Thở khò khè là một triệu chứng phổ biến ở trẻ em. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm yếu tố môi trường, khí hậu, béo phì, tuổi tác và các bệnh lý đường hô hấp, thần kinh,... Vì vậy, nhiều phụ huynh lo lắng về việc bé thở khò khè có tiêm phòng được không?
Việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ là một bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe, giúp trẻ tránh khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, bé thở khò khè có tiêm phòng được không? Việc hiểu rõ tình trạng sức khỏe của trẻ và tham khảo ý kiến từ bác sĩ là cần thiết để đưa ra quyết định đúng đắn về việc tiêm phòng trong những trường hợp này.
Bé thở khò khè có tiêm phòng được không?
Bé thở khò khè như có đờm có thể tiêm phòng nếu không có tình trạng nhiễm trùng cấp tínhcần điều trị. Tuy nhiên, tốt nhất nên đợi bé khỏe mạnh hoàn toàn trước khi tiêm để đảm bảo phản ứng miễn dịch tốt hơn.
Nếu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị thở khò khè do các nguyên nhân sinh lý thông thường như dị ứng nhẹ, trào ngược dạ dày thực quản, khó thở khi ngủ, hen suyễn hoặc mềm sụn thanh quản thì vẫn có thể tiêm phòng vắc xin. Trước khi tiêm, bác sĩ chuyên khoa cần phải kiểm tra và xác nhận sức khỏe của trẻ là ổn định, nhịp thở đều và không quá nhanh. Sau khi tiêm, phụ huynh cần theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe của trẻ để kịp thời xử trí thích hợp cũng như tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc sau tiêm của nhân viên y tế.
Một số tình huống thở khò khè sinh lý khác mà trẻ vẫn có thể tiêm vắc xin bao gồm:
Tư thế ẵm hoặc nằm chưa đúng cách: Nếu trẻ thở khò khè do bị tì đè lên đường thanh quản, cha mẹ cần điều chỉnh tư thế ẵm và cho bé nằm đúng cách, tránh nằm sấp hoặc để vật nặng lên ngực trẻ khi nằm.
Ngậm bắt vú sai cách: Trẻ có thể thở khò khè khi sữa tích tụ tại thanh quản do nuốt không kịp, phụ huynh cần điều chỉnh cách cho trẻ bú để tránh sặc sữa.
Nghẹt mũi: Tiếng thở khò khè có thể do nghẹt mũi, gây ra âm thanh tương tự khi không khí đi qua khe hẹp. Để chắc chắn tiếng thở khò khè là do nguyên nhân sinh lý, nên gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Nếu thở khò khè không phải do nguyên nhân sinh lý mà do bệnh lý, cần phân biệt giữa bệnh lý bẩm sinh và bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp:
Viêm nhiễm đường hô hấp: Nếu trẻ bị thở khò khè do viêm phổi hoặc các tình trạng viêm nhiễm khác kèm theo sốt, ho, bú kém, tinh thần lừ đừ thì nên hoãn tiêm chủng và tập trung điều trị cho đến khi tình trạng thuyên giảm và sức khỏe ổn định. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá lại và quyết định tiêm chủng dựa trên lợi ích và nguy cơ.
Bệnh lý bẩm sinh: Cần xác định mức độ diễn biến của tình trạng thở khò khè để quyết định xem trẻ có thể tiêm phòng tại nhà, ở bệnh viện hoặc tạm hoãn tiêm chủng.
Dấu hiệu của thở khò khè ở trẻ
Khò khè là tiếng thở bất thường, trầm và thường nghe rõ nhất khi trẻ thở ra. Âm thanh này có thể phát hiện bằng cách áp tai gần miệng của trẻ (âm thanh giống như tiếng ngáy hoặc "tiếng nhạc"). Khi tình trạng khò khè trở nên nặng hơn, trẻ có thể thở ra kéo dài và phải gắng sức.
Trong nhiều trường hợp, tiếng khò khè có thể khó nghe bằng tai thông thường. Khi đó, bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện triệu chứng này bằng cách sử dụng ống nghe (theo y học gọi là tiếng ran ngáy hoặc ran rít).
Đối với trẻ sơ sinh, cần phân biệt tiếng khò khè với tiếng thở do tắc mũi vì trẻ sơ sinh chủ yếu thở bằng mũi. Kích thước lỗ mũi của trẻ nhỏ và dễ bị tắc khi bị cảm, gây ra tiếng thở khụt khịt. Bạn có thể làm thông thoáng mũi trẻ bằng cách nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào mũi, sau đó nghe lại. Nếu tiếng thở trở nên êm hơn sau khi mũi được thông thoáng thì nguyên nhân có thể là do trẻ bị nghẹt mũi.
Nguyên nhân khiến trẻ thở khò khè
Trước khi giải đáp bé thở khò khè có tiêm phòng được không?, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ thở khò khè. Những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ thở khò khè, bao gồm:
Dị ứng
Khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các tác nhân gây dị ứng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều đờm và dịch nhầy hơn, gây tắc nghẽn đường thở và dẫn đến thở khò khè. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khả năng tự làm sạch cổ họng chưa phát triển hoàn thiện, dẫn đến việc đờm dãi và dịch nhầy không được loại bỏ hiệu quả. Điều này gây tắc nghẽn đường thở và dẫn đến tình trạng thở khò khè.
Hen phế quản
Hen phế quản là một bệnh lý viêm đường thở mạn tính thường gặp ở trẻ em, gây ra các đợt thở khò khè tái diễn. Điều này thường khởi phát bởi triệu chứng khi bé thở gắng sức, thay đổi cảm xúc đột ngột, tiếp xúc với dị nguyên hay viêm nhiễm đường hô hấp.
Mềm sụn thanh quản
Đây là tình trạng bất thường bẩm sinh ở thượng thanh môn mềm, khiến cấu trúc này bị xẹp vào trong, gây ra tiếng thở khò khè.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Khi dịch dạ dày trào ngược lên thực quản và tràn vào phổi, nó có thể gây kích ứng và sưng đường hô hấp, làm cho trẻ thở khò khè.
Khó thở khi ngủ
Đường thở bị tắc nghẽn khi ngủ khiến không khí qua các đường dẫn khí bị hẹp hoặc nén, dẫn đến tiếng thở khò khè.
Viêm phế quản
Đây là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp dưới, thường do virus hoặc vi khuẩn gây ra như virus RSV, Rhinovirus hoặc vi khuẩn phế cầu. Khoảng 80% trẻ thở khò khè cấp tính là do nhiễm virus đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Viêm tiểu phế quản
Thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Virus RSV là nguyên nhân chính gây ho, sốt cao và triệu chứng khò khè, thở nhanh, kích thích quấy khóc và gắng sức của các cơ hô hấp.
Viêm phổi
Dễ mắc ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Khi bị viêm phổi, trẻ thường ho, sốt và thở khò khè, có thể kèm theo thở gắng sức, rút lõm lồng ngực.
Lưu ý, nếu trẻ có các dấu hiệu thở nhanh hơn bình thường, rút lõm lồng ngực, thở gắng sức, ăn kém, sốt cao, li bì, ý thức kích thích, nôn trớ hoặc tiêu chảy, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Vậy bé thở khò khè có tiêm phòng được không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Phụ huynh nên luôn tư vấn ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả tiêm chủng đồng thời theo dõi cẩn thận sức khỏe của trẻ sau khi tiêm. Việc tiêm phòng đúng lịch không chỉ giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà còn góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.