Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh tự miễn có nguy hiểm không?

Ngày 13/09/2023
Kích thước chữ

Bệnh tự miễn gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, làm đau nhức, cứng khớp và hạn chế vận động, dễ dẫn đến tàn phế và tử vong. Vậy bệnh tự miễn có nguy hiểm không? Làm thế nào để phòng bệnh tự miễn?

Chức năng của hệ thống miễn dịch là bảo vệ cơ thể, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoạt động nên lại đi tấn công chính các tế bào trong cơ thể, gây ra bệnh tự miễn. Bệnh tự miễn có nguy hiểm không và cách phòng tránh như thế nào? Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp những thắc mắc về bệnh tự miễn trong bài viết dưới đây.

Bệnh tự miễn là gì?

Bệnh tự miễn là tình trạng bệnh lý khi hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn hoặc hoạt động quá mức. Khi đó, hệ thống miễn dịch không đủ khả năng phân biệt giữa tế bào/mô khỏe và tế bào/kháng nguyên có khả năng gây hại nên sẽ tấn công một cách không có chủ đích.

Hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào hệ cơ quan nào thì sẽ gây ra các bệnh lý tương ứng ở đó. Các bệnh tự miễn rất đa dạng, theo ghi nhận đã có hơn 100 bệnh. Các loại bệnh tự miễn thường gặp là:

  • Các bệnh chất tạo keo: Bệnh tự miễn lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren.
  • Bệnh nội tiết: Viêm tuyến giáp mạn Hashimoto, bệnh Basedow, đái tháo đường, Addison tiên phát, suy cận giáp tiên phát, vô tinh trùng tiên phát tự miễn,…
  • Huyết học: Thiếu máu ác tính Biermer, thiếu máu tan máu tự miễn, giảm tiểu cầu tự miễn, bất sản tủy, giảm bạch cầu,…
  • Thần kinh: Bệnh nhược cơ nặng, xơ cứng rải rác, hội chứng Guillain Barré,...
  • Tiêu hóa gan mật: Xơ gan mật tiên phát, viêm gan mạn, bệnh Coeliakie, viêm loét đại tràng xuất huyết, bệnh Crohn,…
  • Thận: Một số bệnh viêm cầu thận và viêm ống thận kẽ, hội chứng Goodpasture.
  • Phổi: Hội chứng Goodpasture.
  • Da: Pemphigus thật sự, viêm mạch.
benh-tu-mien-co-nguy-hiem-khong-3.jpg
Bệnh tự miễn gây ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào trong cơ thể

Bệnh tự miễn có nguy hiểm không?

Bệnh tự miễn thường gặp ở người từ 20 - 40 tuổi, ít xảy ra ở trẻ em và người già. Phụ nữ dễ mắc bệnh tự miễn hơn so với nam giới. Bệnh tiến triển theo từng đợt, trở nặng dần lên nên cũng được gọi là bệnh tự duy trì. Bệnh tự miễn có tính chất di truyền và có thể bị tổn thương đồng thời nhiều cơ quan một lúc.

Vậy bệnh tự miễn có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Bệnh tự miễn rất nguy hiểm vì chúng ta không thể điều trị khỏi hoàn toàn và thậm chí còn có thể gặp biến chứng nặng. Bệnh tự miễn được xếp ở mức nguy hiểm thứ 3 trên thế giới, chỉ sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư. Dù khó điều trị dứt điểm, nhưng nếu chúng ta phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách thì vẫn có thể khắc phục được và ngăn biến chứng nguy hiểm.

Biểu hiện của bệnh tự miễn

Sau khi nắm được bệnh tự miễn có nguy hiểm không, bạn cũng cần tìm hiểu về những biểu hiện của bệnh để nhận biết chính xác tình trạng của mình. Một số biểu hiện của người mắc bệnh tự miễn là:

  • Bị sốt cao và tái phát nhiều lần trong thời gian dài dù đã uống thuốc hạ sốt;
  • Thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi, uể oải, khó tập trung, xuống tinh thần;
  • Phát ban, ngứa trên da, nổi mề đay;
  • Cân nặng tăng hoặc giảm bất thường;
  • Các tuyến ở khớp, cổ họng bị sưng, đau;
  • Dễ bị dị ứng với đồ ăn, đồ uống hoặc bị táo bón, tiêu chảy.

Những biểu hiện này đôi khi dễ bị bỏ qua vì nhầm với một số bệnh thông thường. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan. Nếu phát hiện thấy mình có các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

benh-tu-mien-co-nguy-hiem-khong-1.jpg
Bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau

Nguyên nhân gây ra bệnh tự miễn

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới bệnh tự miễn. Y học hiện đại đã tìm ra một số nguyên nhân như sau:

Ô nhiễm môi trường

Bệnh tự miễn, đặc biệt là bệnh lupus ban đỏ, sẽ trở nặng hơn nếu môi trường sống bị ô nhiễm. Những hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc, thủy ngân, bao ni lông,... có thể gây hại trực tiếp đến hệ miễn dịch. Khi đó, các mô trong cơ thể bị tổn hại và biến đổi khiến hệ miễn dịch “không nhận ra”, gây bệnh tự miễn.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là nguyên nhân gây ra một số bệnh tự miễn như viêm cột sống, sốt thấp khớp,… Các tế bào của cơ thể lúc này bị nhận biết là tương tự vi trùng, do đó hệ miễn dịch tấn công nhầm vào chính tế bào của cơ thể thay vì tiêu diệt vi trùng.

Vi khuẩn đường ruột bị xáo trộn

Trong ruột có hàng tỷ vi khuẩn mang chức năng điều hòa hệ miễn dịch. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng kháng sinh và thuốc ngừa thai quá mức cũng dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Lúc này, bệnh nhân sẽ gặp các chứng tự miễn và rối loạn miễn dịch.

Hội chứng rò ruột

Quá trình tiêu hóa sẽ giảm hiệu quả và màng nhầy ruột sẽ bị tổn hại nếu hệ vi khuẩn đường ruột bị xáo trộn. Khi đó, hàng rào phân cách ruột và máu bị phá vỡ hay còn gọi là hội chứng rò ruột. Các phần tử thức ăn sẽ di chuyển từ ruột vào máu và gây áp lực cho hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch lúc này bị thay đổi và dẫn đến quá trình tự miễn.

Thiếu vitamin D

Vitamin D hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các bệnh ung thư, ngăn ngừa quá trình liên kết của những thành phần chống lại hệ miễn dịch. Do đó, thành phần này đóng vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch. Nếu thiếu hụt vitamin D trong cơ thể, nguy cơ bị bệnh tự miễn sẽ cao hơn.

benh-tu-mien-co-nguy-hiem-khong-4.jpg
Tắm nắng kích hoạt tổng hợp vitamin D nên có lợi cho hệ miễn dịch

Cách phòng tránh bệnh tự miễn

Việc hiểu được bệnh tự miễn có nguy hiểm không có ý nghĩa rất quan trọng. Khi đã nắm được tính chất của loại bệnh này, mỗi người nên có ý thức bảo vệ bản thân, tăng cường hệ miễn dịch. Nhằm phòng tránh các bệnh tự miễn và bảo vệ hệ miễn dịch, chúng ta cần thực hiện những lưu ý sau đây:

  • Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, để cơ thể được nghỉ ngơi điều độ và hạn chế hút thuốc lá.
  • Cố gắng để không bị quá béo hoặc béo phì vì đây có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tự miễn như: Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến,...
  • Duy trì việc khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 - 2 lần để phát hiện sớm những căn bệnh nguy hiểm, trong đó có các bệnh tự miễn.
  • Thường xuyên tập luyện và vận động, lựa chọn môn thể thao phù hợp và luyện tập đều đặn mỗi ngày.
  • Nếu phát hiện bị tự miễn, bạn cần đi khám ngay để được tư vấn hướng điều trị phù hợp. Không tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc vì có thể khiến bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Y học hiện đại đã tìm ra nhiều loại thuốc và kỹ thuật mới để điều trị bệnh tự miễn. Tuy nhiên, các phương pháp này mới chỉ điều trị được triệu chứng chứ chưa thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó, mỗi người nên tìm hiểu về bệnh tự miễn và nâng cao ý thức bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể. Việc đi tìm đáp án cho câu hỏi bệnh tự miễn có nguy hiểm không sẽ giúp bạn nhận thức đúng tính chất của bệnh để nhanh chóng tìm ra giải pháp khi mắc bệnh.

Xem thêm:

Các bệnh tự miễn ngoài da thường gặp nhất

Bệnh viêm não tự miễn hồi phục như thế nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin