Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Bánh chưng gạo lứt - phiên bản độc đáo của món ăn truyền thống

Ngày 20/01/2023
Kích thước chữ

Những chiếc bánh chưng gạo lứt cực healthy là một món quà dành cho sức khỏe, bạn đã biết cách gói những chiếc bánh chưng gạo lứt thơm ngon lại giàu dinh dưỡng chưa?

Bánh chưng là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu của người Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về, gói bánh chưng là một nét văn hóa cổ truyền lâu đời, một cách bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và quê hương. Gần đây, bánh chưng gạo lứt - một phiên bản healthy dành cho những ai yêu các món ăn cổ truyền nhưng lại e ngại lượng tinh bột trong bánh chưng truyền thống - nổi lên như một hiện tượng và được đông đảo người dùng hưởng ứng. Bạn đã biết cách làm loại bánh chưng gạo lứt vừa thơm ngon lại giàu dinh dưỡng này như nào chưa? Cùng Long Châu tìm hiểu nhé.

Bánh chưng gạo lứt - phiên bản độc đáo của món ăn truyền thống 1 Bánh chưng là một trong những món ăn truyền thống của người Việt Nam.

Bánh chưng gạo lứt là gì?

Ngày nay, hàng loạt những phiên bản độc đáo mới lạ của món ăn cổ truyền này đã được sáng tạo và cải biến dần theo nhu cầu của người thưởng thức như "bánh chưng gấc", "bánh chưng tro", "bánh chưng ngũ sắc" và bánh chưng gạo lứt cũng là một trong số đó.

Bánh chưng gạo lứt có cách làm tương tự như bánh chưng truyền thống với nhân thịt ba chỉ, đậu xanh, hạt tiêu và được gói bằng lá dong xanh, tuy nhiên thay vì gạo nếp như cách gói thông thường, bánh chưng gạo lứt thay thế lớp vỏ bằng các loại gạo lứt khác nhau như gạo lứt đen, gạo lứt tím hoặc gạo lứt đỏ.

Loại bánh này ngày càng được ưa chuộng và phổ biến bởi nó phù hợp với những người ăn kiêng, giảm cân, duy trì cân nặng hoặc những người mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Bởi theo nghiên cứu, lớp cám lụa màu nâu đặc trưng của gạo lứt chứa đến hơn 90% các chất dinh dưỡng chủ yếu là vitamin và các nguyên tố vi lượng. Hàm lượng chất xơ trong gạo lứt cao gấp 2 lần những loại gạo thông thường khác. Vậy nên khi ăn bánh chưng gạo lứt bạn sẽ có cảm giác no lâu, giảm đáng kể năng lượng thừa dung nạp vào cơ thể. Đặc biệt, lượng acid alpha lipoic trong gạo lứt cũng giúp chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giải phóng mỡ thừa trong cơ thể tốt hơn gạo trắng. Các loại bánh chưng được làm bằng gạo lứt chỉ có khoảng 1000 kcal đến 2100 kcal, trong khi đó lượng calo trong bánh chưng truyền thống lên đến 3000.

Vì vậy, những tín đồ của ẩm thực truyền thống có thể vừa thưởng thức được món ăn cổ truyền của dân tộc lại vừa có thể theo đuổi, duy trì được lối sống tốt cho sức khỏe. Thậm chí, nhiều người còn nhận xét khi ăn bánh chưng gạo lứt có cảm giác đỡ ngán hẳn so với bánh chưng làm bằng gạo nếp như thông thường.

Bánh chưng gạo lứt - phiên bản độc đáo của món ăn truyền thống 2 Bánh chưng gạo lứt - phiên bản độc đáo cho món ăn ngày tết.

Hướng dẫn cách làm bánh chưng gạo lứt

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Gạo lứt 250gr
  • Thịt ba chỉ heo 100gr
  • Đậu xanh 50gr
  • Gia vị gồm: muối ăn, hạt nêm, hạt tiêu
  • Dụng cụ gói bánh chưng
  • Khuôn bánh vuông (không bắt buộc, bạn có thể chọn khuôn theo sở thích)
  • Lá dong, dây lạt.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ được nguyên liệu cần thiết, chúng ta hãy bắt tay vào làm bánh chưng gạo lứt với những bước dưới đây:

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Đầu tiên chúng ta ngâm gạo lứt và đỗ xanh trong nước lạnh qua đêm (thời gian từ 6 đến 8 tiếng).

Với lá chuối, chúng ta rửa sạch rồi để ráo nước ở nơi khô thoáng và sạch sẽ.

Với thịt ba chỉ, chúng ta cũng rửa sạch với nước và thái lát. Nếu bạn muốn gói bánh chưng dài thì hãy thái thịt theo chiều dọc thành những miếng dài và nhỏ, còn nếu muốn gói bánh chưng hình vuông thì hãy thái thịt thành những miếng nhỏ như khi xào hoặc nấu canh. Sau đó đem thịt đi chần trong nước sôi khoảng 2 phút rồi vớt ra rửa sạch lần nữa với nước. Ướp thịt ba chỉ với 2 thìa cà phê hạt tiêu xay và 1 thìa cà phê hạt nêm hoặc muối ăn.

Bước 2: Hấp đỗ xanh

Đỗ xanh sau khi đã được ngâm qua đêm thì đem đi rửa lại một lần nữa với nước sạch rồi để ráo nước, sau đó mới đem đi hấp.

Chúng ta hoàn toàn có thể dùng đỗ xanh sống để gói bánh chưng gạo lứt, nhưng việc hấp chín đỗ xanh rồi dằn nhuyễn sẽ giúp quá trình gói bánh dễ dàng hơn. Bởi vậy đây là bước làm không bắt buộc, mọi người có thể bỏ qua bước này nếu tự tin vào tay nghề của mình. 

Bánh chưng gạo lứt - phiên bản độc đáo của món ăn truyền thống 3 Bánh chưng gạo lứt mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn.

Bước 3: Gói bánh chưng gạo lứt

Để chiếc bánh chưng của bạn được vuông vức và đẹp mắt, bạn nên chuẩn bị các khuôn gói bánh chưng hình vuông để cố định hình dạng bánh.

Xếp khoảng bốn miếng lá dong vào khuôn đã chuẩn bị, mỗi lá gập ngang lại tạo thành một đường thẳng, đặt lá dong đứng theo đường thẳng này và xếp vào bốn góc của khung bánh.

Sau đó trải và dàn đều một lớp gạo lứt lên mặt lá dong, tiếp tục thêm đỗ xanh và dàn đều ra, đặt 1-2 lát thịt ba chỉ đã ướp sẵn lên trên mặt đỗ xanh. Đổ tiếp một lượt đỗ xanh nữa phủ kín phần thịt và cuối cùng phủ kín gạo lứt lên toàn bộ bề mặt. Lưu ý hãy rải đều bốn góc để tránh bánh bị lồi lõm.

Dùng tay gấp lá dong lại, một tay giữ miệng gấp rồi nhấc khuôn bánh lên, lấy dây buộc hai vòng theo hình chữ nhật. Lưu ý là không buộc dây quá chặt để tránh khi bánh nở không có không gian cần thiết, phần nhân bên trong sẽ bị lòi ra.

Bước 4: Luộc bánh

Dùng 2 - 3 lớp lá dong để lót vào nồi, sau đó xếp từng chiếc bánh chưng vào rồi đổ nước xâm xấp mặt bánh.

Luộc bánh chưng trong khoảng 3 - 4 tiếng. Trong quá trình luộc bánh cần lưu ý đến mực nước trong nồi, không được để nước trong nồi cạn, tốt nhất là chuẩn bị một ấm nước sôi (không được thêm nước lạnh) để kịp thời thêm nước vào nồi bánh chưng. Khi luộc bánh được một nửa thời gian thì mở nắp và đảo mặt bánh để bánh chưng được chín đều hơn.

Sau khi đã luộc xong bạn vớt bánh chưng ra và ngâm bánh trong nước lạnh khoảng 5 phút, sau đó ép bánh trong 1 giờ để bánh được chắc và ngon hơn.

Hy vọng sau bài viết này mọi người có thể tự tay làm ra những chiếc bánh chưng gạo lứt thơm ngon lại giàu dinh dưỡng cho cả gia đình mình.

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin