Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Biểu hiện và cách điều trị tay chân miệng độ 3

Ngày 22/05/2024
Kích thước chữ

Tay chân miệng độ 3 được xem là giai đoạn nặng của bệnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng phục hồi. Dù tỷ lệ mắc tay chân miệng cấp độ 3 không cao, nhưng chúng ta không nên chủ quan.

Bệnh tay chân miệng được chia thành 4 cấp độ, tương ứng với mức độ nguy hiểm khác nhau. Đa số các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở cấp độ 1 hoặc 2. Tuy nhiên, một số ít trường hợp không được kiểm soát và điều trị tốt có thể chuyển biến thành tay chân miệng độ 3, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và để lại nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

Tay chân miệng độ 3 là gì?

Bệnh tay chân miệng khá nguy hiểm do virus gây ra, biểu hiện là sốt, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân và vòm miệng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 5 tuổi và có nguy cơ biến chứng cao ở trẻ dưới 3 tuổi (chiếm khoảng 75% - 86% ca tử vong do bệnh tay chân miệng). Bệnh có thể xuất hiện quanh năm, với nguy cơ bùng phát thành dịch vào các tháng từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Biểu hiện và cách điều trị tay chân miệng độ 3 1
Tay chân miệng độ 3 đáng báo động và khá nguy hiểm

Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ. Trong đó, tay chân miệng độ 3 đáng báo động, yêu cầu người bệnh phải nhập viện để điều trị. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ các chỉ số nhịp thở, nhịp tim, mạch đập,… và cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng trường hợp cụ thể.

Biểu hiện của tay miệng cấp độ 3

Biểu hiện chính của bệnh tay chân miệng là các tổn thương về da và niêm mạc, đặc biệt ở lòng bàn tay, miệng, lòng bàn chân, gối và mông. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho thần kinh và hô hấp, thậm chí dẫn tới tử vong.

Việc nhận diện biểu hiện của bệnh tay chân miệng theo từng cấp độ sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn.

Ở tay chân miệng độ 3, bệnh tay chân miệng có các biểu hiện sau:

  • Mạch nhanh > 170 lần/phút (khi trẻ nằm yên, không sốt). Có thể mạch chậm (dấu hiệu rất nặng).
  • Vã mồ hôi, cơ thể lạnh toàn thân hoặc khu trú.
  • Huyết áp tăng.
  • Thở nhanh: Cơn ngưng thở, rút lõm ngực, khò khè, thở bụng, thở nông, thở rít thanh quản.
  • Rối loạn tri giác (Glasgow < 10 điểm).
  • Tăng trương lực cơ.

Nhận diện kịp thời các dấu hiệu này sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Cách điều trị

Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị, các phương pháp điều trị dựa trên nguyên tắc điều trị các triệu chứng và tăng hệ miễn dịch cho trẻ. Nếu bệnh còn ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể được chăm sóc tại nhà nhưng nếu bị tay chân miệng cấp độ 3, trẻ phải điều trị nội trú tại bệnh viện.

Biểu hiện và cách điều trị tay chân miệng độ 3 2
Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị

Các phương pháp điều trị tay chân miệng độ 3 gồm:

  • Theo dõi mạch đập, nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp, tri giác, tình trạng ran phổi, SpO2. Ngoài ra, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn cũng được chỉ định.
  • Hạ sốt tích cực.
  • Điều trị co giật (nếu có).
  • Điều trị hạ đường huyết, cân chỉnh điện giải, rối loạn nước.
  • Tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch: Phenobarbital, dobutamin, milrinone, immunoglobulin, midazolam, diazepam,…
  • Cho trẻ nằm đầu cao 30 độ và hạn chế lượng dịch trong cơ thể nhằm ngăn ngừa phù não.

Cách phòng tránh

Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa. Tuy nhiên, dựa trên nguyên nhân, con đường lây truyền và các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bố mẹ có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ, chăm sóc và điều trị bệnh kịp thời là cách tốt nhất để phòng ngừa và ngăn bệnh trở nên nghiêm trọng, tránh để bệnh chuyển thành tay chân miệng độ 3.

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh được khuyến cáo:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn theo khuyến nghị của Bộ Y tế, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi vệ sinh. Bố mẹ cũng nên lưu ý rửa tay đúng cách trước khi chuẩn bị thức ăn, thức uống và sau khi thay tã, thay quần áo cho trẻ.
  • Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi.
  • Thường xuyên khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, đồ dùng cá nhân, khu vực sống và khu vui chơi của trẻ.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi dịch tay chân miệng bùng phát, bố mẹ tránh cho trẻ đến nơi có dịch bệnh hay những nơi đông người.
  • Tập thói quen dùng khăn giấy che mũi, miệng khi ho, hắt hơi cho trẻ. Sau đó, bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác và rửa tay với xà phòng khử khuẩn.
  • Đối với tã lót và đồ vệ sinh sau khi đã sử dụng, bố mẹ chú ý gói gọn và thải bỏ đúng cách.
Biểu hiện và cách điều trị tay chân miệng độ 3 3
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

Tay chân miệng độ 3 là giai đoạn nghiêm trọng của bệnh, đòi hỏi sự chú ý và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh ở cấp độ này không cao, nhưng việc nhận diện sớm các triệu chứng và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, bố mẹ cần duy trì vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ và chú ý đến các dấu hiệu của bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin