Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

5 nhóm người cần đặc biệt lưu ý khi chạy bộ

Ngày 09/07/2024
Kích thước chữ

Chạy bộ là một hoạt động thể chất đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải ai cũng phù hợp để tập luyện bằng cách này. Một số nhóm người cần đặc biệt cẩn thận khi chạy bộ vì có thể gặp phải những hậu quả không mong muốn. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu đề cập đến những nhóm người đặc biệt chú ý khi chạy bộ, mời bạn đọc theo dõi.

Chạy bộ là một hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, tinh thần cho mọi người. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi thực hiện, có một số nhóm người cần lưu ý đặc biệt khi tham gia hoạt động này. Đó là:

Người béo phì chạy bộ

Chạy bộ được biết đến như một phương pháp giảm cân hiệu quả, thu hút nhiều người thừa cân lựa chọn để bắt đầu hành trình giảm mỡ của mình. Tuy nhiên, trái với quan niệm phổ biến, các chuyên gia y tế lại khuyến cáo người béo phì nên cẩn trọng khi thực hiện bài tập này.

Lý do chính nằm ở áp lực lớn mà đôi chân người béo phì phải gánh chịu trong quá trình chạy. So với người bình thường, trọng lượng cơ thể lớn hơn sẽ tạo áp lực dồn nén lên các khớp, đặc biệt là khớp gối, dẫn đến nguy cơ tổn thương và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.

Do đó, thay vì lao vào chạy bộ ngay lập tức, người béo phì cần khởi đầu một cách từ từ và khoa học. Hãy bắt đầu với cường độ thấp, quãng đường ngắn và tăng dần theo thời gian. Việc kết hợp đa dạng các bài tập thể dục khác như bơi lội, đạp xe hay yoga cũng sẽ giúp giảm thiểu áp lực lên khớp gối, đồng thời mang lại hiệu quả giảm cân tốt hơn.

5 nhóm người cần đặc biệt lưu ý khi chạy bộ 1
Người béo phì cần chú ý khi chạy bộ ở cường độ cao

Người mắc bệnh tim mạch

Mặc dù tập luyện thể dục nhẹ nhàng thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch, chạy bộ lại tiềm ẩn nguy cơ khiến nhịp tim và huyết áp tăng cao đột ngột, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người mắc bệnh tim mạch.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, 3 nhóm người bệnh tim mạch có các triệu chứng sau đây tuyệt đối không nên chạy bộ:

  • Nhóm 1: Những người từng trải qua cơn đau tức tim trong vòng hai tháng gần đây.
  • Nhóm 2: Những người cảm thấy tức ngực, khó thở ngay cả khi chỉ thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như làm việc nhà hoặc lên cầu thang.
  • Nhóm 3: Những người từng có tiền sử đau tức tim trong vòng hai tháng trở lại.

Ngoài ra, việc tập luyện quá sức hoặc tăng cường độ tập luyện đột ngột cũng có thể dẫn đến các biến cố tim mạch nguy hiểm cho bất kỳ ai, kể cả người bình thường.

5 nhóm người cần đặc biệt lưu ý khi chạy bộ 2
Chạy bộ có thể khiến nhịp tim tăng cao ảnh hưởng đến người mắc bệnh tim mạch

Người đang chấn thương

Chạy bộ tiềm ẩn nguy cơ gia tăng áp lực lên hệ thống xương khớp, đặc biệt đối với những người có tiền sử chấn thương hoặc mắc một số bệnh lý liên quan.

Đối với người có tiền sử chấn thương khớp gối, việc chạy bộ có thể khiến chấn thương trở lại. Chính vì vậy, lựa chọn các bài tập ít tác động đến khớp gối như đi bộ, yoga, bơi lội,... để cải thiện sức khỏe và thể chất mà không gây nguy hiểm cho khớp.

Người mắc một số bệnh về xương khớp

Hoạt động chạy bộ có thể làm gia tăng áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng thắt lưng, dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm trở nên nặng hơn. Do đó, những người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm nói riêng và bệnh xương khớp nói chung cần tránh chạy bộ hoặc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn chạy bộ ở cường độ thấp.

5 nhóm người cần đặc biệt lưu ý khi chạy bộ 3
Người mắc bệnh về xương khớp nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi chạy bộ

Người cao tuổi

Chạy bộ được xem là môn thể thao phổ biến phù hợp với nhiều lứa tuổi, tuy nhiên, chạy bộ với cường độ cao lại tiềm ẩn nguy cơ không tốt cho sức khỏe người cao tuổi.

Lý do nằm ở việc hệ cơ bắp và dây chằng của người lớn tuổi theo thời gian sẽ trở nên lão hóa, kém đàn hồi hơn. Việc chạy bộ cường độ cao có thể gây tổn thương cho các cơ bắp và dây chằng vốn đã chai cứng và yếu ớt, dẫn đến ảnh hưởng xấu đến khớp và xương chân, thậm chí dẫn đến các bệnh lý về xương khớp.

Do đó, thay vì chạy bộ, người cao tuổi nên lựa chọn đi bộ như một hình thức vận động an toàn và phù hợp hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý thời gian đi bộ tối đa chỉ nên 30 - 45 phút mỗi ngày và luôn thực hiện khởi động kỹ lưỡng trong 5 - 10 phút để làm nóng các khớp trước khi bắt đầu đi bộ.

5 nhóm người cần đặc biệt lưu ý khi chạy bộ 4
Thay vì chạy bộ, người cao tuổi nên đi bộ nhẹ nhàng

Chạy bộ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, 5 nhóm người cần đặc biệt lưu ý khi chạy bộ được đề cập trong bài viết này nên cẩn trọng hơn trong quá trình tập luyện. Hãy luôn lắng nghe cơ thể, khởi động kỹ, tập luyện từ từ và điều chỉnh cường độ phù hợp để tránh những tổn thương không đáng có.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin