Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách kiểm soát nồng độ acid uric trong máu để bảo vệ sức khỏe

Ngày 23/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nồng độ acid uric trong máu cao có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe như tăng nguy cơ sỏi thận, gout, tăng huyết áp,... Để bảo vệ bản thân và gia đình, việc tìm hiểu về cách kiểm soát nồng độ acid uric trong máu là rất quan trọng.

Khi nồng độ acid uric trong máu tăng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Chế độ dinh dưỡng và lối sống là 2 yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ acid uric, cụ thể như thế nào sẽ được trình bày qua bài viết dưới đây.

Acid uric và chỉ số acid uric

Acid uric có công thức là C5H4N4O3, đây là một hợp chất tự nhiên trong cơ thể, được hòa tan trong máu, sau đó đưa tới thận và cuối cùng là thải ra ngoài thông qua nước tiểu. Acid uric được tạo ra bởi 2 nguồn chính: 

  • Nguồn gốc nội sinh: Acid uric được tạo thành do quá trình dị hóa adenin và guanine của các acid nucleic. Quá trình này xảy ra chủ yếu ở gan, một phần nhỏ thường diễn ra ở niêm mạc ruột.
  • Nguồn gốc ngoại sinh: Acid uric là sản phẩm chuyển hóa của những chất có nhân purin. Purin tồn tại trong một số thực phẩm và đồ uống như hải sản, thịt đỏ, rượu bia,...

Chỉ số acid uric là nồng độ acid uric có trong máu. Để đo chỉ số acid uric, người bệnh thường được chỉ định làm xét nghiệm định lượng acid uric thông qua máu hoặc nước tiểu, thường được đo bằng đơn vị mg/dL hoặc µmol/L. 

C5H4N4O3
Để đo chỉ số acid uric, cần làm xét nghiệm định lượng acid uric thông qua máu hoặc nước tiểu

Căn cứ vào chỉ số acid uric, bác sĩ có thể chẩn đoán được nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh gout, sỏi thận, tăng huyết áp, viêm khớp,... Ngoài ra, chỉ số acid uric còn có thể dùng để theo dõi nguy cơ lắng đọng urat ở thận và nguy cơ suy thận, đồng thời theo dõi nồng độ acid uric của bệnh nhân ung thư đang xạ trị hay hóa trị.

Chỉ số acid uric bình thường được duy trì ổn định ở dưới 420 µmol/L (5,1 ± 1,0 mg/dL) ở nam và dưới 360 µmol/L (4,0 ± 1mg/dL) ở nữ. Khi chỉ số vượt trên mức này, người bệnh sẽ được chẩn đoán là tăng acid uric máu.

Nồng độ acid uric cao có thể gây bệnh gì?

Nồng độ acid uric trong máu có thể gây nhiều tác hại xấu cho sức khỏe, đây là nguyên nhân gây ra một số bệnh lý về cơ xương khớp (điển hình là bệnh gout, viêm khớp), sỏi thận, suy thận, tăng huyết áp, mỡ máu... Đồng thời, tăng acid uric trong máu kéo dài là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, bệnh thận mạn tính, rối loạn chuyển hóa, bệnh tiểu đường,...

Chế độ dinh dưỡng chính là yếu tố có thể kiểm soát nồng độ acid uric trong máu. Chính vì thế, khi có nồng độ acid uric cao bất thường, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng và phù hợp.

Cách kiểm soát nồng độ acid uric trong máu để bảo vệ sức khỏe 2
Nồng độ acid uric trong máu cao có thể gây bệnh gout

Cách kiểm soát nồng độ acid uric trong máu hiệu quả

Như đã đề cập ở trên thì dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chỉ số acid uric. Dưới đây là những thực phẩm nên ăn và thực phẩm nên kiêng để duy trì nồng độ acid uric trong máu ổn định:

Những thực phẩm nên ăn

Để kiểm soát nồng độ acid uric hiệu quả, cần bổ sung một số thực phẩm như:

  • Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ có thể làm chậm quá trình hấp thu đạm, đào thải acid uric hiệu quả. Chất xơ có nhiều trong các loại rau củ như cà rốt, bắp cải, atiso, dưa leo,...
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C có thể làm giảm nồng độ acid uric trong máu hiệu quả, một số thực phẩm chứa nhiều vitamin C như các loại quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi, cam, chanh,...), giấm táo, cà chua, bông cải xanh, súp lơ trắng,...
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Thực phẩm giàu chất chống oxy không chỉ giúp kháng viêm mà còn hỗ trợ cân bằng nồng độ acid uric hiệu quả, ngoài ra còn giúp tăng cường đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, tăng cường quá trình trao đổi chất. Cà rốt, ớt chuông, cải xoăn, quả óc chó,... là những thực phẩm thuộc nhóm này mà bạn nên bổ sung.
  • Uống nhiều nước: Uống đủ lượng nước mà cơ thể cần thiết mỗi ngày luôn là một điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe. 

Những thực phẩm cần tránh

Để hạn chế nguy cơ tăng acid uric trong máu cần hạn chế những thực phẩm sau:

  • Đồ uống có cồn: Rượu, bia chứa chất kích thích có thể làm tăng acid uric trong máu. Với các đối tượng không mắc các bệnh lý về tim mạch, có thể uống một số loại nước khoáng có độ kiềm cao để kiềm hóa nước tiểu, từ đó tăng đào thải lượng acid uric ra khỏi cơ thể.
  • Thịt đỏ và hải sản: Người bị acid uric trong máu cao cần giảm lượng đạm trong khẩu phần ăn, đặc biệt là các thực phẩm giàu đạm có gốc purin như hải sản, thịt bò, thịt trâu, nội tạng động vật như gan, não, thận,... 
  • Thực phẩm muối chua: Các thức ăn như dưa hành muối, nem chua,... có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận do kết tinh urat trong ống thận. Do đó cần hạn chế nhóm thực phẩm này.
Cách kiểm soát nồng độ acid uric trong máu để bảo vệ sức khỏe 3
Thịt đỏ là một trong những thực phẩm cần tránh để kiểm soát nồng độ acid uric trong máu

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về cách kiểm soát nồng độ acid uric trong máu hiệu quả để bảo vệ sức khỏe. Có thể thấy được, việc acid uric trong máu tăng cao có thể gây ra nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh gout, sỏi thận,... Hi vọng với bài viết trên, bạn có thể nắm được những thực phẩm nên và không nên ăn để duy trì được lượng acid uric trong máu ổn định, từ đó bảo vệ sức khỏe khỏi các bệnh lý nguy hiểm ấy.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm