Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Áp xe răng ở trẻ em: Biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng răng miệng

Ngày 24/03/2023
Kích thước chữ

Áp xe răng là một biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng do sâu răng, bệnh lý nướu hoặc nứt răng. Đặc biệt, ở trẻ em, áp xe răng không chỉ ảnh hưởng đến hình dạng khuôn mặt, khả năng phát âm mà còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Tình trạng này gây nhiều đau đớn và có thể dẫn đến việc xâm nhập vi khuẩn vào tủy răng và tích tụ mủ trong xương hàm, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì những nguy hiểm trên, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bậc phụ huynh những thông tin và các lưu ý cần biết về tình trạng áp xe răng ở trẻ.

Áp xe răng là gì?

Áp xe răng là tình trạng bọc nhỏ giống như mụn, chứa đầy mủ do nhiễm khuẩn hình thành ở chân răng hoặc giữa răng và lợi. Việc xuất hiện áp xe răng có thể gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến chức năng ăn uống của người bệnh.

Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng áp xe răng có thể lan rộng sang các bộ phận khác trong miệng và thậm chí lan sang toàn bộ cơ thể, đe dọa tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm. Do đó, việc phát hiện và điều trị áp xe răng ở giai đoạn đầu là rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng lan sang nướu và những chiếc răng khác.

Áp xe răng ở trẻ em: Biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng răng miệng 1Áp xe răng ở trẻ em

Nguyên nhân và triệu chứng của áp xe răng

Áp xe răng là một biến chứng của nhiều bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, răng bị chấn thương hoặc mẻ. Khi xảy ra áp xe, lớp men răng bị vỡ ra và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng, gây tê liệt tủy răng và nhiễm trùng.

Triệu chứng của áp xe răng khá dễ nhận biết và phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của ổ áp xe. Triệu chứng điển hình là cơn đau nặng ở xung quanh vùng nướu của răng, kèm theo các triệu chứng như sưng nướu, đau khi nhai, cảm giác ê buốt với thức ăn nóng hoặc lạnh, mùi khó chịu từ miệng, mệt mỏi, và cảm giác đau đầu và sốt có thể xảy ra.

Trẻ em cũng có thể có các triệu chứng tương tự như người lớn và cần phải được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Nếu để lâu, áp xe răng có thể dẫn đến mủ đặc và có mùi hôi, và cơn đau sẽ giảm sau khi thoát mủ.

Biến chứng áp xe răng ở trẻ em

Áp xe răng có thể được điều trị bởi các phương pháp nha khoa thích hợp. Tuy nhiên, nếu không chữa trị, các biến chứng có thể xảy ra do nhiễm trùng lan ra do vi khuẩn.

Một số biến chứng của áp xe răng bao gồm:

  • Phải nhổ bỏ răng: Nếu nhiễm trùng lan ra từ chân răng và đi vào xương hàm và lan ra mô mềm, răng cuối cùng phải được nhổ bỏ.
  • Nang do răng: Một khoang chứa đầy dịch có thể phát triển ở phía dưới chân răng của trẻ nếu không chữa trị áp xe răng.
  • Nhiễm trùng xoang hàm: Nếu áp xe răng nguyên nhân từ các răng hàm trên có vị trí gần các xoang, nhiễm trùng có thể xảy ra.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Vi khuẩn từ áp xe răng có thể lan sang các mạch máu và đến tim, gây nhiễm trùng và có thể gây chết người.
  • Viêm tấy lan tỏa và hoại tử ở sàn miệng: Một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể lan rộng xuống hai bên vùng dưới lưỡi, dưới hàm và vùng dưới cằm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
  • Áp xe não: Nếu nhiễm trùng lây lan từ răng đến não thông qua các mạch máu, có thể xảy ra nhiễm trùng não và dẫn đến hôn mê.
Áp xe răng ở trẻ em: Biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng răng miệng 2Áp xe răng có thể do biến chứng của tình trạng sâu răng ở trẻ

Điều trị áp xe răng ở trẻ em

Việc điều trị áp xe răng cho bé phụ thuộc vào mức độ và tình trạng của bệnh:

  • Ở giai đoạn đầu, nha sĩ có thể loại bỏ mủ bằng cách thực hiện một vết rạch ở vị trí áp xe và rửa sạch bằng nước muối. 
  • Tuy nhiên, nếu răng đã bị hư hỏng hoàn toàn, nha sĩ sẽ đề nghị nhổ bỏ răng để tránh lây lan. 
  • Khi cần thiết, để điều trị áp xe và tránh cho răng bị tổn thương hoàn toàn, các nha sĩ có thể thực hiện phương pháp lấy tủy răng. Thủ tục này bao gồm việc hút sạch mủ và tủy răng, sau đó bít ống tủy lại. 
  • Đối với răng hàm, nha sĩ có thể đề xuất bọc răng để giúp răng khỏe mạnh hơn. 
  • Ngoài ra, nếu nhiễm trùng đã lan sang các bộ phận khác hoặc các ổ áp xe đã trở nên nghiêm trọng, thuốc kháng sinh có thể được nha sĩ kê đơn cho trẻ để ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh. 

Sau khi điều trị áp xe nướu răng ở trẻ, cần lưu ý đến chế độ ăn uống bổ sung nước, vitamin và muối khoáng, đồng thời hạn chế ăn các thực phẩm cứng, nóng, lạnh và tránh để khô miệng.

Một số biện pháp phòng ngừa áp xe răng ở trẻ em

Hãy chú ý tuân thủ các nguyên tắc chăm sóc răng miệng hàng ngày cho trẻ. Cần giữ vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ sau mỗi bữa ăn và chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo các hướng dẫn dưới đây để giúp trẻ có hàm răng khỏe mạnh:

  • Thường xuyên vệ sinh và chăm sóc răng miệng cẩn thận cho trẻ. Trẻ cần đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh răng miệng tốt.
  • Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn có nhiều đường như kẹo mút, kẹo cứng và các loại thức ăn dính như kẹo dẻo, nho khô và trái cây sấy. Những loại thức ăn này khiến vi khuẩn hoạt động mạnh và tiết ra nhiều acid có hại cho răng.
  • Hãy cho trẻ sử dụng kem đánh răng chứa fluoride ít nhất một lần mỗi ngày để đảm bảo răng của bé được bảo vệ tốt nhất có thể. Lưu ý trước khi cho trẻ sử dụng sản phẩm, cần hỏi ý kiến của nha sĩ.
  • Nếu trẻ bị tổn thương răng như gãy, sứt mẻ, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp nha sĩ ngay lập tức để được điều trị.
  • Nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ mỗi 6 tháng một lần để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường. Không nên chờ đến khi trẻ có áp xe răng hay đau răng mới đưa đến bác sĩ răng hàm mặt.
  • Cha mẹ cần phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về sâu răng của trẻ để giảm nguy cơ bị áp xe răng.
Áp xe răng ở trẻ em: Biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng răng miệng 3Vệ sinh răng miệng để phòng ngừa áp xe răng ở trẻ

Bài viết trên hy vọng đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan và giải đáp thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ về tình trạng áp xe răng ở trẻ em. Để phòng ngừa tình trạng này, biện pháp tốt nhất là thực hiện chăm sóc răng miệng đúng cách hàng ngày dưới sự hướng dẫn của cha mẹ nhằm tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Ngọc Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin