Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bạn bị căng cơ tay​ do đâu? Cách khắc phục hiệu quả

Thu Hà

09/02/2025
Kích thước chữ

Khi bị căng cơ tay, bạn sẽ cảm nhận rõ cơn đau nhức và tình trạng khó vận động ở bắp tay. Tình trạng này thường bắt nguồn từ các nguyên nhân như tập luyện quá sức, chấn thương bất ngờ hoặc các thói quen sinh hoạt không đúng cách. Để giảm thiểu rủi ro và điều trị hiệu quả, hãy cùng tìm hiểu căng cơ tay​ do đâu và cách khắc phục hiệu quả.

Căng cơ tay là một trong những chấn thương phổ biến, thường gặp ở những người hoạt động thể chất nhiều hoặc vận động sai tư thế. Tình trạng này không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến căng cơ tay và làm thế nào để khắc phục hiệu quả?

Dấu hiệu nhận biết căng cơ tay

Căng cơ tay là tình trạng thường gặp, với các biểu hiện rõ ràng giúp người bệnh dễ dàng nhận biết. Dưới đây là các triệu chứng điển hình của tình trạng này:

  • Đau cơ ngay cả khi nghỉ ngơi: Người bị căng cơ tay thường cảm thấy đau nhức liên tục, ngay cả khi không vận động. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc rõ rệt, gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Sưng, đỏ và bầm tím: Vùng cơ tay bị tổn thương có thể xuất hiện dấu hiệu sưng tấy, đỏ hoặc thậm chí bầm tím do mạch máu dưới da bị tổn hại.
  • Yếu cơ và gân: Tình trạng căng cơ khiến các cơ và gân ở tay trở nên yếu hơn, làm giảm khả năng chịu lực và hiệu suất hoạt động của cánh tay.
  • Đau nhức khi vận động: Khi người bệnh cố gắng cử động, đặc biệt là tại các vùng cơ bị căng, cảm giác đau nhức sẽ tăng lên, đôi khi khiến việc vận động trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện.
  • Cứng cơ, giảm linh hoạt: Bắp tay bị căng cơ thường cứng đờ, làm giảm khả năng linh hoạt và hạn chế phạm vi vận động, gây bất tiện trong các hoạt động thường ngày.
cang-co-tay-do-dau-va-cach-khac-phuc-hieu-qua (3).png
Căng cơ tay thường gây cảm giác cứng đờ, làm giảm khả năng linh hoạt và hạn chế phạm vi vận động

Bạn bị căng cơ tay​ do đâu?

Căng cơ tay xảy ra khi cơ bắp ở tay bị kéo giãn quá mức khả năng chịu đựng, thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến rách cơ. Tình trạng này thường gây ra cảm giác đau buốt, khó khăn trong cử động. Ngoài cơ tay, hiện tượng căng cứng cơ còn có thể xảy ra ở các vùng khác như cơ chân, cổ, thắt lưng và vai.

Thông thường, căng cơ tay xuất hiện sau khi mang vác vật nặng hoặc tập luyện thể thao sai tư thế. Biểu hiện dễ nhận thấy bao gồm vùng cơ tổn thương sưng tấy, đau nhức và có thể bị bầm tím. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này:

Không khởi động trước khi tập luyện thể thao

Trước khi tham gia các bài tập thể chất, việc khởi động là bước cần thiết để làm nóng cơ thể, giúp máu lưu thông tốt hơn đến các cơ, từ đó giảm nguy cơ chấn thương. Tuy nhiên, nhiều người bỏ qua bước khởi động trước khi tập luyện thể thao, dẫn đến căng cơ trong quá trình vận động. Ngoài ra, tập luyện với cường độ cao cũng tạo áp lực lớn, khiến cơ tay dễ bị quá tải.

cang-co-tay-do-dau-va-cach-khac-phuc-hieu-qua (4).png
Nếu không khởi động trước khi tập luyện dễ dẫn đến căng cơ trong quá trình vận động

Chấn thương từ các hoạt động thường ngày

Căng cơ tay có thể xảy ra khi gặp chấn thương do trượt chân, ngã, hoặc thực hiện các hoạt động như nâng vật nặng, ném đồ vật, chạy nhảy,... Những tác động này gây áp lực đột ngột lên cơ, khiến chúng bị kéo giãn quá mức và tổn thương.

Căng thẳng tâm lý

Căng thẳng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn tác động trực tiếp đến hệ thần kinh. Tình trạng này có thể làm rối loạn chức năng truyền tín hiệu từ não bộ đến cơ bắp, đặc biệt là ở tay. Khi căng thẳng, mạch máu chịu áp lực cao hơn, dẫn đến giảm tuần hoàn máu đến các cơ, gây ra tình trạng căng cơ.

Chuyển động lặp lại liên tục

Những người thường xuyên thực hiện các chuyển động lặp lại ở tay, chẳng hạn như vận động viên thể dục dụng cụ, bơi lội hoặc đấm bốc, dễ gặp tình trạng căng cơ. Sự lặp lại liên tục này tạo áp lực lớn lên dây thần kinh và khớp, dẫn đến chấn thương cơ tay, gây đau nhức kéo dài nếu không được điều trị kịp thời.

Cách khắc phục tình trạng căng cơ tay hiệu quả

Căng cơ tay là tình trạng phổ biến và thường có thể khắc phục tại nhà nếu được xử lý đúng cách. Dưới đây là phương pháp R.I.C.E – một trong những cách điều trị hiệu quả giúp giảm đau, sưng và cải thiện tình trạng căng cơ tay:

Rest: Nghỉ ngơi

Việc nghỉ ngơi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Người bệnh nên dừng ngay các hoạt động thể chất hoặc luyện tập để cơ tay có thời gian hồi phục. Nghỉ ngơi đúng cách không chỉ giúp tránh làm tổn thương lan rộng mà còn hỗ trợ cơ bắp phục hồi nhanh chóng. Hãy để cơ tay nghỉ trong vài ngày cho đến khi cảm giác đau giảm dần.

Ice: Chườm đá

Chườm đá là biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc giảm sưng và đau. Để thực hiện, hãy bọc đá lạnh bằng túi chườm hoặc khăn sạch, sau đó áp lên vùng cơ tay bị tổn thương trong vòng 15-20 phút mỗi lần. Lặp lại quy trình này cách nhau khoảng 60 phút và duy trì trong 1-3 ngày đầu sau chấn thương. Tuyệt đối không đặt đá trực tiếp lên da để tránh gây bỏng lạnh.

cang-co-tay-do-dau-va-cach-khac-phuc-hieu-qua.png
Chườm đá giúp giảm sưng và đau khi căng cơ tay

Compression: Băng ép

Sử dụng băng vải y tế hoặc băng thun để quấn quanh vùng cơ tay bị căng sẽ giúp giảm sưng và cố định cơ. Tuy nhiên, cần chú ý không quấn băng quá chặt, vì điều này có thể làm cản trở lưu thông máu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hồi phục. Hãy đảm bảo băng ép vừa đủ để giữ cố định nhưng vẫn tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh.

Elevation: Nâng cao vùng tổn thương

Để giảm sưng và đau, người bệnh nên giữ vùng cơ tay cao hơn tim khi nghỉ ngơi. Có thể sử dụng gối hoặc vật đỡ để nâng tay lên, giúp máu lưu thông tốt hơn và hạn chế tình trạng viêm cơ.

Việc áp dụng phương pháp R.I.C.E thường rất hiệu quả với các trường hợp căng cơ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, nếu tình trạng không cải thiện sau vài ngày hoặc xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sưng tấy, đau dữ dội hay khó cử động tay, người bệnh nên nhanh chóng tìm đến sự hỗ trợ y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Phương pháp điều trị tình trạng căng cơ tay

Khi bị căng cơ tay, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp nhằm giảm đau, cải thiện chức năng vận động và phục hồi cơ bắp. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến:

Sử dụng thuốc

Thuốc corticoid: Corticoid là loại thuốc kháng viêm mạnh, giúp giảm sưng, đau và cải thiện tình trạng viêm cơ. Thuốc này thường được chỉ định cho các trường hợp căng cơ liên quan đến rối loạn tự miễn hoặc khi các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) không mang lại hiệu quả.

Thuốc giãn cơ: Nhóm thuốc này được sử dụng để giảm co thắt cơ, giảm đau và cải thiện khả năng vận động của tay. Thích hợp cho những bệnh nhân bị căng cơ kèm theo triệu chứng co cứng cơ nghiêm trọng.

Thuốc kháng virus hoặc kháng sinh: Trong trường hợp căng cơ do nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh hoặc thuốc kháng virus để loại bỏ tác nhân gây bệnh, giúp giảm viêm và đau.

Tập vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp hiệu quả giúp phục hồi chức năng cơ tay và giảm đau.

Các kỹ thuật phổ biến bao gồm:

  • Massage: Giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm căng cơ và đau nhức.
  • Nhiệt trị liệu: Sử dụng nhiệt để thư giãn cơ, giảm đau và cải thiện lưu thông máu.
  • Siêu âm trị liệu: Giúp kích thích tái tạo mô cơ và giảm viêm.
  • Các bài tập vận động: Hỗ trợ tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện độ linh hoạt của cơ tay.
cang-co-tay-do-dau-va-cach-khac-phuc-hieu-qua (2).png
Vật lý trị liệu là cách khắc phục hiệu quả tình trạng căng cơ tay

Phẫu thuật

Phẫu thuật là giải pháp cuối cùng, áp dụng khi tình trạng căng cơ tay nghiêm trọng và các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Những trường hợp cần phẫu thuật bao gồm:

  • Căng cơ gây rách cơ, gân hoặc mạch máu.
  • Biến chứng nặng không thể khắc phục bằng các biện pháp khác.

Quy trình phẫu thuật:

  • Bệnh nhân được gây mê toàn thân trước khi thực hiện.
  • Bác sĩ sẽ rạch một đường trên da, nối lại mạch máu và các đầu cơ bị tổn thương.
  • Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần cố định tay bằng bó bột từ 3 - 4 tuần để vết thương lành hẳn.
  • Sau khi tháo bột, bệnh nhân phải tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động, đảm bảo cơ tay hoạt động bình thường trở lại.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin về căng cơ tay​ do đâu và cách khắc phục hiệu quả. Căng cơ tay tuy không phải là một vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể dẫn đến những biến chứng lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin