Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Adrenaline là gì? Adrenaline có tác dụng gì đối với cơ thể con người?

Ngày 30/11/2023
Kích thước chữ

Adrenaline là một loại hormone rất quan trọng đối với cơ thể người, hầu hết mọi phản ứng xảy ra trong cơ thể sống đều có mặt của Adrenaline. Vậy hormone Adrenaline tiết ra từ đâu, có nhiệm vụ gì và cơ chế hoạt động ra sao? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết nhé.

Nhiều người đã từng nghe nói về hormone Adrenaline nhưng lại chưa thực sự hiểu về nó. Khi đối mặt với nguy hiểm, Adrenaline sẽ được sản sinh, kích hoạt các cơ chế và bản năng sinh tồn của cơ thể. Vì vậy, Adrenaline tồn tại trong nhiều loài động vật như một công cụ sinh tồn, trong đó có con người.

Adrenaline là gì?

Adrenaline, còn được gọi là Epinephrine, là một hormon do tuyến thượng thận tiết ra. Khi được giải phóng vào máu, Adrenaline đóng vai trò như một chất trung gian hóa học, truyền tải xung thần kinh tới các cơ quan trong cơ thể, giúp phản ứng nhanh trong tình huống căng thẳng hoặc nguy hiểm.

Adrenaline là gì? Tầm quan trọng của Adrenaline 0
Adrenaline là một loại hormone được tạo ra từ tuyến thượng thận và giải phóng vào máu

Adrenaline có hai loại là Adrenaline nội sinh và Adrenaline nhân tạo. Cấu tạo và tác dụng hóa học của cả hai loại đều tương tự nhau, chỉ khác là Adrenaline nội sinh được sinh ra trong cơ thể người, trong khi Adrenaline nhân tạo được tổng hợp và sản xuất thành một loại thuốc điều trị.

Adrenaline có tác dụng gì đối với cơ thể con người?

Phản ứng của hệ thần kinh giao cảm là một trong những cơ chế bảo vệ quan trọng của cơ thể. Khi cơ thể gặp tình trạng căng thẳng như sợ hãi, giận dữ hay hạnh phúc, thích thú khiến cho tim đập nhanh, Adrenaline sẽ được tuyến thượng thận giải phóng vào máu để chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm.

Cách thức hoạt động của Adrenaline

Quá trình này bắt đầu khi bạn đang trong tình huống nguy hiểm hoặc căng thẳng, Amygdala - vùng não đóng vai trò xử lý cảm xúc - nhận thấy nguy hiểm sẽ gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi - trung tâm chỉ huy của não. Vùng dưới đồi tiếp tục truyền tín hiệu qua hệ thống thần kinh giao cảm đến tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận sẽ phản ứng bằng cách giải phóng Adrenaline vào máu ngay khi nhận được tín hiệu.

Những điều này thường diễn ra tương đối nhanh chóng, chỉ trong vòng 2 đến 3 phút sau khi xuất hiện sự căng thẳng về tâm lý. Khi tình trạng căng thẳng kết thúc, xung thần kinh đến tuyến thượng thận hạ xuống, Adrenaline ngừng được tiết ra.

Adrenaline là gì? Tầm quan trọng của Adrenaline 2
Adrenaline hormone thường được giải phóng khi xuất hiện sự căng thẳng về tâm lý

Chức năng của Adrenaline

Khi hormone Adrenaline đi vào trong máu sẽ gây ra các tác động bên trong cơ thể như thực hiện thay đổi chuyển hóa hay thông báo cho các cơ quan để sẵn sàng phản ứng chống lại nguy hiểm. Những tác động này có các chức năng rất quan trọng đối với cơ thể sống. Adrenaline liên kết với các thụ thể Adrenergic thực hiện một số thay đổi chuyển hóa trong cơ thể, chẳng hạn như:

  • Ức chế sự bài tiết Insulin và thúc đẩy tiết Glucagon bởi tuyến tụy nội tiết.
  • Kích thích sự phá vỡ những Glycogen - phân tử đường lớn thành Glucose - một loại đường nhỏ hơn, dễ sử dụng hơn trong gan và trong cơ.
  • Những thay đổi chuyển hóa cùng với những thay đổi khác trong cơ thể làm tăng lượng đường huyết và nồng độ axit béo; kích thích quá trình sản xuất năng lượng trong tế bào.

Ngoài ra, Adrenaline kết hợp với hormon Noradrenaline (hay còn gọi là Norepinephrine) để phát huy các công dụng:

  • Kích thích điều chỉnh mở rộng đường hô hấp làm tăng lượng oxy cung cấp cho các mô não và mô cơ.
  • Ức chế các chức năng không cần thiết của cơ thể trong các trường hợp khẩn cấp, như trong cấp cứu sốc phản vệ.
  • Giảm nhu động của một số cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, đặc biệt là nhu động của dạ dày và ruột.
  • Khi hít thở nhanh làm huyết áp tăng lên, Adrenaline có vai trò giúp bơm máu nhiều hơn vào cơ thể.

Tóm lại, Adrenaline kích thích các cơ quan như tim, não, phổi và cơ làm việc mạnh mẽ hơn, trong khi các cơ quan tiêu tốn nhiều năng lượng như đường tiêu hóa, da và các chi được giữ chậm lại trong một khoảng thời gian. Với một hàm lượng nhỏ vừa đủ thì Adrenaline giúp cơ thể chúng ta phát sinh năng lượng để tập trung xử lý tình huống.

Các bệnh thường gặp về Adrenaline

Bên cạnh việc góp phần giải quyết các vấn đề căng thẳng tâm lý phát sinh đột ngột của cơ thể con người, Adrenaline có thể bị phản ngược lại nếu căng thẳng vượt quá mức và gây ra tình trạng tăng tiết. Mọi sự căng thẳng hoặc dâng trào cảm xúc đều có thể gây tăng tiết Adrenaline. Chẳng hạn như:

  • Đau buồn vì thất tình, mất mát người thân, mất việc làm,...
  • Sợ hãi, lo lắng quá nhiều.
  • Say mê, thích thú tột độ,…
  • Phản ứng với tiếng ồn lớn, ánh sáng mạnh, nhiệt độ quá cao/thấp…
  • Thói quen xem tivi, sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính trước lúc đi ngủ cũng góp thêm phần làm tăng tiết Adrenaline.
Adrenaline là gì? Tầm quan trọng của Adrenaline 3
Thói quen xem tivi trước lúc đi ngủ cũng góp thêm phần làm tăng tiết Adrenaline hormone

Các chuyên gia y tế cho rằng việc tăng tiết Adrenaline thường xuyên trong cơ thể sẽ gây ra một số hệ lụy nhất định. Trong đó điển hình như:

  • Tăng nhịp tim thường xuyên, về lâu dài sẽ dẫn đến tăng nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim.
  • Rối loạn khả năng dung nạp đường Glucose của cơ thể.
  • Suy tuyến thượng thận do phải làm việc liên tục trong thời gian dài để giải phóng Adrenaline.
  • Rối loạn quá trình chuyển hóa các chất như lipid, protein, glucid,… trong cơ thể người.
  • Hệ thần kinh thường xuyên ở trạng thái bị kích thích do sự tăng tiết Adrenaline nên dễ bị suy nhược thần kinh, đau đầu, mệt mỏi,…
  • Khó đi vào giấc ngủ hơn, có thể dẫn đến mất ngủ và hình thành các bệnh khác.
  • Sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng.

Một số vấn đề sức khỏe cần lưu ý

Adrenaline là một loại hormone quan trọng, được phóng thích với một lượng rất nhỏ, nồng độ đạt đỉnh cao vào buổi sáng và dần giảm trong ngày. Không có Adrenaline, huyết áp sẽ thấp và con người không thể hoạt động dễ dàng được. Tuy nhiên, sự tăng tiết quá mức Adrenaline có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch và làm suy giảm chức năng tim. Vì vậy, chúng ta cần giữ ổn định nồng độ Adrenaline trong cơ thể bằng một số lưu ý sau đây:

  • Học cách thư giãn, không để tâm trạng bị căng thẳng, lo lắng quá mức.
  • Thực hiện lối sống lành mạnh: Ăn uống đầy đủ chất, hạn chế sử dụng các chất kích thích; tập thể dục thể thao đều đặn; cân đối giữa thời gian làm việc, nghỉ ngơi và giải trí.
  • Hạn chế tiếng ồn quá lớn, không nên nghe nhạc, xem tivi với âm lượng lớn, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
  • Tập ngồi thiền, điều hòa hơi thở.
  • Suy nghĩ tích cực hơn đối với những điều trong cuộc sống.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Khi gặp trạng thái lo lắng, hồi hộp, bạn có thể đếm nhẩm từ là 1 – 100. Việc đếm nhẩm giúp bạn tập trung vào việc khác, giảm bớt trạng thái lo lắng, hạn chế khiến Adrenaline tăng vọt.
Adrenaline là gì? Tầm quan trọng của Adrenaline 4
Ngồi thiền, điều hòa nhịp thở để giữ ổn định nồng độ Adrenaline trong cơ thể

Trên đây là những thông tin về Adrenaline cũng như những tác dụng của Adrenaline đối với cơ thể con người. Hãy duy trì lối sống tích cực, giữ cảm xúc, tâm lý ổn định để cân bằng hormone Adrenaline trong cơ thể. Từ đó, sẽ giúp hạn chế tình trạng tăng tiết Adrenaline thường xuyên, duy trì sức khỏe tinh thần khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm