Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bạn cần biết: Chụp CT và X-quang khác nhau thế nào?

Ngày 12/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Để chẩn đoán bệnh trong trường hợp liên quan đến xương hoặc mô mềm, các bác sĩ khuyên nên chụp X-quang hoặc chụp CT. Vậy chụp CT và X-quang khác nhau thế nào? Mỗi phương pháp được áp dụng trong trường hợp nào?

Có sự khác biệt rõ rệt giữa chụp X-quang và chụp CT. Nếu X-quang được sử dụng để phát hiện trật khớp xương, gãy xương, phát hiện viêm phổi, ung thư thì chụp CT được sử dụng để chẩn đoán các cơ quan nội tạng, đặc biệt là các mô mềm, tổn thương cơ và các cơ quan khác của cơ thể trong khi máy X-quang không làm được. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu chụp CT và X-quang khác nhau thế nào nhé!

Chụp CT và X-Quang khác nhau thế nào?

Định nghĩa

Chụp X-quang

Bạn cần biết: Chụp CT và X-quang khác nhau thế nào? 1 Chụp X-quang sử dụng loại bức xạ hoặc sóng vô tuyến

Máy X-quang sử dụng sóng vô tuyến hoặc bức xạ. Đây là cách nhanh nhất và dễ thực hiện để các bác sĩ chẩn đoán về xương, mô mềm, các chấn thương cơ thể khác. Cụ thể là phát hiện gãy xương, trật khớp xương, khối u, viêm phổi.

Chụp CT

Máy quét CT hoạt động theo các nguyên tắc giống như máy X-quang nhưng được xem là máy X-quang tiên tiến hơn. Cấu tạo máy trông giống như một hộp vuông có đường hầm bên trong.

Máy được sử dụng để quét các mô mềm, cơ quan, cung cấp nhiều hình ảnh X-quang để tạo ra hình ảnh cuối cùng và hiển thị trên màn hình của máy tính trước khi được xử lý và in ra. Nó tập trung vào các khu vực mục tiêu tốt hơn nhiều so với tia X.

Cách hoạt động

Chụp X-quang

Bức xạ của ánh sáng hoặc sóng vô tuyến từ máy chụp X-quang đi qua các vật thể như xương và xuất hiện màu trắng trên phim X quang. Một máy X-quang tạo ra một vụ nổ phóng xạ nhỏ đi qua phần cơ thể, tạo ra hình ảnh được ghi lại.

Các vật thể dày đặc như xương hấp thụ nhiều bức xạ và do đó xuất hiện màu trắng trên phim ảnh trong khi các mô mềm hấp thụ bức xạ ít hơn nên xuất hiện màu xám.

Chụp CT

Trong quá trình chụp CT, bệnh nhân nằm trên bàn, bàn trượt vào máy chụp CT. Khi quá trình quét bắt đầu, các máy X-quang xoay quanh 360 độ và tạo ra nhiều hình ảnh gọi là lát, hình ảnh chụp được hiển thị trên màn hình để bác sĩ chẩn đoán. Kỹ thuật này giúp chẩn đoán các mô mềm, mạch máu, các cơ quan nội tạng khác nhau.

Kích thước hình ảnh

Một đặc điểm khác cho thấy chụp CT và chụp X-quang khác nhau thế nào là chụp X-quang cho hình ảnh 2D trong khi chụp CT cho hình ảnh 3D.

Sử dụng để chẩn đoán

Chụp X-quang: Trật khớp xương, gãy xương, viêm phổi, khối u.

Chụp CT: Mô mềm, mạch máu, nội tạng.

Ưu, nhược điểm của chụp X-quang và chụp CT

Chụp X-quang

Ưu điểm

Bạn cần biết: Chụp CT và X-quang khác nhau thế nào? 2Hình ảnh chụp CT rõ nét hơn chụp X-quang
  • Không xâm lấn, không đau.
  • Kỹ thuật đơn giản, dễ sử dụng.
  • Sử dụng liều bức xạ thấp hơn chụp CT.
  • Quá trình chụp nhanh chóng. Các kỹ thuật X-quang được vi tính hóa đã giúp cho ra kết quả nhanh chóng, xử lý và lưu trữ dễ dàng.
  • Chi phí thấp hơn so với các phương pháp như chụp CT hay chụp MRI.

Nhược điểm

  • Hình ảnh X-quang không rõ nét, chi tiết bằng CT và MRI.
  • Không cung cấp hình ảnh 3D.
  • Chụp X-quang thông thường không hiển thị rõ hình ảnh các mô và cơ quan. Khi muốn chụp các vùng như đường tiêu hóa, buồng tử cung – vòi trứng… cần sử dụng chất cản quang.

Chụp CT

Ưu điểm

  • Hình ảnh có độ tương phản cao, cho phép phân biệt mức độ tổn thương thông qua những khác biệt có độ đậm rất nhỏ và khả năng tái tạo hình ảnh sau khi thu được dữ liệu.
  • Chụp được nhiều góc chụp và cho nhiều lát cắt, tránh bỏ sót tổn thương.
  • Hình ảnh chi tiết trung thực, thời gian chụp nhanh, mang lại giá trị chẩn đoán cao.
  • Dễ thực hiện đối với những bệnh nhân không hợp tác.

Nhược điểm

  • Gây nhiễm tia X từ mức trung bình đến cao và tia X còn mang tính chất tích lũy.
  • Những trường hợp chụp có sử dụng thuốc cản quang sẽ xảy ra các phản ứng phụ từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây sốc phản vệ.
  • Không cung cấp thông tin chuyển hóa về mặt tế bào như Spect, Pet.
  • Hạn chế đối với các bệnh lý như cơ, gân, dây chằng,... các thương tổn nhỏ ở những vùng khó khảo sát như tuyến tùng, tủy sống.

Chụp X-quang và chụp CT có hại không?

Nếu bạn thắc mắc chụp CT và chụp X-quang khác nhau thế nào? Bạn nên so sánh cả sự ảnh hưởng của hai phương pháp này đến sức khỏe của người chụp.

Chụp X-quang

  • Người bệnh chụp X-quang tiếp xúc với tia X liều thấp trong một thời gian ngắn, từ 0,001 – 1,5mSv (đơn vị đo liều bức xạ) tùy vị trí. Mặc dù liều bức xạ X-quang trong một lần chụp chiếu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng càng tiếp xúc nhiều lần thì rủi ro do phơi nhiễm bức xạ càng gia tăng.
  • Khi tiếp xúc bức xạ X-quang, nguy cơ phát triển ung thư nói chung là rất nhỏ. 
  • Mặc dù X-quang không có nhiều nguy cơ gây hại đến sự phát triển của thai nhi, nhưng phụ nữ đang có thai không nên tiếp xúc với tia X, đặc biệt là vùng bụng – chậu trong suốt thời kỳ mang thai
  • Một số ít người có thể gặp phản ứng với chất cản quang khi chụp X-quang như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, sưng, tấy đỏ tại vị trí tiêm và sẽ hết hẳn sau đó vài giờ. Cần thông báo ngay cho nhân viên y tế nếu gặp các phản ứng nghiêm trọng hơn.

Chụp CT

Bạn cần biết: Chụp CT và X-quang khác nhau thế nào? 3 Chụp CT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh khá an toàn vì sử dụng bức xạ liều thấp
  • Chụp CT là một phương thức chẩn đoán hình ảnh khá an toàn bởi các bác sĩ thường sử dụng liều thấp nhất của bức xạ nên ít xảy ra nguy cơ, biến chứng sau chụp. 
  • Trong một vài trường hợp nghi ngờ bệnh nhân có khối u bất thường, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc cản quang. Chất liệu tương phản tĩnh mạch giúp hình ảnh thêm rõ nét, nhưng có thể gây ra một vài phản ứng phụ như phát ban, ngứa, nổi mề đay, cơ thể nóng bừng nhưng các phản ứng này thường biến mất khá nhanh chóng.
  • Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể gặp phải tình trạng sốc phản vệ, dẫn đến gây khó thở hoặc phát ban nặng. Nếu xảy ra, bệnh nhân nên được điều trị kịp thời để đảm bảo tính mạng.
  • Một rủi ro khác cũng nguy hiểm không kém khi chụp CT là nhiễm độc thận dẫn tới suy thận. 
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai cần thông báo cho bác sĩ trước khi chụp CT để không ảnh hưởng đến thai nhi.

Mỗi phương pháp chụp đều có ưu và nhược điểm khác nhau, tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ quyết định chọn phương pháp nào. Tuy nhiên, bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ nếu nằm trong đối tượng chống chỉ định với phương pháp chụp X-quang hay chụp CT.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm