Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ăn không tiêu là bệnh gì? Bật mí các mẹo chữa ăn không tiêu

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ

Cuộc sống bận rộn khiến thời gian dành cho bữa ăn của nhiều người bị rút ngắn lại, điều này khiến không ít người trải qua cảm giác khó chịu do tiêu hóa không đúng cách. Nhưng liệu ăn không tiêu có phải là bệnh hay chỉ là tình trạng tạm thời mà chúng ta đang mắc phải?. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng tìm câu trả lời cho thắc mắc "Ăn không tiêu là bệnh gì?" ngay sau đây.

Ăn không tiêu thường không gây nguy hiểm cho tính mạng, nhưng nó làm rối loạn sinh hoạt hằng ngày và khiến người bệnh trở nên mệt mỏi. Nếu tình trạng ăn không tiêu tái diễn thường xuyên, đây có thể là triệu chứng của các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Việc bỏ qua chúng có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn trong tương lai nên bạn không nên xem nhẹ tình trạng này.

Nguyên nhân gây ăn không tiêu

Trước khi có được câu trả lời chính xác "Ăn không tiêu là bệnh gì?", chúng ta cần hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng khó chịu này. Ăn không tiêu có thể có nguồn gốc từ thói quen sinh hoạt không đúng cách hoặc các tình trạng bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa. Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp:

Do thói quen sinh hoạt và ăn uống

  • Ăn uống không đúng cách: Ăn nhanh, không nhai kỹ hoặc ăn trong khi nói chuyện, xem TV có thể nuốt nhiều không khí, làm chậm quá trình tiêu hóa. Hấp thụ quá nhiều chất béo cũng sẽ gây quá tải dạ dày, khiến việc tiêu hóa thức ăn gặp khó khăn.
  • Stress và căng thẳng: Tình trạng căng thẳng, stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa và dẫn đến ăn không tiêu.
  • Tác dụng phụ sau khi dùng thuốc: Lạm dụng thuốc giảm đau, kháng sinh có thể dẫn đến triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.
  • Rượu bia, thuốc lá: Thói quen sử dụng nhiều đồ uống có cồn như rượu, bia cũng như hút thuốc lá có thể gây rối loạn tiêu hóa và ăn không tiêu.
Ăn không tiêu là bệnh gì? Bật mí các mẹo chữa ăn không tiêu 2
Stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa

Do bệnh lý

  • Sỏi mật: Sỏi mật là chất rắn kết tinh trong túi mật. Khi bị sỏi mật, túi mật không thể tiết ra đủ chất cần thiết để tiêu hóa thức ăn trong ruột non, gây ra tình trạng ăn không tiêu.
  • Rối loạn đường ruột: Các bệnh như viêm đại tràng, bệnh Crohn, ung thư ruột kết thường đi kèm với triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, đau bụng và chướng bụng làm hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả dẫn đến ăn không tiêu.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Axit dạ dày có thể di chuyển lên ống thực quản, tạo ra cảm giác nóng rát, ợ nóng và khó tiêu.
  • Viêm loét dạ dày tá tràng: Sự sản xuất axit quá mức trong dạ dày có thể gây mòn lớp niêm mạc của dạ dày và tá tràng. Việc tiêu hóa thức ăn diễn ra khó khăn hơn, lâu tiêu hơn.
  • Không dung nạp lactose: Một số người không có khả năng tiêu hóa đường lactose nên bị ăn không tiêu sau khi sử dụng sữa và các chế phẩm làm từ sữa.

Ăn không tiêu là bệnh gì?

Ăn không tiêu là một thuật ngữ dùng để nói đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, khiến thức ăn trong dạ dày không được tiêu hóa đúng cách, gây ra triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn.

Ăn không tiêu đa phần được biết đến như một loại bệnh rối loạn tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên hiện tượng này cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm dạ dày, chứng không dung nạp lactose, căng thẳng thần kinh hay thậm chí là ung thư dạ dày. Vì vậy, khi tình trạng này kéo dài và không thuyên giảm, bạn cần thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác bệnh lý đang gặp phải.

Ăn không tiêu là bệnh gì? Bật mí các mẹo chữa ăn không tiêu 1
Thức ăn trong dạ dày không tiêu hóa đúng cách gây ăn không tiêu

Mẹo chữa bệnh ăn không tiêu ngay tại nhà

Bên cạnh "Ăn không tiêu là bệnh gì?" thì "khi ăn không tiêu nên làm gì?" cũng là câu hỏi được rất nhiều người tìm kiếm. Việc điều trị ăn không tiêu tại nhà sẽ tập trung vào việc cải thiện chức năng tiêu hóa và ổn định hệ tiêu hóa bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng.

  • Uống nhiều nước: Uống đủ nước giúp thanh lọc cơ thể và làm giảm nồng độ acid dạ dày, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ hơn.
  • Uống nước chanh pha với mật ong: Một ly nước ấm pha với nước chanh và mật ong có thể hỗ trợ cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Nước chanh giúp kích thích tiết acid dạ dày và mật ong có khả năng kháng viêm, giúp giảm tình trạng viêm nhiễm đường tiêu hóa.
  • Bổ sung trái cây và thực phẩm giàu chất xơ: Trái cây tươi và thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, lúa mạch, các loại quả khô có thể giúp kích thích quá trình tiêu hóa, thúc đẩy chu trình tiêu hóa của thức ăn trong đường ruột.
  • Hạn chế ăn thực phẩm quá nhiều dầu mỡ và gia vị cay nóng: Thực phẩm chứa quá nhiều dầu mỡ và gia vị cay nóng có thể gây tăng áp lực lên dạ dày và làm tăng nguy cơ ăn không tiêu.
  • Hạn chế hoặc tránh không hút thuốc và uống rượu bia: Thuốc lá và cồn có thể gây tác động tiêu cực lên hệ tiêu hóa, gây ra triệu chứng ăn không tiêu.

Những mẹo này thường được áp dụng cho những trường hợp nhẹ, không có triệu chứng nghiêm trọng hoặc các cơn đau cường độ cao kéo dài. Nếu tình trạng ăn không tiêu xuất hiện các biểu hiện nặng hoặc dai dẳng không khỏi, bạn nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

uong-nuoc-nhieu-co-tac-dung-gi.jfif
Uống nhiều nước để hỗ trợ chức năng tiêu hóa

Ăn không tiêu chủ yếu xuất phát từ thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ, một số ít là triệu chứng của các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa, nên hi vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn giải đáp "Ăn không tiêu là bệnh gì?". Tuy đa phần không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tình trạng này có thể gây khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Hãy chủ động chăm sóc cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh ngăn ngừa cũng như làm giảm các triệu chứng của tình trạng ăn không tiêu nhé.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin