nước và quá tải thể tích tuần hoàn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tổn thương thận cấp là gì?

Tổn thương thận cấp (Acute kidney injury) là thuật ngữ gần đây đã thay thế thuật ngữ suy thận cấp (Acute kidney failure). Tổn thương thận cấp được định nghĩa là sự suy giảm đột ngột (trong vòng vài giờ) chức năng thận, bao gồm cả tổn thương về cấu trúc và suy giảm về chức năng. 

Đây là một hội chứng bệnh hiếm khi có sinh lý bệnh duy nhất và rõ ràng. Nhiều người bệnh tổn thương thận cấp có nhiều nguyên nhân kết hợp trong đó nhiễm trùng huyết, thiếu máu cục bộ và nhiễm độc thận thường cùng tồn tại và làm phức tạp việc nhận biết và điều trị. Điều cần thiết là các bác sĩ phải kịp thời phát hiện và xử trí hội chứng bệnh này.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tổn thương thận cấp

Người bệnh tổn thương thận cấp có thể có các triệu chứng sau:

  • Tiêu chảy;
  • Mất nước;
  • Đi tiểu ít hơn bình thường;
  • Lú lẫn;
  • Ăn không ngon;
  • Hụt hơi;
  • Ngứa;
  • Đau bụng và đau lưng;
  • Sốt;
  • Buồn ngủ hoặc mệt mỏi.

Tổn thương thận cấp có ảnh hưởng lên toàn bộ cơ thể, thay đổi cách cơ thể chuyển hoá một số loại thuốc và có thể làm cho bệnh nền đang có trở nên nặng hơn.

Tổn thương thận cấp khác với bệnh thận mạn, bệnh thận mạn là khi thận suy giảm chức năng trong một thời gian dài.

Tổn thương thận cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa tổn thương thận cấp 4.png
Đi tiểu ít có thể là triệu chứng của tổn thương thận cấp

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị ngay lập tức khi bạn có dấu hiệu hoặc triệu chứng của tổn thương thận cấp nêu trên.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tổn thương thận cấp

Nguyên nhân của tổn thương thận cấp có thể do:

  • Bạn có tình trạng khiến lưu lượng máu đến thận giảm;
  • Bạn bị tổn thương trực tiếp tại thận;
  • Hệ tiết niệu bị tắc nghẽn và chất thải không được bài xuất ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Giảm lượng máu đến thận

Các bệnh và tình trạng có thể làm giảm lượng máu đến thận và dẫn đến tổn thương thận cấp bao gồm:

  • Mất máu hoặc dịch;
  • Thuốc hạ huyết áp;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Bệnh tim;
  • Nhiễm trùng;
  • Suy gan;
  • Sử dụng aspirin, ibuprofen, naproxen natri hoặc các loại thuốc liên quan;
  • Phản ứng dị ứng nặng như sốc phản vệ;
  • Bỏng nặng;
  • Mất nước nghiêm trọng.

Tổn thương tại thận

Những bệnh, tình trạng và tác nhân tại thận sau đây có thể gây tổn thương thận cấp:

  • Cục máu đông (huyết khối) trong tĩnh mạch và động mạch thận;
  • Xơ vữa mạch máu làm tắc nghẽn dòng máu đến thận;
  • Viêm cầu thận;
  • Hội chứng tán huyết urê huyết cao (Hemolytic uremic syndrome), là một tình trạng hồng cầu bị phá hủy sớm do urê huyết tăng cao;
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như virus gây bệnh Covid-19;
  • Lupus, một bệnh rối loạn hệ thống miễn dịch có thể gây viêm cầu thận;
  • Các loại thuốc, chẳng hạn như một số loại thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh và thuốc cản quang;
  • Xơ cứng bì, là một nhóm bệnh hiếm gặp gây ảnh hưởng đến da và các mô liên kết;
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu, một bệnh rối loạn về máu hiếm gặp;
  • Các độc chất như rượu, kim loại nặng và cocaine;
  • Phá vỡ mô cơ (tiêu cơ vân) dẫn đến tổn thương thận do độc tố từ sự phá hủy mô cơ;
  • Sự phá vỡ các tế bào khối u (hội chứng ly giải khối u), dẫn đến giải phóng độc tố có thể gây tổn thương thận.

Tắc nghẽn hệ tiết niệu (sau thận)

Các bệnh và tình trạng làm ngăn chặn đường nước tiểu thoát ra khỏi cơ thể (tắc nghẽn hệ tiết niệu) và có thể dẫn đến tổn thương thận cấp bao gồm:

  • Ung thư bàng quang;
  • Cục máu đông gây tắc nghẽn đường tiết niệu;
  • Ung thư cổ tử cung;
  • Ung thư đại tràng;
  • Phì đại tuyến tiền liệt;
  • Sỏi thận;
  • Tổn thương thần kinh kiểm soát bàng quang;
  • Ung thư tuyến tiền liệt.
Tổn thương thận cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa tổn thương thận cấp 5.png
Thuốc là một trong những nguyên nhân thường gặp gây tổn thương thận cấp

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tổn thương thận cấp?

Bạn có nhiều khả năng mắc tổn thương thận cấp nếu:

  • Bạn từ 65 tuổi trở lên.
  • Bạn đã có vấn đề về thận, chẳng hạn như bệnh thận mạn.
  • Bạn mắc một số bệnh mạn tính như suy tim, bệnh gan hoặc đái tháo đường;
  • Bạn bị mất nước quá nhiều hoặc lượng nước uống (ăn) vào cơ thể bị thiếu.
  • Bạn bị tắc nghẽn đường tiết niệu (hoặc có nguy cơ mắc bệnh này).
  • Bạn bị nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng huyết.
  • Bạn đang dùng một số loại thuốc, bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen; hoặc thuốc huyết áp như thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể, thuốc lợi tiểu.
  • Bạn dùng thuốc nhóm aminoglycoside, đây là một loại kháng sinh thường chỉ được dùng trong bệnh viện.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tổn thương thận cấp

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận cấp bao gồm:

  • Bệnh lý khiến bạn phải nhập viện, đặc biệt là trong tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt;
  • Tuổi cao;
  • Tắc nghẽn mạch máu ở tay hoặc chân (bệnh động mạch ngoại biên);
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Tăng huyết áp;
  • Suy tim;
  • Bệnh thận;
  • Bệnh gan;
  • Một số bệnh ung thư và phương pháp điều trị.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm tổn thương thận cấp

Nếu các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý rằng bạn bị tổn thương thận cấp, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm và thủ thuật để xác định chẩn đoán. Chúng có thể bao gồm:

  • Đo lượng nước tiểu: Theo dõi lượng nước tiểu trong 24 giờ có thể giúp bác sĩ xác định chẩn đoán.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu của bạn có thể tiết lộ những bất thường gợi ý tổn thương thận cấp.
  • Xét nghiệm máu: Mẫu máu của bạn có thể cho thấy nồng độ urê và creatinin tăng nhanh, hai chất này được dùng để ước đoán chức năng thận.
  • Hình ảnh học: Các chẩn đoán hình ảnh học như siêu âm và chụp cắt lớp vi tính có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán và gợi ý nguyên nhân gây tổn thương thận cấp.
  • Sinh thiết thận: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết thận để lấy một mẫu nhỏ mô thận làm xét nghiệm.
Tổn thương thận cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa tổn thương thận cấp 6.png
Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp chẩn đoán tổn thương thận cấp

Điều trị tổn thương thận cấp

Điều trị tổn thương thận cấp thường phải nằm viện. Hầu hết những người bị tổn thương thận cấp đều phải nhập viện. Bạn sẽ ở lại bệnh viện bao lâu tùy thuộc vào nguyên nhân và thận của bạn hồi phục như thế nào.

Trong một số trường hợp, bạn có thể được theo dõi tại nhà.

Điều trị nguyên nhân cơ bản gây tổn thương thận

Điều trị tổn thương thận cấp bao gồm việc xác định nguyên nhân khiến thận của bạn bị tổn thương. Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tổn thương thận cấp.

Điều trị các biến chứng cho đến khi thận hồi phục

Bác sĩ sẽ ngăn ngừa các biến chứng và giúp thận của bạn có thời gian hồi phục. Các phương pháp điều trị giúp ngăn ngừa biến chứng bao gồm:

  • Cân bằng lượng dịch trong cơ thể: Nếu tổn thương thận cấp là do thiếu dịch, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung dịch qua đường tĩnh mạch. Trong một số trường hợp khác, tổn thương thận cấp khiến cơ thể bạn ứ đọng quá nhiều dịch dẫn đến phù tứ chi. Trường hợp này, bác sĩ có thể dùng thuốc (lợi tiểu) để cơ thể đào thải dịch.
  • Thuốc kiểm soát kali máu: Nếu thận không lọc kali từ máu đúng cách, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để ngăn ngừa nồng độ kali trong máu tăng cao quá mức. Nồng độ kali máu tăng cao có thể gây ra rối loạn nhịp nguy hiểm tính mạng và yếu cơ.
  • Lọc máu: Nếu chất độc tích tụ trong máu, bạn có thể cần chạy thận nhân tạo tạm thời, thường được gọi đơn giản là lọc máu, để giúp loại bỏ độc chất và lượng dịch dư thừa ra khỏi cơ thể trong lúc chờ thận phục hồi. Lọc máu cũng có thể giúp loại bỏ lượng kali dư ​​thừa ra khỏi cơ thể.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tổn thương thận cấp

Chế độ sinh hoạt:

  • Kiểm soát huyết áp: Điều trị tăng huyết áp có thể được thực hiện để giảm gánh nặng trên thận. Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và liều lượng phù hợp để hạ huyết áp.
  • Theo dõi chức năng thận: Bạn sẽ được theo dõi chức năng thận thông qua các xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ. Điều này giúp bác sĩ theo dõi sự tiến triển và điều chỉnh liệu trình điều trị.
  • Hạn chế thuốc gây hại cho thận: Tránh sử dụng các loại thuốc có thể gây hại cho chức năng thận, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và một số loại kháng sinh.
  • Tuân thủ đúng liệu trình điều trị: Tuân thủ đúng tất cả các chỉ định của bác sĩ điều trị để đảm bảo điều trị hiệu quả và giảm nguy cơ biến chứng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chọn thực phẩm có lượng kali thấp: Bác sĩ có thể khuyên bạn nên chọn thực phẩm có lượng kali thấp. Thực phẩm giàu kali bao gồm chuối, cam, khoai tây, rau bina và cà chua. Ví dụ về thực phẩm có hàm lượng kali thấp bao gồm táo, súp lơ, ớt, nho và dâu tây.
  • Tránh các sản phẩm có nhiều muối: Giảm lượng natri bạn ăn vào mỗi ngày bằng cách tránh các sản phẩm có thêm muối, bao gồm nhiều loại thực phẩm tiện lợi, chẳng hạn như đồ đông lạnh, súp đóng hộp và thức ăn nhanh. Các loại thực phẩm khác có thêm muối bao gồm đồ ăn nhẹ có vị mặn, rau đóng hộp, thịt và pho mát chế biến sẵn.
  • Theo dõi lượng nước xuất nhập: Theo dõi lượng nước bao gồm nước uống, nước canh, cháo, súp,… mà bạn ăn hoặc uống vào cơ thể, và lượng nước tiểu, mồ hôi bạn thải ra mỗi ngày. Nếu có sự chênh lệch quá lớn giữa lượng nước xuất nhập này thì bạn nên báo cho bác sĩ điều trị của mình.
  • Khi thận hồi phục, bạn có thể không cần phải ăn một chế độ ăn đặc biệt nữa. Dù vậy việc có chế độ ăn uống lành mạnh vẫn rất quan trọng.

Phòng ngừa tổn thương thận cấp

Tổn thương thận cấp thường khó dự đoán trước hoặc phòng ngừa. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách chăm sóc thận của mình. Bạn nên:

  • Hãy chú ý đến nhãn khi dùng các loại thuốc giảm đau. Làm theo hướng dẫn đối với thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như aspirin, acetaminophen, ibuprofen và naproxen natri. Dùng quá nhiều các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận. Đặc biệt nếu bạn đã có bệnh nền là bệnh thận, đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
  • Tư vấn với bác sĩ của bạn để quản lý bệnh thận và các bệnh mạn tính khác. Nếu bạn mắc bệnh thận hoặc một tình trạng khác làm tăng nguy cơ tổn thương thận cấp, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp, hãy theo dõi mục tiêu điều trị và làm theo khuyến cáo của bác sĩ để kiểm soát tình trạng của bạn.
  • Ưu tiên lối sống lành mạnh. Hãy năng động; ăn uống hợp lý, cân bằng; và chỉ uống rượu có kiểm soát (nếu có).
Tổn thương thận cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa tổn thương thận cấp 7.png
Kiểm soát bệnh đái tháo đường giúp phòng ngừa tổn thương thận cấp

Các câu hỏi thường gặp về tổn thương thận cấp

Thận có thể phục hồi sau khi bị tổn thương thận cấp?

Đúng. Nếu được điều trị sớm, tổn thương thận cấp có thể phục hồi. Điều trị bao gồm tìm ra và ngăn chặn nguyên nhân; ngăn ngừa các biến chứng trong khi chờ thận phục hồi.

Người bệnh tổn thương thận cấp có thể sống được bao lâu?

Chức năng thận có thể trở lại bình thường nếu tổn thương thận cấp được điều trị kịp thời. Tổn thương thận cấp có thể dẫn đến bệnh thận mạn nếu nó gây tổn thương thận nghiêm trọng. Bệnh thận mạn có thể gây suy thận và giảm tuổi thọ, có thể dao động từ trung bình 5 - 10 năm khi điều trị thay thế thận, đến 8 - 20 năm sau khi ghép thận (tùy thuộc vào việc thận được nhận từ người hiến tặng còn sống hay đã chết).

Mất bao lâu để tổn thương thận cấp tiến triển?

Tổn thương thận cấp có thể diễn tiến trong vòng một vài ngày.

Tổn thương thận cấp và bệnh thận mạn có giống nhau không?

Trong khi tổn thương thận cấp xảy ra đột ngột, thì sự suy giảm chức năng thận xảy ra trong thời gian dài hơn được gọi là bệnh thận mạn (Chronic kidney disease). Nguyên nhân thường gặp của bệnh thận mạn là các tình trạng bệnh nền kéo dài, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.

Các triệu chứng mà bạn có hoặc không có sẽ giúp bác sĩ xác định bạn có thể mắc loại bệnh thận nào. Tổn thương thận cấp liên quan đến sự suy giảm đột ngột chức năng của thận và có thể được đảo ngược. Mặt khác, các triệu chứng của bệnh thận mạn có thể không xuất hiện cho đến khi thận bị suy giảm rất nhiều về chức năng và bệnh có thể tồn tại vĩnh viễn.

Biến chứng có thể gặp khi tổn thương thận cấp là gì?

Các biến chứng của tổn thương thận cấp bao gồm:

  • Quá tải dịch: Tổn thương thận cấp có thể dẫn đến sự tích tụ dịch trong phổi dẫn đến khó thở.
  • Đau ngực: Nếu màng ngoài tim bị viêm, bạn có thể bị đau ngực.
  • Yếu cơ: Khi rối loạn cân bằng dịch và các chất điện giải trong cơ thể có thể dẫn đến yếu cơ.
  • Tổn thương thận vĩnh viễn: Đôi khi, tổn thương thận cấp gây mất chức năng thận vĩnh viễn hoặc bệnh thận giai đoạn cuối. Những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối cần phải điều trị thay thế thận hoặc ghép thận.
  • Tử vong: Tổn thương thận cấp có thể dẫn đến mất chức năng thận và cuối cùng là tử vong.
Nguồn tham khảo
  1. Acute Kidney Injury: Definition, Pathophysiology and Clinical Phenotypes:https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5198510/
  2. Acute kidney failure: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/kidney-failure/symptoms-causes/syc-20369048
  3. Overview of the management of acute kidney injury (AKI) in adults:https://www.uptodate.com/contents/overview-of-the-management-of-acute-kidney-injury-aki-in-adults
  4. Acute kidney injury: https://www.nhs.uk/conditions/acute-kidney-injury/
  5. Acute Kidney Failure: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-acute-kidney-failure

Các bệnh liên quan

  1. Ghép thận

  2. Bệnh thận đái tháo đường

  3. Nang niệu quản

  4. Cơn đau quặn thận

  5. Hội chứng viêm cầu thận

  6. Toan hóa ống thận

  7. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính

  8. Tăng acid uric máu

  9. Hội chứng thận hư

  10. Đau thận