Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bật mí các cách trị ho bằng gừng và những điều cần lưu ý khi điều trị

Ngày 18/03/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Gừng là một loại thuốc thảo dược cổ xưa đã được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý thông thường trong kinh nghiệm dân gian. Gừng có tác dụng kháng viêm và giảm đau trong các trường hợp viêm khớp, cũng như giảm các triệu chứng ho, cảm lạnh và cảm cúm,...

Ngoài ra gừng còn có khả năng thúc đẩy quá trình làm lành những vết thương, giảm ngứa và giảm đau rát cổ họng. Với những công dụng trên, gừng thường được dùng để trị ho. Vậy trị ho bằng gừng như thế nào và cần lưu ý những gì? Mời các bạn tìm hiểu những thông tin về cách trị ho bằng gừng trong bài viết này.

Ho là gì?

Ho là một phản xạ thông thường giúp làm sạch cổ họng khi có các tác nhân lạ tấn công đường hô hấp. Ho có thể là một phản xạ tự nhiên của cơ thể hoặc là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó, do đó cần phân biệt rõ giữa ho phản xạ và ho do bị bệnh lý.

Nếu ho kéo dài trong vòng 3 tuần, thì được coi là ho cấp tính. Hầu hết các trường hợp ho cấp sẽ chấm dứt hoặc giảm đáng kể trong vòng 2 tuần. Nếu ho kéo dài từ 3 đến 8 tuần và có sự cải thiện vào cuối thời gian đó thì được gọi là ho bán cấp. Còn nếu ho kéo dài hơn 8 tuần thì được xem là ho mạn tính.

Bật mí các cách trị ho bằng gừng và những điều cần lưu ý khi điều trị 1
Ho có thể do phản xạ tự nhiên hoặc do bệnh lý

Nguyên nhân gây ra tình trạng ho

Các nguyên nhân gây ho thường gặp bao gồm:

  • Dị vật hoặc tác nhân kích ứng: Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để làm sạch đường hô hấp. Khi bị tắc đường thở bởi các chất nhầy hoặc khói bụi, cơ thể phản ứng bằng cách ho để loại bỏ tác nhân kích ứng và giúp hô hấp dễ dàng hơn.
  • Virus và vi khuẩn: Nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm, là nguyên nhân phổ biến gây ho. Thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần và có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Hút thuốc: Thói quen hút thuốc lá được xem là nguyên nhân phổ biến khác gây ra ho mạn tính.
  • Hen suyễn: Trẻ em bị ho có thể do hen suyễn, được nhận biết bởi tiếng khò khè đặc biệt trong cơn ho.
  • Sử dụng thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc, như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) để điều trị tăng huyết áp và bệnh tim, cũng có thể gây ra ho.

Xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp điều trị nhanh chóng, dứt điểm tình trạng ho. Bạn có thể tham khảo các cách trị ho bằng gừng dưới đây để làm dịu cổ họng đồng thời tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Công dụng của gừng trong điều trị ho

Theo Đông y, gừng được coi là dược liệu có tính ấm, vị cay, được sử dụng để điều trị ho, khử phong tán hàn, giữ ấm cơ thể, chữa đau đầu, làm tiêu đờm, đào thải độc tố, kích thích hệ tiêu hóa và hạ sốt. Gừng cũng có khả năng kháng viêm và kháng khuẩn cao, giúp xoa dịu nhanh cơn ho, làm ấm cổ họng, cải thiện tình trạng viêm, sưng và đỏ ửng. Ngoài ra, gừng cũng có tính ấm và vị cay, giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, giảm ngứa và giảm đau rát cổ họng.

Theo Y học hiện đại, gừng chứa một lượng lớn tinh dầu, bao gồm nhiều hoạt chất có lợi như phellandrene, borneol, zingiberol, chavicol, capsaicin, nonanal, citral, zingiberene, methyl heptenone… Những hoạt chất này có tác dụng điều trị ho, cảm lạnh, tăng cường tuần hoàn tiết dịch, chống buồn nôn và nôn ói. 

Gừng cũng có tác dụng tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Đồng thời, gừng cũng giúp giảm đau rát họng, giảm ngứa họng và một số vấn đề khác liên quan đến bệnh ho và bệnh viêm họng.

Bật mí các cách trị ho bằng gừng và những điều cần lưu ý khi điều trị 2
Gừng với công dụng trị ho hiệu quả

Cách trị ho bằng gừng

Trị ho với nước gừng

Nếu nguyên nhân của ho là do cảm cúm, cảm lạnh, bạn có thể sử dụng nước gừng để giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh. 

Cách thực hiện:

Dùng gừng tươi gọt vỏ, giã nhuyễn. Cho vào nồi nước và nấu sôi trong khoảng 10 phút. Sử dụng nước gừng tươi để uống vào buổi sáng sẽ giúp cải thiện tình trạng ho. 

Ngoài ra bạn có thể sử dụng nước sắc gừng kết hợp với vỏ cam (hoặc quýt) và một chút vỏ quế để uống. Cách làm này có thể giúp làm dịu họng và giảm các triệu chứng ho hiệu quả hơn.

Gừng kết hợp với đường phèn

Đường phèn có vị ngọt thanh và có tác dụng làm dịu nhanh cơn đau và rát cổ họng. Ngoài ra, đường phèn còn có tác dụng cải thiện bệnh ho và giúp khắc phục tình trạng viêm nhiễm. Kết hợp giữa đường phèn và gừng sẽ tạo ra một bài thuốc điều trị bệnh ho hiệu quả, giúp giảm các triệu chứng ho và cải thiện sức khỏe.

Cách thực hiện:

Rửa sạch gừng, thái lát mỏng. Cho đường phèn và gừng đem hấp cách thủy trong khoảng 15 phút, để nguội là có thể dùng được. Mỗi ngày ngậm khoảng 2 – 3 lần, sau 2 – 3 ngày cơn ho sẽ thuyên giảm.

Gừng kết hợp với mật ong

Mật ong là một nguyên liệu tự nhiên có tính kháng khuẩn và kháng viêm mạnh mẽ, giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong vòm họng và giảm các triệu chứng ho, ngứa và đau rát cổ họng. Khi kết hợp với gừng, mật ong sẽ tạo thành một bộ đôi hoàn hảo giúp cải thiện bệnh ho một cách hiệu quả.

Cách thực hiện:

Giã nhuyễn gừng và cho vào tách nước nóng. Sau đó cho thêm một thìa mật ong. Sử dụng nước trà gừng để uống vào mỗi buổi sáng để làm dịu họng, giảm ho.

Ngoài ra bạn có thể chế biến gừng và mật ong theo cách sau: Chuẩn bị 1 củ gừng và 200 ml mật ong. Gừng được cắt thành lát mỏng và ngâm trong mật ong, sau đó đặt vào nơi mát để bảo quản. Khi cần dùng, chỉ cần lấy vài miếng gừng đã ngâm và cho vào 1 tách nước nóng. Sau đó, chờ cho gừng thấm đều vào nước, sử dụng để uống sẽ giúp giảm ho hiệu quả.

Bật mí các cách trị ho bằng gừng và những điều cần lưu ý khi điều trị 3
Trị ho bằng gừng kết hợp mật ong là phương pháp quen thuộc 

Trị ho bằng gừng kết hợp với muối

Gừng và muối là một sự kết hợp tuyệt vời trong việc giảm ho và cải thiện sức khỏe đường hô hấp. Muối có khả năng làm sạch và khử trùng niêm mạc cổ họng, từ đó ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Trong khi đó, gừng có tính nóng và kháng viêm, giúp giảm các triệu chứng ho như đau họng, sổ mũi, khó thở và cảm lạnh. 

Cách thực hiện:

Chuẩn bị 1 củ gừng và 1 thìa muối. Trước tiên, bạn không cần gọt vỏ gừng mà chỉ cần rửa sạch và giã nát. Sau đó, đổ muối nước vào chảo và thêm gừng giã vào đun nhỏ lửa. Bạn nên đun đến khi lượng nước chỉ còn khoảng 1/2 so với lúc ban đầu, sau đó lọc lấy nước gừng muối ra và để nguội.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng gừng và muối để làm nước xông hơi hay rửa mũi sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn và giảm các triệu chứng ho hiệu quả.

Trị ho bằng gừng, lá me và chanh tươi

Cách trị ho bằng gừng, lá me và chanh tươi là một phương pháp tự nhiên và hiệu quả giúp làm dịu họng, ấm đường hô hấp từ đó giảm cơn ho nhanh chóng.

Cách thực hiện:

Rửa sạch lá me và gừng, gọt vỏ gừng và thái lát mỏng. Cho lá me và gừng vào nồi, đổ 2 ly nước vào và đun sôi cho đến khi chỉ còn khoảng 1 ly nước. Thêm vào 1 thìa đường và nước cốt chanh vào nồi, khuấy đều. Chờ hỗn hợp nguội và sử dụng để uống.

Nguồn dưỡng chất từ lá me, gừng và chanh tươi cùng với đường sẽ tạo nên một bài thuốc tự nhiên giúp làm dịu cơn ho, làm giảm đau rát họng và giúp bạn nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Lưu ý khi sử dụng nước gừng để trị ho ngứa cổ họng

Các cách trị ho bằng gừng dễ thực hiện tại nhà, tương đối lành tính và có thể sử dụng thời gian dài. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong khi sử dụng, người bệnh cần lưu ý:

  • Mặc dù gừng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng ăn quá nhiều gừng có thể gây ra các tác dụng phụ như chứng ợ hơi, đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy và luôn cảm giác có mùi gừng trong miệng.
  • Ngoài ra, gừng cũng có thể ảnh hưởng đến hormone giới tính của thai nhi và gây ra các vấn đề sức khỏe như sẩy thai, chảy máu khi mang thai, do đó, phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng gừng.
  • Đối với những người bị rối loạn đông máu, cần thận trọng khi sử dụng gừng vì trong gừng có chứa chất làm tăng nguy cơ chảy máu. 
  • Ngoài ra, gừng không nên được sử dụng để điều trị cho những trường hợp bị cảm mạo thử nhiệt, cảm mạo phong nhiệt hoặc những người bị trúng nắng.
Bật mí các cách trị ho bằng gừng và những điều cần lưu ý khi điều trị 4
Nên sử dụng gừng trị ho một cách hợp lý

Trên đây là toàn bộ những thông tin hữu ích về công dụng, các cách trị ho bằng gừng và những lưu ý khi sử dụng gừng trị ho. Hy vọng bài viết sẽ giúp cho bạn đọc có thể áp dụng trị ho bằng gừng an toàn và hiệu quả.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:GừngTrị ho