Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ăn rươi có tốt không? Cách bảo quản và chế biến rươi an toàn

Ngày 22/08/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về tác dụng của rươi với sức khỏe. Có người cho rằng rươi rất giàu dinh dưỡng, rất tốt cho cơ thể, số khác lại cho rằng ăn rươi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây dị ứng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vậy rốt cuộc ăn rươi có tốt không?

Các món ăn chế biến từ rươi được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon, béo ngậy. Nhưng liệu ăn rươi có tốt không, việc ăn quá nhiều rươi có gây ảnh hưởng gì không? Hãy cùng tìm hiểu tác dụng của rươi với sức khỏe và những lưu ý cần nhớ bạn nhé!

Tác dụng của rươi với sức khỏe

Ngày nay, nhiều người biết đến rươi hơn, các món ăn chế biến từ rươi càng trở nên phổ biến. Rươi thực ra là một loài sinh vật thuộc họ giun, nhiều tơ, thân mềm, thân màu xanh, nâu hoặc đỏ. Con rươi thường xuất hiện vào dịp cuối thu, đầu đông ở vùng cửa biển. Thời điểm rươi nổi nhiều hơn vào ngày 20 tháng 9 và mùng 5 tháng 10 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, trên thực tế, ngày nay người ta có thể áp dụng nhiều cách thức để thu hoạch rươi đạt năng suất cao.

an-ruoi-co-tot-khong-1.jpg
Rươi được xem là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng

Vậy ăn rươi có tác dụng gì với sức khỏe? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ước tính cứ 100g rươi cung cấp cho cơ thể 92 calo. Nếu ăn rươi đúng cách, cơ thể chúng ta sẽ nhận được những lợi ích tuyệt vời như sau:

  • Cung cấp khoáng chất cho cơ thể: Trong rươi chứa hàm lượng sắt, kẽm, photpho, canxi, kali,… dồi dào nên bổ sung rất tốt cho cơ thể. Ngoài ra, chất béo, chất đạm, chất xơ trong rươi cũng giúp nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Kích thích việc cấu tạo các mô tế bào: Rươi được chứng minh là chứa nguồn lipid và protid rất dồi dào. Ước tính trong 100g rươi chứa 12,4g protid và 4,4g lipid. Đây là 2 hoạt chất đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cấu tạo các mô tế bào trong cơ thể, dự trữ trong các mô, cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Hỗ trợ điều trị tim mạch, ổn định huyết áp: Rươi cũng là thực phẩm chứa nguồn kali, canxi và magie phong phú, giúp chúng ta cải thiện sức khỏe tim mạch và ổn định huyết áp.
  • Tiêu sưng, giảm đau do mụn nhọt: Từ xa xưa, rươi đã được sử dụng trong các bài thuốc Đông y giúp tiêu sưng do chấn thương hoặc làm giảm đau do mụn nhọt.
  • Tiêu đờm: Rươi có vị cay, tính ấm nên có khả năng hỗ trợ việc điều hòa khí, tiêu đờm ở những bệnh nhân có triệu chứng ho đờm kéo dài.
  • Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp: Từ nghiên cứu và thực tiễn cho thấy nếu sử dụng rươi với hàm lượng hợp lý, đây là phương thuốc điều trị các bệnh lý liên quan đến xương khớp hiệu quả cao. Hơn nữa, lượng canxi dồi dào từ rươi sẽ giúp xương và răng thêm chắc khỏe.

Ăn rươi có tốt không?

Rươi là thực phẩm mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe, vậy rốt cuộc ăn rươi có tốt không? Theo các chuyên gia sức khỏe, việc ăn rươi chỉ thực sự tốt khi ăn với lượng vừa phải và phù hợp với cơ địa từng người. Các bác sĩ khuyến cáo với người trưởng thành có sức khỏe bình thường cũng chỉ nên ăn từ 50 - 100g mỗi ngày và không nên ăn quá thường xuyên bởi rươi rất giàu đạm, có thể sẽ gây dư thừa, dẫn đến những tác dụng phụ ngoài mong muốn.

Ngoài ra một số đối tượng sau đây cũng được khuyến cáo là không nên ăn rươi:

  • Người có tiền sử bệnh hen suyễn: Chất đạm trong rươi rất dồi dào và không giống như đạm trong các loại thịt cá thông thường. Khi vào cơ thể sẽ dễ gây nguy cơ kết hợp với các chất xúc tác trong máu, gây tái phát cơn hen.
  • Người có cơ địa dị ứng hải sản: Những người vốn có cơ địa dị ứng hải sản cũng không nên ăn rươi vì có nhiều khả năng sẽ gặp phải các biểu hiện như nổi mẩn ngứa, phát ban, mề đay, thậm chí nặng hơn là sốt, khó thở, suy hô hấp.
  • Phụ nữ mang thai: Nhiều người quan ngại về việc ăn rươi khi mang thai, vậy bà bầu ăn rươi có tốt không? Cơ địa phụ nữ mang thai thường khá nhạy cảm, trong khi đó, lượng đạm dồi dào trong rươi rất dễ gây nên tình trạng chướng bụng, đầy hơi hoặc tiêu chảy. Hơn nữa rươi thường sống ở bùn lầy nên đây không hẳn là món ăn an toàn cho bà bầu.
  • Trẻ em: Với trẻ em có thể bạn không cần cho bé kiêng hoàn toàn các món ăn chế biến từ rươi. Tuy nhiên, bạn cần kiểm soát lượng ăn cho bé, không nên ăn quá nhiều để tránh gây các hiện tượng kích ứng.
  • Người có hệ tiêu hóa kém: Trong trường hợp này, nếu ăn rươi sẽ rất dễ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh lý. Do đó, nếu thường xuyên gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, bạn không nên ăn rươi.
an-ruoi-co-tot-khong-2.jpg
Người có cơ địa dị ứng nên cân nhắc trước khi ăn rươi

Bảo quản và chế biến rươi thế nào để an toàn?

Dưới đây là những kinh nghiệm bảo quản và chế biến mà bạn có thể tham khảo áp dụng để đảm bảo giá trị dinh dưỡng cũng như an toàn khi sử dụng rươi:

  • Khi cấp đông rươi để vận chuyển, bạn cần chắc chắn con rươi còn sống. Dùng rươi chết cấp đông là một trong những sai lầm nghiêm trọng khi bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, trước khi chế biến, bạn lưu ý cần chuyển từ ngăn đá xuống ngăn mát để rã đông dần, không nên dùng lò vi sóng, nước lạnh hoặc nhiệt độ thường để rã đông rươi.
  • Khi chế biến rươi, bạn nên làm sạch lông để khi ăn không bị ngứa cổ. Cách làm như sau: Bạn chuẩn bị nước ấm khoảng 40 độ C rồi thả rươi vào và dùng đũa khuấy nhẹ. Khi thấy rêu, bùn đất, phần chân và lông rươi rụng ra, nổi lên thì bạn gạn bỏ hết nước bẩn đi, chỉ lấy phần thân rươi sạch rồi đem chế biến cùng với gia vị.
  • Khi chế biến các món ăn từ rươi, bạn nên cho thêm vỏ quýt hoặc chanh trong quá trình nấu. Bởi theo Đông y, các hoạt chất trong vỏ quýt hoặc vỏ chanh có thể gây ức chế sự sinh trưởng và phát triển của các loại vi khuẩn, giúp hạn chế tối đa những tác dụng phụ từ rươi, đồng thời hóa giải hiệu quả những chất độc hại do rươi thải ra. Hơn nữa, mùi thơm và tính ấm của vỏ cam, quýt cũng sẽ khử mùi tanh và tính lạnh của rươi, giúp tạo mùi vị đặc trưng thơm ngon cho món ăn.
  • Theo kinh nghiệm dân gian, khi chế biến các món ăn từ rươi, bạn nên đun từ từ bằng lửa nhỏ, om kỹ trong thời gian dài thì món ăn mới đượm vị, béo ngậy và đảm bảo an toàn.
an-ruoi-co-tot-khong-3.jpg
Bạn nên chọn những con rươi to khỏe, còn sống để chế biến

Những thông tin trên đã giúp bạn có lời giải đáp cho băn khoăn “ăn rươi có tốt không”. Rươi được xem như vị thuốc quý nếu chúng ta sử dụng đúng cách, đúng đối tượng, ngược lại sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu quá lạm dụng hoặc sai lầm trong bảo quản, chế biến. Tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu cơ thể có những biểu hiện tiềm ẩn nguy cơ dị ứng nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin