Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe/
  4. Tin y dược

Bệnh tay chân miệng điều trị bằng thuốc nào? Một số dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng

Ngày 10/08/2023
Kích thước chữ

Tay chân miệng là một bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ. Mặc dù được biết đến là một bệnh lý lành tính, nhưng tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu không được can thiệp kịp thời. Vậy bệnh tay chân miệng thường được điều trị bằng thuốc nào? Trẻ bị tay chân miệng sẽ có những biểu hiện ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể lây lan nhanh tạo thành dịch do virus gây ra, phổ biến nhất là hai loại virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Khi trẻ mắc bệnh này thường có các biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, niêm mạc miệng và da bị tổn thương với các nốt phỏng nước xuất hiện ở bên trong miệng, lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông.

Nguyên nhân khiến trẻ bị tay chân miệng

Nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là nhóm virus đường ruột, điển hình nhất là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71). Các loại virus gây chân tay miệng sống trong đường tiêu hóa và lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, chất dịch từ các bọng nước, nước bọt hoặc phân của người bệnh.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng tập trung chủ yếu ở niêm mạc má hoặc ruột, sau đó chúng di chuyển đến các hạch bạch huyết lân cận, rồi xâm nhập vào máu gây ra nhiễm trùng máu. Cuối cùng, virus sẽ dừng lại ở niêm mạc miệng và da.

Bệnh tay chân miệng điều trị bằng thuốc nào? Một số dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng 1
Tay chân miệng biểu hiện chủ yếu với các vết phỏng nước trên da

Đối tượng có nguy cơ mắc tay chân miệng cao nhất là trẻ em, người lớn cũng có nguy cơ nhưng tỉ lệ thấp hơn. Loại virus gây bệnh chân tay miệng thường gặp nhất là virus Coxsackievirus A16 với các triệu chứng nhẹ, có khả năng tự khỏi và ít xảy ra biến chứng. Còn Enterovirus 71 gây bệnh nặng hơn và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hơn như viêm cơ tiêm, viêm não, viêm phổi, suy hô hấp,... thậm chí là tử vong.

Dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng

Như đã đề cập ở trên, bệnh tay chân miệng có thể lây lan nhanh qua nước bọt, các vết phỏng nước và phân của trẻ em nhiễm bệnh. Chính vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu mắc bệnh là vô cùng quan trọng để chủ động điều trị kịp thời bệnh cho trẻ. Về lâm sàng, các dấu hiệu đặc trưng của tay chân miệng có thể diễn biến qua 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài khoảng 3 - 7 ngày, lúc này trẻ chưa xuất hiện các dấu hiệu cụ thể.
  • Giai đoạn khởi phát: Kéo dài từ 1 - 2 ngày, trẻ xuất hiện các biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, đau họng và tiêu chảy.
  • Giai đoạn toàn phát: Kéo dài khoảng 3 - 10 ngày với các triệu chứng: Sốt nhẹ, nôn, loét miệng (vết loét đỏ hoặc phỏng nước có đường kính 2 - 3 mm ở lợi, lưỡi, niêm mạc miệng, khiến trẻ đau, bỏ bú, bỏ ăn,...), phát ban dạng phỏng nước (ban đầu là các nốt ban hồng có đường kính khoảng vài milimet, nổi ở bề mặt da lòng bàn chân, bàn tay, miệng, mông và đầu gối, sau đó sẽ trở thành bóng nước chứa chất dịch khiến trẻ đau đớn). Chú ý rằng nếu trẻ sốt cao và có tình trạng nôn nhiều sẽ dễ có khả năng biến chứng. Những biến chứng như tim mạch, thần kinh và hô hấp thường xuất hiện sớm trong 2 - 5 ngày của bệnh.
  • Giai đoạn lui bệnh: Nếu không có biến chứng, trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn sau 3 - 5 ngày sau đó.
Bệnh tay chân miệng điều trị bằng thuốc nào? Một số dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng 2
Trẻ quấy khóc kèm các nốt phỏng nước nổi trên lòng bàn tay, bàn chân

Ngoài những dấu hiệu kể trên, trẻ mắc tay chân miệng còn có thể có các triệu chứng khác như chảy dãi nhiều, quấy khóc,... Nếu trẻ xuất hiện các biến chứng về thần kinh sẽ hay chới với khi ngủ, giật mình hoặc co giật, thậm chí là hôn mê. Bên cạnh đó, đã có nhiều trường hợp xuất hiện biến chứng liên quan đến phổi như tím tái, suy hô hấp,... 

Khi trẻ xuất hiện bất kì dấu hiệu nào nghi ngờ là mắc bệnh, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh xảy ra những biến chứng tay chân miệng nguy hiểm.

Bệnh tay chân miệng được điều trị bằng thuốc nào?

Tay chân miệng là một bệnh do virus và hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để trị bệnh cũng như chưa có vắc xin để phòng ngừa. Thông thường, khi điều trị bệnh tập trung vào điều trị triệu chứng:

Thuốc hạ sốt

Đối với trẻ bị tay chân miệng có biểu hiện sốt từ 38 độ trở lên, cho trẻ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt với liều lượng 10 - 15 mg/kg. Nếu sau đó vẫn còn sốt cao, sau khoảng 4 - 6 giờ có thể cho bệnh nhi dùng lại. Nếu trẻ không uống được hoặc khó uống thuốc, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt dạng viên đạn đặt hậu môn theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh tay chân miệng điều trị bằng thuốc nào? Một số dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng 3
Khi trẻ sốt từ 38 độ trở lên, cần cho trẻ hạ sốt với thuốc paracetamol

Bù nước và bổ sung chất điện giải

Khi bị tay chân miệng, trẻ dễ bị mất nước, phụ huynh nên bù nước và chất điện giải cho trẻ bằng cách cho bệnh nhi uống dung dịch hydrite hoặc oresol theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thuốc sát khuẩn

Nếu trẻ có dấu hiệu sốt và loét miệng, hãy bổ sung thêm kẽm và vitamin C cho trẻ, dùng dung dịch glycerin borat để lau sạch miệng trước và sau ăn cho trẻ. Có thể dùng gel rơ miệng (zyttee, kamistad,...) để sát khuẩn và giảm đau cho trẻ, giúp trẻ dễ dàng ăn uống hơn. Một số loại thuốc sát khuẩn có thể sử dụng cho trẻ như:

  • Lidocain: Có thể dùng cho trẻ mọi lứa tuổi;
  • Xịt miệng benzydamine: Dùng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên;
  • Súc miệng benzydamine: Dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên;
  • Nước muối sinh lý nồng độ NaCl 0,9%.

Bên cạnh việc sử dụng các dung dịch sát khuẩn, phụ huynh hoặc người chăm sóc bé cần lưu ý rửa tay thật sạch với xà phòng trước khi nấu ăn, cho bé ăn, sau khi tiếp xúc với bé và sau khi đi vệ sinh. Các vật dụng hàng ngày của bệnh nhi như thìa, bát, bình sữa,... cần được đảm bảo tiệt trùng. Có thể sử dụng dung dịch cloramin 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác để ngâm đồ chơi, quần áo của trẻ, lau nhà. 

Một số loại thuốc khác

Khi trẻ mắc tay chân miệng bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện các biến chứng như viêm não, hô hấp, co giật,... bác sĩ sẽ tùy theo tình trạng cụ thể của bé để chỉ định những loại thuốc khác để điều trị. Cụ thể:

  • Triệu chứng não - màng não: Cho trẻ nhập viện để điều trị và dùng thuốc phenobarbital để chống co giật, cắt các cơn co giật kéo dài và đề phòng các tái phát.
  • Viêm màng não do vi khuẩn: Cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, kết hợp theo dõi các triệu chứng hô hấp.
  • Biến chứng viêm não, co giật, rối loạn tri giác, kèm liệt: Dùng thuốc phenobarbital chống co giật, chống phù não và kháng sinh phòng bội nhiễm. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cân bằng kiềm toan, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải và theo dõi chặt chẽ mạch đập, huyết áp, thân nhiệt, nhịp thở và kiểu thở, tri giác của trẻ.
  • Trụy tim mạch, suy hô hấp: Tình trạng này cần được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhi cần được thở máy, thở oxy, dùng thuốc dobutamin, truyền dịch chống sốc, dùng thuốc kháng sinh phòng bội nhiễm, TTM immunoglobulin,...
Bệnh tay chân miệng điều trị bằng thuốc nào? Một số dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng 4
Khi trẻ xuất hiện tình trạng suy hô hấp, cần được thở máy, thở oxy

Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn về một số dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng cũng như một số loại thuốc điều trị tay chân miệng hiện nay. Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh và chưa có thuốc đặc trị, chính vì thế nên phụ huynh cần nắm vững những thông tin về căn bệnh này để chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc, điều trị bệnh nếu trẻ không may mắc phải.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm