60 tuổi có nên chạy bộ hàng ngày không? Những lưu ý khi chạy bộ dành cho người cao tuổi
Ngày 30/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Chạy bộ là bài tập rèn luyện sức khỏe đơn giản và quen thuộc đối với chúng ta, tuy nhiên nhiều người không khỏi thắc mắc liệu người ở độ tuổi 60 tuổi có nên chạy bộ hàng ngày không? Việc duy trì thói quen chạy bộ ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của bạn, vậy liệu người cao tuổi chạy bộ nhiều có tốt không?
Người cao tuổi ở độ tuổi 60 tuổi có nên chạy bộ không là câu hỏi của rất nhiều người. Bởi tuy chạy bộ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần, nhưng nhiều người lo lắng người cao tuổi chạy bộ nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Vậy liệu người cao tuổi có nên chạy bộ hàng ngày không và họ cần lưu ý những điều gì để đảm bảo sức khỏe trong quá trình tập luyện?
Người 60 tuổi có nên chạy bộ hàng ngày không?
Theo Đại học Y Khoa Thể Thao Hoa Kỳ, trong một báo cáo về sự lão hóa và các thành tích thể thao, các chuyên gia cho rằng thời gian có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của cơ thể. Cơ thể con người bắt đầu yếu hơn, sức khỏe giảm dần, chất béo tăng, mật độ xương giảm và cơ thể giảm thanh thải axit lactic theo thời gian.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng sự linh động của cơ thể sẽ bắt đầu giảm sau tuổi 40 và giảm nhanh hơn sau mỗi thập kỷ trôi qua. Theo nghiên cứu từ tổ chức World Masters Athletics, các vận động viên có xu hướng chạy chậm hơn 7% qua từng thập kỷ khi họ bước vào độ tuổi trung niên. Vậy người 60 tuổi có nên chạy bộ hay không?
Tuy cơ thể có thể giảm sự linh hoạt theo thời gian, những việc tham gia các hoạt động rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên cũng là một cách hiệu quả để giữ gìn sức khỏe và ngăn ngừa một số loại bệnh liên quan đến lão hóa. Việc chạy bộ thường xuyên cũng giúp cơ thể thích ứng với việc rèn luyện sức bền, tuy nhiên những người cao tuổi nên chạy bộ với cường độ phù hợp với tình trạng của bản thân.
Những lưu ý khi chạy bộ dành cho người cao tuổi
Câu trả lời cho câu hỏi người 60 tuổi có nên chạy bộ không là có. Tuy nhiên, người cao tuổi tham gia rèn luyện sức khỏe cũng cần lưu ý một số điều như sau để đảm bảo an toàn cho cơ thể và sức khỏe trong quá trình tập luyện:
Chú ý tư thế chạy bộ
Người cao tuổi nên chú ý đến tư thế chạy bộ của mình để không làm ảnh hưởng đến xương khớp trong quá trình chạy bộ. Người mới bắt đầu nên tham khảo cách chạy của người có kinh nghiệm trước khi bắt đầu chạy bộ. Tư thế cơ bản khi chạy bộ là hông và lưng giữ thẳng, vai rộng và mắt nhìn thẳng về phía trước, đặt giữa bàn chân trên mặt đất. Để tránh chấn thương khi chạy, bạn nên chạy bước nhỏ thay vì bước lớn.
Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Người chạy bộ nói chung và người cao tuổi nói riêng không nên chạy bộ quá thường xuyên mà nên có khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Người cao tuổi chỉ nên chạy 3 - 4 buổi/tuần và mỗi lần chạy chỉ nên khoảng 5 - 10 phút. Sau khi hoàn thành chạy bộ, bạn cần thực hiện các bài tập giãn cơ và massage cơ bắp, thêm vào đó bạn cũng nên bổ sung thêm dinh dưỡng cho cơ thể. Giấc ngủ cũng được xem là rất quan trọng để phục hồi các cơ bị tổn thương trong quá trình tập luyện.
Tập luyện các bộ môn hỗ trợ
Để tập luyện sức bền và sự linh hoạt để bổ trợ cho hoạt động chạy bộ, bạn nên tập luyện các môn thể thao khác như yoga, bơi lội, đạp xe,... Các bài tập này giúp tăng cường các nhóm cơ ít được sử dụng trong quá trình chạy bộ, giúp hỗ trợ cải thiện sức khỏe toàn diện. Bạn nên cân nhắc và tập các bài tập này với cường độ nhẹ nhàng để cơ thể có thời gian hồi phục, bạn có thể tập luyện với huấn luyện viên cá nhân để đảm bảo tính an toàn trong quá trình tập luyện.
Nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi tập
Trước khi tham gia chạy bộ hoặc các môn thể thao khác, người cao tuổi cần phải đi khám sức khỏe tổng quát và tham khảo ý kiến từ bác sĩ. Với những trường hợp người mắc bệnh thừa cân, người có tiền sử bị bệnh xương khớp, tim mạch, nếu bạn muốn chạy bộ thì cần phải xin ý kiến chuyên gia về cường độ tập luyện phù hợp với trạng thái sức khỏe của bạn.
Cách chạy bộ tại nhà dành cho người cao tuổi
Người cao tuổi có thể luyện tập chạy bộ tại nhà với máy chạy bộ. Máy chạy bộ thường có 2 chế độ là chạy bộ và đi bộ, bạn nên điều chỉnh tốc độ và lựa chọn chế độ phù hợp với tình trạng thể chất của mình. Người lớn tuổi tập chạy bộ thường là để điều chỉnh các chức năng vận động và tăng tính linh hoạt của cơ thể, vài người có thể đặt mục tiêu là giảm cân. Do đó, bạn nên chọn những bài tập chạy bộ chậm và cường độ nhẹ nhàng, vừa phải.
Tập luyện với máy chạy bộ có thể sẽ dễ dàng hơn so với chạy bộ thông thường do máy sử dụng động cơ để điều khiển băng tải. Người tập có thể di chuyển theo tốc độ của băng tải để di chuyển nhanh hơn và tránh bị mỏi cơ khi tập luyện.
Hy vọng những thông tin bài viết trên cung cấp đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc người 60 tuổi có nên chạy bộ không và những điều cần chú ý khi chạy để đảm bảo sức khỏe. Kết hợp với một chế độ dinh dưỡng phù hợp và lành mạnh, đi bộ có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn rất nhiều, giúp bạn càng ngày càng khỏe mạnh!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.