Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

3 loại cây mọc dại ở Việt Nam nhưng ra nước ngoài lại thành "thần dược" đắt giá

Ngày 14/09/2023
Kích thước chữ

Dưới đây là một số loại rau được cả thế giới ca tụng xem như “siêu thực phẩm” có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe, trong khi ở Việt Nam ta lại mọc um tùm như cỏ dại nhưng ít ai để ý đến. Cùng điểm qua nhé!

Những loại rau mọc tự nhiên ở ao hồ hay đồng cỏ trên khắp các vùng quê ở Việt Nam, nhưng được thế giới săn lùng và xem như thần dược “đắt giá” tốt hơn cả nhân sâm. Vậy cụ thể những loại cây này là gì? Hãy cùng xem ngay bài viết chia sẻ dưới đây nhé!

Rau sam: Loại rau “trường thọ”

Rau sam, còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như mã xỉ thái hay rau răng ngựa trường thọ thái. Đây là loài cây sống một năm, thân mọng nước và hay mọc hoang dại trên khắp các đồng cỏ. Mặc dù ở Việt Nam, rau sam là loại rau mọc dại ít được chú ý đến, nhưng tại các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu và Châu Mỹ, loại rau này lại được sử dụng rộng rãi, không chỉ trong ẩm thực mà còn trong lĩnh vực y học.

Chẳng hạn như, người Pháp dùng rau sam để chế biến món ăn, người Mỹ dùng rau sam để trộn với giấm làm salad. Còn ở Trung Quốc, rau sam được hái tươi, sơ chế và đem đi sấy hoặc phơi khô để làm thuốc. Người Trung Hoa xưa còn ví rau sam như một loại rau "trường thọ".

3 loại cây mọc dại ở Việt Nam nhưng ra nước ngoài lại thành "thần dược" đắt giá 4
Rau sam có tác dụng dưỡng sinh, hỗ trợ chữa trị ung nhọt và bệnh tim mạch

Rau sam cũng có giá trị dinh dưỡng và tác dụng trong lĩnh vực y học. Theo một nghiên cứu ở Đài Loan đã cho thấy rằng, trong rau sam chứa axit hữu cơ, kali nitrat và các loại muối kali khác. Ngoài ra, loài rau này còn chứa muối kali oxalat, có tác dụng thông tiểu và giải độc hiệu quả. Người Trung Quốc đã sử dụng rau sam như một dược liệu trong bài thuốc chữa bệnh cước thuỷ thũng, tiểu tiện khó khăn.

Các nhà Dược học Pháp đã phát hiện axit béo không no Omega-3 trong rau sam, chất này có tác dụng tăng cường chuyển hóa, bài tiết chất béo trong đường ruột và điều hòa mỡ máu. Do đó, việc ăn rau sam sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất định với sức khỏe, đặc biệt là giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Trong Y học Trung Quốc, rau sam có tính lạnh, vị chua, không độc và giàu giá trị dinh dưỡng. Thường được dùng để đắp ngoài da để trị mụn nhọt, sưng tấy và herpes zoster. Với những giá trị dinh dưỡng kể trên, rau sam thực sự là một loại "rau trường thọ". Không chỉ có tác dụng dưỡng sinh mà còn hỗ trợ chữa trị ung nhọt và bệnh tim mạch.

Rau càng cua: Loại rau mọc dại nhưng tốt hơn cả nhân sâm

Rau càng cua, một loại rau mọc dại thường xuất hiện ở những vùng có khí hậu nhiệt đới. Từng có một thời gian, rau càng cua bị coi là loài cỏ mọc dại ở Việt Nam. Nhưng hiện tại, loại rau này đang dần được cả thế giới công nhận giá trị mà nó mang lại. Đặc biệt ở Nhật Bản, rau càng cua được săn lùng và bán với giá cực "đắt đỏ".

Rau càng cua chứa đến 92% thành phần là nước và 8% còn lại là các vitamin và khoáng chất. Trong Đông y, rau càng cua có vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, bổ âm huyết, giải độc, chỉ thống, thông ứ và lợi tiểu. Nhờ vậy, loại rau này được sử dụng như một dược liệu trong các bài thuốc trị bệnh.

Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng, rau càng cua chứa các hợp chất có khả năng ức chế sự phát triển của một số loại tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Điều này cho thấy rằng, rau càng cua rất có tiềm năng để trong việc phát triển thành thuốc trị ung thư.

3 loại cây mọc dại ở Việt Nam nhưng ra nước ngoài lại thành "thần dược" đắt giá 1
Rau càng cua có tác dụng thanh nhiệt, bổ huyết, giải độc, thông ứ và lợi tiểu

Ngoài ra, rau càng cua còn giúp thu gom và loại bỏ các gốc tự do có hại cho cơ thể . Ngoài ra, loại rau này còn chứa beta caroten, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp ngăn chặn quá trình lão hóa tế bào.

Hơn nữa, rau càng cua còn được sử dụng làm thảo dược để điều trị các bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh ghẻ lở. Cách sử dụng đơn giản là giã nát rau, vắt lấy nước và thêm chút muối rồi dùng chấm vào vết thương hàng ngày để thấy hiệu quả.

Cây lục bình

Lục bình hay bèo tây là loài thực vật thủy sinh, thân thảo và thường mọc dày đặc trong ao hồ, kênh rạch trên khắp vùng miền tại Việt Nam. Phần lớn lục bình được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc như vịt, gà và lợn.

Ở Nhật Bản, lục bình lại được rao bán với mức giá  khoảng 20.000 đồng cho một nhánh nhỏ. Người dân thường mua lục bình này từ siêu thị và sử dụng để chế biến thành các món ăn, làm gỏi hoặc thậm chí để làm thuốc chữa bệnh.

Theo Bác sĩ Lê Thị Thảo Quyên - Chuyên khoa Y học cổ truyền cho biết, hoa lục bình có tác dụng chữa sưng tấy, sơ phong, lợi niệu, giải độc và giảm viêm, bao gồm viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết, sưng nách...

3 loại cây mọc dại ở Việt Nam nhưng ra nước ngoài lại thành "thần dược" đắt giá 2
Cây lục bình có công dụng tiêu viêm và giải độc da hiệu quả

Phần thân và lá lục bình có tác dụng tiêu viêm, giải độc da. Đồng thời, hỗ trợ điều trị ung nhọt và làm giảm sưng hiệu quả. Một nghiên cứu  của El-Shemy và các cộng sự đã chỉ ra rằng, chiết xuất từ cây lục bình có khả năng kháng khuẩn, có thể ức chế sự tiến triển của cả vi khuẩn gram âm và gram dương.

Mặc dù lục bình mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe những cần có sự cẩn trọng khi sử dụng. Không nên hái lục bình từ những khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm, bởi lục bình có khả năng hấp thu các kim loại nặng và các chất độc trong nước, gây nguy cơ cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều lục bình chứa các chất này.

Hy vọng những thông tin chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích và biết được lợi ích của 3 loại rau mọc dại tại Việt Nam. Từ đó, có thể tận dụng tối đa công dụng của chúng nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin